Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 12: Treo biển Lợn cưới áo mới
Hướng dẫn
Ngữ văn lớp 6 bài 12: Treo biển Lợn cưới áo mới
Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 12: Treo biển Lợn cưới áo mới. Đây là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm nhằm giúp quá trình ôn tập và củng cố kiến thức chuẩn bị cho kì thi học kì mới môn Ngữ văn của các bạn học sinh lớp 6 trở nên thuận lợi hơn. Mời các bạn tham khảo
Treo biển
I. Kiến thức cơ bản
• Truyện cười: Loại truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiếng cười mua vui hoặc phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.
• Truyện Treo biến: Mượn câu chuyện nhà hàng bán cá nghe ai “góp ý” về cái tên biển cũng làm theo, truyện tạo nên tiếng cười vui vẻ, có ý nghĩa phê phán nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến khi làm việc, không suy xét kĩ khi nghe ý kiến của người khác.
II. Hướng dẫn đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Nội dung tấm biển đề treo ở cửa hàng (“Ở đây có bán cá tươi”) có mấy yếu tố? Vai trò của từng yếu tố? Nội dung tấm biển đề treo ở cửa hàng: Ở đây có bán cá tươi, có
ba yếu tố:
+ Yếu tố 1: Ở đây — nói về địa điểm.
+ Yếu tố 2: Có bán -> nói về tính chất công việc giao dịch (bán khác nhau, hay chế biến).
+ Yếu tố 3: Cá -> nói về chủng loại mặt hàng.
+ Yếu tố 3: Cá tươi -> nói về chất lượng mặt hàng (tươi khác với ươn).
Câu 2. Có mấy người “góp ý” về cái biển đề ở cửa hàng bán cá? Em có nhận xét gì về từng ý kiến?
+ Có bốn ý kiến:
– Ý kiến thứ nhất: Nhà này xưa quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ phải để biển bán cá tươi.
=> Ý kiến này đề nghị bỏ chữ tươi –> tức là bỏ mất thông báo về chất lượng mặt hàng – điều mà khách hàng quan tâm đầu tiên –> tấm biển còn lại: Ở đây có bán cá.
– Ý kiến thứ hai: Người ta chẳng lẽ ra hàng hoa mua cá hay sao mà phải đề ở đây.
=> Ý kiến này đề nghị bỏ thêm từ ở đây tức là bỏ mất thêm một thông tin về địa điểm bán cá, thiếu địa điểm cụ thể, người mua sẽ rất lúng túng. Tấm biển chỉ còn: Có bán cá.
– Ý kiến thứ ba: Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là “có bán”
=> Ý kiến này đề nghị bỏ thêm từ có bán -> tức là bỏ mất thêm thông tin tính chất của hoạt động giao dịch. Người mua sẽ phân vân ở đây bán? Hay mua? Hay chế biến? =>. Tấm biển chỉ còn từ cá.
– Ý kiến thứ tư: Chưa đi đến đầu phố đã ngửi mùi tanh, đến gần nhà thấy đầy cá, ai chẳng biết là bán cá, mà còn đề biển làm gì nữa.
-> Với ý kiến thứ tư, thì tấm biển đã bị “hết đời”.
+ Cả bốn người góp ý đều vui vẻ chân tình, song các ý kiến của họ, thiên về lối bắt bẻ chữ nghĩa không có cơ sở khoa học – Từ một tấm biển đầy đủ thông tin về các phương diện bị xoá dần – xoá dần và mất hẳn.
Câu 3. Đọc truyện này, những chi tiết nào làm em cười? Khi nào cái đáng cười được bộc lộ rõ nhất? Vì sao?
+ Đọc truyện này chi tiết làm ta buồn cười đó là thái độ của nhà hàng trước sự góp ý của mọi người. Nhà hàng không hề có sự suy nghĩ hay phản bác gì cả mà lại nhanh nhảu làm theo như một cái máy.
+ Nhưng buồn cười nhất là hành động cất đi cái biển của nhà hàng, vô lí đến thế mà nhà hàng vẫn làm theo.
Câu 4. Ý nghĩa của truyện Truyện “Treo biển” đã tạo nên tiếng cười vui vẻ, có ý nghĩa phê phán nhẹ nhàng những người thiếu bản lĩnh, thiếu suy nghĩ độc lập khi làm việc, cũng như khi nghe người khác góp ý, nhận xét.
(Theo Vũ Dương Quỹ – Lê Bảo – SĐD 6)
III. Hướng dẫn luyện tập
Nếu nhà hàng bán cá trong truyện nhờ em làm lại cái biển, em sẽ tiếp thu và phản bác những ý kiến của bốn người như thế nào, hoặc sẽ làm lại cái biển ra sao?
+ Nếu em là nhà hàng em có thấy rằng ý kiến của người thứ nhất là tạm chấp nhận được. Vì tấm biển dựng lên đã thay cho hai chữ ở đây rồi. Còn các góp ý hai, ba, bốn là không thể chấp nhận được.
+ Nếu làm lại tấm biển ta có thể đề như sau: Nhà hàng bán cá tươi.
+ Qua truyện này ta thấy rằng khi dùng từ phải đúng với sự vật, với nội dung cần diễn đạt.
Lợn cưới, áo mới
I. Kiến thức cơ bản
Truyện Lợn cưới, áo mới chế giễu, phê phán những người có tính hay khoe của, một tính xấu khá phổ biến trong xã hội.
II. Hướng dẫn đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Em hiểu như thế nào về tính khoe của? Anh đi tìm lợn khoe của trong tình huống như thế nào? Lẽ ra, anh phải hỏi người ta ra sao?
+ Tính khoe của: Là một tính xấu, cố ý và tìm mọi cơ hội để làm cho người ta thấy, làm cho người ta biết mình là người giàu có.
+ Sự khoe của của anh đi tìm lợn
– Đáng lẽ người khoe của trước phải là anh áo mới, nhưng anh ta chưa kịp phản ứng khi có người đi qua thì đã bị anh lợn cưới giành mất.
– Anh đi tìm lợn đáng lẽ chỉ cần hỏi người ta: “Anh có thấy con lợn nào chạy qua đây không?”. Thế nhưng anh lại dùng từ lợn cưới là từ không thích hợp để chỉ con lợn bị sổng. Đây là dùng từ dư thừa có dụng ý → nhằm khoe cưới hơn là tìm lợn bị mất. Khoe mình sắp cưới vợ, khoe về cỗ linh đình.
– Người thích khoe luôn tìm mọi cơ hội để khoe ngay cả lúc đang gấp rút, vội vã vẫn không quên điều đó.
Câu 2. Anh áo mới thích khoe đến mức nào? Điệu bộ của anh ta khi trả lời có phù hợp không? Hãy phân tích yếu tố thừa trong câu trả lời của anh.
+ Tính thích khoe của anh áo mới hết sức quá đáng: Đứng ngay ở cửa để mọi người dễ nhìn thấy.
– Đứng từ sáng đến chiều (Sự kiên trì hiếm có).
=> Khoe một chút cho vui thì được, còn cách khoe của anh này đến mức bất bình thường -> trở thành như một thứ bệnh: Bệnh khoe.
+ Điệu bộ khi trả lời:
– Giơ ngay vạt áo ra: “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả”.
– Thừa trong cả lời nói và thừa trong cả hành động → Sự dư thừa ấy có chủ đích tìm cách khoe chiếc áo mới của mình mà anh đã chờ từ sáng đến chiều mới có người để khoe.
– Mặc dù bị anh lợn cưới nẫng tay trên trước, nhưng anh áo mới cũng đã tỏ ra là một cao thủ già dặn với hành động giơ áo, và câu trả lời: “Từ lúc mặc cái áo mới này” anh đã lật ngược ván cờ một cách bất ngờ, nhanh chóng gỡ hoà với đối thủ của mình một cách ngoạn mục.
Câu 3. Đọc “Lợn cưới, áo mới” vì sao em lại cười?
+ Đọc “Lợn cưới, áo mới” chúng ta cười vì tính thích khoe của một cách quá đáng của hai nhân vật.
+ Cười còn bởi vì tình huống truyện hết sức lí thú hấp dẫn, để cho hai đối thủ thích khoe chạm trán nhau trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt.
Câu 4. Hãy nêu ý nghĩa của truyện “Lợn cưới, áo mới”.
+ Câu chuyện đã đưa đến cho người đọc tiếng cười vui vẻ, sảng khoái sau ngày lao động mệt nhọc.
+ Phê phán những kẻ có tính hay khoe của một cách lố bịch, thái quá, dẫn đến hậu quả chỉ làm trò cười cho thiên hạ.
III. Tư liệu tham khảo
Ý nghĩa độc đáo của cái cười là ở chỗ, nó nâng con người cao hơn hoàn cảnh. Với thói hư tật xấu, khi ta cười nó, ta đứng ở vị trí bên trên nó. Như vậy cái cười, ở chiều sâu của nó, dường như đang có một cái gốc là những cảm xúc thấm đượm chất nhân văn – đó là sự nhiệt tình bảo vệ thống thiết con người, niềm mong muốn con người sống tốt hơn, đẹp hơn.
(Theo Đỗ Bình Trị – Truyện cười và phân tích truyện cười)
Nụ cười, tiếng cười là biểu hiện cảm xúc tự nhiên, hồn nhiên của con người trong cuộc sống. Ngoài những trường hợp đặc biệt, cười ra nước mắt, cười cay đắng đau khổ, đa số chúng ta khi vui, hay bắt gặp một việc gì, nhìn thấy điều gì ngược đời, chướng mắt thì cất tiếng cười. Trong kho tàng Văn học dân gian cha ông ta đã sáng tác cả một rừng cười, gọi là truyện tiếu lâm. Truyện cười ấy, rừng cười ấy là muôn vàn hoa lá khác nhau. Có truyện cười vui hóm hỉnh, xuề xoà để xoá đi những mệt nhọc trong lao động. Có truyện sâu cay châm biếm để chế giễu phê phán thói hư tật xấu, hoặc đả kích kẻ thù.
(Theo Vũ Dương Quỹ – Lê Bảo – Bình giảng văn 6)
Lợn cưới, áo mới là một truyện cười ngắn gọn nhưng hay và thú vị. Tình huống gây cười đặc sắc, kịch tính cao, cách dẫn truyện khéo, kết thúc đột ngột bất ngờ – tất cả đã làm cho tiếng cười bật ra giòn giã, sảng khoái, để phê phán một cách nhẹ nhàng thấm thía cái tính hay khoe của người đời. Nó xứng đáng là một trong những truyện cười vào loại hay nhất trong kho tàng truyện dân gian nước ta.
(Theo Nguyễn Xuân Lạc – Hướng dẫn tự học ngữ văn 6)
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan bài Ngữ văn 6 bài 12
Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 12: Kể chuyện tưởng tượng – Viết bài tập làm văn số 3
Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 12: Số từ và lượng từ
Theo Baivanhay.com