Phân tích nhân vật cậu bé thông minh trong truyện cổ tích Em bé thông minh
Hướng dẫn
Đề bài: Em bé thông minh trong câu chuyện cổ tích cùng tên đã dùng sự tài trí của mình để vượt qua mọi thử thách, khiến nhà vua và mọi người phải khâm phục. Em hãy phân tích nhân vật cậu bé thông minh trong truyện cổ tích Em bé thông minh.
-
I. Dàn ý chi tiết
-
1. Mở bài
- Giới thiệu truyện cổ tích Em bé thông minh và nhân vật cậu bé thông minh: Truyện cổ tích “Em bé thông minh” là một truyện cổ tích đặc sắc của dân tộc ta, truyện đã đưa ra các thử thách để nhân vật vượt qua, khẳng định trí thông minh của mình và tạo nên sức hấp dẫn của câu chuyện
2. Thân bài
-Sự nhanh nhẹn và tài trí của em ở lần giải câu hỏi của viên quan: Trong khi người cha lúng túng không biết trả lời thì em bé đã nhanh chóng đáp trả bằng cách hỏi ngược lại viên quan “ngựa của ông đi một ngày được mấy bước?”
-Sự tài trí trong những lần thử thách của vua: Em bé vốn đã hiểu được thử thách của nhà vua, nên khi đến gặp nhà vua em đã đặt lại cho nhà vua một tình huống ngược lại, mong cha sinh cho mình thêm một em bé
-Tài trí thông minh từ kinh nghiệm dân gian đã giúp em giải đố giúp vua: Chỉ bằng một câu hát rất ngắn gọn mà em đã giải được câu đố của quan sứ, em đã giải câu đố bằng chính những kinh nghiệm thực tiễn và trí khôn của dân gian.
3. Kết bài
Ý nghĩa nhân vật cậu bé thông minh: Em bé thông minh là đại diện cho trí khôn của dân gian, một em bé nông thôn lại được nhà vua trọng dụng và phong làm trạng nguyên.
-
II. Bài tham khảo
Truyện cổ tích “Em bé thông minh” là một truyện cổ tích đặc sắc của dân tộc ta, truyện đã đưa ra các thử thách để nhân vật vượt qua, khẳng định trí thông minh của mình và tạo nên sức hấp dẫn của câu truyện. Nhân vật em bé thông minh chính là trung tâm của câu truyện, em đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bởi chính trí thông minh, lanh lợi của mình, đại diện cho tài trí của dân gian.
Cách vào truyện rất tự nhiên, hợp lý, em bé thông minh xuất hiện và trải qua hàng loạt những thử thách để chưng minh tài trí của mình. Lần thứ nhất, viên quan đang đi tìm người hiền tài cho đất nước, gặp hai cha con em bé thông minh liền đưa ra câu đố “trâu một ngày cày được mấy đường?”. Trong khi người cha lúng túng không biết trả lời thì em bé đã nhanh chóng đáp trả bằng cách hỏi ngược lại viên quan “ngựa của ông đi một ngày được mấy bước?”, tuy không trực tiếp trả lời câu hỏi nhưng có thể thấy đây là một cậu bé rất nhạy bén, nhanh trí.
Lần thứ hai, vua là người trực tiếp đưa ra thử thách, ngài đưa cho em bé thông minh ba thúng gạo nếp, ba con trâu đực và ra lệnh phải nuôi ba con trâu ấy đẻ ra được chín trâu con. Trong khi cả làng ai nấy đều lo sợ thì em bé vẫn ung dung, bình thản, bảo mọi người mổ trâu khao cả làng. Em bé vốn đã hiểu được thử thách của nhà vua, nên khi đến gặp nhà vua em đã đặt lại cho nhà vua một tình huống ngược lại, mong cha sinh cho mình thêm một em bé. Nhà vua đã mắc bẫy, phải bật cười và thừa nhận sự thông minh của em. Em đã rất khéo léo chỉ ra cho vua thấy những điểm bất hợp lí giữa hai sự việc có sự tương đồng như nhau.
Để có thể chắc chắc tin rằng em bé là một người thông mình, nhà vua đã tiếp tục đưa ra thử thách cuối cùng: ban cho em chim sẻ và yêu cầu em làm thành ba mâm cỗ. Cũng như lần trước, em bé thông minh lại đặt ra yêu cầu ngược lại cho nhà vua, xin nhà vua rèn cho ba con dao từ một cây kim khâu để làm thịt chim. Đến chi tiết này, quả là em bé thông minh thực sự có tài trí, hiếm có ai lại phản ứng nhạy bén được như em, lần thử thách này nhà vua đã phải tâm phục, khẩu phục tài trí thông minh của em. Nhưng thử thách lớn nhất đối với em chính là câu đố của sứ thần nước láng giềng. Khi mà tất cả vua quan đại thần đều bó tay thì em chỉ cần nghe xong đã giải ra đáp án:
“…Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng
Bên thời lấy giấy mà bưng
Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang…”
Chỉ bằng một câu hát rất ngắn gọn mà em đã giải được câu đố của quan sứ, em đã giải câu đố bằng chính những kinh nghiệm thực tiễn và trí khôn của dân gian.
Em bé thông minh là đại diện cho trí khôn của dân gian, một em bé nông thôn lại được nhà vua trọng dụng và phong làm trạng nguyên. Điều đó đã cho thấy không có sự phân biệt cao sang – thấp hèn mà chỉ có thước đo thông minh tài trí. Em bé đã giải đố bằng chính kinh nghiệm dân gian mà ông cha để lại, góp phần đề cao trí khôn dân gian.
Theo Baivanhay.com