Kể lại một việc mà em đã làm khiến bố mẹ vui lòng – Bài 1
Trong cuộc sống văn minh hiện đại với những bộn bề công việc, có bao giờ bạn ngồi ngẫm lại có bao lần bạn làm được việc nào tốt chưa? Tôi đã làm được rất nhiều việc tốt nhưng việc mà tôi nhớ nhất là có lần tôi nhặt được một chiếc ví tiền đem trả lại cho người bị mất. Chuyện là như thế này.
Hôm đó là một buổi sáng chủ nhật tuyệt đẹp. Bầu trời trong xanh, quang đãng, những chị mây trôi bồng bềnh trên bầu trời như những chiếc thuyền trôi lững lờ trên làn nước trong xanh, êm dịu. Ông mặt trời từ từ ló rạng với những tia nắng ban mai đang nhảy múa tung tăng trên mặt đường tấp nập xe cộ qua lại. Vào lúc 8h, tôi đang ngồi xem tivi cùng với gia đình bỗng một tiếng kêu phát ra từ tiếng lầu vang lên: “Quốc ơi! đi xem phim cùng với bọn này không?”. Tôi liền nhận ra đó là tiếng của bạn Hiếu, tôi lật đật chạy ra phía cửa sổ và nói: “Chờ tôi một chút”. Tôi liền xin phép bố mẹ cho đi xem phim, bố mẹ tô gật đầu đồng ý và thế là tôi sửa soạn quần áo và chạy xuống cùng với các bạn của mình. Vừa xuống nhà chúng tôi bắt đầu đi với câu chuyện tán dóc rất hài hước. Đi được một quãng đường tôi mới hỏi: “Bây giờ chúng mình đi xem phim gì?”. Tài nói: “Đi xem Turbo – Ốc sên siêu tốc”, nghe nói phim này hay lắm!”. Tôi liền đáp lại: “Ừ”, tôi nghĩ trong đầu: “Đây là một bộ phim mà mình đã đợi lâu lắm rồi”. Tới nơi, các bạn rất háo hức muốn xem bộ phim này không chỉ riêng tôi. Đứng trước rạp phim, tôi thấy rạp rất đẹp với những ánh đèn chiếu lấp lánh xuống đường. Thì ra đó là rạp “BHD – STAR”.
Không gian chỗ hẹp này rất rộng rãi và thoáng mát với những hàng cây xanh tạo nên bầu không khí trong lành. Ngó qua ngó lại thì bỗng nhiên tôi thấy một cái gì đó rơi ở đằng kia. Sự tò mò của tôi lại trỗi lên. Tôi liền nghĩ ra một kế và nói: “Chết chưa. Mình quên tiền ở nhà rồi, để tôi chạy về nhà lấy”. Quyên nói: “Để tôi cho bạn mượn”. Tôi liền nói: “Thôi mình không muốn mượn tiền của ai cả”. Vừa dứt lời, tôi liền chạy về và núp vào vách tường kề bên rạp. Các bạn lúc đó cũng đã vào rạp. Thừa lúc các bạn vào, tôi liền chạy tới chỗ đồ vật khi nãy. Thì ra đó là một chiếc ví da cá sấu rất đắt tiền. Chiếc ví màu đen, viền màu vàng đất nhìn rất sang trọng và nghĩ: “Chắc trong đây có nhiều tiền lắm đây!”. Tôi liền mở ví ra thì thấy rất nhiều tiền trong ví, có cả tiền đô trong đó nữa, mọi điều ước bấy lâu nay tôi mong muốn bỗng dần hiện ra một cách rõ ràng mồn một. “Đây là một số tiền lớn, mình có thể mua cho ba một chiếc điện thoại để làm quà sinh nhật cho ba. Hay cũng có thể mua một chiếc Iphone mà mẹ mình luôn mong đợi. Hoặc một đồ chơi siêu nhân cho đứa em ở nhà. Còn tiền đóng học phí cho ba mẹ bớt vất vả. Số tiền này mình cũng có thể bao các bạn đi ăn kem, xem phim”.
Thế nhưng, bên cạnh những điều ấy cũng là những chất vấn của bản thân tôi: “Mình lấy số tiền này, người bị mất sẽ rất buồn và lo lắng. Người đó đã làm việc rất cực nhọc để có được số tiền này. Hay người đó đã vay tiền nóng để đóng phí cho con cái chẳng hạn. Mình phải làm sao đây?”. Tôi đứng lưỡng lự và ra quyết định cuối cùng đó là đến đồn công an gần nhất để đưa cho chú công an gửi lại người bị mất. Chút nữa, tôi lại tiếp tục nghĩ “chắc không sao đâu, mình lấy tiền này đâu có ai biết, mình cứ giữ lấy”. Lại một ý kiến khác chợt xuất hiện: “Lỡ người ấy rất buồn và đang đau khổ vì đã đánh rơi nó thì sao?”. Thế là tôi vẫn giữ lập trường là đem đến đồn công an. Tôi không biết đường nên đã hỏi bác xe ôm gần đó. Cuối cùng, tôi cũng đã đến được đồn công an. Tôi liền chạy vào và nói: “Chú ơi! Con đã nhặt được cái ví này, chú hãy giúp con trả lại cho người bị mất”. Chú công an liền hỏi thăm tôi, tên tôi, trường lớp tôi học nhưng tôi không biết để làm gì. Tôi ngồi nghỉ ngơi một chút trong đồn. Một lúc sau bỗng nhiên có một chú chạc tuổi bố tôi đi vào với vẻ mặt lo lắng và hớt hải: “Anh công an ơi, anh có nhận được một chiếc ví tiền da cá sấu màu đen viền vàng đất không?. Chú công an mỉm cười và nói: “Tôi có nhận được chiếc ví đó của anh từ một chú bé đang ngồi nghỉ ở đằng kia”. Chú ấy chạy lại và nói: “Có phải con đã nhặt được chiếc ví của chú phải không?”. Tôi thẳng thắn trả lời: “Dạ phải ạ”. Chú đó liền móc trong túi ra một số tiền gửi cho tôi, tôi liền từ chối không nhận. Chú cảm ơn tôi rối rít vì đó là số tiền chú vay của người bạn để lo cho công việc gia đình. Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì mình vừa làm được việc tốt. Về đến rạp, bộ phim cũng đã kết thúc. Tôi đi về nhà và kể lại toàn bộ câu chuyện cho bố mẹ nghe. Bố mẹ nghe xong liền ôm tôi vào lòng và khen rằng tôi rất ngoan và tốt bụng vì đã giúp chú ấy. Tôi nhận ra được một điều rằng, khi ta làm việc tốt thì niềm vui và hạnh phúc còn lớn lao hơn rất nhiều số tiền mà ta nhặt được. Vào thứ hai đầu tuần, giờ chào cờ bỗng nhiên tôi được gọi lên giữa sân trường để tuyên giương và được trao tặng một phần quà vì đã làm được một việc tốt. Bây giờ tôi mới hiểu ra tại sao chú công an lại xin tên, trường lớp nơi mình đang học.
Qua câu chuyện nay, tôi rất tự hào về việc làm tốt của mình vì có thể trong tình huống ấy ít ai có thể làm được như thế. Tôi hứa với bản thân rằng sẽ cố gắng làm nhiều việc tốt hơn nữa để xứng là cháu ngoan của Bác Hồ kính yêu.
Kể lại một việc mà em đã làm khiến bố mẹ vui lòng – Bài 2
Có một lần, tôi đã làm một việc khiến ba mẹ rất vui lòng. Cảm giác làm được tốt trong lòng thấy vui lắm, vì lúc ấy tôi mới học lớp bốn thôi.
Hôm đó, một ngày chủ nhật, ánh nắng mặt trời trãi khắp không gian chiếu lên những giọt sương còn đọng trên lá cỏ làm nó lung linh như những viên pha lê. Một ngày được nghĩ ngơi thư giản sau một tuần học tập và làm việc vất vã của mọi người. “Một ngày rãnh rỗi mà không đi chơi thì thật là lãng phí thời gian” chỉ nghĩ thôi tôi thấy lâng lâng trong người. Tôi vừa đi ra phòng khách vừa hát “Một ngày mới nắng lên, ta đưa tay chào đón…là…la…lá…lá…la..” thì thấy ba mẹ lăng xăng làm chuyện gì đó, tôi tò mò hỏi “Ba mẹ đang làm gì vậy ạ?” “À! Ba mẹ chuẩn bị đi thăm bạn cũ, đã lâu rồi không còn gặp con à” ba tôi đáp. Mẹ nói với thêm vào “Hôm nay con trông nhà và giúp ba mẹ làm việc nhà nhé! Chiều ba mẹ về có quà cho con”. Nghe mẹ nói xong tôi cảm thấy cụt hứng, những dự định được đi chơi tan biến, chưa làm việc gì mà cảm thấy mệt mỏi. Trước giờ tôi có động tay, động chân vào mấy việc này đâu, có thời gian rãnh là đi chơi với đám bạn nên mệt mỏi là phải rồi.
Ba mẹ tôi vừa ra khỏi nhà thì lũ bạn tôi chạy ùa vào “Linh ơi! Đi thôi!”, một đứa trong bọn la lên, tôi ngạc nhiên hỏi “Đi đâu?” “Mày không nhớ hôm nay là ngày gì à?” Ngân hỏi lại, nó nhìn cái mặt ngơ ngác của tôi và nói tiếp “Hôm nay là ngày sinh nhật Minh Thư lớp mình đấy” Tôi chợt nhớ ra và nói “Chút xíu nữa là quên mất, cảm ơn các bạn nha”. Tôi mời các bạn vào nhà và nói “Chờ tao một chút, đi thay quần áo”. Bước vào trong nhìn thấy nhà còn bề bộn, dơ bẩn tôi chợt nhớ lời mẹ dặn lúc nãy tôi nghĩ bụng “Chết rồi nhà cửa như thế này làm sao mà đi được, với lại buổi tiệc cũng sắp bắt đầu rồi”. Tôi đắn đo cân nhắc có nên đi hay không, nếu đi thì tất cả việc nhà mẹ giao mình không làm chắc mẹ buồn lắm và mẹ phải bắt tay vào dọn dẹp thì càng vất vã. Còn nếu tôi không đi sinh nhật thì Minh Thư sẽ giận và không chơi với tôi nữa, sinh nhật nó bốn năm mới tổ chức một lần vì nó sinh vào ngày 29/2. Tôi phải làm sao đây…? Một đứa ham chơi như tôi đây mà bỏ lỡ một cuộc vui như vầy thì thật là đáng tiếc. Suy nghĩ một hồi lâu, tôi quyết định ở nhà dọn dẹp nhà cửa. Chạy ra cửa nói với đám bạn là tôi không đi được và gởi lời xin lỗi đến Minh Thư. Có thể nó giận và không chơi với tôi thì cũng một thời gian ngắn thôi, thế nào rồi cũng quay lại, tính Thư trước giờ là như vậy.
Tôi bắt tay vào công việc. Bắt đầu là phòng ngủ, sắp xếp lại mền, gối cho ngay ngắn, quét dọn phòng sạch sẽ, kéo rèm lên cho nắng sớm vào phòng. Tiếp đến phòng khách phải quét bụi trên tủ, bàn rửa bộ ấm chén uống trà của ba và lau sạch nền gạch. Bước xuống bếp thấy chén đủa ăn sáng còn ngổn ngang trên bàn, một thau đồ mẹ giặt chưa phơi, trên bếp còn bề bộn xoong nồi, tôi hít một hơi dài và bắt tay vào việc. Trước giờ tôi chưa làm việc này nhưng vừa làm vừa nhớ lại lời mẹ dạy, miệng ngân nga câu hát mà công việc đã xong lúc nào không hay. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy mồ hôi của mình chảy như suối vậy, cảm giác mệt mỏi xen lẫn niềm vui. Thành quả lao động của một cô bé luôn lười biếng, ỉ lại ba mẹ, nhiều lúc ba mẹ nói lắm mới giúp, bây giờ làm việc một cách tự giác và hoàn thành rất tốt công việc được giao, trong lòng thấy vui sướng làm sao! Hạnh phúc biết bao! Thật sung sướng khi mình đã chiến thắng bản thân để vượt lên chính mình.
Khỏi phải nói, chiều đó ba mẹ về, vừa bước vào nhà đã vui cười ba khen “Con gái của ba rất ngoan, biết nghe lời ba mẹ, cảm ơn con rất nhiều” tôi bẽn lẽn “Dạ con đã lớn rồi phải không mẹ”. Mẹ nói “Con mẹ đã lớn rồi, quà của con đây này” vừa nói mẹ vừa lấy trong túi ra một con gấu bông xinh xinh tặng cho tôi “Cảm ơn ba mẹ, con thích lắm”. Mẹ làm cơm chiều thật ngon để đãi tôi vì thành quả lao động của một ngày “làm việc”.
Sau ngày hôm đó tôi suy nghĩ nhiều về bản thân “Mình có thể làm được nhiều việc hơn thế nữa, tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình”. Hoàn thành một việc tốt làm cho ba mẹ vừa lòng và mình cũng cảm thấy hạnh phúc nhân lên gấp bội. Về sau tôi làm được nhiều việc hơn, cố gắng giúp đỡ ba mẹ bớt cực nhọc sau những ngày làm việc vất vã. Hôm nay tôi chia sẻ cho các bạn một mốc son trong đời và là một kỹ niệm đẹp làm tôi nhớ mãi.
Kể lại một việc mà em đã làm khiến bố mẹ vui lòng – Bài 3
Con đường về nhà hôm nay sao mà dài thế! Dài hơn rất nhiều so với niềm vui mừng phấn khởi của em. Em đạp xe về nhà, vội vã hơn thường lệ, để chỉ mong được khoe với mẹ về việc làm hữu ích của mình trong buổi sáng hôm nay.
Sáng nay trời chuyển sang thu, tiết trời hơi lạnh. Em đạp xe tới trường mà miệng không ngớt xuýt xoa vì những cơn gió heo may và những giọt mưa lất phất gọi cái rét đầu mùa. Hình như người ta cảm thấy lạnh hơn lúc đầu mưa thì phải. Đang mải mê với những câu hát vu vơ, em bỗng giật mình: Sao mới sáng sớm mà đã có một cụ già trông tội nghiệp thế kia. Em quyết định dừng xe dù rất vội vì có vẻ như cụ già đang rất lạnh và lại bị lạc đường thì phải. Vừa xuống xe em liền hỏi:
– Cháu chào cụ ạ! Hình như cụ đang muốn hỏi đường có phải không?
Cụ già ngẩng mặt lên. Bây giờ em mới quan sát kỹ: cụ già chừng 75 tuổi, khuôn mặt nhăn nhúm lộ rõ một cuộc đời vất và phong sương. Cụ mặc chiếc áo nâu đã cũ và khá mỏng. Em đoán chắc nó không đủ che ấm cho cụ lúc này.
– Cụ mới ở quê ra. Nhà con trai cụ trước ở gần đây nhưng giờ đã chuyển ra chỗ mới, cụ thì không rõ đường đi đằng nào. Mà trời hôm nay sao tự dưng lạnh quá.
À thì ra là vậy! Nhưng mình cũng đâu biết đường, em nghĩ. Nhưng có cách rồi:
– Cháu cũng không rõ đường bà ạ! Nhưng cháu sẽ giúp bà đến chỗ các chú công an kia để hỏi đường và trước hết là để bà nghỉ cho đỡ lạnh.
Mải đưa cụ già qua những làn xe dày đặc để đến chỗ những chú công an, em quên béng đi giờ học. Lúc vừa quay lại thì đã muộn giờ. Em chỉ kịp chào bà lão, nói lại với chú công an địa chỉ của mình rồi lên xe đạp vội.
Đến lớp em bị muộn mười lăm phút đầu giờ và bị cô giáo phê bình. Ngại ngùng, em lặng lẽ đi vào lớp. Nhưng bài học vừa diễn ra chưa đầy nửa tiếng thì chú công an ban nãy đến lớp học của em. Chú trao đổi với cô giáo chủ nhiệm bên ngoài lớp trong sự ngơ ngác, xôn xao của cả lớp. Rồi cô giáo bước vào tươi cười nói:
– Trước hết cô xin lỗi Ngọc Linh vì chưa hỏi kỹ đã vội phê bình. Các em ạ! Hôm nay bạn Linh đi muộn không phải vì cố tình vi phạm nội quy mà là vì bạn ấy đã giúp một cụ già bị lạc tìm thấy nhà của con trai mình. Trước tập thể, cô khen ngợi Ngọc Linh. Còn các em, cô nghĩ đó cũng là một bài học tốt đối với tất cả chúng ta.
Buổi học hôm ấy lại tiếp tục sôi nổi và ý nghĩa. Còn em, em vừa vui vừa rất tự hào. Chắc hẳn bố mẹ em cũng sẽ rất hài lòng về việc làm hữu ích của con gái mình.