Văn mẫu lớp 6: Tả cảnh Hồ Gươm
Hướng dẫn
Tả cảnh Hồ Gươm lớp 6
Văn mẫu lớp 6: Tả cảnh Hồ Gươm bao gồm các bài văn hay chọn lọc được VnDoc sưu tầm, tổng hợp giúp các em học sinh có thêm nhiều ý tưởng hoàn thiện cách làm bài văn miêu tả lớp 6. Mời các em cùng tham khảo chi tiết.
Tả cảnh Hồ Gươm – Ngữ văn lớp 6
Bài văn mẫu 1
Hồ Hoàn Kiếm, hồ Gươm, là một di tich lịch sử, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của cả nước nhưng phải đến khi mười tuổi em mới được đến thăm hồ lần đầu tiên. Phong cảnh của hồ đã khiến em vô cùng ngỡ ngàng.
Trong những bài học về những địa danh của đất nước, cô giáo em nói rằng Hồ Gươm là viên- ngọc giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Được tận mắt nhìn thấy hồ Gươm em thấy quả đúng như vậy. Nước hồ trong xanh soi bóng những cây lộc vừng, những hàng liễu rủ trên bờ. Lộc vừng và liễu rủ thi chạy quanh hồ như một hàng mi cong vút, yểu điệu. Em thích nhất là hình ảnh những cây lộc vừng trồ hoa: Thân cây đổ nghiêng như muốn sà xuống nước, hoa lộc vừng màu đỏ, những bông hoa li ti chạy dài theo một dây, mỗi cây lại có hàng chục, hàng trăm dây hoa như thế thả lững lờ từ cành cây xuống nước. Hình ảnh ấy sao mà thi vị! Hàng liễu rủ cũng điệu đà không kém. Các nàng vốn được ban cho vẻ đẹp lơ thơ, mong manh nên chỉ chờ những làn gió lướt qua là khoe ra hết nét duyên dáng, dịu dàng. Những cành liễu lướt thướt khẽ nghiêng theo chiều gió. Bao nhiêu năm qua, mặt hồ Gươm vẫn lung linh in sắc mây trời và phản chiếu vẻ đẹp thơ mộng ấy của cây cối quanh bờ.
Đi một vòng quanh hồ ta sẽ nhanh chóng bắt gặp hình ảnh Đài Nghiên, Tháp Bút, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn. Đó là những hình ảnh từng xuất hiện trong bài ca dao “Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ”:
“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?”
Cụm di tích này quả không hổ với sự ngợi ca và niềm tự hào của cha ông ta. Trên đường vào đền Ngọc Sơn, ta nhận ngay ra Tháp Bút và Đài Nghiên. Tháp Bút đứng sừng sững trên một mô đất lớn, dọc theo thân tháp có ba từ “Tả thiên thanh” được viết bằng chữ Hán. Dáng tháp đứng thẳng như muốn viết lên trời xanh những nét đẹp của văn hóa Hà Nội. Qua Tháp Bút, Đài Nghiên, ta đi vào đền bằng cầu Thê Húc. “Cầu Thê Húc cong cong như con tôm dẫn vào đền Ngọc Sơn”, nhà văn Ngô Quân Miện đã hình dung về cầu Thê Húc như vậy. Riêng em, em thấy đó như một chiếc cầu vồng mà sắc đỏ đã bừng lên át cả những màu sắc khác. Cầu khá rộng đủ cho nhiều nguời đi lại một lúc. cầu được làm bằng bê tông và sơn màu đỏ tươi. Qua cầu Thê Húc, ta bước vào đền Ngọc Sơn. Đền được xây trên một hòn đảo – đảo Ngọc – trên hồ. Hòn đảo nhỏ um tùm cây cối xanh tươi, đền Ngọc Sơn nằm yên ả dưới những vòm cây ấy. Trong nhà lưu niệm của đền còn có xác một cụ rùa rất lớn. Trước cửa đền là đình Trấn Ba – chắn sóng. Từ đình, ta có thể nhìn thấy Tháp Rùa bao đời nay vẫn soi bóng giữa lòng hồ.
Tháp Rùa là một hình ảnh đẹp gắn liền với hồ Gươm. Tháp có ba tầng, nhỏ nhắn rêu phong nằm giữa mênh mông sóng nước. Phần đất nhô lên làm nơi xây tháp cỏ đã mọc xanh rì. Nhiều lần người ta bắt gặp những cụ rùa Hồ Gươm lên đó nằm nghỉ ngơi.
Trước khi ra về, em còn cố gắng chạm tay vào nước Hồ Gươm. Làn nước mát dịu và trong xanh thăm thẳm. Hình ảnh Hồ Gươm, cảm giác bồi hồi khi bàn tay chạm nước em sẽ giữ mãi trong lòng để miềm tự hào về Thủ đô, về đất nước sống mãi trong em.
Bài văn mẫu 2
Hồ gươm nằm ở trung tâm Hà Nội. Vào mùa thu, Hồ Gươm hiện lên thật đẹp và thơ mộng. Phong cảnh của hồ đã khiến em vô cùng ngỡ ngàng
Từ trên cao nhìn xuống hồ Gươm như một lẵng hoa xinh xắn. Sáng sớm mặt nước hồ trong veo như chiếc gương khổng lồ. Xung quanh hồ những hàng liễu rủ xuống mặt hồ như những thiếu nữ hà thành đang trải tóc bên hồ. Những cây lộc vừng trổ hoa: Thân cây đổ nghiêng như muốn sà xuống nước, hoa lộc vừng màu đỏ, những bông hoa li ti chạy dài theo 1 dây. Mỗi cây lại có hàng chục, hàng trăm cây hoa như thế lững lờ từ cành cây xuống nước. Giữa hồ có bao cảnh đẹp, đây tháp rùa rêu phong, cổ kính. Mái tháp cong, uốn cong như cánh chim đang bay lượn trên nền trời xanh. Tháp Rùa có 4 tầng mỗi tầng đều có cửa được sơn màu vàng rực rỡ, trông như 1 lâu đài nhỏ nằm ở giữa hồ. Bên cạnh hồ là cầu Thê Húc màu đỏ, cong cong như con tôm khổng lồ. Qua bên kia cây cầu là đền Ngọc Sơn cổ kính lưu dấu “rùa thần” với sự̣ tích vua Lê trả kiếm. Cổng vào trong đền được xây bằng đá rất vững chắc, sơn màu ghi. Hai bên cổng đền có khắc chữ “Tả Thiên Thanh”. Tháp Bút suốt bao đời nay vẫn vươn cao như đang viết lên bầu trời xanh truyền thống hiếu học của ông cha xưa.Đối diện vs Hồ Gươm là tượng đài Lý Thái Tổ là nơi vui chơi cùng của mỗi du khánh đến đây. Trưa đã đến, mặt hồ cũng thay đổi theo sắc trời 1 màu vàng tươi được trải lên mặt hồ khiến mặt hồ lộng lẫy như đang được dát vàng. Khách tham quan cũng đông hơn làm khung cảnh Hồ Gươm lúc này thêm nhộn nhịp hơn. Chiều tà, trời tối dần, vắng dần. mọi vật xung quanh hồ cũng im ắng hơn chúng đang lim dim chuẩn bị quay về với giấc ngủ đêm. Khung cảnh quanh Hồ Gươm lúc này thật yên tĩnh vắng vẻ.
Bài văn mẫu 3
Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…
Câu thơ trên cứ âm vang mãi trong lòng em. Nó gợi lên niềm tự hào, yêu thương da diết một vùng đất ngàn năm văn hiến: Thăng Long – Hà Nội. Mảnh đất có bao nhiêu di tích lịch sử, cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Nhưng gần gũi, thân thương với em nhất chính là Hồ Gươm – viên ngọc xanh long lanh giữa lòng thành phố.
Hồ Gươm nằm ở chính giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội. Buổi sáng, ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống mặt hồ trông như dát vàng. Giữa hồ, trên thảm cỏ xanh rờn, Tháp Rùa nổi lên uy nghiêm cổ kính. Xa xa, cầu Thê Húc màu đỏ son, cong cong như con tôm dẫn vào đền Ngọc Sơn. Đền Ngọc Sơn linh thiêng, bên trong đền chứa những đồ cổ được lưu giữ từ hàng nghìn năm trước. Nhìn qua khung cửa kính bên trong đền là tượng của cụ Rùa hay được gọi là thần kim Quy – vị thần giúp vua Lê Lợi đánh tan quân Minh, cứu giúp nước nhà. Trong đó, trên các bàn thờ thả hương khói nghi ngút được đặt tượng của các vị thần thánh rất trang nghiêm. Mỗi lần đi qua cầu, em và chị em lại thả những hạt thức ăn xuống cho đàn cá vàng đang bơi lội tung tăng. Mỗi khi trời đổ mưa, mặt hồ lại lăn tăn gợn sóng gợi cho em nhớ cảnh cá đớp mồi. Ven hồ, những chị liễu rủ mái tóc dài thướt tha xuống mặt nước như đang chải chuốt. Xung quanh hồ đặt những bồn hoa tỏa hương thơm ngát khắp mọi phía. Trên những bồn hoa còn được khắc những hình ảnh rất bắt mắt, sinh động. Lan tỏa đâu đây, mùi hương dìu dịu của những bông hoa sữa đậu xuống vai áo người đi đường. Mỗi khi hè về, tiếng ve râm ran hòa lẫn tiếng chim trong các lùm cây tạo thành một bản hòa tấu kéo dài. Không chỉ như vậy, tiếng nói cười của người đi đường cùng tiếng ồn ào của dòng xe cộ cũng tạo nên một bản nhạc vô cùng sôi động, hào hứng. Ban đêm, Tháp Rùa cùng với những sợi dây đèn điện làm sáng rực cả một khoảng không giữa hồ. Vào những dịp lễ Tết, mọi người thường tập trung rất đông quanh Hồ Gươm để đón xem màn pháo hoa đầy mầu sắc đêm giao thừa. Không chỉ vào những dịp lễ Tết Hồ Gươm lại đông mà vào những ngày thường mọi người cũng đều đi quanh hồ để hóng mát, ăn kem, tập thể dục,…
Em rất yêu quý Hồ Gươm. Hồ Gươm là một trong số những hồ đẹp nhất Hà Nội. Em sẽ cùng mọi người giữ gìn, không xả rác bừa bãi ra hồ để hồ luôn sạch đẹp, trong xanh hơn. Em mong rằng du khách nước ngoài khi đặt chân tới Thủ đô Hà Nội sẽ đến thăm Hồ Gươm và cảm nhận được nét đẹp thanh lịch, văn minh của nó.
Bài văn mẫu 4
Hồ Gươm – một địa danh lịch sử thân thương của Thủ đô Hà Nội. Ai chưa đến Hồ Gươm thì chưa thể biết vẻ đẹp nơi đây. Kia, những hàng liễu ngả về phía mặt hồ. Đây, những bồn hoa tươi thắm đua nhau khoe sắc. Đi vài bước nữa, ta lại nhìn thấy một cầu Thê Húc màu đỏ son cong cong như con tôm. Đền Ngọc Sơn linh thiêng bên gốc đa xum xuê rễ lá,… Buổi sớm, Hồ Gươm vẫn còn đắm chìm vào giấc ngủ của màn sương đêm trắng xóa. Trên những chiếc lá xanh xanh đọng lại những giọt sương như những viên pha lê lấp lánh quý giá. Mặt trời lóe sáng, chiếu rọi tia nắng vàng sưởi ấm giữa mùa đông giá lạnh. Hồ Gươm thức dậy với vẻ duyên dáng, đáng yêu như một thiếu nữ mới lớn. Làn gió nhẹ mơn man trên những gợn sóng lăn tăn của hồ. Người già, người trẻ đi bộ, tập thể dục, tập dưỡng sinh,… xung quanh hồ để có một sức khỏe trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới thật hiệu quả.
Phía xa xa, mặt hồ trông như một chiếc gương khổng lồ màu ngọc bích. Mùa đông năm nay có vẻ ấm áp hơn mọi năm nên đến trưa, ánh nắng lọt qua khe lá chiếu xuống mặt hồ khiến Hồ Gươm càng thêm dát vàng, dát bạc. Giữa hồ là một Tháp Rùa uy nghi, cổ kính nằm oai phong trên thảm cỏ xanh mướt. Nhắc đến Hồ Gươm người ta gợi nhớ tới vua Lê Lợi trả kiếm cho Rùa Vàng nên hồ còn được gọi là Hồ Hoàn Kiếm. Chếch về phía đường Đinh Tiên Hoàng là Tháp Bút sừng sững, uy nghiêm. Trên tháp đề ba chữ Hán lớn màu đỏ: “Tả thanh thiên” có nghĩa là “Viết lên trời xanh” mang hình ảnh nghiên mực và ngòi bút lông tượng trưng cho tinh thần hiếu học của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Cách vài mét là cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn in dấu tích lịch sử. Đền Ngọc Sơn là nơi thờ cụ Rùa và Đức Thánh Trần (tức vua Trần Hưng Đạo) – người đã có công ba lần đánh thắng quân Nguyên – Mông, đem lại chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Hàng ngày, có hàng dài người xếp hàng để vào đền thắp hương.Về chiều, cảm giác đông đúc được nhận thấy rõ hơn khi các dòng phương tiện nườm nượp đổ về để trở về với gia đình sau một ngày làm việc vất vả. Trời bắt đầu sẩm tối, những âm thanh inh ỏi từ xe cộ trộn đều với nhau tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp đúng bản sắc riêng của Hồ Gươm. Giờ Hà Nội đã lên đèn, xung quanh hồ đèn lên sáng rực khiến nơi đây thật rực rỡ và lãng mạn. Hồ Gươm khoác lên mình một chiếc áo màu đen huyền bí tô điểm thêm là ánh đèn sặc sỡ trông thật đẹp làm sao! Ngước lên bầu trời ta sẽ thấy những vì sao sáng cùng với ông trăng như đang mỉm cười với mọi người. Các du khách nước ngoài rất thích đi bộ và chụp ảnh quanh hồ. Tôi cảm thấy tự hào biết bao!
Hồ Gươm là một di tích lịch sử quý báu và là một niềm tự hào của người dân Hà Nội. Chúng ta phải giữ gìn và bảo vệ di sản văn hóa của Thủ đô. Nếu ai đã đến Hà Nội thì hãy đến Hồ Gươm và trải nghiệm vẻ đẹp nơi đây:
“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ. Xem cầu Thê Húc, xem đền Ngọc Sơn”
Bài văn mẫu 5
Nước Việt Nam ta tự hào có bao danh lam thắng cảnh, như Vịnh Hạ Long kì vĩ, rừng Cúc Phương bạt ngàn, hang Sơn Đoòng hoa lệ hay núi Yên Tử và ngôi chùa Đồng độc đáo. Một trong những thắng cảnh kì diệu đó chính là Hồ Gươm – “lẵng hoa” đẹp của Tổ quốc và cũng là niềm tự hào của Thủ đô, nơi em sinh sống.
Hồ Gươm nằm chính giữa Thủ đô Hà Nội, tại quận Hoàn Kiếm. Hồ Gươm nổi tiếng với làn nước trong veo và màu xanh trường cửu quanh năm bao phủ đất trời xanh biếc bầu trời, xanh lam làn nước, xanh rì hàng cây. Tất cả tạo nên một bức tranh thật đẹp, thật sinh động và hài hóa.
Vẻ đẹp của Hồ Gươm trước hết là đến từ phong cảnh hữu tình mà thiên nhiên ban tặng. Bầu trời xanh thăm thẳm, quang đãng. Mặt trời vàng rực, soi bóng xuống mặt hồ. Ánh nắng tinh nghịch, vui vẻ nhảy nhót trên mặt hồ. Mặt hồ trong xanh, trải dài, phẳng lặng, hệt như một “viên ngọc” lục thủy giữa Thủ đô, hay đúng hơn là một chiếc gương ngọc thạch khổng lồ, sáng lấp loáng Tháp Rùa nằm trên một gò đất cao giữa hồ, trông thật cổ kính, uy nghiêm. Cầu Thê Húc màu son, cong cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc sơn, in bóng xuống mặt hồ tạo thành một vệt đỏ chạy dài. Ven hồ, những hàng cây xanh rì dịu dàng soi bóng xuống mặt hồ.
Nét đẹp của Hồ Gươm còn đến từ những nét riêng biệt quyến rũ của từng thời điểm trong ngày. Sáng sáng, không khí tĩnh lặng, se lạnh, chỉ nghe đâu đây tiếng lá cây rì rào, xào xạc và tiếng chim hót vảng vất. Ấy nhưng mà khi trưa về, Hồ Gươm lại đổi mới khác hẳn ban sáng. Chim hót líu ríu trên cành. Người qua lại tấp nập, làm không khí vui tươi, nhộn nhịp hẳn lên. Tối đến, những chiếc đèn ven hồ rực sáng trưng, màn đêm trở nên lung linh, huyền ảo và bí ẩn.
Vẻ hấp dẫn của Hồ Gươm còn đến từ những sự kiện gắn liền với hồ. Truyền thuyết kể lại rằng, sau khi dẹp tan quân Minh xâm lược, vua Lê Lợi đã trả gươm cho Rùa Vàng tại đây. Có lẽ do đó mà hồ còn có tên gọi khác là Hồ Hoàn Kiếm.
Hồ Gươm còn thu hút khách du lịch bởi lẽ đây còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn về văn hóa và thể thao. Tiêu biểu là ngày 30 tháng 4 năm nay, nhằm mục đích kỉ niệm 40 năm thống nhất đất nước, hay ngày 2 tháng 9 năm nay kỉ niệm 70 năm quốc khánh, những màn bắn pháo hoa tưng bừng và hoành tráng đã diễn ra tại đây. Ngoài ra, Hồ Gươm còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện về văn hóa và thể thao của Thủ đô.
Có lẽ vì vẻ đẹp đó mà Hồ Gươm đã đi vào thơ ca, ghi dấu ấn sâu trong lòng người. Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Gươm chiều thu hay Cảm xúc bên Hồ Gươm, là những bài thơ nổi tiếng của những cây bút trẻ. Ngoài ra, các bài hát nổi tiếng về Hồ Gươm phải nói đến Đêm Hồ Gươm, Hồ Gươm sáng sớm, Nhớ Hồ Gươm,… Nổi tiếng ca khúc tôi muốn mang Hồ Gươm đi là câu hát:
“Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây?
Mà trùm yêu thương lên bóng vai gầy,
Mà lau mắt tôi bằng ngàn con sóng,
Mà thả trời xanh xuống trên từng nhánh cây?”
Hồ Gươm chẳng những là danh lam thắng cảnh của quốc gia mà còn là di tích lịch sử quan trọng, là niềm tự hào của em nói riêng và của toàn dân tộc nói chung, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp nên chúng ta cần phải gìn giữ, bảo vệ nơi này.
Mời các em tham khảo tài liệu liên quan
Nhằm đáp ứng các em học sinh học tập và rèn luyện để chuẩn bị ôn tập và thi học kì 1 lớp 6, các em theo dõi và tham khảo thêm các dạng đề thi các môn Toán, Lý, Hóa…Ngữ văn lớp 6. Ngoài ra các em tham khảo thêm về các bài Văn miêu tả Những bài văn mẫu tả cảnh lớp 6 hay nhất để củng cố kiến thức lớp 6. Mời các em cùng tham khảo
Theo Baivanhay.com