Home / Văn mẫu THCS / Văn mẫu lớp 6 / Văn 6 – Tả ông bụt theo trí tưởng tượng của em

Văn 6 – Tả ông bụt theo trí tưởng tượng của em

Bài văn tả ông bụt(tiên) theo trí tưởng tượng của em (văn 6)

Mở bài:

Gia tài bé nhỏ của tôi ngoài những đồ dùng học tập tất cả còn lại chỉ là sách và sách. Mẹ tôi mua tôi rất nhiều sách, trong đó truyện cổ tích Việt Nam được xếp thành một hàng dài, ngay ngắn trên kệ tủ. Có lẽ từ bé tôi được mẹ kể cho nghe những câu chuyện cổ tích nước mình nên đã say sưa trước thế giới kì bí của thần tiên. Tôi trải mình trong những cuộc đời đầy đau khổ của cô Tấm, anh Khoai rồi thầm cảm ơn ông bụt đã hiện ra cứu giúp. Tôi thích thú và tự vẽ hình ảnh ông bụt trong trí tưởng tượng của mình.

Thân bài:

Những buổi trưa hè rảnh rỗi, tôi thả lòng mình theo những trang truyện rồi mơ màng nghĩ về một ông bụt thần kì, hiền lành và nhân hậu. Ông bụt của tôi không xa lạ mà thật giản dị, gần gũi như chính ông ngoại của mình. Ông hơi gầy và có mái tóc trắng xóa như những đám mây bồng bềnh thả nhẹ trên không. Ông búi tóc củ hành gọn gàng sau gáy giống như các vị quan ngày xưa. Chẳng biết ông bao nhiêu tuổi mà da dẻ hồng hào, có phải vì năm nào ông cũng được ăn những quả đào tiên ở hội bàn đào hay uống thuốc trường sinh. Mặc dù trên đuôi mắt đã có nhiều nếp nhăn nhưng nụ cười thì vẫn còn trẻ trung. Tôi thích nhìn đôi mắt của ông, đôi mắt sáng như những ánh sao và ấm áp như ngọn lửa đêm đông. Đôi mắt đã động viên biết bao số phận nghèo khổ vươn lên và cho em niềm tin vào cuộc đời. Ông cười rất tươi, nụ cười khiến khuôn miệng rộng ra trông rất phúc hậu. Mỗi lần ông cười hai mép lại rung rung khiến bộ râu chuyển động nhịp nhàng. Những lúc hài lòng, ông vuốt khẽ bộ râu trắng xóa và thả dài xuống ngực, cả đôi lông mày rậm cũng trắng xóa như mây.

Mỗi lần xuất hiện là ánh hào quang tỏa sáng quanh ông. Ông cưỡi trên đám mây ngũ sắc nhẹ nhàng xuống mặt đất rồi ân cần hỏi người đang cầu cứu. Giọng ông trầm, ấm nhưng lại vang xa như âm thanh của dòng suối róc rách. Ông bước từng bước chậm rãi, khoan thai như bay nhẹ trên mặt đất. Ông bụt của tôi luôn mặc một chiếc áo dài rộng màu trắng có thêu hình rồng dát bạc ở phía trước, hai ống tay rộng dài che cả bàn tay, ở giữa là chiếc thắt lưng vàng óng ánh. Ông đi đôi guốc gỗ của người xưa nhưng chẳng bao giờ nghe tiếng động. Trên tay ông bụt là cây phất trần khắc hình rồng với ngàn sợi lông tơ trắng như ngàn điều ước của người nghèo khổ.

Ông bụt luôn rất bí ẩn nhưng chỉ cần có ai đó đang gặp cảnh khốn cùng là ông lại xuât hiện ngay. Khi thì ông hiện ra giúp chị Tấm,khi thì ông giúp anh Khoai.Cây phất trần đơn giản thế mà phép thuật lại nhiệm màu. Sau khi nghe rõ câu chuyện của mọi người, ông mỉm cười an ủi rồi hứa hẹn “được rồi, ta sẽ giúp con”. Ông nhẹ nhàng đưa cây phất trần lên bốn cái lọ xương cá của cô Tấm thì trong bốn lọ ấy có quần áo đẹp. Ông chỉ vào trăm đốt tre rời rạc, bỗng trăm đốt tre nhập thành cây tre dài. Có khi ông biến thành cụ già ăn xin, khi thì bà lão nghèo khổ để thử lòng tốt của mọi người.Những người chân thành, tốt bụng thì ông sẵn sàng biến ước mơ của họ thành hiện thực. Nếu những người tham lam, xấu xa thì ông trừng phạt đích đáng. Ông chẳng bao giờ cần người khác phải trả ơn, với ông người tốt bụng được đền đáp sống hạnh phúc là ông cũng hài lòng.

Xem thêm:  Truyện cổ tích là gì?

Kết bài

Tôi đã lớn nên đủ hiểu chẳng có ông bụt nào trên đời này cả nhưng trong lòng tôi, niềm tin về một ông tiên giữa đời thường vẫn luôn hiện hữu. Ông tiên ấy sẽ là một người tốt, sống công bằng, luôn bênh vực lẽ phải và sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần thiết. Ông tiên, ông bụt còn giúp tôi nhận ra mình phải cố gắng hơn nữa để học tập và rèn luyện đạo đức, sống tốt, chân thành để nhận được những điều tốt từ mọi người và có thể giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.

Theo Dethihay.com

Check Also

c879b28906e31e1d66d06429d0158f1c 310x165 - Soạn bài Cô Tô Ngữ văn 6

Soạn bài Cô Tô Ngữ văn 6

Tác giả Nguyễn Tuân luôn luôn được biết đến chính là một trong những nhà …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *