Kể tóm tắt truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi và phân tích giá trị của câu chuyện
Hướng dẫn
Thông qua câu chuyện về 5 ông thầy bói mù, truyện Thầy bói xem voi đã phê phán cách nhìn nhận phiến diện, chủ quan. Em hãy kể tóm tắt truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voivà phân tích giá trị của câu chuyện.
-
I. Dàn ý chi tiết cho đề kể và phân tích giá trị của truyện Thầy bói xem voi
1. Mở bài
Giới thiệu về truyện ngụ ngôn và các giá trị của truyện: Truyện “Thầy bói xem voi” kể về năm ông thầy bói cùng rủ nhau đi xem voi. Vì bị mù nên các ông xem voi bằng cách đưa tay sờ con voi, con voi lại quá to nên mỗi ông lại chỉ sờ được một bộ phận của con voi mà đã đưa ra nhận định thiếu chính xác về con voi
2. Thân bài
– Tóm tắt truyện: Năm ông thầy bói được hôm rảnh rỗi ế hàng, góp tiền đưa cho quản tượng đê được xem voi. Mỗi người vào xem và sờ một bộ phận của con voi nên đã hình dung ra hình thù về con voi khác nhau
– Phân tích giá trị nội dung của truyện: Khi nhìn nhận một sự vật, hiện tượng, sự việc nào đó, chúng ta không nên nhìn một cách phiến diện, chủ quan, một chiều mà cần phải có cái nhìn đa chiều, tổng thể và toàn diện để có được nhận định đúng đắn, chính xác về sự vật, hiện tượng đó
– Phân tích giá trị nghệ thuật của truyện: Truyện tuy có kết cấu ngắn gọn nhưng chứa đựng những giá trị về nghệ thuật đặc sắc.
–> Tác giả dân gian đã sử dụng những lời kể ngắn gọn, câu chữ rút gọn tới mức tối đa, giúp cho truyện có phần cô đọng không bị nhàm chán
3. Kết bài
Ý nghĩa của truyện: Câu chuyện rút ra bài học về cách xem xét sự việc, hiện tượng trong cuộc sống cần phải có cái nhìn đa chiều, toàn diện, tránh cái nhìn phiến diện, sẽ đánh giá sai vấn đề
-
II. Bài tham khảo cho đề kể và phân tích giá trị của truyện Thầy bói xem voi
Truyện “Thầy bói xem voi” kể về năm ông thầy bói cùng rủ nhau đi xem voi. Vì bị mù nên các ông xem voi bằng cách đưa tay sờ con voi, con voi lại quá to nên mỗi ông lại chỉ sờ được một bộ phận của con voi mà đã đưa ra nhận định thiếu chính xác về con voi. Câu truyện ngụ ngôn đã để lại những giá trị về nội dung và nghệ thuật đặc sắc.
Năm ông thầy bói được hôm rảnh rỗi ế hàng, góp tiền đưa cho quản tượng đê được xem voi. Mỗi người vào xem và sờ một bộ phận của con voi nên đã hình dung ra hình thù về con voi khác nhau. Chính vì có sự khác nhau nên giữa các ông thầy bói đã xảy ra tranh cãi về hình thù con voi. Ông thứ nhất sờ vòi con voi phán rằng voi sun sun như con đỉa, ông thứ hai sờ ngà lại bảo voi chần chẫn như cái đòn càn, rồi ông thứ ba bảo voi bè bè như cái quạt thóc khi sờ tai, ông thứ tư nói voi như cái cột đình khi sờ chân, cuối cùng ông thứ năm phán rằng voi như cái chổi sể cùn khi sờ vào đuôi. Không ai nghe ai, ai cũng cho rằng mình đúng nên năm ông thầy bói đã xông vào đánh nhau toác đầu chảy máu.
Câu truyện ngụ ngôn của người xưa được truyền lại cho tới ngày nay chứng tỏ sự đúng đắn trong giá trị và ý nghĩa của câu chuyện. Có thể thấy qua câu truyện này tác giả dân gian muốn khuyên nhủ chúng ta về cách nhìn nhận mọi sự vật, sự việc trong cuộc sống. Khi nhìn nhận một sự vật, hiện tượng, sự việc nào đó, chúng ta không nên nhìn một cách phiến diện, chủ quan, một chiều mà cần phải có cái nhìn đa chiều, tổng thể và toàn diện để có được nhận định đúng đắn, chính xác về sự vật, hiện tượng đó. Hơn nữa trong quá trình xem xét sự việc chúng ta phải biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ nhiều phía để trau dồi thêm cho nhận định của mình thêm xác thực, từ đó mới khẳng định được nhận định của mình là đúng đắn. Không nên tự cao, bảo thủ cho ý kiến của mình, điều đó sẽ khiến cho tính chính xác trong nhận định của ta kém đi. Từ câu chuyện mà nhân dân ta đã có câu tục ngữ “Thầy bói nói mò” ý nhắc nhở chúng ta không nên tin vào những trò bịp bợm, mê tín dị đoan. Truyện tuy có kết cấu ngắn gọn nhưng chứa đựng những giá trị về nghệ thuật đặc sắc. Tác giả dân gian đã sử dụng những lời kể ngắn gọn, câu chữ rút gọn tới mức tối đa, giúp cho truyện có phần cô đọng không bị nhàm chán. Ngoài ra còn có các hình ảnh so sánh ví von: “như son đỉa, như cái đòn càn, như cột đình, như cái chổi sể” vừa gần gũi lại kết hợp với các từ láy vừa có giá trị gợi hình gợi tả cao “sun sun, chần chẫn, bè bè, …. Bên cạnh đó tình huống truyện ngụ ngôn vừa bất ngờ, vừa hài hước, kết thúc truyện hợp lí đã tạo ra tiếng cười vui vẻ cho người đọc, người đọc vừa được xem một cuộc xô xát đầy bi hài lại vừa đẩy tính bảo thủ của các ông thầy lên cao trào.
Câu chuyện rút ra bài học về cách xem xét sự việc, hiện tượng trong cuộc sống cần phải có cái nhìn đa chiều, toàn diện, tránh cái nhìn phiến diện, sẽ đánh giá sai vấn đề.
Theo Baivanhay.com