Soạn văn Bánh chưng bánh giày của cô giáo Ngọc Anh chuyên văn
Hướng dẫn
Soạn văn Bánh chưng bánh giày sẽ cung cấp lời giải và những hướng dẫn cụ thể để người học tìm hiểu có hiệu quả nhất văn bản này. Các bạn hãy cùng tham khảo để có thêm những thông tin chi tiết nhé!
I. Tìm hiểu về truyền thuyết Bánh chưng bánh giày
Câu 1: Vua Hùng chọn người nối ngôi trong hoàn cảnh nào, với ý định ra sao và bằng hình thức gì?
– Hoàn cảnh:
+ Bờ cõi nước nhà được yên, không còn giặc giã xâm phạm, giờ là lúc để xây dựng đất nước, đảm bảo cuộc sống ấm no cho người dân. Muốn làm được điều đó, trước hết phải phát triển nông nghiệp.
+ Vua đã già, muốn truyền ngôi cho người xứng đáng, có thể “nối chí của ta”.
– Ý định của vua: Người nối ngôi phải có tài năng, đức độ, cụ thể là có thể kế thừa chí hướng của vua: đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người nối ngôi không cần phải là con trưởng
– Hình thức: Vua đặt ra một yêu cầu: Trong ngày lễ Tiên vương, các lang ai dâng lễ vật vừa ý nhà vua sẽ được truyền ngôi báu. Thực chất đây là một thử thách với các hoàng tử để xem ai là người hiểu được “chí” của vua.
Câu 2: Vì sao trong các con vua, chỉ có Lang Liêu được thần giúp đỡ?
Chỉ có Lang Liêu được thần giúp đỡ vì:
– Lang Liêu là hoàng tử chịu thiệt thòi: sống ở ngoài cung vua trong cảnh nghèo, quanh năm chỉ gắn bó với ruộng đồng. Trong khi các lang khác tìm của ngon vật lạ khắp trên rừng dưới biển để dâng vua, thì Lang Liêu nhìn quanh khắp nhà chỉ có những lúa, ngô, khoai, sắn.
– Tuy nhiên, vì quanh năm gắn bó với ruộng đồng nên Lang Liêu là người yêu lao động, cần cù, chịu thương, chịu khó và cũng là người gần gũi nhất với nghề nông.
– Chính vì vậy, chỉ từ một lời mách bảo của thần mà Lang Liêu đã nghĩ ra việc làm ra hai thứ bánh. Điều đó chứng tỏ Lang Liêu còn là người thông minh, tháo vát, hiểu được ý thần mách bảo.
Câu 3: Vì sao hai thứ bánh của Lang Liêu được vua cha chọn để tế trời, đất, Tiên vương và Lang Liêu được chọn nối ngôi vua?
– Hai thứ bánh được chọn để tế trời, đất, Tiên vương vì:
+ Hai thứ bánh đã hàm chứa những ý nghĩa sâu xa: biểu thị triết lý Trời – Đất hoà hợp và nhắc nhở con người biết đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.
+ Hai thứ bánh được làm từ những nguyên liệu: thịt lợn, đậu xanh, lá dong, gạo – những thành quả lao động nông nghiệp nên biểu thị được ý nghĩa đề cao nghề nông, đề cao nông sản giúp nuôi sống con người. Điều đó chính là chí hướng của vua: phát triển nông nghiệp đảm bảo đời sống ấm no cho người dân.
– Lý do Lang Liêu được truyền ngôi: Hai thứ bánh của Lang Liêu đáp ứng được yêu cầu của vua: “nối chí của ta” (đề cao nghề nông, phát triển nông nghiệp để đảm bảo đời sống ấm no cho con người). Lang Liêu đã chứng tỏ mình có tài trí, đức độ (tấm lòng hiếu thảo, lòng thành kính với tổ tiên) và xứng đáng được kế thừa ngôi báu.
Câu 4: Hãy nêu ý nghĩa của truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy”.
Ý nghĩa của truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy”:
– Truyện đã giải thích nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy – hai thứ bánh đã trở thành đặc sản, tinh hoa của dân tộc.
– Truyện ca ngợi sức lao động của con người, ca ngợi nghề nông và những thành tựu rực rỡ của nền văn minh nông nghiệp thời đại Hùng Vương.
- Ca ngợi phẩm chất của người lao động Việt Nam: cần cù, yêu lao động, chịu thương, chịu khó, thông minh, tháo vát.
– Giải thích vì sao người Việt có phong tục làm bánh chưng, bánh giầy để thờ cúng tổ tiên.
II. Luyện tập
Theo Baivanhay.com