Sa hành đoản caSa hành đoản ca […]
Hướng dẫn
Đề bài: “Phân tích bài thơ “Sa hành đoản ca”. Từ đó lí giải vì sao Cao Bá Quát đã đứng lên khởi nghĩa chống lại chế độ nhà Nguyễn.
BÀI LÀM
Nhà thơ Sóng Hồng từng nói: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”. Cao Bá Quát sinh thời vốn “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, con người tài ba ấy cả một cuộc đời tang bồng, chọc trời khuấy nước, không vì công danh mà chịu khom lưng uốn gối; lý tưởng lựa chọn một cuộc sống trọng nghĩa khinh tài, suốt đời dốc lòng cho cái đẹp, cái thiện. Ông đem cả tấc lòng, gửi tâm niệm ấy vào thơ ca. Chính vì thế, thơ ông bàng bạc một tấm lòng cao cả, một nỗi trăn trở của con người luôn khao khát có thể cùng túi thơ, bầu rượu, đem cái tài ra giúp vua trị nước, an dân nhưng cuộc đời nghiệt ngã, đường cử nghiệp chẳng mấy hanh thông, phải chịu vùi dập bởi bọn vô lại, giữa thời buổi nước nhà lâm cảnh hoạn nạn. Một trong những thi phẩm thể hiện rõ nhất cho nhân cách cao đẹp của con người ông phải kể đến: “Sa hành đoản ca” (Bài ca ngắn đi trên bãi cát). Mượn hình ảnh bãi cát và tâm sự người đi trên cát, bài thơ như là lời tự bạch đầy chán chường của Cao Bá Quát trước con đường danh lợi tầm thường xen lẫn trong đó là sự bất lực trước khao khát được thay đổi sự sự đời nhưng không thành.
Cao Bá Quát nổi tiếng là một thần đồng, học giỏi và rất thông minh. Ông là người có nhân cách cứng cỏi, phóng khoáng, lại giỏi quảng giao nên hầu hết những danh sĩ đương thời đều là bạn tốt của Cao Bá Quát. Với tài năng và cá tính của ông khi ra làm quan cho triều đình, ông không chịu được cảnh quan trường bon chen, danh lợi thối nát, càng về sau ông càng nhận ra sự mục ruỗng của chế độ nên đã đứng lên khởi nghĩa. Sau sự kiện này, Cao Bá Quát và cả dòng dòng họ bị xét xử, toàn bộ những bút tích của ông đều bị tiêu hủy. Nhưng với tấm lòng mến mộ hiền tài, nhân dân khắp nơi vẫn lưu lại được, tập hợp lại thành một số lượng khổng lồ các sáng tác đương thời của ông. Người ta ngợi ca ông: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” vì ở đó, Cao Bá Quát là thiên tài về văn chương thi phú đương thời. Quả thực, thơ ca của ông mang đậm một phong cách tư tưởng tự do, phóng khoáng với bản lĩnh kiên cường, thể hiện thấm thía tình cảm với quê hương, đất nước, bộc lộ rõ những lí tưởng cao đẹp của một danh sĩ Chu Thần. “Sa hành đoản ca” là một trong những thi phẩm bộc lộ rõ cốt cách của ông, bài thơ được phỏng đoán sáng tác trong thời gian Cao Bá Quát vào Huế đi thi Hội mà đây không phải là lần thi đầu tiên mà là những lần thi sau này, ông đã nếm trải gần hết lận đận, cay đắng trên con đường đường khoa cử. Chính vì thế, bài thơ thể hiện tâm trạng bi phẫn của kẻ sĩ trước đường đời bế tắc, mịt mù đồng thời thể hiện sự dằn vặt, thức tỉnh khi nhận ra những khó khăn trên đường công danh. Tác phẩm được làm theo thể ca hành, là thể thơ cổ, có tính chất tự do, phóng khoáng, không bị gò bó về số câu, độ dài của câu, niêm luật, bằng trắc, vần điệu phần nào cho thấy sự tài hoa, phóng khoáng trong con người của tác giả.
Mở ra trước mắt người đọc là hình ảnh của một bãi cát dài, trắng mênh mông, vô tận, cùng với đó hiển hiện lên người khách lữ hành đang lang thang vô định giữa miền cát vô tận:
“Trường sa phục trường sa,
Nhất bộ nhất hồi khước.
Nhật nhập hành vị dĩ,
Khách tử lệ giao lạc”.
dịch:
(Bãi cát dài, lại bãi cát dài,
Đi một bước như lùi một bước.
Mặt trời lặn mà vẫn còn đi.
Lữ khách trên đường nước mắt rơi.)
Bốn câu thơ đầu ví như bốn tiếng thở dài, tiếng khóc nghẹn ngào của thi nhân. Cách sử dụng điệp từ, kết hợp với nhịp thơ 2/3 mở ra trước mắt người đọc hình bãi cát dài mênh mông, trắng xóa, mờ mịt. Đây là một hình ảnh có ý nghĩa nghệ thuật độc đáo vì nó mang tính sáng tạo, không vay mượn từ văn học nước ngoài như nhiều hình tượng thơ khác mà được lấy từ hiện thực khách quan, từ hành trình của Cao Bá Quát phải trải qua trên con đường vào kinh ứng thí, đó là những cồn cát hoang vu, rợn ngợp của các tỉnh miền Trung đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị. Bãi cát ấy mênh mông, rợn ngợp, không có điểm dừng cũng không có một phương hướng. Không chỉ mang ý nghĩa tả thực mà hình ảnh bãi cát còn mang tính tượng trưng sâu sắc, nó ẩn dụ cho con đường đời đầy gian nan, vất vả, đó là con đường công danh mà Cao Bá Quát đang theo đuổi đầy sự thách thức. Ngay giữa cái mênh mông cát trắng ấy, có một người lữ khách vẫn đi, anh ta đi mải miết, mặt trời lặn mà vẫn chưa dừng bước, vẫn tiếp tục đi. Cách ngắt nhịp 2/3 liên tiếp như vẽ ra bước đi đầy, trúc trắc. Trên con đường ấy, người lữ khách không những không cảm thấy hồ hởi, hối hả mà còn ủ rũ, ê chề. Người đi tuôn rơi những giọt lệ, nước mắt ấy là là hình ảnh mang tính ước lệ cho thấy nỗi đau đớn của người trí thức khi phải dấn thân trên con đường hoạn lộ, biết nó vô nghĩa lý mà vẫn phải dấn thân. Đó là nước mắt của sự đau khổ và oán hận. Bước chân của người lữ khách rất khó khăn, đi một bước mà như lùi một bước sự vất vả, đây vừa là cảnh thực vừa là tượng trưng. Mở ra trước mắt người đọc là khung cảnh hoang vu, mênh mông, vắng vẻ, trong bức tranh rợn ngợp của thiên nhiên ấy cô độc bước chân của người lữ hành, anh càng đi bao nhiêu thì càng nặng nề, càng đau đớn bấy nhiêu. Giữa thiên nhiên rộng lớn, hoang vu hình ảnh con người hiện lên thật nhỏ bé, cô đơn, đầy mệt nhọc. Mượn hình ảnh bãi cát dài và bước chân người đi trên cát, thi nhân như đang đặc tả lại một cách ngao ngán con đường mình lựa chọn, con đường công danh mà Cao Bá Quát cũng như muôn bậc danh sĩ đương thời theo đuổi để có thể đem tài ra giúp nước nhà, nhưng con đường ấy trầy trật, khó khăn và cả biết bao ngang trái, thật ít người có thể công thành danh toại thực hiện chí lớn trị nước an dân. Đây cũng là một ẩn dụ của nhà thơ về nỗi cô đơn của người trí thức giữa sa mạc cuộc đời, nỗi cô đơn không thể chia sẻ mà dồn nén, bức bối.
Bài viết của chị Minh Phương – trợ giảng lớp Văn cô Ngọc Anh.
Theo Baivanhay.com