Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ
Bài làm
Chuyện người con gái Nam Xương được lấy từ tập truyện “Truyền kỳ mạn lục” của tác giả Nguyễn Dữ. Chuyện xoay quanh nhân vật trung tâm là người con gái tên là Vũ Nương sinh ra trong thời kỳ phong kiến dù nàng là người vô cùng đoan trang đức hạnh nhưng vẫn chịu một cái chết vô cùng oan khuất.
Thông qua câu chuyện của mình tác giả Nguyễn Dữ muốn thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo đồng cảm với những số phận người con gái trong chế độ xưa, khi phải sống dưới một chế độ thiếu công bằng “trọng nam khinh nữ” người con trai có toàn quyền quyết định mọi việc trong cuộc sống, còn người con gái thì luôn phải tuân lệnh phục tùng.
Trong tập truyện Truyền kỳ mạn lục của mình tác giả Nguyễn Dữ đã dùng những chi tiết hoang đường, để giải quyết những tình huống éo le trong cuộc sống. Thông qua đó thể hiện tâm tư nguyện vọng của tác giả khi muốn cho những nhân vật của mình một kết thúc như ý muốn, giải oan cho họ.
Giúp cho người đọc cảm thấy thỏa mãn, hài lòng phần nào, dù trong xã hội phong kiến xưa cũ vẫn còn nhiều số phận éo le, đau khổ, không thể minh oan được.
Người con gái Nam Xương được viết lại dựa theo một câu chuyện có thật trong cuộc sống, nhưng tác giả Nguyễn Dữ đã khôn khéo tinh tế khi lồng ghép những chi tiết, yếu tố kỳ ảo làm cho truyện của mình trở nên hấp dẫn hơn.
Nhân vật chính của tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” là một nhân vật có phẩm hạnh có đức tính vô cùng tốt đẹp có dung mạo đoan trang, đức tình hiền lành, nết na chịu thương chịu khó. Một người phụ nữ dung mạo và đức hạnh vẹn cả đôi đường.
Vũ Nương được cha mẹ hai bên và bà mai làm mối cho lấy anh chàng Trương Sinh ở làng bên với giá hỏi cưới là một trăm lạng vàng. Từ khi làm vợ Trương Sinh, Vũ Nương luôn làm tròn bổn phận của một người vợ hiền, dâu thảo. Nhưng hạnh phúc ngắn ngủi hai vợ chồng lấy nhau không bao lâu thì Trương Sinh phải lên đường đi lính theo lời kêu gọi của quan lại địa phương.
Ngày Trương Sinh tạm biệt mẹ già và người vợ hiền thục của mình để lên đường cũng là lúc mà Vũ Nương mang thai được ít tuần. Trương Sinh lo lắng cho mẹ và vợ lắm nhưng đất nước đang lâm nguy chàng không lên đường cũng không được. Hai người chia tay trong bịn rịn, nước mắt, Trương Sinh dặn dò vợ ở nhà nghe lời mẹ và chờ anh trở về. Còn Vũ Nương thì động viên chồng giữ gìn sức khỏe chăm sóc bản thân chờ ngày gia đình đoàn tụ.
Trong những năm tháng xa cách, ly biệt đó, Vũ Nương ở nhà nhất mực hiếu thảo với mẹ chồng, nhưng không may mẹ chồng của cô bị đau ốm phần vì thương nhớ con trai, phần vì tuổi cao sức yếu nên dù Vũ Nương hết sức chạy chữa thuốc thang nhưng mẹ chồng nàng vẫn không qua khỏi. Nàng lo toan ma chay, chôn cất mẹ chồng vô cùng tươm tất chu đáo. Mẹ mất rồi chỉ còn lại Vũ Nương và đứa con trai bé nhỏ ngây thơ không hiểu chuyện đời.
Hàng đêm, trong căn nhà hiu quạnh đó, Vũ Nương thường nhìn vào bóng mình chiếu trên tường mà nói với con trai rằng “Cha con đó” để vơi đi nỗi nhớ nhung với chồng mình nơi xa.
Rồi ngày giặc tan, quân ta thắng trận Trương Sinh trở về với gia đình, Vũ Nương vui mừng hạnh phúc khôn tả. Nhưng Trương Sinh vừa về tới nhà nghe tin mẹ mình đã mất cách đó vài năm anh vô cùng đau khổ, vội vàng bế đứa con trai đi thắp hương cho mẹ. Nhưng thằng bé không muốn theo anh vừa đi nó vừa khóc nói “Ông không phải là cha tôi, cha tôi đêm nào cũng tới”
Nghe đứa con nhỏ của mình nói vậy, máu ghen trong người Trương Sinh bùng lên dữ dội, anh về nhà đuổi đánh Vũ Nương ra khỏi nhà, không nói rõ nguyên nhân vì sao một mực đổ tội cho Vũ Nương mất nết, không giữ trọn đạo vợ hiền, trinh tiết…Vũ Nương bị chồng đuổi ra khỏi nhà không nguyên cớ, bị đổ oan, khiến nàng phẫn uất nhảy xuống sông Nhị Hà tự vẫn.
Do chết oan nên linh hồn của Vũ Nương được vợ của vua Thủy Tề cứu vớt, chờ thời cơ đầu thai kiếp khác. Còn Trương Sinh trong một lần không ngủ được ngồi thắp đèn trong đêm bất chợt đứa con trai tỉnh dậy đòi mẹ, nhìn thấy bóng Trương Sinh trên tường nó bảo “Cha tôi đó”. Lúc này thì Trương Sinh đã hiểu lòng vợ, đã biết mình vu oan cho vợ anh vô cùng hối hận nhưng tất cả đã quá muộn rồi.
Trong cùng nơi Trương Sinh ở, có anh chàng làm nghề kéo lưới tên là Phan Lang một hôm Phan Lang bị ngã xuống sông nhưng không chết được cứu vớt, Vũ Nương gặp Phan Lang dưới long cung đã nhờ Phan Lang về gặp Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình, để hồn cô siêu thoát.
Trương Sinh nghe Phan Lang kể lại, vô cùng thương vợ nên anh đã mời thầy lập đàn giải oan cho Vũ Nương trên sông Nhị Hà, trong không gian hư hư thực thực đó Trương Sinh nhìn thấy vợ mình ngồi trên kiệu hoa võng lọng bay lên trời.
Vũ Nương đã được siêu thoát trở thành công chúa, thoát khỏi chốn hồng trần nhiều oan ức. Thông qua câu chuyện “Người con gái Nam Xương” tác giả Nguyễn Dữ muốn nói lên mong ước của người xưa muốn cho số phận của những người con gái được hạnh phúc, đòi lại công bằng trong cuộc sống.
Vũ Nương lấy Trương Sinh là một sai lầm bởi họ không hề biết nhau trước, không có tình yêu, mà chỉ qua mai mối, Vũ Nương được hỏi cưới bằng một trăm lạng vàng thực chất cô được mua về làm dâu làm vợ với giá một trăm lạng vàng, nên khi cô làm gì không vừa ý, người ta có thể đánh đuổi cô ra khỏi nhà không thương tiếc.
Thông qua câu chuyện tác giả muốn tố cáo tội ác của chiến tranh phi nghĩa làm cho nhiều gia đình phải chịu cảnh ly tan, cha xa con vợ xa chồng. Chính cuộc chiến tranh cũng là tác nhân làm nên nỗi oan khuất của Vũ Nương trong cuộc sống.
Đông Thảo