Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện Sọ dừa.
Hướng dẫn
Sau khi học xong truyện Sọ Dừa, các nhân vật trong truyện đã để lại cho em nhiều ấn tượng khó quên. Truyện Sọ Dừa với những tình tiết hấp dẫn luôn cuốn hút sự tò mò của trẻ thơ. Em đã được nghe kể nhiều lần qua lời kể của bà của mẹ, nhưng khi được học em vẫn thấy thích thú.
Nhân vật Sọ Dừa, xuất hiện trước mắt người đọc thật khác thường. Một bà mẹ đang khao khát có một đứa con, khi ra đồng bà thấy khát nước, thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bưng lên uống. Về nhà ít hôm bà biết mình đã thụ thai, đến kì sinh nở bà cũng háo hức như bao bà mẹ khác, nhưng kì lạ thay bà đã sinh ra một đứa bé không chân, không tay tròn như một sọ dừa cứ lăn lông lốc trong nhà, chẳng làm được việc gì. Điều này khiến cho bà mẹ Sọ Dừa than phiền bởi hoàn cảnh éo le của gia đình bà. Sự ra đời của Sọ Dừa cũng chẳng khác nào sự ra đời lạ kì của Thánh Gióng hay Thạch Sanh bên gốc cây đa. Chỉ có điều, sự ra đời của Sọ Dừa lại có gì li kì hơn, khủng khiếp hơn. Chính điều này tạo ra sự bất ngờ cho chính chúng ta về chàng Sọ Dừa đáng yêu trong truyện. Tưởng rằng cục thịt đỏ hòn cứ lăn lông lốc kia “vô tích sư” nhưng lại “không vô tích sự” một chút nào, ngược lại Sọ Dừa lại rất tài giỏi và thông minh. Sự tài giỏi và thông minh đó cho thấy chàng trai đó không phải là một người bình thường.
Với hình thù kì dị, Sọ Dừa đã không hề thấy mặc cảm về bản thân của mình, chàng vẫn vô tư hồn nhiên, vẫn muốn làm việc để giúp mẹ. Khởi đầu trong công việc giúp mẹ chăn bò thuê. Cậu không có chân có tay nhưng lại chăn bò rất giỏi, con nào con nấy bụng no căng, lại chăn bò một cách ung dung thanh thản: ngồi trên võng thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Cô Út là người đã không quản khó khăn hàng ngày mang cơm cho Sọ Dừa. Vốn là người thông minh chàng sớm nhận ra được tấm lòng của người con gái đó, chàng đã nhất quyết đòi mẹ đi hỏi cô Út về làm vợ. Phú Ông đồng ý gả con gái nhưng đòi sính lễ rất cao và khó khăn để kiếm được có. Sọ Dừa vẫn đáp ứng đủ những tham lam của lão Phú Ông Và thế là lễ cưới được tổ chức linh đình trước sự ngạc nhiên của mọi người. Lễ tân hôn được tổ chức chu đáo cùng với sự “biến hình” thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Một thời gian không lâu, Sọ Dừa học giỏi thi đỗ trạng nguyên và được vua cử đi sứ. Đến đây tài năng của Sọ Dừa càng được bộc lộ tuyệt vời, đó là sự dự đoán chính xác tình hình để đảm bảo an toàn cho vợ khi đưa cho cô út một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà. Cuối cùng là việc giấu vợ trong buồng giữa việc đoàn viên để trừng trị hai người chị ác độc, đã nói lên sự thông minh và cách cư xử không khéo của quan trạng. Như vậy, tác giả dân gian đã tạo nên sự “đối lập”, trái ngược đến mức cực đoan giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật Sọ Dừa. Bề ngoài Sọ Dừa xấu xí, dị dạng, kì quái, vô dụng… còn bên trong lại là tài năng, phẩm chất tuyệt vời của một nhân cách cao cả, chân chính. Sự biến đổi kì diệu từ một cậu bé có bề ngoài dị dạng, thân phận thấp kém, trở thành chàng trai tuấn tú, thông minh, đỗ đạt chính là sự thống nhất về lí tưởng giữa hình thù bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật.
Các nhân vật trong truyện không hề nhận thấy phẩm chất cao đẹp bên trong con người của chàng, chỉ có Cô út hiền lành, hay thương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế, chỉ có cô mới coi Sọ Dừa như một con người. Có thể nói, nhân dân đã mượn hình ảnh cô Út để thay mình nhìn thấy bản chất bên trong của Sọ Dừa, nhân dân ta đã gửi gắm vào Sọ Dừa bao mơ ước, khát vọng. Sọ Dừa từ thân phận thấp hèn, từ một con người dị hình, xấu xí đã trở thành đẹp đẽ, thông minh, tài giỏi và xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Đồng thời khơi dậy trong chúng ta niềm tin. Niềm tin ấy đã trở thành đạo lý mà nhân dân ta vẫn dạy: người tài giỏi, đức độ phải được hưởng hạnh phúc hay rộng hơn “ở hiền gặp lành”, còn những kẻ độc ác, gian tham sẽ bị trừng trị.
Qua hình ảnh các nhân vật trong truyện, ông cha ta muốn nhắc nhở con cháu về giá trị đích thực, vẻ đẹp bên trong của con người. Muốn đánh giá đúng bản chất con người đừng nên chỉ quan sát bề ngoài. Đây chính là giá trị nhân dân, truyền thống dân tộc tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Hơn thế nữa, truyện còn đề cao lòng nhân ái đối với người bất hạnh. Lòng nhân ái đem lại hạnh phúc cho cả Sọ Dừa và cô út.
Có thể thấy Truyện Sọ Dừa mang đậm giá trị nhân đạo và nhân văn cao cả. Thực tế cho thấy rằng trong cuộc đời cũng như trong truyện cổ tích, hạnh phúc của những con người chân chính luôn bị kẻ độc ác đe dọa, tìm cách cướp đoạt. Nhân dân ta đã ý thức rõ điều này nên đã để cho nhân vật cảnh giác, đấu tranh bảo vệ hạnh phúc của mình. Sọ Dừa đưa cho vợ những vật dụng khi chia tay cũng vì thế. Truyện đã đề cập đến một loại người đau khổ nhất, một số phận thấp hèn nhất. Đau khổ thấp hèn đến nỗi từ vẻ bên ngoài đã không ra con người. Thế nhưng ban đầu cái vỏ xấu xí làm cho thân phận nhân vật thấp kém bao nhiêu thì về sau tài năng phẩm chất và sự biến hóa lại làm cho nhân vật trở nên khác thường, đẹp đẽ bấy nhiêu. Đó là quan niệm dân chủ, thái độ trân trọng, khẳng định của nhân dân đối với những con người bị coi là “hèn kém” trong xã hội giai cấp. Đó cũng chính là ước mơ của nhân dân về sự đổi đời.
Cái kết có hậu của Sọ Dừa cùng những tinh tiết li kì hấp dẫn đã làm truyện Sọ Dừa sống mãi trong lòng bạn đọc. Câu chuyện như một lời khuyên về thái độ đối xử với những người có thân phận thấp kém, chịu những bất hạnh trong cuộc đời. Chúng ta không thể nhìn vẻ bề ngoài mà coi thường người khác. Câu truyện như một tiếng chuông kêu gọi sự công bằng bình đẳng trong xã hội.
Theo Dethihay.com