Đóng vai Thánh Gióng em hãy kể lại câu chuyện mình sau khi đánh đuổi giặc Ân
Hướng dẫn
Thánh Gióng là truyền thuyết về tấm gương đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Thánh Gióng là nhân vật trung tâm của truyền thuyết, bằng tài năng và sức mạnh hơn người, Thánh Gióng đã đánh đuổi hết giặc Ân rồi bay về trời. Em hãy đóng vai Thánh Gióng và kể lại câu chuyện của mình sau khi đánh đuổi giặc Ân.
Dưới đây là dàn ý và bài văn tham khảo hay nhất cho đề bài đóng vai Thánh Gióngvà kể lại câu chuyện sau khi đánh giặc Ân. Các bạn hãy cùng tham khảo để có thêm những thông tin thú vị nhất nhé!
I. Dàn ý cho đề bài đóng vai Thánh Gióng kể lại câu chuyện đánh giặc Ân
1. Mở bài cho đề đóng vai Thánh Gióng em hãy kể lại câu chuyện mình sau khi đánh đuổi giặc Ân
Giới thiệu về lai lịch của bản thân và câu chuyện mình sau khi đánh đuổi giặc Ân.
2. Thân bài cho đề đóng vai Thánh Gióng em hãy kể lại câu chuyện mình sau khi đánh đuổi giặc Ân
-Kể lại diễn biến sau khi về trời
– Sự đón tiếp của Ngọc Hoàng.
– Kể lại cho Ngọc Hoàng về hành trạng của bản thân khi ở chốn nhân gian.
-Đầu thai vào gia đình vợ chồng ông lão mặc dù vô cùng lương thiện, tốt bụng nhưng vẫn không có con.
-Sau đó vì đã đầu thai nên đã quên đi những chuyện trước đây, cho đến khi nghe thấy tiếng loa của sứ giả tìm người giết giặc, mới sực tỉnh cất lên tiếng nói đánh đuổi giặc ngoại xâm.
-Lớn nhanh như thổi và ra trận giết giặc.
-Cảm xúc khi nghĩ gì những gì đã diễn ra ở trần gian
– Biết ơn cha mẹ và nhân dân làng Gióng vì đã nuôi dưỡng, đùm bọc.
– Luôn nhớ về trần gian.
– Sự vui mừng khi được vua phong là “Phù Đổng Thiên Vương” và biết đến lòng biết ơn, kính trọng của nhân dân dành cho mình, luôn dõi theo những cuộc thi được tổ chức hằng năm tại đình làng Gióng.
3. Kết bài cho đề đóng vai Thánh Gióng em hãy kể lại câu chuyện mình sau khi đánh đuổi giặc Ân
Cảm xúc vui mừng khi chứng kiến cuộc sống yên bình ở trần gian của nhân dân.
II. Bài tham khảo cho đề đóng vai Thánh Gióng em hãy kể lại câu chuyện mình sau khi đánh đuổi giặc Ân
Từ những sự thật lịch sử cùng khối óc sáng tạo của tác giả dân gian, những câu chuyện truyền thuyết li kì, hấp dẫn đã ra đời. Quê hương của ta chính là xứ sở của thế giới truyền thuyết mang đầy màu sắc thần kì đó. Xin tự giới thiệu, ta là Thánh Gióng- người đã đánh đuổi giặc Ân xâm lược. Hôm nay ta sẽ kể lại câu chuyện mình sau khi đánh đuổi giặc Ân, để hoàn thiện bức tranh về hành trang của chính mình.
Sau khi đánh tan bè lũ giặc Ân xâm lược, ta đã bay lên đỉnh núi, cởi áo giáp sắt bỏ lại và từ từ bay lên trời, bởi vì ta đã hoàn thành xong sứ mệnh mà Ngọc Hoàng giao phó, giúp đỡ nhân dân nước Văn Lang bảo vệ bờ cõi trước bước chân xâm lược. Vừa bước chân lên trời, ta đã thấy Ngọc Hoàng cùng các vị thần khác đang mở yến tiệc để tiếp đãi ta. Ta vốn không phải là một người phàm thông thường, mà là một vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống nhân gian. Sau khi gặp Ngọc Hoàng, ta vội bẩm tấu những gì đã diễn ra:
– Ngọc Hoàng vạn tuế! Đúng như người dự đoán, sau khi con xuống đầu thai ở trần gian ba năm thì giặc Ân đã sang xâm lược nước Văn Lang. Thần đã đầu thai vào gia đình của một vợ chồng ông lão, và chờ đợi thời cơ để cất lên tiếng nói đánh đuổi ngoại xâm.
Ngọc Hoàng vội đỡ ta đứng dậy và ân cần hỏi:
– Nhân gian có vô vàn gia đình, vậy thì tại sao ngươi lại chọn vợ chồng ông lão làm bố mẹ của mình?
Ta đã thành thực trả lời:
– Trong suốt quá trình vi thần tìm hiểu trước cuộc sống nhân gian, thần được biết vợ chồng ông lão mặc dù vô cùng lương thiện, tốt bụng nhưng vẫn không có con. Vì thế thần chọn đầu thai vào người mẹ để ban cho họ niềm vui lúc tuổi già. Sau đó vì đã đầu thai nên thần đã quên đi những chuyện trước đây, cho đến khi nghe thấy tiếng loa của sứ giả tìm người giết giặc, thần mới sực tỉnh nhớ lại lời căn dặn của Ngọc Hoàng. Từ hôm đó, thần đã ăn uống thật nhiều để khôi phục lại hình dáng. Và sau khi đuổi hết giặc Ân xâm lược, đến chân núi Sóc Sơn, thần vội vã quay trở về thiên đình.
Lúc đó Ngọc Hoàng đã tấm tắc khen ngợi ta. Trở về chốn thiên cung- nơi mà ta gắn bó mấy trăm năm qua nhưng lòng ta vẫn không nguôi nhớ về làng Gióng- quê hương thứ hai của ta ở hạ giới.
Ta nhớ làng quê dù chỉ sinh sống tại đó ba năm vì sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, và sự bao bọc giúp đỡ của dân làng. Khi ta nghe lời truyền của sứ giả và nhớ ra sứ mệnh của mình, ta đã ăn rất nhiều để trở về hình hài cao lớn, vạm vỡ ban đầu, nhưng vì gia đình quá nghèo nên không đủ cơm cho ta ăn, và lúc đó dân làng đã chung tay góp sức, sẵn sàng cung cấp lương thực cho ta ăn. Ta thầm biết ơn miền quê nghèo nhưng chan chứa tình người và giàu lòng yêu nước đã tiếp thêm cho ta sức mạnh để đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Sau đó, vì quá nhớ quê hương, ta đã đứng trước cổng thiên cung trông về hạ giới và được biết rằng vua Hùng đã phong ta tước hiệu Phù Đổng Thiên Vương, nhân dân biết ơn đã lập đền thờ cúng ta. Và họ vẫn luôn nhớ về những bụi tre ngà mà ngựa sắt của ta đã phun lửa và những ao hồ do vết chân ngựa để lại. Điều làm ta cảm thấy vui mừng nhất là khi biết rằng hằng năm, vào ngày mồng tám tháng tư, tại làng quê mà ta đầu thai, luôn tổ chức hội kỉ niệm rất linh đình và trang trọng, gọi là hội thi “Phù Đổng Thiên Vương”. Vì nội quy thiên đình quá nghiêm ngặt nên ta không thể quay về nhân gian khi chưa được sự cho phép của Ngọc Hoàng, nhưng ta vẫn luôn dõi theo những cuộc thi đó từ lúc tễ lễ đến những trò chơi dân gian như đánh trận giả, màn múa hát của nhân dân.
Dù thời gian trôi qua đã lâu nhưng ta vẫn không thể quên được quê hương nơi trần gian. Giờ đây, khi chứng kiến cảnh nhân dân được sống cuộc sống ấm no, yên ổn, ta cảm thấy rất vui vì đã bảo vệ hai chữ “hòa bình”.
Theo Baivanhay.com