Bình giảng bài ca dao Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Hướng dẫn
Trong“Trường ca mặt đường khát vọng” nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có viết:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho
Đất Nước những núi Vọng Phu,
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hồn Trống Mái..,”
Tinh cảm cao đẹp ấy của người đàn bà nước Nam đã được nói lên thật hay, thật cảm động trong ca dao dân ca của dân tộc. Bài ca dao:
“Thuyền ơi có nhớ bến chăng,
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền” đã neo giữ trong tâm hổn hàng triệu con người Việt Nam xưa nay.
Có thể nói đây là một bài thơ tình dân gian kiệt tác. Thuyền và bến là 2 hình ảnh ấn dụ – nhân hóa giao kết, giao hòa bằng những tình cảm sáu nặng. Thuyền nhớ bến, bến đợi thuyền, khăng khăng mãi trong lòng, không bao giờ có thể đổi thay, phai nhạt. Thuyền và bến tượng trưng cho tình nghĩa sắt son, chung thủy của lứa đôi trong cuộc đời.
1. Câu cảm thán kết hợp với câu hỏi tu từ đã làm cho giọng thơ ngàn vang bồi hồi tha thiết:
“Thuyền ơi có nhớ bến chăng”
Chữ “ơi” và chữ “chăng” đã hoa thanh tạo nên nhạc điệu du dương, réo rắt ấy. Tiếng gọi “thuyền ơi” xao xuyến vang lên, lan xa trong không gian, thấm sâu tỏa rộng trong hồn người. Câu hỏi tiếp theo “có nhớ bến chăng” đầy ắp nỗi thương nhớ của đôi lứa ở hai phía chân trời. Sóng cứ vỗ, nước mải miết trôi, bến mồ côi phủ mờ sương khói thời gian. Thuyền đi xa từ dạo ấy, nay đang lênh đênh trên dòng sông nào, ngọn thác nào, góc bể chân trời nào xa lắc? Thuyền đi mãi đi mãi chưa về. “Thuyền ơi có nhớ bến chăng”, câu ca cất lên như một lời than tự thương mình và thương người thấm đầy lệ.
Ân dụ thuyền nhớ bến, bến nhớ thuyền mang tình người, tình vợ chồng trong cảnh ngộ biệt li đầy bi kịch. Thuyền “có nhớ bến chăng”, còn bến thì vẫn nhớ, vẫn thương thuyền đang lênh đênh nơi chốn nào, và biết bao giờ mới trờ lại? Cũng nhu thuyền và bến, vợ – chồng có gắn bó với nhau, có yêu thương nhau thiết tha sâu nặng thì mới có nỗi thương nhớ da diết ấy.
Dòng nước chảy xuôi là vô tận. Dòng chảy thời gian là vô cùng. Con thuyền lênh đênh không bến. Bến mồ côi, bến đợi, bến hẹn phủ mờ sương khói tháng năm. Thuyền xa bến, thuyền nhớ bến cũng như chồng xa vợ, vợ chồng thương nhớ nhau, đó là bi kịch biệt li trong cõi nhân gian xưa nay.
2. Hai thanh trắc “một dạ” làm cho giọng thơ trĩu xuống như một nỗi niềm cứ thấm sâu vào hồn người:
“Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
Bến và thuyền nằm ở hai vị trí đầu, cuối câu ca, cấu trúc ấy mang ý nghĩa thấm mĩ đặc sắc gợi tả một không gian cách biệt xa xăm, một thời gian li biệt dằng dặc. “Khăng khăng” nghĩa là đinh ninh không đổi thay. “Một dạ khăng khăng dơi thuyền” là một lời thề nguyền đã khắc sâu vào lòng, đã “khắc cốt ghi tâm”, đinh ninh son sắt, không bao giờ phai nhạt, đổi thay! Thuyền vẫn đi xa, đi xa mãi chưa trở về, bến vẫn mong, bến vẫn đợi, bến vẫn “một dạ khăng khăng đợi thuyền”.
Càu ca “Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền” đã thể hiện một cách sâu sắc nỗi nhớ thương đợi chờ, tấm lòng son sắt thủy chung của người vợ hiền đối với người chồng thân yêu đi mãi chưa về. Câu ca còn biểu lộ niềm tin và hi vọng vào một ngày mai, thuyền sẽ trở lại bến, bến sẽ gặp lại thuyền, vợ chồng sẽ được đoàn tụ yên vui hạnh phúc.
3. Trong các thế kỉ 17, 18, 19, đất nước ta chìm đắm trong loạn lạc và nội chiến kéo dài. Hàng triệu trai tráng phải ra trận, dãi thây trên các chiến địa. Khắp nơi diễn ra cảnh li biệt buồn thương:
“Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non”
Biết bao người phụ nữ, nhan sắc, tuổi trẻ mỏi mòn trong những năm tháng chờ đợi. Họ sống trong cô đơn lạnh lẽo, nỗi thương nhớ chồng chất, lòng dạ héo hon:
“Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời,
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nổi nhớ chàng đau đáu nào xong…”
(“Chinh phụ ngâm”)
Bài ca dao này chỉ có thể ra đời trong bối cảnh lịch sử và xã hội ấy. Nó đã phản ánh bi kịch gia đình và thời đại, nỗi đau buồn thương nhớ, đợi chờ của lứa đôi. Nó đã ca ngợi tình nghĩa thủy chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam.
Ca dao dân ca Việt Nam có nhiều bài lấy hình tượng “thuyền – bến” để nội về tình thương nỗi nhớ trong biệt li xa cách:
“Thuyền đi để bến đợi chờ,
Tình đi nghĩa ở bao giờ quên nhau.
Chẳng nên tình trước nghĩa sau,
Bến này dãi bóng trăng thâu đợi thuyền”
Bài ca dao “Thuyền ơi có nhớ bến chăng” là tiếng đồng vọng của lòng người vào thời gian năm tháng. Nó giàu giá trị nhân bản phản ánh một thời li loạn và bi kịch cuộc đời. Với giai điệu ngọt ngào thiết tha, nó ca ngợi tấm lòng đôn hậu, tình nghĩa thủy chung của những người vợ, người mẹ trong xã hội. Thuyền và bến là hình tượng nghệ thuật mang vẻ đẹp nhân văn, thể hiện một cách độc đáo cảm hứng nhân đạo về tình thương nỗi nhớ, khát vọng được sống trong sum họp yên vui hạnh phúc của lứa đôi. Nó mãi mãi là bài học vô giá về tình nghĩa thủy chung và lòng biết ơn những người mẹ, người chị, người vợ quê ta.
Cái hay cái đẹp của bài ca là tính hàm súc, tính truyền cảm, và tính hình tượng. Cuốn “Ngữ văn 7 – tập 2”, văn bản bài ca dao này được ghi như sau:
“Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
Hai chữ “thuyền về” đã làm cho bài ca trở nên nhạt nhẽo và vô nghĩa.
Theo Baivanhay.com