Suy nghĩ của em về nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương
Bài làm
Nguyễn Dữ là một trong những tác giả nổi tiếng của nền văn chương trung đại Việt Nam. Tác phẩm làm nên tên tuổi của ông là Truyền kỳ mạn lục. Tác phẩm được phóng bút với những yếu tố tưởng tượng kỳ ảo nhưng tinh thần chung đem lại lại thấm đẫm chất hiện thực, phản ánh không khí chung của xã hội đương thời. Tác phẩm cũng có tư tưởng rất rõ ràng, hướng đến tư tưởng giáo dục, nhìn nhận vấn đề cho con người một cách rất sát sao.
Chuyện người con gái Nam Xương là một câu chuyện như thế. Trong câu chuyện, kể và tả về nhân vật Vũ Nương, một người phụ nữ rất tiêu biểu cho thân phận phụ nữ Việt Nam trong xã hội đương thời. Viết về Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã dành nhiều tình cảm trân trọng, sự bênh vực cho người phụ nữ yếu thế. Đó là một trong những điểm cộng, một trong những cái được, cái đi trước thời đại của Nguyễn Dữ. Vì trong thời kỳ ông sống, vấn đề trọng nam khinh nữ vẫn còn khá nặng nề, người có cái nhìn khách quan như ông là rất hiếm.
Vũ Nương là một người con gái đúng với cái nhìn về đạo “tứ đức” công, dung, ngôn, hạnh. Nàng xinh đẹp, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp, chỉ khổ cái xuất thân con nhà nghèo. Nàng thấu hiểu thân phận của mình vô cùng. Trong làng có nhà phú hộ mến cái đức của Vũ Nương mà xin cưới nàng cho con trai họ – Trương Sinh – một con người ít học và có tính gia trưởng. Trong cuộc sống vợ chồng, biết tính chồng hay ghen, nàng hết sức nín nhịn, không bao giờ để đến việc vợ chồng thất hòa. Lấy chồng, niềm vui, nỗi buồn và những mối quan tâm của nàng dồn hết vào chồng và gia đình nhà chồng. Nàng đã phải hy sinh rất nhiều cho hạnh phúc và sự ấm êm trong gia đạo. Nhưng yên ấm chẳng được bao lâu thì chồng nàng phải đi lính. Việc chồng nàng phải tòng quân vì đất nước là điều không thể tránh khỏi, nàng thấm thía sự khổ ải nơi chiến địa vô cùng. Nàng thương và lo lắng cho chồng nàng vô cùng. Nàng chỉ mong chồng mình có ngày trở về, bình yên để gia đình sum vầy là nàng đã thỏa nguyện. Những ngày chồng đi vắng, nàng đương mang thai, một mình gồng gánh những mối lo toan không có chồng giúp sức, nhưng nàng đều vượt qua hết, hơn tất cả nàng chỉ nghĩ cho chồng, lúc nào cũng hướng về sự vất vả và hy sinh của chồng nơi biên ải, mong ngóng những tin tức bình an.
Chồng đi vắng, một mình nàng tảo tần, gánh vác việc gia đình. Chăm sóc mẹ chồng và con thơ. Mẹ chồng nàng vì thương con trai mà đâm ra suy nghĩ, bệnh tật triền miên, nàng âu lo vô cùng. Hết sức chạy chữa thuốc thang lễ bái thần phật. Tuy nhiên, bà cụ vẫn không thể qua khỏi, nàng xót xa vô cùng. Mẹ chồng nàng cũng hiểu thấu tấm chân tình của nàng, ước nguyện cuối cùng của bà là mong muốn nàng dâu thảo hiền của mình sẽ được đền đáp bởi hạnh phúc xứng đáng”Ngắn dài có số, tươi héo bởi trời. Mẹ không phải không muốn đợi chồng con về, mà gượng cơm cháo. Song tuổi thọ có chừng, số trời khó tránh. Đêm tàn chuông đổ, số tận mệnh cùng; một tấm thân tàn, nguy trong sớm tối, không khỏi phải phiền đến con. Chồng con xa xôi, mẹ chết lúc nào, không thể kịp về đền báo được. Sau này trời giúp người lành, ban cho phúc trạch, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, mong ông xanh kia chẳng phụ con cũng như con đã chẳng nỡ phụ mẹ”
Mẹ chồng cũng bỏ nàng mà đi, một mình nàng phải gánh vác việc gia đình, vất vả vô cùng. Sinh con, nàng vừa phải làm cha, vừa gánh trách nhiệm người mẹ dạy dỗ con cái. Nàng khổ nhọc nhưng cũng thương con thiệt thòi vì không có cha bên cạnh. Nàng nghĩ ra cách chỉ bóng mình vào vách và nói với con đó là cha nó, để nó cảm nhận rằng cha nó luôn luôn bên cạnh nó. Nhưng không ngờ đó lại là nguồn cơn của những bất hạnh sắp cận kề đến với nàng.
Đúng với ước mong, với những mong ngóng, chồng nàng được bình an trở về, nhưng lại chỉ vì nghe lời đứa con thơ dại ngây thơ còn chưa đến tuổi hiểu chuyện mà nghi cho Vũ Nương là không ra gì, là kẻ bội bạc mình. Không chịu nghe nàng giải thích, máu nóng ghen tuông làm u mê không phân định được đúng sai, nhẫn tâm đánh đuổi nàng đi. Phân trần không nổi, biết là hết cách, Vũ Nương đau đớn vô cùng, nàng quyết định trẫm mình xuống sông tự tử mong rửa sạch nỗi hàm oan: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ”.
Câu chuyện về nàng Vũ Nương thật khiến cho người đọc cảm động. Biết bao sự cảm thông, đau xót dành cho nàng. Thương nàng bao nhiêu, lại thấy căm hận, muốn nói lên lời nói lên án mạnh mẽ chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ bất công đã đẩy biết bao nhiêu số phận những người phụ nữ, không chỉ riêng Vũ Nương vào hoàn cảnh nhiều bi kịch.
Minh Anh