Soạn bài Tức cảnh Pắc Bó
Hướng dẫn
Đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Bài thơ thuộc thể thơ tứ tuyệt. Một số bài thơ cùng thể thơ này đã học: Cảnh Khuya, Nguyên Tiêu (Rằm Tháng Giêng)…
Câu 2. Bài thơ bốn câu thật tự nhiên, bình dị, giọng điệu thoải mái, pha chút đùa hóm hình, tất cả toát lên một cảm giác vui thích sảng khoái.
Câu thơ đầu có giọng điệu thật thoải mái, phơi phới, cho thấy Bác Hồ sống thật ung dung, hòa điệu nhịp nhàng với nhịp sống núi rừng:
Sáng ra bờ suối / tối vào hang.
Câu thơ ngắt nhịp 4/3, tạo thành hai vế sóng đôi, toát lên cảm giác về sự nhịp nhàng, nề nếp: sáng ra, tối vào…
Câu thứ hai vẫn tiếp tục mạch cảm xúc đó, có thêm nét vui đùa: lương thực, thực phẩm ở đây thật đầy đủ, đầy đủ tới dư thừa ‘cháo bẹ, rau măng’ luôn có sẵn:
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Có người hiểu câu thơ này là dù phải ăn chỉ có cháo bẹ, rau măng rất khổ nhưng tinh thần vẫn sẵn sàng. Hiểu như vậy không sai về ngữ pháp nhưng không phù hợp với tinh thần chung, giọng điệu chung (đùa vui, thoải mái) của bài thơ, cũng tức là không thật phù hợp với cảm xúc của tác giả.
Câu thứ nhất nói về việc ở, câu thứ hai về ăn, câu thứ ba nói về làm việc, cả ba câu đều thuật tả cảnh sinh hoạt của tác giả ở Pác Bó, đều toát lên cảm giác thích thú, bằng lòng.
Hai câu này (và cả bài thơ cũng vậy) làm gợi nhớ mạch cảm xúc của bài Cảnh rừng Việt Bắc (1947) của Bác Hồ, cũng diễn tả niềm vui thích, sảng khoái đặc biệt của Người trong cuộc sống ở rừng chắc chắn có nhiều gian khổ lúc bấy giờ:
Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
… Non xanh nước biếc tha hồ dạo
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say…
Rõ ràng là với Bác Hồ, được sống giữa suối rừng, có suối có hang, có ‘vượn hót chim kêu’, ‘non xanh nước biếc’, thật là thích thú, mọi thứ cần gì có nấy, ‘cháo bẹ rau măng’ hay ‘rượu ngọt chè tươi’ đề ‘vẫn sẵn sàng’, ‘tha hồ’, ‘mặc sức’ hưởng thụ.
Nhưng kỳ thực, hoàn cảnh sinh hoạt của Bác Hồ ở Pác Bó hết sức gian khổ. Bài Tức cảnh Pác Bó cũng nói đến sự thật gian khổ đó (ngủ trong hang tối, ăn nhiều khi chỉ có cháo bẹ rau măng, bàn làm việc chỉ là tảng đá chông chênh), nhưng đã trở thành một sự thật khác hẳn, không phải là nghèo khổ, thiếu thốn mà là giàu có, dư thừa, sang trọng. Những câu thơ có giọng khẩu khí, nói cho vui, phần nào khoa trương (thường gặp trong hàng loạt bài thơ xưa nói vui cảnh nghèo, một chủ đề đã trở thành huyền thoại). Nhưng niềm vui thích của Bác Hồ ở đây là rất thật, không chút gượng gạo, ‘lên gân’: niềm vui đó toát lên từ toàn bộ bài thơ, từ từ ngữ, hình ảnh đến giọng điệu thơ.
Niềm vui lớn của Bác Hồ trong bài thơ không phải chỉ là niềm vui của người ẩn sĩ đang hưởng ‘thú lâm tuyền’ với thái độ ‘vong bần lạc đạo’ xưa – mà trước hết, đó là niềm vui to lớn của người chiến sĩ yêu nước vĩ đại, sau ba mươi năm xa nước, ‘Đêm mơ nước ngày thấy hình của Bác’ (thơ Chế Lan Viên), nay được trở bề sống giữa lòng đất nước yêu dấu: trực tiếp lãnh đạo cách mạng để cứu nước cứu dân:
Ba mươi năm ấy chân không mỏi
Mà đến bây giờ mới tới nơi
(Tố Hữu)
Đặc biệt, Bác Hồ còn rất vui vì Người tin chắc rằng thời cơ giải phóng dân tộc đang tới gần, điều mà Bác chiến đấu suốt đời để đạt tới đang trở thành hiện thực. So với niềm vui lớn lao đó thì những gian khổ trong sinh hoạt có nghĩa lý gì: thậm chí, tất cả những hang tối, cháo bẹ, rau măng, bàn đá chông chênh… kia không phải là gian khổ mà đều trở thành sang trọng, vì đó là cuộc đời cách mạng!
Trong câu thứ ba, hình tượng người chiến sĩ bỗng nổi bật, như được đặc tả bằng những nét đậm, khỏe, đầy ấn tượng:
Bàn đá chông chênh lịch sử Đảng
Chông chênh là từ láy miêu tả duy nhất của bài thơ, rất tạo hình và gợi cảm. Ba chữ lịch sử Đảng toàn vần trắc, toát lên cái khỏe khoắn, mạnh mẽ, gân guốc. Trong một bài tứ tuyệt, câu thứ ba thường có vị trí nổi bật, thường là hình ảnh trung tâm của bài thơ. Như vậy, trung tâm của bức tranh Pác Bó là hình tượng người chiếc sĩ được khắc họa vừa chân thực, sinh động, lại vừa như có một tầm vóc lớn lao, một tư thế uy nghi, lồng lộng, giống như một bức tượng đài về vị lãnh tụ cách mạng. Bác Hồ đang dịch lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô – đồng thời, chính là đang xoay chuyển lịch sử Việt Nam nơi ‘đầu nguồn’… Cảnh ấy, cuộc sống cách mạng ấy quả thật là đẹp, ‘thật là sang’! Chữ sang kết thúc bài thơ có thể coi là chữ thần, chữ mắt (nhãn tự), đã kết tinh, tỏa sáng tinh thần toàn bài.
Câu 2. ‘Thú lâm tuyền’ – cũng như ‘thú điền viên’ – là một tình cảm thanh cao, một nét đẹp có truyền thống từ xưa. Bao triết nhân hiền giả, gặp lúc thời thế nhiễu nhương, lầm bụi, không thể nhập thế hành đạo giúp đời, bạn cùng hoa cỏ gió trăng, giữ tâm hồn trong sạch.
Vui ‘thú lâm tuyền’ thì cũng có nghĩa là vui với cái nghèo. Vui cảnh nghèo cũng là một chủ đề, một cảm hứng lớn, để lại cả một mạch sáng tác trong thi ca truyền thống. Nguyễn Bình Khiêm viết:
Khó thì mặc khó có nài bao
Càng khó bao nhiêu chí mới hào
Và: Trúc biếc nước trong ta sẵn có
Phong lưu rất mực dễ ai bì
Nguyễn Trãi cũng viết:
Muôn chung chín vạc để làm gì?
Nước lã cơm rau hãy tri túc
Càng nghèo càng cảm thấy ‘hào’, thiếu thốn đủ thứ mà cảm thấy phong lưu rất mực, tự cho là ‘tri túc’…! Vì thế, cái phong vị nghèo ấy lại là biểu hiện cao quý, của giày sang – giàu sang về tinh thần, về đạo lí.
Bài thơ ‘Tức cảnh Pác Bó’ cho thấy rõ ‘thú lâm tuyền’ và niềm vui cảnh nghèo của Bác Hồ khi ở Pác Bó. Dường như Người thật sự hoà nhịp với điệu sống nơi núi rừng, như một ông tiên, một ‘khách lâm tuyền’.
Có điều, đây không phải là một ẩn sĩ trốn đời mà là một nhà cách mạng vĩ đại đang nếm mật nằm gai, hoạt động cách mạng bí mật. Và sự nghiệp cách mạng ấy chỉ cho phép Người hưởng niềm vui thú được sống với rừng, suối (thú lâm tuyền) trong hoàn cảnh ấy đầy gian khổ khi ở Pác Bó và sau đó ở Việt Bắc. Phần lớn cuộc đời của Người dành trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.