Phân tích những nét chung trong cảm hứng về quê hương đất nước của các nhà thơ kháng chiến chống Pháp.
Hướng dẫn
Trong cuộc kháng chiến của dân tộc thơ văn có một ý nghĩa to lớn, góp phần làm nên thắng lợi của dân tộc. Mỗi nhà thơ có cái nhìn, và có cách nói riêng về cảm xúc của mình, nhưng đều có nét chung trong cảm hứng về quê hương đất nước. Những bài thơ nổi tiếng như Bên kia sông Đuống của Hoàng cầm, Việt Bắc của Tố Hữu, Đất nước của Nguyễn Đình Thi đã thể hiện điều đó rất rõ.
Thơ ca cổ điển thường mang đến cho người đọc những cảnh vật mĩ lệ, hoặc đơn sơ nhưng đẹp của nước non. Thơ văn trong kháng chiến chống Pháp cho người đọc sắc màu cụ thể và gắn bó chặt chẽ với đời sống của nhân dân.
Trong Đất nước của Nguyễn Đình Thi, quê hương đất nước hiện lên thật tươi đẹp, tràn đây sinh lực:
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.
Còn ở Sông Đuống thì thật lãng mạn nên thơ:
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì.
hay:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Ngoài việc miêu tả những điều cụ về cảnh sắc thiên nhiên, đã có sự khái quát cao hơn, nhiều lúc thoát khỏi việc bị gán ghép cho những sắc thái tình cảm quá cá biệt. Nó hình như khách quan hơn, tạo nên một cái phông rất thích hợp, có màu sắc sử thi cho những vân đề to lớn được nó. Là những người công dân mới của một đất nước đã có chủ quyền, các nhà thơ kháng chiến luôn có ý thức làm chủ đối với đất nước. Ý thức đó không thấy xuất hiện trong Thơ mới dù các nhà thơ thuở đó cũng hết sức nặng lòng với quê hương. Điều này dĩ nhiên có nguyên nhân lịch sử. Khi viết về quê hương, nhiều lắm họ cũng chỉ nói được như Tế Hanh:
“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới…”. “Làng tôi ở” chứ không phải là “làng tôi”, nghĩa là “làng tôi” lúc này mới chỉ được xác định như một mảnh đất từ đó mình sinh ra và lớn lên chứ chưa được xác định như một đối tượng sở hữu. Thơ kháng chiến đã khác Trước quê hương đất nước, từ sở hữu “của” xuất hiện rất nhiều lần, mang âm điệu khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát. Nguyễn Đình Thi đã hả hê sung sướng biết bao khi viết:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta…
Tố Hữu cũng lòng đầy phấn chấn khi nói:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung.
Từng câu từng chữ trong lời thơ đã khẳng định chủ quyền rõ rệt. Chủ quyền người Việt đối với đất nước Việt Nam đã hiển nhiên. Các nhà thơ chỉ cần nói “nước chúng ta”, “quê hương ta” cũng đủ để ý thức sở hữu gây được ấn tượng mạnh cho người đọc. Người ta thường nói thơ kháng chiến thắm đượm ý thức dân chủ chính một phần căn cứ vào điều đó. Điều đáng chú ý là khi thể hiện thứ tình cảm mới mẻ và lớn lao này trước đất nước, cái “tôi” của các nhà thơ cũng mang một tầm vóc mới, là cái tôi mang tính chất đại diện cho cả nhân dân. Bởi vậy, quê hương trong suy nghĩ của họ không còn bó hẹp nơi cái “làng tôi ở”, nơi những mảnh vườn, góc phố xinh xẻo hoặc đìu hiu mà mở rộng ra đến cả mọi vùng. Trong thơ kháng chiến xuất hiện nhiều địa danh và địa danh nào cũng vang vọng, cũng trở thành một phần máu thịt của nhà thơ:
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài…
(Bên kia sông Đuống)
Nỗi nhớ của các nhà thơ trùm lên cả mọi miền:
Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng,
Nhớ từ Cao – Lạng, nhớ sang Nhị Hà.
(Việt Bắc)
Bên cạnh đó, trong những năm kháng chiến các sáng tác còn mang nặng cảm hứng lịch sử và hình ảnh quê hương đôi khi hiện lên với vẻ đẹp của truyền thống văn hóa lâu đời. Cảm hứng này làm cho hình tượng được mô tả có thêm chiều sâu. Sau niềm vui về nền độc lập, tự do của Tổ quốc, các nhà thơ thường đắm mình trong những suy tư về lịch sử. Đó là động lực, là lời nhắc nhở để chúng ta quyết tâm đấu tranh bảo vệ đất nước. Âm điệu của thơ cũng trở nên trầm lắng, bâng khuâng:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rẩm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
(Đất nước)
Các nhà thơ trong thời kì kháng chiến chống Pháp đã có cái nhìn sâu thẳm về quê hương đất nước. Họ không chỉ vui với cái bề ngoài, không chỉ nhạy cảm với không gian “thơm ngát”, “bát ngát”, “mênh mông bốn mặt” trải rộng mà còn hết sức xúc động với cái bề sâu, với chiều thời gian thăm thẳm. Những câu thơ rất khái quát như vừa trích trên và hai Câu:
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng.
chính đã được viết ra trong niềm tự hào ấy về lịch sử. Nhưng lịch sử và văn hóa có thể nào tồn tại tách rời nhau. Trong bài thơ khá dài Bên kia sông Đuống, Hoàng cầm muốn quan sát vẻ đẹp của quê hương ở phương diện văn hóa đó. Hàng loạt hình ảnh sinh động, cụ the được ve lên khiến ta được đắm mình trong một không khí đặc biệt trộn lẫn ảo và thực, xưa và nay, quá khứ và hiện tại để từ đó ta hiểu ra vì sao quê hương đất nước mình vẫn muôn đời tồn tại:
Quê hương ta lúa nép tham nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Rồi các hình ảnh như “Những nàng môi cắn chỉ quết trầu”, “Những cô hàng xén răng đen”, “Những em sột soạt quần nâu”… tất cả đều là văn hóa, tất cả đều là quê hương. Đặt trong mạch suy cảm chung, những bức tranh phong tục như thế bỗng mang thêm nhiều ý nghĩa mới.
Trong các bài Bên kia sông Đuống, Việt Bắc, Đất nước, cảm hứng về quê hương đất nước mang tính chất chính trị – xã hội rõ nét. Nó gắn liền với cảm hứng lịch sử nói trên. Hình ảnh quê hương đất nước ở đây không chỉ mang sắc thái muôn đời như trong Thơ mới mà còn là hình ảnh quê hương trong cảnh điêu tàn. Có hình ảnh quê hương quật khởi. Khi quê hương bị quân thù giày xéo, lòng nhà thơ đau đớn, căm giận. Càng say đắm với vẻ đẹp quê hương trong cảnh thanh bình, các nhà thơ càng xót xa với hiện tại:
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay.
(Bên kia sông Đuống)
Nhưng với “mối thù nặng vai”, cả quê hương đất nước này đã đứng dậy. Lòng các nhà thơ nao nức khi nghe vọng tiếng “Bộ đội bên sông đã trở về”. Họ đã thật sự xúc động trước “tiếng căm hờn” bật lên “từ gốc lúa bờ tre hồn hậu”, đã phấn chấn biết bao với hình ảnh “Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây”. Cuộc kháng chiến đã lớn mạnh. Từ phòng ngự, cảm cự, ta đã chuyển sang thế phản công. Từ khắp miền đất nước đều có tin vui, tin chiến thắng:
Tin vui chiến tháng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
(Việt Bắc)
(Cùng với niềm vui về hình ảnh “Nước Việt. Nam từ máu lửa, Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, các nhà thơ bắt đầu mơ ước về tương lai, về “trời đất mới”, Họ nghĩ đến ngày:
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
(Bên kia sông Đuống)
thậm chí, nghĩ xa hơn đến cả ngày đất nước thay da đổi thịt. Ngày mai, ấy là cả một trời hạnh phúc của đất nước này:
Ngày mai rộn rã sơn khê
Ngược xuôi tàu chạy bốn bề lưới giăng
Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời.
(Việt Bắc)
Quả là nếu không gắn bó máu thịt với đất nước từ trong những ngày đau khổ, các nhà thơ khó lòng có được sự tưởng tượng bay bổng đến như thê. Trong cảm xúc và suy nghĩ của họ, quê hương và cách mạng không tách rời nhau (chính Tố Hữu từng gọi Việt Bắc là “quê hương cách mạng”). Đây cũng là một nét mới mà thơ ca kháng chiến đem đến cho xúc cảm truyền thống về quê hương, đất nước.
Mỗi thời kì, các nhà thơ lại có những sáng tác khác nhau về quê hương đất nước mình. Trong cuộc kháng chiến của dân tộc, những người cầm bút cũng có vai trò quan trọng như những người cầm súng, và các tác phẩm thơ ca như là món ăn tinh thần, là động lực để toàn dân thêm yêu đất nước, và sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đất nước. Các tác phẩm phân tích ở trên đã để lại giá trị về cả nội dung và nghệ thuật, tạo tiền đề cho những sáng tác có ý nghĩa sau này.
Theo Baivanhay.com