Phân tích hình ảnh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân
Bài làm
Thiên nhiên vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ cổ, với thiên tài Nguyễn Du đề tài ấy càng được ông thể hiện một các đặc sắc. Trong truyện Kiều, thiên nhiên bốn mùa đều được ông miêu tả nhưng đặc trưng rõ nét và cô đọng hấp dẫn chỉ bằng vài câu thơ trong đoạn trích Cảnh ngày xuân.
Cảnh ngày xuân nằm ở phần đầu của truyện, đây là đoạn tiếp liền theo đoạn tả vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều. Đoạn này tả cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trong tiết thanh minh. Đó cũng là một nét đẹp lễ hội ngày xuân. Bốn câu thơ đều gợi lên vẻ đẹp khung cảnh ngày xuân. Một bức tranh xuân kiệt tác:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Ngày xuân qua đi nhanh như chiếc thoi dệt vải trong khung cửi. Câu thơ này vừa diễn tả không khí tươi sáng của cảnh mùa xuân đồng thời thể hiện tâm trạng nuối tiếc, ngày xuân trôi qua nhanh quá. Như thế hai câu đầu vừa nói về thời gian mà còn gợi tả không gian mùa xuân. Bát ngát trải rộng đến tận chân trời là thảm cỏ xanh non. Đó chính là gam màu nền của bức tranh ngày xuân tươi đẹp. Trên nền của thảm cỏ xanh ấy điểm thêm vài bông lê trắng, sự phối màu sắc của bức tranh thật hài hòa, không có gì tuyệt vời hơn thế. Màu xanh non tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, cho sức sống đang lên màu. Màu trắng là biểu tượng cho sự trong trắng, tinh khiết, tất cả đã cho thấy ngày xuân ở đây thật khoáng đạt, mới mẻ, thanh tân, dạt dào sức sống trong một không khí trong lành thanh thoát. Từ “điểm” làm cho bức tranh sinh động, có hồn.
Cảnh lễ hội trong tiết thanh minh cũng được miêu tả thật sinh động, náo nức
“Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
Ngổn ngang gò đống kéo lên…”
Các danh từ: yến anh, chị em, đông vui, nhiều người cùng đến hội; các động từ: sắm sửa, dập dìu… thể hiện không khí rộn ràng náo nhiệt của ngày hội. Các tính từ: gần, xa, nô nức… làm rõ hơn tâm hồn trong người đi trẩy hội. Phép nói ẩn dụ (yến anh, ngựa xe như nước) gợi hình ảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân như chim én, chim oanh rối rít vì trong lễ hội mùa xuân tấp nập nhộn nhịp nhất vẫn là nam thanh nữ tú. Tiết thanh minh mọi người cùng nhau sửa sang lại phần mộ của người thân. Tất cả đều góp phần thể hiện không khí lễ hội đông vui thuộc truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và một số nước châu Á.
Cảnh vật mùa xuân thì vẫn còn đó nhưng cuộc vui nào rồi cũng có lúc phải tàn, để lại trong lòng người những cảm giác bâng khuâng, tiếc nuối, đó chính là nội dung của sáu câu thơ cuối đoạn trích:
“Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dang tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh bốn bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”.
Cảnh vật, không khí mùa xuân trong 6 câu thơ này so với mấy câu thơ đầu đã có sự khác biệt. Không khí rộn ràng náo nức buổi sáng không còn, mọi thứ đều đã lắng xuống, nhạt dần, nắng xuân ấm áp, hồng tươi vào buổi sớm giờ đây đã nhạt đi (khe suối nhỏ, nhịp cầu bắc ngang) tuy vẫn giữ nét thanh dịu của mùa xuân với mọi chuyển động nhẹ nhảng như mặt trời ngả bóng về tây, bước chân người thơ thẩn lưu luyến, tiếc nuối, dòng nước uốn quanh. Nhưng tất nhiên thời gian thì khác.
Nếu cảnh trong 4 câu thơ đầu là cảnh buổi sáng lúc lễ hội mới bắt đầu thì ở đây là cảnh chiều tan hội. Tâm trạng mọi người theo đó cũng khác hẳn. Các từ láy “nao nao, tà tà, thanh thanh, …” đâu chỉ tả cảnh mà còn ngụ tình, một cái gì đó lãng đãng bâng khuâng xao xuyến và tiếc nuối bởi lẽ sự vật chảy trôi không ngoái đầu nhìn lại. Cảnh ngày xuân là bức tranh không gì so sánh nổi.