Giải thích ý nghĩa câu ca dao Anh em như thể tay chân rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đần.
Hướng dẫn
Tình cảm anh em là một trong những thứ tình cảm thiêng liêng của con người. Thứ tình cảm đó vô cùng có ý nghĩa trong đời của mỗi người. Để đưa ra lời khuyên, cũng như lời răn dạy cho con cháu về tình cảm anh em, cha ông ta đã có câu ca dao:
Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đần
Để nói lên tình nghĩa anh em sâu nặng gắn bó, câu ca dao đã dùng hình ảnh so sánh tay và chân, là những bộ phận quan trọng và không thể thiếu trong cơ thể con người. Tay và chân là hai bộ phận của một cơ thể có quan hệ khăng khít với nhau, hỗ trợ cho nhau. Tay và chân giúp con người có khả năng lao động để làm ra của cải vật chất. Nếu mất một trong hai bộ phận trên thì con người khó hoạt động và khả năng hoạt động bị giảm bớt. Điều này rõ ràng cho thấy sự cần thiết của cả tay lẫn chân đối với cơ thể của con người. Anh em trong gia đình cũng vậy, đều sống chung trong một mái nhà, cùng lớn lên có quan hệ tình cảm gắn bó với nhau. Anh có thể giúp em và ngược lại, em có thể giúp anh. Mối quan hệ đó giống như mối quan hệ giữa tay và chân.
Bằng biện pháp mượn hình ảnh tay chân, câu ca dao muốn khẳng định tình cảm khăng khít giữa anh em, giữa những người thân trong gia đình. Chính tình cảm đó sẽ là cơ sở xây dựng mối quan hệ thuận hòa, cách cư xử giữa anh em với nhau. Nếu ở câu trên là hình ảnh so sánh thì câu dưới Rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đần là hình ảnh tượng trưng man nhiều ý nghĩa biểu cảm. “Rách”, “lành” chỉ hai hoàn cảnh sống khác nhau. “Rách” tượng trưng cho cuộc sống khó khăn, khổ sở. “Lành” tượng trưng cho hoàn cảnh sống thuận lợi, sung túc. Ở đây dù trong hoàn cảnh nào “rách” hay “lành” cũng đều phải đùm bọc lấy nhau. Đó là lời khuyên về cách cư xử của anh em tron một gia đình, trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Lúc đói, khi no, lúc sung sướng, khi thiếu thốn… hoàn cảnh có thể thay đổi nhưng đã là anh em thì lúc nào cũng không có lí do nào, tình huống nào làm thay đổi được. Tình anh em mãi mãi thắm thiết.
Trong gia đình, anh em là những người đã từng sống chung với nhau từ thuở bé. Đến lúc lớn lên, dù mỗi người có bận bịu vì cuộc sống, vì gia đình riêng thì cũng phải giữ mãi tình cảm cao đẹp đó. Dù hoàn cảnh có khác nhau, người sống sung sướng, hạnh phúc, người sống nghèo khổ đói nghèo thì anh em vẫn phải quan tâm, săn sóc cho nhau. Giữ mãi tình cảm tốt đẹp ấy là bổn phận của mỗi người con trong gia đình. Yêu thương hòa thuận với nhau là đạo đức, là nhân cách của con người. Gia đình nào có được anh em biết yêu thương, đùm bọc cho nhau là gia đình đó có hạnh phúc.
Đưa ra câu ca dao này, câu ca dao không chỉ nhằm mục đích nói lên tình cảm anh em thiêng liêng mà còn muốn khuyên bảo nhắc nhở con cháu phải duy trì tốt tình cảm cao quý đó trong gia đình vì đây là truyền thống đẹp đẽ của dân tộc. Hơn nữa, trong thực tế cuộc sống cũng như anh em tron gia đình được nhân rộng ra là tình yêu thương đồng loại – đã giúp cho nhân dân vượt qua mọi khó khăn thử thách mà tưởng chừng như nhân dân ta không vượt qua được. Những thiên tai lũ lụt đã gây biết bao tang thương đói khổ cho dân lành, nếu không có tình thương dùm bọc lẫn nhau, tình anh em một nhà, một nước, thì liệu đất nước ta, dân tộc ta đứng dậy nổi không? Cũng như trải qua những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dân ta có sự “đùm bọc” đỡ đần như tiếp thêm sức mạnh để chiến thắng kẻ thù.
Đã là anh em một nhà thì phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cùng chia sẻ cho nhau những khó khăn gian khổ. Chúng ta không nên vì lợi ích của bản thân mà làm rạn nứt tình cảm thiêng liêng đó. Xã hội phát triển, tình cảm anh em cũng có nhiều yếu tố tác động, không ít gia đình anh em thù ghét, thậm chí chém giết lần nhau, qua câu ca dao này, chúng ta hãy hiểu hết ý nghĩa cua nó và có những hành động cao đẹp với nhau hơn.
Theo Baivanhay.com