Đề kiểm tra cuối tuần 34 Tiếng Việt lớp 5
Hướng dẫn
Đề kiểm tra cuối tuần 34 Tiếng Việt lớp 5
I – Bài tập về đọc hiểu
Thỏ và Sóc
Thỏ và Sóc là đôi bạn thân thiết. Một ngày nắng đẹp, đôi bạn rủ nhau vào rừng hái quả. Mùa thu, khu rừng thơm phức hương quả chín. Bỗng Thỏ reo lên sung sướng:
– Ôi, chùm quả vàng mọng kìa, ngon quá!
Thấy chùm quả vắt vẻo cao tít, Sóc vội vàng ngăn Thỏ:
– Cậu đừng hái, nguy hiểm lắm!
Nhưng Thỏ đã men ra. Nó cố với. Trượt chân. Thỏ ngã nhào. Sóc nhanh nhẹn túm được áo Thỏ. Sức nặng của Thỏ kéo Sóc ngã theo. Rất may, tay Sóc kịp với được cành cây nhỏ nên cả hai chỉ bị treo lơ lửng trên không chứ không bị rơi xuống khe núi đầy đá nhọn. Cành cây cong gập hẳn lại. Chích Chòe hốt hoảng kêu lên:
– Cành cây sắp gãy rồi kìa!
Sóc vẫn cố giữ chặt áo Thỏ. Tiếng răng rắc trên cành cây càng nghe to hơn. Chích Chòe cuống quýt bảo Sóc:
– Cậu buông Thỏ ra, nếu không cành cây gãy cậu sẽ bị rơi xuống đá.
– Tớ không bỏ Thỏ được, Thỏ là bạn tớ. – Sóc trả lời.
Mỗi lúc cành cây lại đu đưa, lắc lư mạnh thêm.
– Cậu bỏ tớ ra đi, cậu sẽ bị rơi theo đấy. – Thỏ nói với Sóc rồi òa khóc.
– Tớ không bỏ cậu đâu. – Sóc cương quyết.
Chích Chòe vội vã bay đi kêu cứu khắp khu rừng. Bác Voi cao lớn đang làm việc gần đấy nghe tiếng kêu cứu hộc tốc chạy tới. Bác rướn mình đưa chiếc vòi dài của bác ra đỡ cả Thỏ và Sóc xuống an toàn. Nghe Chích Chòe kể lại sự việc, bác Voi âu yếm khen Thỏ và Sóc:
– Các cháu có một tình bạn đẹp.
Hôm ấy đúng là ngày đáng nhớ nhất của đôi bạn thân thiết.
( Theo Hà Mạnh Hùng )
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng
1. Khi Thỏ cố với để hái chùm quả, trượt chân ngã, Sóc đã làm gì?
a- Nhanh nhẹn túm được áo Thỏ
b- Kêu to: “Cậu đừng hái, nguy hiểm lắm!”
c- Vội vàng chạy đến để giúp Thỏ
d- Vội vàng giơ tay cho Thỏ nắm
2. Thỏ và Sóc rơi vào tình thế nguy hiểm như thế nào?
a- Sức nặng của Thỏ kéo Sóc ngã theo
b- Sóc ngã, Thỏ bị treo lơ lửng trên cành cây
c- Cành cây gãy, cả hai rơi xuống khe núi
d- Cả hai bị treo lơ lửng trên cành cây cao
3. Sóc đã làm gì khi cả Chích Chòe và Thỏ bảo phải buông Thỏ ra vì cành cây sắp gãy?
a- Giữ chặt lấy áo Thỏ, không chịu buông ra
b- Nghe lời Chích Chòe, không giữ áo Thỏ nữa
c- Thả tay ra để cả hai cùng rơi xuống khe đá
d- Vừa giữ chặt lấy áo Thỏ vừa khóc òa lên
4. Câu chuyện kết thúc như thế nào?
a- Thỏ và Sóc cùng rơi xuống dưới khe núi có những hòn đá sắc nhọn
b- Bác Voi đến cứu, Sóc giận Thỏ không nghe lời mình nên cả hai suýt chết
c- Chích Chòe gọi bác Voi đến cứu hai bạn, bác khen hai bạn có tình bạn đẹp
d- Chích Chòe gọi bác Voi đến cứu hai bạn, bác nhắc hai bạn phải cẩn thận
5. Tên nào dưới đây phù hợp nhất với câu chuyện?
a- Câu chuyện cảm động về tình bạn
b- Không bỏ bạn trong cơn hoạn nạn
c- Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu
d- Chú Sóc nhỏ đáng khen
II – Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, tập làm văn
1. Viết lại tên các nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ quan dưới đây cho đúng quy tắc viết hoa đã học:
a) nhà máy văn phòng phẩm hồng hà
…………………………………………………………………………….
b) công ty thiết bị dạy học và đồ chơi phương nam
…………………………………………………………………………….
c) bộ văn hóa, thể thao và du lịch
…………………………………………………………………………….
d) ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của quốc hội
…………………………………………………………………………….
2. Đọc đoạn văn ( thơ ) ở cột A và ghi tác dụng của dấu gạch ngang trong mỗi đoạn vào cột B
3. Dấu ngoặc đơn trong mỗi câu sau có tác dụng gì? Dấu ngoặc đơn trong câu nào có thể thay bằng dấu gạch ngang?
a) – Tôi không có tội. Yêu nước không phải là một tội
( Võ Thị Sáu )
b) Pax-can ( khi ấy vẫn là sinh viên ) đi đâu khuya về.
Viết tiếp câu trả lời:
– Dấu ngoặc đơn trong câu a cho ta biết ………………………………
– Dấu ngoặc đơn trong câu b nhằm ……………………………………
– Dấu ngoặc đơn trong câu … có thể thay bằng dấu gạch ngang.
4. Viết đoạn văn ( 5 – 7 câu ) tả vài nét nổi bật của một cảnh đẹp mà em biết ( VD: dòng sông, hoặc hồ / thác nước, ngọn núi, bãi biển, cánh rừng, vườn cây / hoa, công viên,…)
……………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………..
5. Viết đoạn mở bài và kết bài cho bài văn tả một người mà em yêu quý.
a) Mở bài
……………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………..
b) Kết bài
……………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………..
Đáp án tuần 34
I – 1.a 2.d 3.a 4.c 5.a
II – 1.
a) Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà
b) Công ti Thiết bị dạy học và Đồ chơi Phương Nam
c) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
d) Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
2. Ghi tác dụng của dấu gạch ngang ( cột B ) ở các đoạn:
a) Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại
b) Đánh dấu phần chú thích trong câu
c) Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê
3. Giải đáp
– Dấu ngoặc đơn trong câu a cho ta biết người nói câu trên
– Dấu ngoặc đơn trong câu b nhằm giải thích thêm về Pax-can
– Dấu ngoặc đơn trong câu b có thể thay bằng dấu gạch ngang
4. Tham khảo:
a) Tả dòng sông đẹp
Sông nằm uốn khúc giữa làng rồi chạy dài bất tận. Những bờ tre xanh ngăn ngắt chạy dọc theo bờ sông. Tối tối, khi ông trăng tròn vắt ngang ngọn tre soi bóng xuống dòng sông lấp lánh thì mặt nước lại gợn sóng, lung linh ánh vàng. Chiều chiều, khi ánh hoàng hôn buông xuống, em lại ra sông hóng mát. Trong sự yên tĩnh của dòng sông, em nghe rõ cả tiếng thì thào của hàng tre xanh và lòng em trở nên thảnh thơi, trong sáng vô cùng.
( Theo Thực hành Tập làm văn 4, 2002 )
b) Tả cánh rừng miền Đông Nam Bộ
Đang vào mùa rừng dầu trút lá. Tàu lá dầu liệng xuống như cánh diều phủ vàng mặt đất. Mỗi khi có con hoẵng chạy qua, thảm lá khô vang động như có ai đang bẻ chiếc bánh đa. Những cây dầu con mới lớn, phiến lá đã to gần bằng lá già rụng xuống. Lá như cái quạt nan che lấp cả thân cây. Đang giữa trưa nắng, gặp rừng dầu non, mắt bỗng dịu lại như đang lạc vào một vùng rau xanh mát.
( Theo Chu Lai )
5. Tham khảo:
a) Mở bài
Hoa đào và hoa mai đã nở rộ khắp nơi. Mùa xuân xinh đẹp đã về rồi. Năm mới, tôi lại thêm một tuổi nữa. Nhưng xuân này, tôi không còn được gặp bà nội yêu quý. Bà đã dành cả tình yêu thương cho cháu và đi xa mãi mãi vào mùa xuân năm
trước.
b) Kết bài
Nhiều người khen tôi có khuôn mặt giống bà nội,tính tình cũng giống bà nội. Phải chăng bà đã để lại cho tôi nhiều đức tính quý báu. Mà lạ thật, ba má tôi cũng nói: “Hình như bà nội vẫn chưa đi xa. Bà vẫn ở đâu đây bên đứa cháu ngoan’. Mỗi lần ngắm ảnh bà nội trên bàn thờ,tôi thầm hứa sẽ là đứa cháu giỏi giang để không phụ lòng mong mỏi của bà nội kính yêu.
Tải về file word tại đây.
Xem thêm: Đề kiểm tra cuối tuần 35 Tiếng Việt lớp 5
Tags:Giáo Án Tiếng Việt 5 · Tiếng Việt 5
Theo Dethihay.com