Dàn ý chi tiết biểu cảm về người thân (cha, mẹ, ông, bà, anh, chị, em..)
Hướng dẫn
Mở bài: Dùng một câu thơ, câu ca dao, bài hát hay một ý trong câu chuyện nổi tiếng để dẫn dắt đề tài. Ví dụ: nói về mẹ dùng câu hát“riêng mặt trời chỉ có một mà thôi và mẹ em chỉ có một trên đời”. Biểu cảm cha “công cha nặng lắm ai ơi/ nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”- ca dao. Biểu cảm về chị “nhà tôi trên bến sông…chị tôi trông dễ thương bán rau chợ cầu Đông, chị tôi chưa lấy chồng”….
Mỗi lần nghe ai đó hát bài hát về mẹ/chị/ông…là lòng tôi lại trỗi dậy một tình yêu vô bờ dành cho mẹ/ba.. của mình. Người đã dùng cả tuổi xuân để mang đến cho tôi cuộc sống đủ đầy. Người đã dạy tôi thành một con người đúng nghĩa và chính người đã để lại trong tôi một thời tươi đẹp nhất cuộc đời.
Thân bài:
- Biểu cảm về ngoại hình
- Sơ lược về tên tuổi, hoàn cảnh sống, công việc của người thân ấy, ví dụ: Mẹ tôi là một người nông dân chân bùn, tay lắm, sinh ra ở một vùng biển nghèo khó và lấy theo cha làm dâu nơi đồng bằng đất mặn, phèn chua….
- Biểu cảm về những chi tiết tiêu biểu của gương mặt, vóc dáng, đôi mắt, nụ cười, giọng nói (lưu ý: nên chọn những chi tiết đắc không miêu tả liệt kê như văn tả mà phải gắn với tình cảm)
- Tùy thuộc vào đối tượng biểu cảm mà chọn những chi tiết khác nhau, Ví dụ người thân là cô giáo chọn biểu cảm dáng đi, ánh mắt, giọng nói. NGười thân là nông dân chọn biểu cảm thân hình, cánh tay, bàn tay, nụ cười…
+ Ví dụ biểu cảm về cha: Tôi thích sờ vào đôi bàn tay chai sạn của cha, đôi bàn tay đã cuốc đất, cày ruộng, gánh nước…
+ Về mẹ: Mẹ tôi không son phấn, không làm đẹp vì bao nhiêu tiền bà để dành nuôi tôi ăn học, những nếp nhăn trên trán in hằn dấu vết của thời gian…
- Biểu cảm về tính cách, sở thích, lối sống, trang phục…
- Biểu cảm những nét tiêu biểu về tính cách, sở thích, lối sống
+ Ví dụ: Cả một cuộc đời lam lũ nên đã hình thành tính tiết kiệm ở mẹ tôi. Dù bây giờ cuộc sống đã khấm khá hơn nhưng chẳng bao giờ tôi thấy mẹ phung phí từ hạt cơm đến tấm áo. Ấy vậy mà mẹ lại luôn rộng rãi với những người xung quanh…
+ Ví dụ về ông: là một cụ chiến binh, ông vẫn giữ nề nếp sinh hoạt đúng giờ. Tôi học đươc ở ông thói quen dậy sớm, tập thể dục và siêng lao động…
- Nên chọn những nét đặc biệt trong tính cách, sở thích, lối sống của đối tượng để phân biệt người ấy với những người khác. Tránh viết gập khuôn nên đem hình ảnh thực tế của người thân mình vào một cách khéo léo.
- Biểu cảm về cách đối xử của người thân với những người trong gia đình, đối với em và với mọi người
- Là trung tâm của sự hòa giải trong gia đình, là tiếng cười hạnh phúc mỗi khi có người ấy.
- Người thân của em đã giúp đỡ em, yêu thương em thế nào (biểu cảm những việc làm cụ thể mà chọn 1 kỉ niệm ấn tượng thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của người ấy với em).
- Cách đối đãi của người ấy với hàng xóm, đồng nghiệp…
- Vai trò và bài học mà đối tượng mang lại cho em
- Là người nuôi dưỡng, lo lắng, giúp đỡ em để em trưởng thành và có cuộc sống sung túc.
- Là người thấu hiểu, cảm thông, nguồn động lực to lớn để em vượt mọi khó khăn.
- Người dạy cho em bài học quý về cách sống.
Kết bài: Mở rộng vấn đề, tưởng tượng tình huống và hứa hẹn, mong ước
Ví dụ: Nếu chỉ còn một ngày để sống, em sẽ đem ngày cuối cùng của mình để được bên cạnh mẹ, nấu cho mẹ bữa cơm, khiến mẹ cười…