Home / Bài văn hay / Chi tiết căn buồng mị nằm trong Vợ chồng A Phủ Tô Hoài

Chi tiết căn buồng mị nằm trong Vợ chồng A Phủ Tô Hoài

Chi tiết căn buồng mị nằm trong Vợ chồng A Phủ – Tô HoàiVới gam màu xám lạnh, u tối, Tô Hoài đã cho người đọc cảm nhận […]

Hướng dẫn

Sống gắn bó nghĩa tình cùng mảnh đất Tây Bắc, với sở trường quan sát những nét riêng về phong tục văn hóa của những con người nơi cao nguyên đá mờ sương ấy, Tô Hoài đã khắc họa được những chi tiết nghệ thuật đặc sắc góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm và góp thêm nét vẽ riêng vào bức tranh Tây Bắc.

Với gam màu xám lạnh, u tối, Tô Hoài đã cho người đọc cảm nhận được không gian sống của Mị: “Mỗi ngày, Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Căn buồng Mị nằm kín mít, chỉ có ô vuông bằng bàn tay trông ra chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị cứ ngồi đấy mà trông ra ngoài, đến khi nào chết thì thôi”. Đây là chi tiết nằm ở phần giữa tác phẩm, miêu tả không gian sống của Mị ở nhà thống lí Pa Tra. Sau ý định tìm lá ngón tự tử không thành vì thương cha, Mị dập tắt ngọn lửa lòng về nhà thống lí và tiếp tục chôn vùi tuổi xuân của mình trong địa ngục trần gian đó. Căn buồng ấy kín mít, có ô vuông bằng bàn tay. Hình ảnh đó giàu sức gợi, khiến người ta liên tưởng đến nhà tù, một thứ ngục thất đang giam hãm đời Mị. Đó là một không gian nhỏ bé, trơ trọi đối lập với cái mênh mông, rộng lớn của đất trời Tây Bắc. Cái ngột ngạt, tù túng trong căn buồng Mị nằm đối lập với một thế giới bên ngoài lồng lộng của mây trời, gió núi, của hương hoa rừng Tây Bắc, nó đối lập với cái giàu có, tấp nập của nhà thống Lí Pá Tra. Nó không phải là căn buồng của cô con dâu nhà giàu có nhiều tiền nhiều thuốc phiện nhất vùng mà đó là chỗ ở của con ở, thậm chí không bằng con ở. Căn buồng ấy giống như một miền đời bị quên lãng.

Xem thêm:  Nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống

Trong căn buồng ấy, chân dung số phận khổ đau của đời Mị được nhà văn khắc họa thật rõ nét: Mị sống câm lặng như đá núi “ không nói”, lầm lụi, chậm chạp trơ lì như “ con rùa” quẩn quanh nơi xó cửa. Nếu ở trên, Mị có lúc tưởng mình là “con trâu con ngựa” – nhưng hình ảnh đó mới chỉ gợi nỗi khổ cực vì lao động vất vả thì hình ảnh “ con rùa” có sức ám ảnh mang ý nghĩa về thân phận bị đè nén, bị bỏ quên. Mị mất hết ý niệm về không gian, thời gian: chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Cuộc sống của Mị không có sắc màu, âm thanh, không có cả ngắn dài thời gian, không chia biệt đêm ngay.

Không chỉ có thể, Mị còn không có ý thức về sự sống đợi đến bao giờ chết thì thôi. Phải chăng thứ ngục thất tinh thần ấy đã làm héo mòn, tàn úa từng ngày từng tháng tâm hồn Mị. Mị sống như loài thảo mộc cỏ cây không hương không sắc, lay lắt, dật dờ, vô hồn, vô cảm. Không còn nữa một cô Mị đẹp như đóa ban trắng của núi rừng Tây Bắc vừa thắm sắc, đượm hương, một người cô Mị khao khát tình yêu và tự do có ý thức sâu sắc về quyền sống, từng thiết tha xin cha “ đừng gả con cho nhà giàu”, từng có ý định ăn lá ngón là kết thúc chuỗi ngày sống mà như chết. Như vậy, vượt lên trên nghĩa tả thực về không gian sống của MỊ, căn buồng ấy là biểu tượng cho ngục thất tinh thần, địa ngục trần gian giam cầm khát vọng sống, khát vọng tự do của đời Mị.

Chi tiết đó đã góp phần thể hiện tư tưởng, thái độ của nhà. Nhà văn đã tố cáo sâu sắc chế độ cai trị miền núi đã đầy đọa con người, làm tê liệt quyền sống, quyền khao khát hạnh phúc của họ. Đồng thời, Tô Hoài bày tỏ tấm lòng xót xa thương cảm cho số phận người phụ nữ vùng núi cao Tây Bắc khi Cách mạng chưa về. Đó cũng là cảm hứng nhân đạo quen thuộc trong văn học.

Nếu hình ảnh căn buồng Mị nằm là một trong những chi tiết có sức ám ảnh ở truyện ngắn Vợ chồng A Phủ nhất thì hình tượng tiếng sáo đêm tình mùa xuân lại có sức quyến rũ lòng người nhất. Hình tượng tiếng sáo nằm ở phần giữa tác phẩm, ngòi bút Tô Hoài đã rất dụng công để miêu tả những thanh âm của tiếng sáo vùng núi cao Tây Bắc trong đêm tình mùa xuân. Sau những chuỗi ngày sống chỉ mang ý nghĩa của sự tồn tại,tê liệt, chai lì cái nồng nàn của lửa, của men rượu, cái tươi vui chộn rộn của mùa xuân Hồng Ngài đã đánh thức tâm hồn Mị, tiếng sáo đã vọng đến đôi tai Mị. Tiếng sao được miêu tả từ xa đến gần, với những cung bậc khác nhau: khi tiếng sáo lấp ló ngoài đầu núi, tiếng sáo văng vẳng gọi bạn đầu làng, tiếng sáo lửng lơ bay ngoài đường, trong đầu Mị, rập rờn tiếng sáo, tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi.

Trước hết, đây là chi tiết có ý nghĩa tả thực về nét đẹp văn hóa của miền núi cao Tây Bắc, khiến người ta liên tưởng đến âm thanh quen thuộc, gần gũi của núi rừng trong những đêm xuân ở Hồng Ngài. Nếu Tây Nguyên có tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang khắp bản làng, rừng núi, nếu miền quê đồng bằng Bắc Bộ có tiếng trống chèo, tiếng hát giao duyên, tiếng đàn bầu thánh thót thì với những người dân Tây Bắc, họ vốn ít nói, kiệm lời, họ gửi lòng mình vào tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng kèn môi, thổi lá để trao gửi tâm tình, để mời gọi bạn yêu. Tiếng sáo vang lên với những cung bậc khác nhau, khi xa khi gần, khi trầm bổng khoan thai, khi rập rờn, khi lấp ló…Âm thanh tiếng sao vang lên những ca từ mộc mạc thể hiện lẽ sống hồn nhiên, yêu đời, phóng khoáng của những con người nơi đây “ Mày có con trai, con gái ta đi tìm người yêu…”. Tiếng sáo mang đến chất thơ, làm dịu mát cuộc sống trăm đắng ngàn cay với nỗi đời cơ cực của con người nơi đây, khiến mảnh đất Tây Bắc vốn xa lạ, hoang vu trở nên gần gũi, thơ mộng.

Xem thêm:  Tả về cây phượng mà em yêu thích

Không dừng lại ở ý nghĩa tả thực, chi tiết tiếng sáo góp phần diễn tả vẻ đẹp tâm hồn Mị trong đêm tình mùa xuân. Tiếng sáo lay thức tâm hồn Mị, khiến lòng Mị thiết tha, bổi hồi, nhẩm thầm bài hát của người đang thổi và những kí ức đẹp đẽ nồng nàn của người con gái đã trở về. Tiếng sáo đã làm bừng lên khát vọng sống, Mị ý thức hiện tại mình vẫn còn trẻ, Mị ý thức về quyền hạnh phúc “ Mị muốn đi chơi”, Mị sửa soạn vào nhà…Tiếng sáo khiến Mị quên đi thực tại khổ đau: khi Mị định ăn lá ngón để chết ngay chứ không muốn nghĩ về ngày trước nữa thì tiếng sáo lửng lơ ngoài đường lại đưa Mị trở về với niềm khát sống, khi bị trói đứng cả đêm, tâm hồn Mị vẫn bay bổng cùng tiếng sáo, tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi. Nếu căn buồng Mị nằm biểu tượng cho thứ ngục thất tinh thần giam hãm đời Mị, thì hình tượng tiếng sáo trở thành biểu tượng đẹp đẽ cho khát vọng tự do, khát vọng sống, khát vọng tình yêu trong tâm hồn Mị.

Chi tiết góp phần thể hiện tư tưởng, thái độ của nhà văn và thành công của ngòi bút Tô Hoài. Đó là tấm lòng nâng niu trân trọng của nhà văn đối với nét đẹp văn hóa của và vẻ đẹp tâm hồn con người Tây Bắc. Chi tiết giàu chất thơ, lai láng dư vị trữ tình có sức sống lâu bền trong tâm hồn người đọc.

Nguồn: Lớp 12

Tham khảo các tài liệu về Lí luận văn học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/ly-luan-van-hoc/

Theo Baivanhay.com

Check Also

hinh anh hot girl hoc suong 310x165 - Suy nghĩ câu “Vượt qua nỗi sợ hãi là tiền đề cho sự thành công”

Suy nghĩ câu “Vượt qua nỗi sợ hãi là tiền đề cho sự thành công”

Đề bài: Trình bày ý kiến của anh/chị về câu nói sau: “Vượt qua nỗi …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *