Cảm nghĩ về bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra
Hướng dẫn
Trong lịch sử nước ta có một số vị vua hiền đức: vừa nhân hậu, vừa là một nhà thơ lớn. Vâng, đó chính là Trần Nhân Tông, một vị vua đời Trần vừa là một vị vua anh minh, một vị anh hùng dân tộc, một nhà tư tưởng lớn đồng thời còn là một vị tổ sáng lập phái Trúc Lâm. Ông đã sáng tác ra nhiều bài thơ trữ tình, gây xúc động cho người đọc, người nghe và một trong những bài thơ hay như thế là bài “Thiên Trường vãn vọng” (Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra). Bài thơ mang nét quen thuộc của văn thơ cổ đã miêu tả cảnh vật làng quê yên lành, thanh tĩnh. Bài thơ được viết như sau:
“Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biền
Mục đồng địch lí ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền.”
Dịch thơ:
“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.”
Cảnh hoàng hôn, sự vật xóm trước, thôn sau chìm dần vào trong sương đang dần buông khi xế chiều. Trong ánh hoàng hôn, mọi vật thấp thoáng ẩn hiện. Hình ảnh trong thơ thật giản dị đến lạ lùng. Điều đơn giản đó tác giả hoạ lên vẻn vẹn chỉ trong một câu thơ:
“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Câu thơ thứ hai lại làm cho khung cảnh buổi chiều ở Thiên Trường càng thêm huyền ảo hơn:
“Bán vô bán hữu tịcli dương biên”
(Bóng chiều man mác có dường không)
Bán vô bán hữu có ý mơ hồ, không rõ, lúc có, lúc không, có lúc huyền ảo, có lúc diệu kì… Đọc câu thơ ta liên tưởng đến một quang cảnh mờ ảo trong làn sương chiều: không gian kì diệu tiên cảnh hoá vạn vật, thực mờ xen lẫn lúc rõ ràng sáng tỏ, lúc hư hư ảo ảo. Cảnh vật tĩnh lặng nhưng không đìu hiu. Tâm hồn của nhà vua lúc này giản dị, thanh cao, thấm đẫm tình yêu thiên nhiên đất nước tha thiết, gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã.
“Mục đồng địch lí ngưu quy tận.”
(Mục đồng sáo vẳng trâu về hết)
Lời thơ không chỉ để kể mà còn diễn tả một cảm xúc kì lạ, một niềm vui rạo rực. Cảnh tượng xế chiều ở nông thôn được tác giả phác hoạ bằng những nét vẽ đơn sơ nhưng đậm đà nét quê, hồn quê với hình ảnh những chú mục đồng thổi sáo văng vẳng đưa trâu về. Đọc đến đây ta có thể cảm nhận được cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường là cảnh tượng của một vùng quê trầm lặng nhưng không u buồn. Ớ đây vẫn ánh lên nét hoà hợp với thiên nhiên một cách nên thơ, chứng tỏ tác giả là con người tuy có địa vị vương giả nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã.
“Bạch lộ song song phi hạ điền.”
(Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).
Khung cảnh lãng mạn đầy huyền ảo, đẹp lạ lùng hiện ra trước mắt nhà vua: một cuộc sống thanh bình yên ấm. Từng đôi cò trắng nhẹ nhàng lướt xuống cánh đồng… thật bình yên. Nhà vua thật hạnh phúc khi thấy nước nhà yên ấm, cư dân sống trong hai chữ hạnh phúc. Hướng mắt nhìn về phía xa xa ấy, nhà vua nở một nụ cười mãn nguyện.
Bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” là một tác phẩm thành công viết về thiên nhiên tươi đẹp của nước ta. Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt hàm súc, giọng điệu nhẹ nhàng thiết tha, bài thơ đã lôi cuốn người đọc, người nghe, ghi sâu vào lòng người đọc, người nghe hình ảnh tuyệt đẹp về khung cảnh một thôn quê yên lành, êm ấm. Từ đó làm tăng thêm trong lòng mọi người tình yêu quê hương, đất nước.
Theo Baivanhay.com