Home / Bài văn hay / Các từ xưng hô trong truyện ngắn Chí Phèo Nam Cao

Các từ xưng hô trong truyện ngắn Chí Phèo Nam Cao

Các từ xưng hô trong truyện ngắn Chí Phèo – Nam CaoTrong từng hoàn cảnh nhất định, Nam Cao gắn cho nhân vật của mình […]

Hướng dẫn

Giới thiệu:

Các từ ngữ xưng hô trong tác phẩm Chí Phèo được Nam Cao sử dụng vô cùng phong phú. Có thể nói mỗi một nhân vật lại có một kho các từ ngữ xưng hô khác nhau. Trong từng hoàn cảnh nhất định, Nam Cao gắn cho nhân vật của mình một lối xưng hô riêng, đầy dụng ý. Từ xưng hô trong tác phẩm này chính là một loại phương tiện hữu hiệu để biểu đạt ý nghĩa tình thái: thái độ của nhà văn đối với nhân vật, thái độ của các nhân vật trong tác phẩm đối với nhau.

(1) Người Việt Nam chúng ta có một kho các từ ngữ xưng hô vô cùng phong phú. Ngoài các đại từ nhân xưng chính danh mà số lượng là hữu hạn, người Việt dùng có thể nói là vô hạn các từ xưng hô lâm thời, do danh từ, tính từ hoặc đại từ thuộc nhóm khác chuyển hóa thành. Điều này thực sự hữu ích đối với người Việt vì chúng ta được thỏa sức lựa chọn các từ ngữ xưng hô song đồng thời cũng gây không ít khó khăn cho người nước ngoài khi học tiếng Việt. Các từ xưng hô vốn không đơn thuần chỉ dùng để gọi hoặc xưng mà còn có thể biểu hiện thái độ, tình cảm, cách đánh giá của người nói đối với nhân vật giao tiếp hoặc người được nói tới.

Trong nhiều công trình nghiên cứu, từ xưng hô vốn thường chỉ được xem xét kỹ từ góc độ ngữ pháp – chúng là các đại từ nhân xưng hoặc các danh từ chuyển loại thành đại từ nhân xưng. Ít công trình khai thác chúng với tư cách là một trong những phương tiện biểu hiện ý nghĩa tình thái.

(2) Từ xưng hô trong tác phẩm văn học nổi tiếng “Chí Phèo” của Nam Cao được sử dụng vô cùng đặc biệt. Chí Phèo trong con mắt mọi người cũng như mọi người trong con mắt Chí Phèo hiện ra hết sức sinh động thông qua hàng loạt các từ xưng hô độc đáo. Có thể nói chính các từ xưng hô đã góp phần khắc họa thành công nhân vật Chí Phèo cũng như nêu bật nội dung, chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

I. Khái quát về từ xưng hô nhìn từ góc độ tình thái

Các từ xưng hô trong tiếng Việt gồm 2 nhóm cơ bản: 1. Đại từ nhân xưng chính danh và 2. Đại từ nhân xưng lâm thời. Ở cả hai hệ thống này, các đại từ nhân xưng khi được sử dụng trong những hoàn cảnh nhất định đều có thể bộc lộ thái độ, tình cảm của người nói đối với người nghe hoặc đối tượng được nói tới. Các sắc thái tình cảm đó được chia làm 3 mức độ: kính trọng, đề cao – trung tính – khinh miệt, hạ thấp.

Mức độ 1: Kính trọng, đề cao: thưa ông, thưa ngài, lạy cụ, bẩm cụ…

Mức độ 2: Trung tính: tôi, chúng tôi, bạn, đồng chí…

Mức độ 3: Khinh miệt, hạ thấp: hắn, mày, thằng mất dạy, con mụ,…

Các từ xưng hô cũng có thể thể hiện vai giao tiếp và các loại quan hệ:

+ Quan hệ đẳng cấp (trên / dưới, chủ / tớ, vua / tôi…)

+ Quan hệ gia tộc (cha/ con, chú/ cháu…)

+ Quan hệ tuổi tác (già/ trẻ)

Trong môi trường sử dụng nhất định, các từ xưng hô cũng có thể được chia thành hai loại:

– Xưng hô theo qui thức: trong những không gian như trên lớp học (cô, thầy/ em, con); ở tòa án (quý tòa/ bị cáo), trong cuộc họp (thưa giám đốc, thưa bà…)…, thường theo qui định bắt buộc, mang tính khách quan.

– Xưng hô không theo qui thức: dùng trong giao tiếp đời thường (nhóm này vô cùng phong phú, nhìn chung, chúng mang đậm màu sắc cá nhân, không mang tính chất trang trọng).

Nếu từ xưng hô được sử dụng đúng theo quan hệ gia tộc hay tuổi tác (người lớn tuổi hơn hoặc người ở vai vế cao hơn sẽ được gọi là anh, chú, bác, ông…), hoặc đúng theo môi trường, không gian của cuộc giao tiếp, thì chúng sẽ không tạo ra nghĩa tình thái. Và ngược lại. Trong tác phẩm Chí Phèo, mọi hoạt động giao tiếp của các nhân vật đều diễn ra trong ngữ cảnh phi qui thức, với không gian bó hẹp ở làng Vũ Đại: ngoài cổng hoặc trong nhà Bá Kiến, ở vườn chuối, ở nhà Tự Lãng, ở quán bà bán rượu, trên đường làng… Tuy nhiên, trong những cuộc giao tiếp mang đậm sắc thái đời thường ấy, các từ xưng hô lại được sử dụng vô cùng đặc biệt. Chúng đan cài vào nhau, thậm chí đối lập nhau, tạo nên giá trị tình thái cho các phát ngôn trong tác phẩm, và qua đó làm nổi bật tính cách các nhân vật.

Xem thêm:  Chùm stt hài hước về hôn nhân, về cuộc sống vợ chồng bá đạo

II. Tiếp cận nhân vật “Chí Phèo” từ góc độ từ xưng hô

1. Chí Phèo trong con mắt mọi người

Rất nhiều từ ngữ mà tác giả Nam Cao cùng với dân làng “dành tặng” để gọi Chí Phèo hoặc nói về nhân vật này, đó là: hắn, nó, thằng Chí Phèo, Chí, mày, cái thằng không cha, không mẹ, anh… Khi Chí Phèo lần đầu tiên khật khưỡng xuất hiện trong tác phẩm, hắn chưa có tên. Tác giả gọi Chí Phèo là hắn. Đây là từ có tần số xuất hiện cao nhất trong tác phẩm. Làng Vũ Đại gọi Chí Phèo là hắn, nó. Lý Cường gọi là mày, cái thằng không cha, không mẹ. Bá Kiến gọi là anh, anh Chí, Chí Phèo, đôi khi nói trống. Thị Nở sau lưng Chí Phèo thì gọi là nó, hắn, nhưng trước mặt thì nói trống…

Dưới đây là bảng tổng kết các từ ngữ xưng hô của các nhân vật trong tác phẩm với Chí Phèo.

Đối tượng giao tiếp với Chí Phèo

Gọi Chí Phèo

Ví dụ

Làng Vũ Đại

– Nó

– Hắn

– Thằng

– Cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: Chắc nó trừ mình ra. (tr11)

– Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc (tr46)

Lý Cường

– Mày

– Cái thằng không cha, không mẹ

– Mày muốn lôi thôi gì?

– Cái thằng không cha, không mẹ này! (tr13)

Bá Kiến

– Anh Chí, anh

– Chí Phèo

– Nói trống

– Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?

– Chí Phèo đấy hở?

– Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? (tr15)

Vợ Bá Kiến

– Nó

Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chặt…, nó chửi thì tai liền miệng đấy…

Thị Nở

– Nó

– Hắn

– Nói trống

– Sao có lúc nó hiền như đất. – Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào?

– Vừa thổ hả? Đi vào nhà nhé!

2. Mọi người trong mắt Chí Phèo

Chí Phèo nói về cha mẹ của hắn bằng cụm từ đứa chết mẹ nào, gọi Bá Kiến là ông Lý Kiến, cụ Bá Kiến, cụ Bá, lạy cụ, bẩm cụ, rồi bố con thằng Kiến, …, xưng là con, tao…. Chí Phèo xưng với bà bán rượu là ông, gọi bà bán rượu là con mẹ hàng rượu, mày. Chí Phèo gọi Thị Nở là mình, đằng ấy hoặc nói trống; xưng tớ… Dưới đây là bảng tổng kết các từ ngữ xưng hô của chính nhân vật Chí Phèo với các nhân vật khác trong làng Vũ Đại của Nam Cao.

Đối tượng giao tiếp với Chí Phèo

Chí Phèo xưng

Chí Phèo hô

Ví dụ

Thị Nở

– Nói trống

– Tớ

– Mình

– Đằng ấy

– Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui? (tr41)

– Đằng ấy còn nhớ gì hôm qua không? (tr41)

Cha mẹ của Chí Phèo

– đứa chết mẹ nào

– Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn… (tr11)

Bá Kiến

– Con

– Tao

– Ông Lý Kiến

– Cụ, cụ Bá

– Mày

– Nó

– Lạy cụ ạ. Con đến cửa cụ kêu cụ giúp một việc ạ. (tr24)

– Tao chỉ liều chết với bố con mày đấy thôi. (tr15)

– Cùng lắm, nó có giở quẻ, hắn cũng chỉ đến đi ở tù. (tr17)

Lí Cường (& Bá Kiến)

– Nó

– Thằng Lí Cường

– Bố con thằng Kiến

– Bố con thằng Kiến nó đâm chết tôi! (tr14)

– Thằng Lí Cường nó đâm chết tôi rồi. (tr14)

Bà bán rượu

– Ông

– Mày

– Nhà mày

– Hôm nay ông không có tiền, nhà mày bán chịu cho ông một chai. (tr23)

– Mày tưởng ông quỵt hở? (tr24)

3. Giá trị của các từ ngữ xưng hô trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Chí Phèo

Các từ xưng hô trong tác phẩm Chí Phèo đan cài khá phức tạp. Ở đây, chúng tôi chỉ chọn nhân vật Chí Phèo làm trung tâm để phân tích. Ngoài ra còn có nhiều từ ngữ xưng hô khác nữa: dân làng gọi Bá Kiến bằng cụ, cụ ông, thằng, thằng mọt già, thằng bố, gọi Lí Cường là thằng con, tác giả gọi Năm Thọ là hắn, nó, gọi Tự Lãng là lão Tự, gọi Thị Nở là thị, gọi Chí Phèo và Thị Nở là chúng,… Đặc biệt, chính Nam Cao hóa thân vào rất nhiều các nhân vật, đóng các “vai diễn” khác nhau, đến mức đôi khi rất khó phân biệt lời tác giả và lời nhân vật. Chẳng hạn không rõ Nam Cao hay Chí Phèo gọi bà bán rượu là mụ – một đại từ nhân xưng ngôi thứ ba mang đậm sắc thái miệt thị, coi thường – vì toàn bộ phần lời kể của tác giả về nhân vật này đều dùng từ “mụ”… Thông qua các từ ngữ xưng hô, tác giả tô đậm bức tranh về các nhân vật và thể hiện một cách tinh tế quan điểm của mình. Các từ xưng hô làm cho nhân vật của Nam Cao trở nên rất “đời”, như từ trang sách bước ra. Ngay cả cách Nam Cao “bình” về cách gọi “cái mả” thông qua lời của Tự Lãng cũng cho ta thấy sự thâm thúy, sâu sắc của nhà văn: “Có giàu có sang, có làm nên ông cả bà lớn nữa, chết cũng không ai gọi là cụ lớn mả! Lão sống có đến hơn năm mươi năm rồi mà chưa thấy một cụ lớn mả nào sốt! Chỉ có cái mả, cái mả đất. Ai chết cũng thành cái mả, say sưa chết cũng thành cái mả, lo gì?” (tr30)…

Quay trở về với nhân vật trung tâm của truyện – Chí Phèo, trước hết, ta thấy ngay một điều là trong con mắt của nhà văn Nam Cao cũng như trong cách nhìn nhận chung của cả làng Vũ Đại, Chí Phèo không được trân trọng. Từ “hắn” và “nó” là hai từ cơ bản được dùng để chỉ nhân vật này, (trong đó, từ “hắn” xuất hiện với tần số cao nhất, 356 lần trong toàn bộ tác phẩm). Dù tác giả có cảm thông đến mấy với nhân vật của mình, ông cũng thể hiện rất rõ ràng một quan điểm: Con người này không phải là đại diện cho cái thiện, cái chính diện, cái cao cả, bởi hắn đã từ một con người bình thường trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại, kẻ đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc… (tr28). Cuối tác phẩm, trước cái chết đầy đau đớn và khủng khiếp của Chí Phèo (và Bá Kiến), dân làng vẫn gọi là thằng, rồi bọn chúng nó (Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc; rõ thật bọn chúng nó giết nhau…(tr46). Duy nhất có một chỗ Nam Cao gọi Chí Phèo là thằng đàn ông, đó là khi hắn ôm lấy Thị Nở và Thị Nở kêu toáng lên. (Thằng đàn ông phì cười… Hắn vẫn tưởng chỉ có hắn mới kêu làng thôi (tr34). Cách thay đổi đột ngột từ chỉ ngôi thứ 3 này khiến ta hiểu ngay dụng ý của tác giả. Đó là bản năng đàn ông của Chí đã bị đánh thức; cái bản năng mà người ta tưởng đã bị chôn vùi sau những lần bóp chân cho bà Ba và suốt những tháng ngày sống không ra người, không ra quỉ.

Chí Phèo là kẻ không biết sợ ai. Cung bậc tình cảm cũng như tâm tính của hắn thay đổi theo cách hắn xưng hô với cụ Bá, (dù về tuổi tác, hắn chỉ đáng tuổi con cháu): lúc gọi là cụ, xưng con với hàng loạt các từ tình thái đi kèm thưa, bẩm, dạ, vâng, lạy… rất lễ phép, khi lại sẵn sàng gọi mày, xưng tao… Nhất là khi hắn đã nhận ra Bá Kiến chính là kẻ đẩy hắn vào bước đường cùng, hắn luôn miệng xưng tao. (Tao đã bảo là tao không đòi tiền (tr45). Một cách xưng hô “tiền hậu bất nhất”! Với người dân làng Vũ Đại mà đại diện là bà bán rượu, Chí Phèo cực kỳ ngông nghênh, coi thường, xưng ông, gọi mày, trong khi bà hàng rượu khiếp đảm chỉ dám xưng với Chí Phèo là chúng cháu. Đây là một cách xưng hô lệch chuẩn vì theo cách kể của Nam Cao, bà hàng rượu không hề ít tuổi hơn Chí Phèo. Hỗn hào hơn, Chí Phèo gọi những người đẻ ra mình là “đứa chết mẹ nào”!… Qua cách xưng hô của Chí, ta thấy rõ bản chất lưu manh của hắn.

Tuy nhiên, Chí Phèo không phải là một kẻ vô cảm. Không phải lúc nào hắn cũng nói năng thiếu sự tử tế và lễ độ như vậy. Hắn rung động trước Thị Nở, và những từ ngữ hắn xưng hô với Thị Nở vừa mộc mạc lại vừa chân thành. Và người đàn bà dở hơi là Thị Nở cũng vậy. Chúng nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của kẻ mới lớn, bằng một tình yêu rất bản năng:

– Giá cứ này mãi thì thích nhỉ!

– Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.

– Đằng ấy có nhớ gì hôm qua không?

Không ai có thể nghĩ từ miệng Chí Phèo, kẻ chửi cả trời cả đất, cả cha cả mẹ, kẻ gọi người đẻ ra mình là “cái đứa chết mẹ nào” – lại có cách xưng hô đằng ấy – mình – tớ trong lúc yêu, cả cái cách nói trống vừa bộc lộ sự lúng túng vừa thể hiện sự gần gũi, thân mật. Chính sự đối lập trong việc sử dụng từ ngữ xưng hô đã làm bộc lộ phẩm chất người nhất trong con người Chí Phèo, chứng tỏ hắn vẫn còn là kẻ biết yêu thương và rung động. Nhưng đó là lúc hắn yêu. Khi hắn trở về đúng con người hàng ngày của hắn, hắn lại gọi thị Nở là con đĩ Nở, rồi nó. Hắn gọi bà cô Thị Nở là cái con khọm già. (Hắn phải tự đến nhà con đĩ Nở kia. Đến để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó (tr44). Đến đây, hắn lại bộc lộ đúng bản chất của một kẻ dưới đáy xã hội.

Như vậy, cách xưng hô của Chí Phèo với Bá Kiến rơi từ cung bậc kính trọng, đề cao ngay lập tức xuống khinh miệt, hạ thấp cho thấy Chí là kẻ hay thay đổi, không đáng tin, thậm chí một kẻ lưu manh hóa. Song cách xưng hô của Chí Phèo với Thị Nở lại khiến người đọc nghĩ rằng dù sao bản chất của một con người lương thiện, biết yêu thương vẫn còn tồn tại trong Chí. Song thật là tiếc, vì nó chỉ lóe sáng trong một vài ngày ngắn ngủi.

Ngoài nhân vật chính Chí Phèo, cách nói năng của Bá Kiến thể hiện qua các từ ngữ xưng hô cũng rất đáng lưu tâm. Bá Kiến đúng là một kẻ gian hùng. Trước mặt Chí Phèo, trong lúc Chí đang điên lên vì tức giận với Lí Cường, Bá Kiến có lối nói chuyện cực kỳ gần gũi và khôn ngoan: nói khuyết đại từ nhân xưng, gọi bằng tên, gọi là anh, rồi anh Chí… đầy thân mật. Bá Kiến cũng gộp cả mình và Chí vào một ngôi “ta”, (Có cái gì ta nói chuyện tử tế với nhau – tr15), để cố tỏ ra cho Chí Phèo thấy Bá Kiến đang đứng về “phe” của Chí – một cách lấy lòng đầy khôn khéo. Cách xưng hô đó đã thuyết phục Chí Phèo từ chỗ đang vô cùng giận dữ trở thành nhũn nhặn, biết vâng lời… Nhưng Bá Kiến lại không thật bụng. Cách xưng hô này cho ta thấy bản chất khôn ngoan, từng trải và gian xảo của hắn.

Các từ ngữ xưng hô trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao cũng phản ánh không gian làng quê Việt Nam giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Trong lúc tình cảm nhất, hai người yêu nhau cũng không gọi nhau là anh – em theo lối nói hiện đại, cũng không chàng – nàng sướt mướt kiểu văn chương lãng mạn mà thường chỉ xưng mình, từ này có thể đại diện cho cả hai ngôi, ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Cách nói với người có quyền thế bao giờ cũng là lạy cụ, bẩm cụ, thưa cụ, ạ… Cách gọi mụ, thị chỉ đàn bà cũng mang đậm dấu ấn xưa. Qua các từ ngữ xưng hô, sự phân định ngôi thứ, giai cấp trong xã hội thực dân nửa phong kiến càng được khắc họa đậm nét.

Như vậy, qua các từ ngữ xưng hô, bức tranh không gian, thời gian của xã hội đương thời giai đoạn 1930-1945 hiện ra đậm nét.

Xem thêm:  Cảm nghĩ của em về truyện sự tích hồ Gươm

III. Kết luận

Các từ ngữ xưng hô trong tác phẩm Chí Phèo được Nam Cao sử dụng vô cùng phong phú. Có thể nói mỗi một nhân vật lại có một kho các từ ngữ xưng hô khác nhau. Trong từng hoàn cảnh nhất định, Nam Cao gắn cho nhân vật của mình một lối xưng hô riêng, đầy dụng ý. Từ xưng hô trong tác phẩm này chính là một loại phương tiện hữu hiệu để biểu đạt ý nghĩa tình thái: thái độ của nhà văn đối với nhân vật, thái độ của các nhân vật trong tác phẩm đối với nhau. Từ đó, ta hiểu thêm về sự tài tình của ngòi bút Nam Cao trong cách xây dựng nhân vật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Biên, 1996. Từ loại tiếng Việt hiện đại, ĐHQGHN, Trường ĐHSP, Hà Nội.

2. Trương Quang Đệ, 2012, Vấn đề ngôi trong tiếng Việt, NXB Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên), 1998, Dẫn luận ngôn ngữ học, NXB Gdục

4. Nguyễn Văn Hiệp, 2008. Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, NXB Giáo dục, Hà Nội.

5. Nguyễn Thị Việt Thanh, Hoạt động của đại từ “nó” trong khẩu ngữ tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 4,2010.

TƯ LIỆU KHẢO SÁT

Truyện ngắn Chí Phèo trích trong Nam Cao – Truyện ngắn tuyển chọn – Nhà xuất bản Văn học, 1995.

TS Trần Kim Phượng – ĐHSP Hà Nội

Xem thêm:  Cảm nhận về nhân vật Phương Định

Theo Baivanhay.com

Check Also

1586828911 38 cuuheight990 310x165 - Suy nghĩ câu “Vượt qua nỗi sợ hãi là tiền đề cho sự thành công”

Suy nghĩ câu “Vượt qua nỗi sợ hãi là tiền đề cho sự thành công”

Đề bài: Trình bày ý kiến của anh/chị về câu nói sau: “Vượt qua nỗi …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *