Viết bài giới thiệu các câu tục ngữ về con người và xã hội
Hướng dẫn
Các câu tục ngữ về con người và xã hội có hình thức ngắn gọn nhưng cũng rất giàu hình ảnh. Các câu tục ngữ này sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, so sánh, nhân hóa.. Những câu tục ngữ về con người và xã hội đề cao giá trị con người, đồng thời đưa ra những nhận xét, những lời khuyên về những phẩm chất và lối sống được cho là tốt đẹp ở con người.
Các câu tục ngữ về con người và xã hội cũng có cách gieo vần tương tự như các câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất. Tuy nhiên, các câu tục ngữ về con người và xã hội có một số đặc điểm nổi bật trong việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật. Các câu tục ngữ thuộc thể loại này sử dụngcác hình ảnh so sánh, hoán dụ, phép đối có hiệu quả cao, đồng thời có những câu tục ngữ có nghĩa đối lập nhưng không hề loại trừ mà bổ sung cho nhau. Chẳng hạn hai câu tục ngữ:
Không thầy đố mày làm nên Học thầy không tày học bạn. có nghĩa đối nhau, nhưng chúng ta không thể căn cứ vào ý nghĩa của câu sau để phủ nhận vai trò của người thầy cũng như đề cao vai trò của việc học bạn. Hai câu tục ngữ trên chỉ là một cách nói hình ảnh. Nói đến thầy là nói đến nhà trường, đến những tri thức sách vở; còn nói đến bạn là nói đến thực tiễn cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Hai câu tục ngữ trên chính là vừa nâng tầm vai trò của nhà trường đối với mỗi người, đồng thời những tri thức thực tiễn cũng không kém phần quan trọng. Hai nguồn tri thức này nếu bổ sung cho nhau thì sẽ giúp cho người học hoàn thiện chính mình. Đó chính là những gì hai câu tục ngữ trên hướng đến. Do vậy, hai câu tục ngữ này hoàn toàn thống nhất với nhau và bổ sung cho nhau. Đó chính là đặc điểm nổi bật của phép đối lập trong các câu tục ngữ.
Các câu tục ngữ khi đọc cần phải giữ đúng vần, đúng nhịp thì mới dễ nghe, dễ hiểu. Có những câu tục ngữ có hình thức như câu ca dao (Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao) thì yếu tố đúc rút kinh nghiệm vẫn là chủ yếu chứ ít nhấn mạnh yếu tố truyền cảm.
Qua câu tục ngữ dưới đây, em có suy nghĩ gì về cái tốt, cái xấu trong mỗi con người và làm sao để tạo ra cái tốt đó.
Đất rắn trồng cây khẳng khiu
Những người thô tục nói điều phàm phu.
Bài làm
Từ ngàn xưa, cha ông ta đã rất quan tâm đến lời ăn tiếng nói. Bởi vì nó biểu hiện vẻ đẹp của con người. Trong những câu chuyện kể cho con cháu nghe, cha ông ta đã dùng những biểu tượng rất đẹp, rất quý tượng trưng cho những lời nói đẹp, và những cái đáng ghê tởm để tượng trưng cho những lời nói xấu xa. Cô bé nọ dịu dàng, nết na, giàu lòng thương người, được tiên ban phép lạ: mỗi một lời cô nói ra là nở thành hoa, sa thành ngọc. Còn ả nọ bụng dạ nanh ác, tiên phạt: mở miệng nói là biến thành cóc nhái, rắn rết! Để răn dạy mọi người, các tác giả dân gian nói bằng câu tục ngữ:
Đất rắn trổng cây khẳng khiu
Những người thô tục nói điều phàm phu.
Ca dao, tục ngữ xưa thật giàu hình ảnh và ý nghĩa. Mỗi câu đọc lên nghe sao bình dị mà vẫn sâu sắc, như câu tục ngữ trên đây chẳng hạn. Câu tục ngữ mở đầu bằng hình ảnh rất bình dị: cây và đất. Người xưa đã dựngnên một mốì quan hệ thật sâu sắc: Đất rắn và cây khẳng khiu. Có người nói điều này là hoàn toàn bình thường, tất nhiên cây mọc trên đất không tốt thì sẽ khẳng khiu và trơ trụi. Nhưng điều mà nghệ sĩ dân gian gửi đến chúng ta là bản chất của đất không cần kiểm tra hay xét lọc mà chỉ cần nhìn những bụi cây ngọn cỏ trên đó cũng có thể biết được đất tốt hay xấu. Cũng như ở câu sau: Những người thô tục nói điều phàm phu, chỉ cần qua lời nói thì cũng có thể biết được người đó là tốt hay xấu. Bằng cách so sánh ngầm: những con người thô tục cũng như đất rắn, những người thô tục không thể nói ra những điều tốt, như đất rắn không thể có những cây xanh tươi. Điều mà tác giả dân gian muốn nói đến không phải là cái hiện tượng bên ngoài mà chính là cái bản chất bên trong. Bản chất xấu xa (thô tục) sẽ thể hiện qua hiện tượng bên ngoài (phàm phu).
Mốiquan hệ nhân quả giữa cái bản chất giấu kín với biểu hiện ra bên ngoài là thống nhất. Bởi vậy, muốn hay không muốn không phải là cố tạo ra cái hình thức bên ngoài, che đậy bản chất mà cần phải có bản chất tốt, cũng như cần phải tạo ra đất tốt mới có cây tốt. Con người cũng vậy, phải làm thay đổi tính chất thô tục trong con người đi thì mới có thể thốt ra những lời thanh lịch. Suy rộng ra thì có làm cho con người thay đổi bản chất xấu xa thì mới có thể có những suy nghĩ, hành động và lời nói tốt đẹp được.
Song việc đó không đơn giản. Bởi vì bản chất là cái đã ăn sâu vào sự vật, vào con người nên không thể trong một sớm một chiều có thể thay đổi được. Ngay như những mảnh đất khô cằn, bạc màu, muốn cải tạo cũng cần phải có những giải pháp khoa học tác động trong một thời gian dài mới có kết quả. Đối với con người thì việc làm đó càng khó khăn hơn. Khi ta đem những điều hay lẽ phải để cải tạo bản chất con người, thì bên cạnh con người đó vẫn có không biết bao nhiêu điều xấu đang tác động song song vào anh ta. Cái tốt chiến thắng cái xấu, hay ngược lại, cái xấu lấn át cái tốt. Tất cả phụ thuộc vào bản thân của mỗi người, và nhất là môi trường mà anh ta sinh sống. Cải tạo một người là một cuộc đấu tranh bền bỉ và liên tục, cần có sự kiên nhẫn và nỗ lực từ phía bản thân người đó.
Câu tục ngữ muôn nêu lên một quy luật trong tự nhiên để nói lên một quy luật trong cuộc sống. Đất – môi trường sống của cây – mà khô cứng thì cây khẳng khiu, không tươi tốt. Xã hội – môi trường sống của con người – mà xấu xa thì cũng không thể có những con người thanh lịch được. Do vậy, cần phải xây dựng một môi trường xã hội tốt đẹp, văn minh, lịch sự để con người sống trong đó không phải là những “người thô tục” nữa.
Gia đình là tế bào của xã hội. Ở đó khi con người sinh ra đã tiếp thu sự giáo dục của các thế hệ lớn hơn, một sự giáo dục bằng tình thương và trong tình thương. Đứa trẻ ngay từ khi còn bé có lễ phép, thanh lịch; cư xử có đạo đức hay không đều tùy thuộc vào nếp sống, đạo đức trong gia đình đó.
Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường phổ thông… ở đâu mà môi trường trong sạch, lành mạnh thì sẽ tạo ra những học sinh có bản chất lành mạnh, trong sáng, sẽ trở thành những công dân tốt trong tương lai.
Nhân dân lao động xưa kia, tác giả của những câu ca dao tục ngữ khuyên răn, có thể là những người ít học, nhưng không vì thế mà họ không có được những lời nói, cử chỉ, suy nghĩ đẹp. Trái lại, họ còn tạo ra truyền thống đạo lí, truyền thống văn hóa hết sức cao đẹp, điều này thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ như câu tục ngữ trong bài. Ngày nay xã hội chúng ta đang phát triển, trình độ dân trí được nâng cao, chính vì thế chúng ta càng phải thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ những giá trị trong cuộc sống được cha ông để lại. Trong phong trào xã hội văn minh, gia đình văn hóa mới, chúng ta không thể không nhớ lời cảnh tỉnh từ câu tục ngữ này.
Thuyết minh về thể loại tục ngữ qua các câu tục ngữ đã được học.
Gợi ý viết bài
Tục ngữ là một trong những thể loại của văn học dân gian. Khác với ca dao, dân ca là những khúc hát tâm tình, thiên về khía cạnh tinh thần, tình cảm, tục ngữ có chức năng chủ yếu là đúc kết kinh nghiệm sống trên rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống con người. Tục ngữ là kho tàng kinh nghiệm và tri thức về thực tiễn vô cùng phong phú.
Hầu hết các câu tục ngữ đều có hình thức ngắn, có vần hoặc không vần. Ví dụ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng; Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước; Tre già măng mọc; Mưa tháng ba hoa đất, mưa tháng tưhư đất…Một số câu tục ngữ có hình thức câu dài, nhiều vế. Chẳng hạn:Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ… Có câu tục ngữ là hình thức của một câu ca dao, thể lục bát. Chẳng hạn:
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.
Dù dài hay ngán, dù có vần hay không có vần, nói chung tục ngữ đều là những câu dễ nhớ, dễ thuộc. Đặc điểm này của tục ngữ chủ yếu được tạo nên từ vần diệu. Những câu tục ngữ không có vần tác động đến người đọc, người nghe chủ yếu bởi kết cấu đối lập hoặc một đặc điểm có ấn tượng nào đó. Chẳng hạn, trong câu Tre già măng mọc có sử dụng tính chất kế thừa, câu Lươn ngắn lại chê chạch dài có sử dụng yếu tố đối lập, tương phản…
Những câu tục ngữ đều có hình thức tương đối ngắn, chỉ có một hoặc hai dòng, được chia thành các vế (câu thứ 7 có 4 vế), các vê liên kết với nhau bởi vần điệu (Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống). Chủ đề chung của các câu tục ngữ trên là những kinh nghiệm về thiên nhiên và lao động sản xuất.
Trình bày suy nghĩ của em đối với câu tục ngữ Có công mài sắc có ngày nên kim.
Bài làm
Tục ngữ là trí khôn muôn đời của nhân dân, mỗi câu tục ngữ là một bài học lớn. Một trong những bài học ấy được đúc kết trong câu tục ngữ hàm súc:Có công mài sắt có ngày nên kim.
Câu tục ngữ đã nêu lên một chân lí bằng những hình ảnh tượng trưng đầy sức thuyết phục, sắt là một thứ kim loại cứng, thế nhưng mài mãi cũng sẽ thành cây kim nhỏ. Đó là một sự kiên trì, cố gắng phi thường. Từ một thanh sắt to mài thành cái kim nhỏ phải tốn bao công sức, mồ hôi. Mới nghĩ đến ta đã thấy ngại, nghĩ rằng chẳng ai kì công ngồi mài kim như thế. Tuy nhiên, vẫn có người không quản ngại gian khổ, không sá công sức, vẫn gắng sức làm cho kì được. Cho nên cây kim dù bé nhỏ, không đáng gì nhưng nó là thành quả của biết bao sự cố gắng, kiên trì, nhẫn nại. Nghĩa đen của câu tục ngữ chỉ là việc mài sắt thành kim, nhưng nếu mở rộng nghĩa của câu tục ngữ ra thì mới thấy hết ý nghĩa của nó. Trong thực tế không ai lại mài một thanh sắt to thành cây kim nhỏ. Thế câu tục ngữ muốn nói điều gì?
Câu tục ngữ là một lời khuyên, một bài học mà cha ông ta đã đúc kết từ ngàn đời và truyền lại cho con cháu. Đó chính là một triết lí trong cuộc sống: có kiên trì nhẫn nại và quyết tâm lớn thì việc gì làm cũng xong, kể cả đó là việc khó khăn tưởng chừng không hoàn thành như mài một thanh sắt thành một cây kim.
Bác Hồ chúng ta từng dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển / Quyết chí ắt làm nên” cũng là trên tinh thần như thế.
Qua lời dạy của Bác, chúng ta càng hiểu thêm về sức mạnh của lòng kiên trì, đức tính nhẫn nại, bền bỉ. Có quyết tâm lớn thì việc gì cũng làm được, kể cả việc đào núi và lấp biển.
Trong cuộc sống, chúng ta có biết bao nhiêu tấm gương tiêu biểu về đức tính kiên trì nhẫn nại, đã quyết mài sắt để cuối cùng có được cây kim như ý mình. Tấm gương ấy không đâu xa lạ, đó chính là Bác Hồ – Người Cha già của dân tộc.
Đất nước ta được hòa bình, tự do như ngày hôm nay chính là một phần nhờ vào lòng kiên trì, bền gan vững chí của Bác trong hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của Người. Khi còn là chàng thanh niên trẻ tuổi, Bác đã từ biệt quê hương ra đi tìm đường cứu nước, ở nơi đất khách quê người, Bác đã làm mọi việc để kiếm sống, chịu nằm gai nếm mật để tìm con đường giải phóng dân tộc. Và cuối cùng sự hi sinh của Bác cũng mang lại niềm hạnh phúc cho toàn dân tộc, đó chính là cây kim mà Bác đã dành hơn ba mươi năm của cuộc đời mài tặng cho dân tộc ta.
Tấm gương Bác Hồ chói sáng và rực rỡ trước hết là ở chỗ Bác đã biết cất công mài sắt để cuối cùng nên kim.
Gần gũi với chúng ta có không ít những tấm gương sáng đáng khâm phục. Nhà thơ Nguyễn Khuyến nổi tiếng là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Những sáng tác của ông là kết quả của một sự rèn luyện không ngừng, không biết mệt mỏi vì phải lao tâm khổ tứ. Thiên tài không thể hình thành trong một sớm một chiều mà phải qua một quá trình rèn luyện đúng như một nhà văn phương Tây từng khẳng định: Thiên tài là một sự kiên nhẫn lâu dài. Với Nguyễn Khuyến, khẳng định này càng có ý nghĩa thực tế. Để trở thành một nhà thơ lớn, Nguyễn Khuyến đã trải qua một cuộc sống nghèo khổ, túng thiếu. Theo sử sách ghi lại thì nhà Nguyễn Khuyên rất nghèo, mỗi buổi sớm đến trường phải mang theo một cái giậm để sau mỗi buổi bình văn còn đi bắt cá. Quê ông vốn đồng chiêm trũng nên rất nhiều cá. Có những buổi sớm mùa đông giá lạnh, thầy đồ vẫn thấy anh học trò nghèo lam lũ dưới ao sâu. Tối về nhà không có đèn, anh học trò nghèo họ Nguyễn lại bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng hoặc tận dụng ánh trăng để đọc sách. Sự thành công của Nguyễn Khuyến không chỉ ở thiên tài thơ văn mà còn ở sự kiên trì và lòng quyết tâm của chính nhà thơ.
Một tấm gương nữa cũng rất gần gũi với chúng ta là anh Nguyễn Ngọc Kí. Anh bị liệt cả hai tay nhưng mong ước đến trường vẫn luôn thôi thúc anh. Thế là anh tập viết bằng hai chân. Những nét chữ đầu tiên thật khó nhưng anh không chịu nản lòng. Chính sự kiên trì ấy đã làm cho nét chữ viết bằng chân của anh luôn được mọi người nhắc đến, không những thế, anh còn trở thành một thầy giáo của bao thế hệ học trò. Anh trở thành một tấm gương cho sự kiên trì, nhẫn nại trong thời đại ngày nay.
Trong lao động, tấm gương của nhà bác học Lương Định Của là một minh chứng có sức thuyết phục cao nhất. Để lai tạo một giống lúa có năng suất cao, có khả năng chống rầy tốt, ông phải làm việc vô cùng vất vả và khó nhọc. Hàng ngày, từ khi trời chưa sáng, ông đã lội bì bõm dưới ruộng để nghiên cứu, thử nghiệm, đến tối mịt mới trở về. Qua vài vụ lúa, một giống lúa mới được hình thành. Cứ như vậy, sự lao động không biết mệt mỏi của ông đã mang lại biết bao thay đổi cho những người nông dân chân lấm tay bùn.
Ngược dòng lịch sử, Mai An Tiêm là một minh chứng cho sự chăm chỉ và kiên trì.
Trên thế giới, không ai là không biết nhà bác học người Pháp Ma-ri-e Cu-ri-e. Họ đã kì công trong bốn năm trời lọc đi lọc lại tám tấn quặng để tìm một phần mười gam chất phóng xạ Ra-đi-um. Thế mới biết, muốn tìm một nguyên tố hóa học cũng đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì mãnh liệt.
Qua những tấm gương trên, chúng ta thấy mình phải cố gắng nhiều trước hết ở lòng kiên trì nhẫn nại, không quản khó khăn vất vả để trở thành người thành công. Đó là sự khởi đầu cho cuộc đời của mỗi con người. Là một đứa con trong gia đình, chúng ta cần phải học tập tốt để xứng đáng với lòng tin yêu của cha mẹ. Là một công dân của đất nước, chúng ta cần phải cố gắng để trở thành chủ nhân của đất nước trong tương lai.
Lời khuyên của cha ông luôn luôn đúng đắn, thiết thực. Nó có ý nghĩa lớn hơn khi ta thực hiện tốt lời dạy đó.
Suy nghĩ của em về câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách.
Bài làm
Trong cuộc sống khó khăn vất vả, con người cần phải biết thương yêu, đùm bọc, chia sẻ với nhau. Đó là thông điệp mà ông cha ta gửi gắm qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”. Theo nghĩa từng chữ, chúng ta nhận thấy quan niệm sống được ẩn trong câu tục ngữ này. Nội dung câu tục ngữ có sự đối lập của hai hình ảnhlá lành và lá rách, trong đó các từ lành, rách tạo sự liên hệ tới quần áo và cách đánh giá giàu nghèo của người Việt Nam – nghèo đói hơn nhau cũng chỉ ở tấm áo, manh quần! Vì vậy, trong tiếng Việt, “lá rách” bao giờ cũng được dùng biểu trưng cho sự nghèo khổ.
Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
(Ca dao)
Cho nên, cũng không nghi ngờ gì về việc khẳng định “lá lành” trong câu tục ngữ này là hàm chỉ lớp người có đời sống khá hơn so với những người nghèo khổ được nói đến trong nhóm từ “lá rách”. Để có một nắm cơm, một chiếc bánh ngon, đẹp khi gói bọc người ta có thể xếp lá rách trong lớp lá lành. Đó là một điều bình thường. Nhưng cái ý nghĩa cần lưu ý, hẳn là“lá lành” là nơi nương tựa của “lá rách” trong đời sống của con người. Người giàu cần đùm bọc, che chở cho người nghèo để giúp họ có một cuộc sống đỡ khó khăn hơn! Âu đó cũng là cái nghĩa tương thân tương ái ở đời.
Với câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”, chúng ta nhận thấy một quan niệm giản đơn về cuộc sống giàu nghèo. Nhưng cao hơn thế là cái đạo lí, cái lẽ đời của con người Việt Nam. Ở đâu có cuộc sống đói khổ, ở đâu có hoạn nạn, con người cần có sự thông cảm, tương trợ lẫn nhau, người giàu có giúp kẻ nghèo khó, đừng nhu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, để rồi mặc cho cái cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.
Hãy giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Bài làm
Ở bầu thi tròn, ở ống thì dàilà câu tục ngữ cho ta thấy được một vấn đề trong cuộc sống: Ở môi trường nào, điều kiện nào thì con người sẽ chịu ảnh hưởng và thích nghi với môi trường, điều kiện ấy. Như vậy, môi trường xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của con người. Do đó, ông bà ta có nhận định:
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Để nêu lên một bài học, một kinh nghiệm trong cuộc sống, ông cha ta thường mượn hình ảnh của các sự vật để nói lên ý muốn nói của mình. Mực có màu đen, tượng trưng cho cái xấu xa, cái không tốt đẹp. Đèn phát ra ánh sáng soi rõ mọi vật chung quanh nên nó biểu tượng cho cái tốt đẹp, sáng sủa. Từ hai hình ảnh trong cuộc sống và cũng là hai hình ảnh tương phản nhau: mực và đèn, câu tục ngữ đưa ra kết luận: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Từ quy luật trong tự nhiên, ta có thể liên hệ đến cuộc sống của con người: nếu ở gần người xấu xa ta sẽ bị ảnh hưởng thói hư tật xấu, nếu ở gần người tốt ta sẽ học tập được những điều hay lẽ phải. Đó chính là mối quan hệ giữa môi trường sống với việc hình thành nhân cách con người.
Lí giải vấn đề này như thế nào? Chắc chắn là cần phải thông qua thực tiễn cuộc sống. Môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đối với mỗi một con người, nhất là ở những người trẻ tuổi như chúng ta. Tuổi nhỏ chúng ta thường có tính làm theo, bắt chước người khác, chưa có đủ nhận thức để phân biệt đúng – sai nên rất dễ bị môi trường tác động. Nhân cách của một con người được hình thành từ lúc sinh ra trong gia đình. Do vậy, trong gia đình, nếu ông bà, cha mẹ, anh em không làm gương, không giữ được hòa khí, nói năng không lịch sự… thì sẽ tác động không tốt đến trẻ thơ. Đến lớp học, thường xuyên tiếp xúc với bạn bè xấu thì thói quen xấu sẽ tiếp tục thâm nhập vào đứa trẻ ấy. Để rồi lớn lên, những tệ nạn xã hội, những thói ăn chơi bên ngoài dần lôi cuốn và cuối cùng trở thành một thành phần xấu trong xã hội. Đây là một điều tất yếu và rất khó tránh khỏi bởi nhữngvết mực đen thì lan rất nhanh và khi dính vào thì rất khó tẩy rửa. Chính vì vậy mà xưa kia mẹ Mạnh Tử đã ba lần dời nhà với mong muốn con mình có được một môi trường học tập và sinh hoạt tốt nhất. Bà đã thấy được mối quan hệ mật thiết giữa môi trường sống và việc hình thành nhân cách con người, nhờ đó mà Mạnh Tử đã thành tài.
Ta cũng nhận ra rằng, nếu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đạo đức, sống trong thôn ấp có văn hóa, được giáo dục trong một môi trường lành mạnh thì chắc chắn cá nhân đó sẽ trưởng thành và trở thành một công dân tốt. Bởi ánh sáng của những cái tốt đẹp soi rọi làm chúng ta cũng phải sáng, ta đang gần đèn thì ắt phải sáng. Phải chăng chính điều này mà cha ông ta thường khuyên là phải chọn bạn tốt mà chơi:
Thói đời gần mực thì đen
Anh em bạn hữu phải nên chọn người.
Thật vậy, nếu ta chơi với những người bạn tốt, biết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như trong sinh hoạt thì dần dần ta sẽ tập được cho mình một cách sống vì mọi người. Bạn siêng năng, chăm chỉ, hiếu học thì ta cũng thi đua học theo bạn và, nhờ đó mà kết quả học tập của ta cũng sẽ tiến bộ hơn nhiều. Ngược lại, nếu kết thân với những người bạn làm biếng học, suốt ngày rong chơi thì ta cũng nhanh chóng trở thành một người như thế. Chính vì vậy chúng ta cần biết chọn bạn mà chơi. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn xa lánh những người xấu. Tùy từng đối tượng mà ta có cách tiếp xúc để đưa họ trở về với bản chất tốt đẹp của con người. Càng xa lánh họ, để cho họ tiếp tục sống trong một môi trường xấu thì họ sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành người tốt được nữa.
Hiện nay, những tệ nạn xã hội, những tiêu cực trong cuộc sống tăng nhanh, nếu không có một nhìn nhận sáng suốt thì chúng ta rất dễ trở thành một người không tốt. Hơn lúc nào hết câu nói của ông cha ta càng phải được hiểu sâu sắc.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, có những người gần mực nhưng vẫn không đen. Có thể lấy hình ảnh những chiến sĩ cách mạng trong thời kì kháng chiến chống xâm lược làm ví dụ. Sống trong cảnh tù đày, họ bị nhiều thế lực vừa dụ dỗ, vừa đày ải bằng mọi hình thức, nhưng họ vẫn giữ được tấm lòng kiên trung, tuyệt đối trung thành với cách mạng. Có thể nói họ là những người sống trong bóng tối nhưng lòng vẫn luôn sáng. Đó chính là những tấm gương sáng nhất để cho chúng ta học tập và noi theo.
Câu tục ngữ trên là một bài học quý cho thế hệ hôm nay. Nó giúp ta biết cách để ngày càng hoàn thiện mình. Khi ta đã biết môi trường có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách thì ta sẽ chọn cho mình một môi trường tốt để học tập và sinh hoạt. Nếu chẳng may ta phải sống trong một môi trường xấu thì ta cũng biết cách để gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Bài làm của học sinh Thái Hà
Bình luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
Bài làm
Trong cuộc sống hàng ngày cũng có lúc ta đã lầm lẫn khi đánh giá một sự vật, một con người, khi thì dựa vào cái hình thức hào nhoáng bên ngoài mà quên đi cái nội dung, bản chất bên trong của con người họ, khi thì ngược lại. Lúc ấy ta lại nhớ đến câu tục ngữ:
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Chúng ta hiểu gì về câu tục ngữ này? Phải chăng đây là kinh nghiệm sống quý báu mà ông cha ta để lại cho chúng ta suy ngẫm, học hỏi?
Câu tục ngữ đã cho xuất hiện hai sự vật “gỗ” và “nước sơn”. Gỗ là chất liệu để tạo nên một vật dụng như là tủ, bàn, ghế… còn nước sơn là chất liệu để quét lên làm cho cái tủ, cái bàn thêm đẹp, thêm bền. Nghĩa đen là như vậy nhưng ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ bao hàm một lời khuyên về cách nhìn chín chắn: hãy coi trọng cái giá trị đích thực, cái nội dung bên trong của một con người. Đừng bao giờ để cái hình thức xa hoa, hào nhoáng bên ngoài lừa dối, quyến rũ ta.
Bất kì câu tục ngữ nào cũng là sự đúc kết những kinh nghiệm sống quý báu của biết bao thế hệ con người. Tổ tiên ta cũng đã trải qua bao thất vọng, vấp váp mới rút ra được chân lí “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Khi đánh giá một sự vật, ta phải coi trọng chất lượng của nó. Có khi người ta chỉ trọng đến cái lớp sơn bóng nhoáng bên ngoài của một cái tủ mà mua về rồi không dùng được nữa vì chất gỗ bên trong là một thứ gỗ mục rữa, sâu mọt. Một sản phẩm có mẫu mã tốt, có trang trí đẹp đến bao nhiêu mà chất lượng không tốt, không bền thì cũng không hữu dụng. Chỉ có một chất gỗ tốt mới tạo nên một đồ dùng có giá trị và lâu bền. Một sản phẩm có chất lượng tốt càng được nhiều người ưa thích, càng bán đắt giá. Đó là cách đánh giá, cách nhìn chung về giá trị của một đồ vật. Trong cuộc sống, mỗi sự vật, mỗi con người không phải lúc nào cũng thống nhất trọn vẹn cả mặt nội dung lẫn hình thức. Có người bản chất xấu xa nhưng khéo lừa bịp bằng cái vỏ hào nhoáng, bảnh bao bên ngoài. Một kẻ bất tài thường đội lốt người hiểu biết. Một người độc ác thường nói lời đạo đức. Một khuôn mặt xinh đẹp nhưng chưa hẳn là đẹp hoàn toàn nếu có một tâm hồn không đẹp. Chúng ta phải thật sự tỉnh táo, thận trọng đối với những con người đó. Khi cần chọn lựa, ta hãy chọn lấy cái bản chất làm căn bản, hãy vứt bỏ cái vẻ bề ngoài đẹp đẽ, lành lặn mà bên trong mục rỗng, vô vị. Một con người có đạo đức, tài năng thì dẫu ăn mặc tầm thường nhưng vẫn được kính trọng, nể nang. Khi đánh giá một con người chúng ta phải dựa trên phẩm chất đạo đức, năng lực của người đó. Chúng ta phải hiểu rằng cái chân giá trị của con người chính là đạo đức, tài năng, trí tuệ.
Nhưng trong thực tế cuộc sống, chẳng lẽ chỉ xem trọng nội dung, bản chất bên trong mà lãng quên mặt hình thức? Một món hàng tốt, chất lượng tốt nếu có bao bì xinh xắn, trang trí đẹp lại càng có giá trị. Hình thức bên ngoài làm tăng thêm giá trị bên trong của món hàng. Cái tủ được làm bằng chất gỗ tốt mà lại có nước sơn bóng loáng hẳn làm ta vừa lòng và sẵn sàng mua. Một con người có học vấn, đạo đức lại ăn nói lịch sự, thanh nhã, ăn mặc gọn gàng, đẹp đẽ càng làm cho ta thêm quý trọng hơn là con người tuy có đạo đức nhưng ăn nói cục cằn, thô lỗ, ăn mặc xốc xếch. Cái đẹp lí tưởng là khi có cả nội dung lẫn hình thức.
Vậy để nhận xét, đánh giá một sự vật, một con người, ta phải dựa trên cơ sở nội dung lẫn hình thức. Nội dung và hình thức phải bổ sung cho nhau để đánh giá được chính xác, đầy đủ. Chúng ta hãy coi trọng nội dung vì trước hết nó là cốt lõi tạo nên giá trị bên trong, còn hình thức góp phần tạo nên cái đẹp, cái bền cho vật dụng. Khi đánh giá ta phải coi trọng chất lượng của vật cũng như khi nhận xét về một con người ta phải chú ý đến thành quả công việc của họ, xem xét mối quan hệ tình cảm của họ đối với gia đình, xã hội. Đó là cách hiệu quả, cách áp dụng đúng đắn nhất phương châm xử thế mà câu tục ngữ đã khuyên dạy chúng ta.
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – câu tục ngữ đã cho ta một phương châm đúng đắn trong cách nhìn, cách sống và cách quan hệ ở cuộc sống. Chúng ta cần tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tài năng để trở thành con người toàn diện về nội dung lẫn hình thức. Hiểu được câu tục ngữ, vận dụng nó một cách đúng đắn chúng ta sẽ bớt lầm lẫn, vấp ngã trong cuộc đời đồng thời ta cũng biết cách tự rèn luyện nâng cao mình hơn nữa. Ta phải sống thực chất bằng chính giá trị con người mình, đừng mánh khóe lừa dối, giả tạo. Tốt gỗ hơn tốt nước, sơn nhưng nếu tốt cả gỗ và tốt cả nước sơn thì đó là điều mà ta cần mong ước, phấn đấu, hướng tới…
Trường Thị Xuân
LUYỆN TẬP
Đề 1. Phân tích bài học rút ra từ câu tục ngữ Có công mài sát có ngày nên kim.
Đề 2. Em hãy nói về vai trò quan trọng của môi trường sống trong việc hình thành nhân cách con người qua câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Đề 3. Quan niệm của em về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
Đề 4. Em hãy kể về một số hoạt động ở nước ta hiện nay có nội dung như câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách.
Đề 5. Quan niệm của em về câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Đề 6. Tục ngữ là kinh nghiệm sống của nhân dân ta trong quá trình lao động sản xuất. Qua một số câu tục ngữ, em hãy chứng minh nhận định trên.
Theo Baivanhay.com