Nhận xét về văn học trung đại Việt Nam (giai đoạn thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX có nhận định cho rằng : Một trong những nét nổi bật nhất của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn này là tình cảm nhân đạo sâu sắc , thấm thía . Qua một số văn bản đã học và đọc thêm : Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương) , Sau phút chia ly (Đặng Trần Côn -Đoàn Thị Điểm)…. em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Bài viết văn của bạn Minh Hạnh đến từ Hà Nội gửi đến ban biên tập website.
Bài làm
Văn học Việt Nam thế kỷ XVII-nửa đầu thế kỷ XIX là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nền văn học dân tộc trong suốt thời kì trung đại . Nếu như ở thế kỷ X đến thế kỷ XV văn học tập trung vào tinh thần yêu nước thì đến giai đoạn này lại tập trung nhiều nhất đến tình cảm nhân đạo . Vì thế có cơ sở nhận định cho rằng : “Một trong những nét nổi bật nhất của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn này là tình cảm nhân đạo sâu sắc, thấm thía “
Trước hết , ta thấy nhận định ấy thật đúng đắn và chính xác . Vậy tình cảm nhân đạo là gì ? Tình cảm nhân đạo là một nét truyền thống sâu đậm của văn học Việt Nam . Tình cảm nhân đạo trong văn học đã phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn mà chế độ phong kiến bộc lộ sự khủng hoảng trầm trọng như ở thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX . Văn học giai đoạn này đã thể hiện nỗi thống khổ và số phận chìm nổi của nhiều tầng lớp người trong xã hội đầy rối ren , li loạn . Nhiều tác phẩm đã lên tiếng mạnh mẽ , bênh vực cho quyền sống của con người , đặc biệt là người phụ nữ , đồng thời nói lên khát vọng về hạnh phúc , mơ ước tự do và ý thức về cá tính nhiều lúc đã vượt ra ngoài khuôn phép của tư tưởng và lễ giáo phong kiến .
Bánh trôi nước
Tiêu biểu cho tư tưởng , tình cảm nhân đạo này có thể kể đến các tác giả với những tác phẩm kiệt xuất là kết tinh của nhiều thế kỉ văn học dân tộc : Nguyễn Du với Truyện Kiều , Hồ Xuân Hương với thơ Nôm , Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc , Đặng Trần Côn -Đoàn Thị Điểm với Chinh phụ ngâm khúc …..
Trước tiên ta thấy giá trị nhân đạo thể hiện rất rõ trong bài thơ Bánh trôi nước :
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn “
“Thân em” là cụm từ mở đầu của biết bao câu ca dao nói về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến . Ở đây trong hoàn cảnh cụ thể của bài thơ , “thân em ” được ví với chiếc bánh trôi nước trắng tròn , đẹp đẽ , đáng yêu . Hồ Xuân Hương mượn hình ảnh mộc mạc của chiếc bánh trôi để nói lên vẻ đẹp của người phụ nữ . Xưa nay phụ nữ được gọi là phái đẹp , là tinh hoa của tạo hóa . Bởi vậy , nhìn chiếc bánh trôi nước xinh xắn , ta dễ liên tưởng đến vẻ đẹp trong trắng của các cô gái , là vẻ đẹp cùng hình thức và phẩm chất . Trong “Truyện Kiều ” , Nguyễn Du cũng cất lời khen ngợi chị em Thúy Kiều , Thúy Vân :
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
Trong đoạn trích trên , ta có thể thấy Nguyễn Du đã ngợi ca vẻ đẹp của Thúy Vân , Thúy Kiều bằng những lời tuyệt mĩ . Hai chữ “trang trọng” nói lên vẻ đẹp cao sang , quý phái của Thúy Vân . Vẻ đẹp trang trọng , đoan trang của người phụ nữ được so sánh với những thứ cao đẹp trên trời : trăng , hoa , mây , tuyết , ngọc . Tác giả đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên có vẻ đẹp đặc biệt , trong trắng tinh khiết , rực rỡ để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân . Để ca ngợi Thúy Kiều , Nguyễn Du không chỉ ca ngợi vẻ đẹp hình thức mà còn ca ngợi vẻ đẹp về mặt tâm hồn , tài năng . Cũng như lúc tả Thúy Vân câu thơ khái quát đặc điểm nhân vật :”Kiều càng sắc sảo , mặn mà . Nàng sắc sảo về trí tuệ , mặn mà về tâm hồn , tình cảm . Gợi tả vẻ đẹp của Thúy Kiều , tác giả vẫn dùng hình tượng nghệ thuật ước lệ : “thu thủy “(nước mùa thu ), “xuân sơn “(núi mùa xuân) , hoa , liễu .
Như vậy bằng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ , so sánh , Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du đã làm nổi bật vẻ đẹp trung thực , phúc hậu mà quý phái của những người thiếu nữ , phụ nữ ngày xưa . Phải là những người yêu quý cái đẹp , biết trân trọng cái đẹp thì cả hai nhà thơ mới có được sự miêu tả như thế .
Với những vẻ đẹp ngoại hình và nhân phẩm ấy, đáng lý ra người phụ nữ phải được nâng niu và hưởng hạnh phúc , thế nhưng xã hội phong kiến bất công đã không cho họ có được điều ấy . Hồ Xuân Hương đã viết :
“Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn “
Tác giả đã đưa thành ngữ dân gian “Bảy nổi ba chìm ” vào câu thơ . Một cách vận dụng thành ngữ quen thuộc đã hiện lên thân phận hẩm hiu , dầm mưa , dãi nắng của cuộc đời người phụ nữ . Những người phụ nữ ấy phải sống trong cuộc đời chìm nổi bởi lẽ trong xã hội đó họ không được làm chủ cuộc đời mình .Cũng giống như chiếc bánh trôi kia , rắn hay nát do bàn tay của người làm bánh , phụ nữ trong xã hội phong kiến cũng thế , được may mắn hay bất hạnh , sống sung sướng hay đau khổ là do những kẻ có quyền thế quyết định . Cặp từ trái nghĩa “rắn nát” được đảo cấu trúc đặt lên đầu câu nhằm nhấn mạnh những éo le ,phụ thuộc trong cuộc đời người phụ nữ . Xã hội phong kiến với quan niệm “trọng nam -khinh nữ ” , đạo lý tam tòng tứ đức đã trói buộc người phụ nữ , tước đi cuộc sống tự do , hạnh phúc của họ . Người phụ nữ ấy không được phép sống vì mình mà phải sống , phụ thuộc vào người khác . Họ xem đó như một định mệnh , nhẫn nhịn cam chịu mà chấp nhận lấy . Nhà thơ Hồ Xuân Hương là một trong những người chịu nhiều cay nghiệt như vậy , yêu Chiêu Hổ rồi bị phụ tình , làm vợ lẻ Tổng Cóc , Phủ Vĩnh Tường… Cuộc đời không chỉ dừng lại ở “Bảy nổi ba chìm ” mà có lẽ là hàng chục , hàng trăm điều cay đắng như vậy . Số phận ngang trái như vậy thì bản thân nữ sĩ làm sao mà không đứng lên thay lời người phụ nữ cất tiếng nói than thân và tố cáo xã hội phong kiến cho được .
Tuy người phụ nư xưa phải chịu nhiều đau buồn , áp bức , bất công như vậy nhưng tấm lòng son sắt , khát khao của họ mới là điều đáng quý . Cụ thể Hồ Xuân Hương đã viết :
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son “
“Tấm lòng son” là hình ảnh hoán dụ cho tấm lòng thủy chung , son sắt , trong sáng của người phụ nữ . Dù bị chà đạp bâtd công nhưng họ vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn của mình , cũng giống như chiếc bánh trôi kia dù rắn hay nát , chìm hay nổi thì vẫn không thể thay đổi được hương vị của chiếc bánh . Hai từ “mặc dầu -mà em” đã khẳng định sự cố gắng vươn lên số phận để bảo toàn nhân cách của người phụ nữ . Như vậy câu thơ đã khẳng định được một tâm thế , lẽ sống , cứng cỏi , không khuất phục của ngưòi phụ nữ trong xã hội xưa . Vẻ đẹp nhân phẩm ấy dù trong hoàn cảnh nào họ vẫn giữ trọn , vẫn sáng ngời , sáng chói như những hạt ngọc long lanh .
Như vậy qua tác phẩm văn học của Hồ Xuân Hương , ta thấy nhà thơ trung đại Việt Nam đã vận dụng sự sáng tạo các thể thơ , ngôn ngữ dân tộc cùng với tài năng nghệ thuật điêu luyện , trái tim nhân hậu đã làm nên tác phẩm bất hủ , thấm đẫm tình nhân đạo . Đồng thời tố cáo xã hội phong kiến bất công , tàn ác .
Từ khóa tìm kiếm
- https://baivanhay com/van-hoc-trung-dai-viet-nam-giai-doan-the-ky-xviii-nua-dau-the-ki-xix-co-nhan-dinh-cho-rang-mot-trong-nhung-net-noi-bat-nhat-cua-van-hoc-trung-dai-viet-nam-giai-doan-nay-la-tinh-cam-nhan-dao-sau-sa