Đề bài: Soạn Bài Thông Tin Về Ngày Trái Đất Năm 2000 | Văn Mẫu
Bài làm
Câu 1: Bố cục chia làm 3 phần:
- Phần thứ nhất (từ đầu đến “chủ đề “Một ngày không sử dụng bao bì ni lông”) trình bày nguyên nhân ra đời của bản thông điệp Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000 .
- Phần thứ hai (từ “NHư chúng ta đã biết” đến “ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường”) phân tích tác hại của việc dùng bao bì nilông và những biện pháp hạn chế sử dụng chúng. Phần này có thể chia làm hai đoạn ứng với hai nội dung nêu trên và hai đoạn đó được nối liền bằng quan hệ từ “vì vậy”.
- Phần thứ ba: còn lại, kiến nghị về việc bảo vệ trái đất.
Câu 2:
– Nguyên nhân cơ bản khiến cho việc dùng bao bì ni lông có thể gây nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người là “tính không phân hủy của pla-xtíc”. Nguyên nhân này đã làm cho bao bì ni lông có rất nhiều tác hại:
- Lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các vật, làm tắc các đường dẫn nước thải. Sự tắc nghẽn hệ thống rãnh làm cho muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh.
- Làm chết các sinh vật khi chúng nuốt phải
- Ni lông thường bị vứt bừa bãi nơi công cộng, có khi là những di tích, thắng cảnh, khu du lịch làm mất vẻ mĩ quan cho cả khu vực
- Túi ni lông qua sử dụng là rác thải. Nhưng loại rác thải này lại được dùng đựng các loại rác thải khác khiến chúng càng khó phân hủy và sinh ra chất độc hại: NH3, CH4, H2S
- Rác thải nilông khi đổ chung với các loại rác thải khác lại còn ngăn cản quá trình hấp thụ nhiệt và trao đối độ ẩm trong các bãi chôn lấp rác khiến các loại rác khó phân hủy hơn
- Mỗi năm có hơn 400 000 tấn pô-li-ê-ti-len được chôn lấp ở miền Bắc nước Mĩ, làm mất bao nhiêu đất đai để canh tác. Ở Mêhicô do rác thải ni lông và nhựa mà cá ở các hồ nước chết rất nhiều. Tại vườn thú quốc gia Côbê ở Ấn Độ, 90 con hươu đã chết do ăn phải những hộp nhựa đựng thức ăn thừa của khách tham quan vứt bỏ bừa bãi. Hàng năm trên thế giới có khoáng 100 000 chim, thú biển chết do nuốt phái túi ni lông (theo Plaxtic – “Điều kì diệu” hay mối đe dọa, Hội lịch sử tự nhiên Bom-bay Ấn Độ, 1999)
– Ngoài nguyên nhân cơ bản là tính không phân hủy của pla-xtíc thì còn có những nguyên nhân khác như:
- Khi chế tạo ni lông, đặc biệt là ni lông màu, người ta còn đưa vào những chất liệu phụ gia khác, trong số đó có những chất gây độc hại. Bao bì ni lông màu đựng thực phẩm làm ô nhiễm thực phẩm vì có chứa các kim loại như chì, ca-đi-mi và do đó có thể gây ra các bệnh hết sức hiểm nghèo.
– Ngoài ra, trong các phương thức xử lý bao bì ni lông hiện nay, cũng là một nguyên nhân có thể gây nguy hại đối với môi trường và đối với sức khỏe của con người:
- Chôn lấp: tốn diện tích, làm mất đất đai để canh tác.
- Đốt: Khi đốt bao bì ni lông ở nhiệt độ cao, các chất dẻo có thể tác dụng với các chất xúc tác ô-xít kim loại, giải phóng khí PCBs có khả năng chuyển hóa thành đi-ô-xin. Khi chất thải pla-xtíc bị đốt, các khí độc thải ra chứa thành phần các-bon có thể làm thủng tần ô-zôn, khói do đốt ni lông có thể gây nhiễm độc CO, gây ngất, khó thở, nôn ra máu,ung thư,…
Câu 3:
– Tính thuyết phục của những kiến nghị mà văn bản đã đề xuất: Túi ni nông rất rẻ, nhẹ, tiện lợi, dễ đáp ứng được các nhu cầu rất khác nhau của người tiêu dùng. Hơn nữa sản xuất bao bì ni lông so với sản xuất bao bì bằng giấy tiết kiệm được 40% năng lượng, tiết kiệm được bột giấy từ gỗ,… Tuy nhiên, sử dụng bao bì ni lông lại có rất nhiều tác hại đối với sức khỏe và môi trường. Vì vậy, dùng bao bì ni lông là LỢI BẤT CẬP HẠI. Trong khi loài người chưa loại bỏ được hoàn toàn bao bì ni lông, tức chưa có giải pháp THAY THẾ thì chỉ có thể đề ra những biện pháp HẠN CHẾ việc dùng bao bì ni lông. Và các biện pháp hạn chế mà văn bản đã đề xuất là rất hợp tình, hợp lý và có tính khả thi.
– Tác dụng của từ “vì vậy” trong sự liên kết các phần của văn bản:
- Nối phần nguyên nhân việc sử dụng bao bì ni lông với giải pháp khắc phục.
- Không có từ liên kết “vì vậy” bài văn sẽ lỏng lẻo, không chặt chẽ, thuyết phục.