Home / Văn mẫu THCS / Văn mẫu lớp 9 / So sánh hình tượng người lính trong hai bài thơ Tây Tiến và Đồng chí

So sánh hình tượng người lính trong hai bài thơ Tây Tiến và Đồng chí

So sánh hình tượng người lính trong hai bài thơ Tây Tiến và Đồng chí

Bài làm

Chiến tranh tàn khốc đã đi qua nhưng những chiến công và những con người lịch sử thì còn sống mãi trong văn chương không tuổi. Văn học lưu giữ, khắc ghi và ca ngợi họ – những người lính anh dũng đã đem lại độc lập cho tổ quốc qua những câu thơ, áng văn đậm đà tình cảm. Tuy nhiên với mỗi bài thơ lại có cách khám phá và thể hiện rất riêng mang đậm dấu ấn cá nhân người nghệ sĩ. Hình tượng người lính trong hai bài thơ “Đồng chí” – Chính Hữu và “Tây Tiến” – Quang Dũng vừa mang những nét tương đồng vừa có những nét riêng đặc biệt.
“Hình tượng” là thế giới đời sống, con người hiện lên trong trang viết của người nghệ sĩ, là nơi tác giả thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình. Hình tượng người lính vốn không mấy xa lạ trong văn học Việt Nam nhưng mỗi người lại có cách thể hiện của riêng mình, tạo nên thế giới đời sống rất riêng và đặc sắc. Cùng ra đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp, “Đồng chí” và “Tây Tiến” đã đem lại cho người đọc những cách nhìn nhận mới mẻ, những hình ảnh riêng độc đáo, hoàn thiện bức tranh về người lính chống Pháp và để lại trong lòng người đọc những ấn tượng không nguôi. Họ cùng là những con người của một thời đại anh dũng và hào hùng, cho nên ở đó luôn toát lên phong thái ngang tàng, mạnh mẽ, sẵn sàng vượt qua mọi gian nan thử thách dẫu mưa rừng thác lũ có dữ dội đến đâu:

  • “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
  • Heo hút cồn mây súng ngửi trời”

Người lính phải vượt qua những trận mưa nguồn suối lũ, những đêm ngủ rừng chỉ có manh chiếu mỏng đắp vội, cơm chẳng đủ no, “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.” Nhưng đáng sợ nhất vẫn là những trận sốt rét rừng. Những cơn sốt rét rừng đến vàng da rụng tóc, bòn rút từng chút sức của họ:

  • “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
  • Rét run người vầng trán ướt mồ hôi”
Xem thêm:  Ước nguyện của Thanh Hải qua hai khổ thơ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ”- Văn lớp 9

Hay:

  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
  • Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Gian nan, khổ đau là thế, những cơn sốt rét rừng hành hạ, thêm vào đó là tư trang tư phục chẳng đủ, thiếu thốn trăm bề nhưng những người lính đó chưa bao giờ thôi lạc quan và hạnh phúc. Bởi vì họ thiếu thốn vật chất nhưng đời sống tinh thần của họ lại thật phong phú biết bao: tình đồng chí đồng đội keo sơn gắn bó, những đêm đốt lửa trại liên hoan dưới ánh đuốc hoa bập bùng, những trận sốt rét rừng hành hạ được ngả đầu trên vòng tay ấm áp của đồng đội. Có lẽ vì vậy mà họ có chung một niềm lạc quan, một sự anh dũng và quả cảm đáng phục, là nguồn động lực giúp họ chiến thắng mọi thử thách và đương đầu trước mọi gian truân. Có khó khăn, có gian khổ đấy, nhưng họ chưa bao giờ đầu hàng trước thử thách mà dũng cảm đối đầu với chúng để xứng đáng trở thành anh bộ đội cụ Hồ. Người lính trong “Đồng chí” hay người lính trong “Tây Tiến” xét cho cùng tuy hai mà một, gặp gỡ nhau trong nét cốt cách anh hùng của người lính chống Pháp năm xưa.
Nhưng “Không có lối đi chung nào cho hai nhà văn cả”, những người nghệ sĩ có thể gặp gỡ nhau trong cảm xúc trữ tình, hình tượng họ xây dựng cũng có thể tương đồng đôi nét nhưng không bao giờ là một bản sao. Cho nên dù viết về người lính cùng một thời đại nhưng mỗi bài thơ lại có một nét khám phá, phát hiện rất riêng. Người lính của Chính Hữu mang nét gì đó mộc mạc, hiền lành, chân chất, bởi họ xuất thân từ vùng quê nghèo nơi nước mặn đồng chua, họ là những người nông dân vì chiến tranh mà phải buông liềm đi cầm súng:

  • “Quê hương anh nước mặn đồng chua
  • Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

Có lẽ vốn dĩ xuất thân từ những người nông dân bình dị, cho nên tình cảm của họ dành cho nhau cũng thật chân thành và kín đáo. Hai chữ “đồng chí!” thốt lên như là xúc cảm cố giữ bỗng chốc bật ra thành lời, họ quan tâm nhau và chăm sóc nhau bằng sự chân thành và thật thà của người dân vùng quê bến nước:

  • “Anh với tôi đôi người xa lạ
  • Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
  • Súng bên súng, đầu sát bên đầu
  • Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.”

Họ đến với nhau vì cùng chung lí tưởng, mục đích, đó là dùng máu xương của mình để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Những người lính nông dân thật thà chất phác đó thể hiện tình cảm chân thành và ý nhị, chia cho nhau từng bát cơm, từng mảnh chăn chắp vá và dù đêm lạnh lẽo thế nào cũng có thể cười vì hơi ấm đồng đội trao:

  • “Thương nhau chia củ sắn lùi
  • Bát cơm xẻ nửa chăn sui đắp cùng”

Còn người lính của Quang Dũng lại xuất thân từ những sinh viên thủ đô vừa rời khỏi giảng đường Đại học. Vì tuổi trẻ, vì cuộc sống thị thành đã tôi luyện cho họ một nét tình cách vừa hào hoa vừa phong tình, đậm đà chất lãng mạn. Có lẽ vì vậy mà họ không hề che giấu sự đa tình của mình ngay cả khi đang trên hành trình hành quân ra mặt trận, cái ngạo nghễ, tươi trẻ đó như rót vào lòng họ những tia sáng lấp lánh. Họ mơ về chiến công bên biên giới, họ cũng không quên mơ về giấc mộng của riêng mình: một “dáng Kiều thơm” hay người con gái của đất kinh đô, những nữ sinh Trưng Vương, Đồng Khánh đẹp người sóng sánh bên nước trời Hà Nội:

  • “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”
Xem thêm:  [Văn lớp 5] Tả người thân của em (Người Mẹ)

Lời thơ như có chút gì đó táo bạo nhưng cũng thật lãng mạn và đa tình. Họ chiến đấu anh dũng nhưng đồng thời cũng sở hữu trong mình những nét đẹp hào hoa đến lạ. Có lẽ nó vừa là nguồn động lực, vừa là cái đẹp rất riêng, rất táo bạo của người lính trẻ, họ như cánh hoa đong đưa mình trên dòng nước lũ, những bông hoa đã sống trọn kiếp mình với nắng, với gió, để tỏa sắc giữa cuộc đời dẫu thác lũ có dữ dội đến đâu.
Với “Đồng chí” và “Tây Tiến”, cả hai tác giả đã đưa ta đến với những vẻ đẹp của người lính chống Pháp năm xưa. Gặp gỡ có nhưng độc đáo cũng có, hai bài thơ vừa có những điểm chung lại có những nét rất riêng, rất mới lại, góp phần hoàn thiện vẻ đẹp người chiến sĩ cách mạng. Đúng như ai đó đã từng nói rằng, nhà thơ phải đốt cháy mình mới mong ngọn lửa của mình tỏa rạng giữa đời, cả Chính Hữu và Quang Dũng thực sự đã đốt lửa lòng để viết ra những câu thơ đẹp đẽ. Văn chương cách mạng nhờ vậy mà còn sống mãi, bởi bản thân nó đã trở thành những áng văn thơ mang lửa, sẵn sàng tỏa rạng để vào “đốt lửa lòng” bất kì ai.
Có những sự thích thú chỉ là thoáng qua nhưng có những tình cảm sẽ là mãi mãi. Có những bài viết đọc một lần rồi quên nhưng có những áng thơ trường tồn bất diệt dẫu thời gian có nghiệt ngã cỡ nào. Người nghệ sĩ chân chính cũng giống như những áng thơ bất diệt vậy, khi họ viết tác phẩm của mình bằng Tài và Tâm.

Check Also

anh tuong1 1711201815 310x165 - Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Đề bài: Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *