Phân tích vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Bài làm
Trong “Nghĩ về nghề viết”, Chế Lan Viên nói:
- “Hình thức cũng là vũ khí
- Sắp đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lí”
Chính vì vậy mà khi viết nên một tác phẩm, tác giả vẫn thường để tâm đến hình thức thơ để làm cho bài ca của mình thêm đẹp và đặc sắc. Thấu hiểu điều đó, nhà thơ Quang Dũng đã dùng tài năng của mình để mài giũa từng câu chữ trong “Tây Tiến”, để vẻ đẹp ngôn ngữ thơ góp phần làm nên sự thành công trong tác phẩm và để lại trong lòng người đọc bao ấn tượng.
Có người từng ví hình thức của một tác phẩm như sắc đẹp của người con gái, không phải là yếu tố quyết định nhưng là yếu tố đầu tiên gây thiện cảm, gợi chú ý, làm quen để làm thân, gợi mối trăm năm bền chặt. Hình thức thơ, điển hình là ngôn ngữ thơ có tính thẩm mĩ thể hiện tài năng của tác giả, là yếu tố tạo nên phong cách. Cho nên với bài thơ “Tây Tiến”, ngôn ngữ thơ ấn tượng đã làm nên sức hút cho bài thơ, khiến người đọc muốn trông nhìn và thưởng thức, đồng thời làm nổi bật tài năng của nhà thơ chiến sĩ. Có lẽ nét nổi bật nhất trong nghệ thuật ngôn từ ở đây là cách sử dụng từ láy – một thủ pháp nghệ thuật đậm đà tính dân tộc:
- “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
- Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Hai câu thơ là lời biểu đạt của nỗi nhớ, nhưng nếu nỗi nhớ ấy chỉ được thể hiện bằng từ “nhớ nhung” thì thật tầm thường và chưa đủ. Chỉ bằng từ láy “chơi vơi” với vần “ơi” có độ mở lớn khiến nỗi nhớ bị kéo dài ra vô hạn.Trạng thái lơ lửng, bồng bềnh của nỗi nhớ cộng hưởng với cảm xúc nồng nàn trong tâm trí đã tạo nên một nỗi nhớ “chơi vơi” có một không hai trên thi đàn. Đó là nỗi nhớ ăm ắp, mơ hồ, khỏa lấp cả không gian và thời gian, khiến tâm hồn người chiến sĩ cũng bồng bềnh và nương theo nỗi nhớ. Có lẽ cung bậc ấy trong nỗi nhớ của Quang Dũng đã gặp gỡ với nỗi tương tư của Xuân Diệu:
- “Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
- Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”
- (Tương tư chiều)
Như vậy là chỉ với từ láy “chơi vơi”, nỗi nhớ của Quang Dũng đã ngân lên với cung bậc thật khác lạ, không giống nỗi nhớ của người con gái trong “Khăn thương nhớ ai”, cũng không giống với nỗi nhớ tha thiết của Tố Hữu trong “Việt Bắc”. Đó là một nỗi nhớ vừa man mác, mơ hồ vừa xuyến xao, bao trùm cả núi rừng Việt Bắc, xuyên qua bức mây mù Pha Luông, đọng lại trong tâm trí người lính.
Nỗi nhớ đó mang người chiến sĩ kí ức về một thời hành quân gian khổ:
- “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
- Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
Từ láy “khúc khuỷu, thăm thẳm” đã khắc tạc con đường cheo leo, hiểm trở, đầy thử thách của cuộc hành quân. Các từ láy khiến giọng thơ trở nên gân guốc, điệu thơ mệt nhọc rất hợp với việc diễn tả sự hùng vĩ của thiên nhiên cũng như sự khắc nghiệt của những cung đường Tây Bắc. Nhờ chúng mà nỗi khó khăn, gian nan của người lính được ngụ ý một cách sâu sắc, làm nổi bật ý chí chiến đấu anh hùng cả người lính. Không gian núi rừng miền Tây còn được đặc tả qua từ láy “heo hút”, gợi một không gian xa xôi, vắng vẻ, quạnh hiu và lạnh lẽo. Nếu như con dốc đi lên cực kì hiểm trở và gập ghềnh, thì không khí ở đó lại mang dáng vẻ âm u, hẻo lánh của địa đầu tổ quốc. Mây không còn là áng phiêu du mộng mơ mà càng làm cho không gian trở nên mờ mịt, nổi bật nét đặc trưng của vùng cửa ải xa xôi: “Mặt đất mây đùn cửa ải xa.” Chỉ với vài từ láy giàu sức gợi hình và gợi cảm, Quang Dũng đã đặc tả không gian thiên nhiên nơi núi rừng miền Tây vừa hùng vĩ, ảo huyền vừa gian nan, đầy thử thách. Chúng như thách thức tinh thần những người lính trẻ trong cuộc trường chinh vạn dặm. Thế nhưng thiên nhiên dẫu có dữ dội vẫn biết cách làm duyên theo vẻ đẹp nên thơ nơi núi sâu rừng thẳm: “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Phải là “đong đưa” chứ không phải “đung đưa” – bởi “đung đưa” chỉ gợi hình còn “đong đưa” còn gợi cảm. Những bông hoa rừng la đà theo gió, làm duyên cùng nước, những đóa hoa đã sống trọn kiếp mình làm duyên làm dáng với dòng nước hay chính là sự tình tứ, đa tình của những người trẻ? Từ láy giàu chất gợi cảm đó như khơi sâu vào vẻ đẹp tâm hồn của người lính: hành trình hành quân ra trận không chỉ có gian nan, đó còn là nơi người lính bày tỏ nét đa tình và hào hoa của mình qua từng điệu nhạc, từng lời ca tiếng hát, từng nhành hoa nhỏ mà duyên dáng và phong tình. Những từ láy khiến giọng thơ trở nên uyển chuyển, giàu chất thơ, khiến bài thơ như một khúc hát, khúc ca của tuổi trẻ, khúc hát của người lính năm xưa.
Ngôn ngữ thơ Quang Dũng không chỉ giàu chất tạo hình, không chỉ gợi cảm mà còn là sự sáng tạo độc đáo của riêng nhà văn. Đó là khi ta phát hiện trong bài thơ có sử dụng những cụm từ rất mới lạ: “súng ngửi trời” – một góc nhìn rất lính, rất lạc quan của họ mà ta đã từng bắt gặp trong thơ Hồng Nguyên: “Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau”. Bằng cảm nhận rất thơ của một người trẻ, người lính thấy đầu mũi súng như chạm đến trời cao, họ như đang được đứng trên đỉnh đầu tổ quốc để bảo vệ và canh giữ đất trời. Ngay khi nói đến sự hi sinh, Quang Dũng cũng sử dụng những cụm từ rất mới lạ: “không mọc tóc”, “bỏ quên đời”, “quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Nét đẹp trong tâm hồn người lính trẻ không chỉ có vẻ hào hoa phong tình của những cậu thanh niên mới lớn, đó còn là phong thái và cốt cách của một anh bộ đội cụ Hồ không màng gian khó, không ngại hi sinh để xông pha ra chiến trường. Cho nên dẫu có phải hứng chịu những trận sốt rét rừng đến vàng da rụng tóc, phải đắp cho mình một manh chiếu để đi về với đất, họ vẫn ngang tàng và ngạo nghễ trước sự hi sinh. Cách nói độc đáo biến họ trở thành những dũng sĩ, anh hùng trong thời chiến, sánh ngang với Đăm Săn, Xinh Nhã trong sử thi cổ đại, để họ viết nên một áng thiên hùng ca anh hùng.
Để tạo vẻ trang trọng cho sự hi sinh của những người con bước ra từ trận chiến, nhà thơ đã vô cùng tinh tế khi sử dụng một loạt các từ Hán Việt: “biên cương, viễn xứ, chiến trường, áo bào”:
- “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
- Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
- Áo bào thay chiếu anh về đất
- Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Những từ Hán Việt được sử dụng trong đoạn thơ không biến đoạn thơ trẻ nên khó hiểu mà ngược lại, làm tăng thêm không khí trang trọng, vẻ đẹp thiêng liêng, giọng trầm hùng bi tráng cho sự hi sinh của người lính, biến những nấm mộ vô danh thành mộ chí vĩnh hằng. Cách nói mĩ lệ đó đã biến sự hi sinh trở thành một khúc ca bi tráng, thành ra đằng sau người lính lại thấp thoáng những chiến tướng “Ra đi không vương thê nhi”, chẳng hẹn ngày về. Họ là những con người đẹp nhất của thế kỉ XX, là người đã viết nên lịch sử cho cả một thời đại hào hùng.
Như vậy, người ta thường nói thành công của thơ ca phụ thuộc phần nhiều vào khả năng biểu đạt ngôn ngữ. Với cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo và rất đặc sắc, nhà thơ Quang Dũng đã thổi hồn vào từng câu chữ, biến bài thơ thành nghệ thuật ngôn từ. Đằng sau những lời thơ đó là tài năng nghệ thuật của nhà thơ cũng như sự dụng công trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. Xét cho cùng, thơ hay phải là thơ giàu tình cảm, nhưng để biểu đạt tình cảm thì cần đến ngôn ngữ thơ đặc sắc. Quang Dũng đã làm tròn trách nhiệm của thơ ca, biến bài thơ trở thành một khúc tráng ca về binh đoàn Tây Tiến.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những âm vang của thời đại vẫn hiện lên trong những lời thơ đặc sắc. Bằng nghệ thuật ngôn từ độc đáo, thi sĩ Quang Dũng đã in dấu ấn vào thời gian, vào lòng người một áng thơ bất hủ, làm nên thiên anh hùng ca của một thời đại anh hùng.