Phân tích tính biểu tượng của nhan đề truyện Bến quê.
Hướng dẫn
Nhĩ, nhân vật chính trong truyện, một người từng đi khắp mọi nơi trên thế giới nhưng đột nhiên bị mắc căn bệnh hiểm nghèo, hầu như bị liệt toàn thân. Tất cả mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, mà chủ yếu là Liên, vợ anh. Vào một buổi sáng đầu thu, Liên đỡ chồng ngồi dậy bón cho anh từng thìa cháo, Nhĩ nhìn qua cửa sổ phát hiện ra bãi bồi bên kia sông Hồng: “Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”. Từ lúc nhận ra vẻ đẹp ấy, Nhĩ rất muốn được đặt chân sang bãi bồi. Không thể thực hiện được, Nhĩ nhờ Tuấn, con trai anh sang đó thay anh. Tuấn không hiểu ý bố nên sa vào đám chơi cờ thế. Nhĩ muốn đến gần cửa sổ để nhìn cho rõ bãi sông, nhưng tự anh không thể dịch chuyển được nên anh phải nhờ lũ trẻ hàng xóm giúp đỡ. Thấy Tuấn sa vào đám cờ thế có thể bỏ lỡ mất chuyến đò ngang trong ngày khiến anh buồn rầu nghĩ ngợi: “con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”. Cũng trong những ngày đó anh nhận ra sự vất vả tần tảo của vợ, nhận ra vẻ đẹp vẹn nguyên của tâm hồn vợ. Cuối cùng anh dồn hết sức rướn người qua cửa sổ khoát khoát tay như ra hiệu giục giã con.
Đó là nội dung chính của truyện Bến quê. Sức hấp dẫn của truyện Bến quê không nằm ở cốt truyện với những tình tiết li kì, gạy cấn, không nằm ở những sự kiện, những nhân vật có tầm vóc lớn lạo, mà nằm ở chò tác giả đã xây dựng được một hệ thống yếu tố, một hệ thống hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng nhằm diễn đạt suy ngẫm, chiêm nghiệm của mình về những giá trị đích thực, giản dị, gần gũi mà bền vững của cuộc đời. Một hình tượng bao trùm toàn bộ tác phẩm, có tác dụng liên kết các yếu tố, hình ảnh khác là hình tượng bến quê mà tác giả dùng làm nhan đề không chỉ cho truyện ngắn cùng tên này mà còn là nhan đề cho một tập truỵện ngắn ông viết sau năm 1975. Vậy các tầng nấc ý nghĩa của hình tượng bến quê là gì, các tầng nấc ý nghĩa ấy được biểu hiện ra sao?
Qua phần nội dung câu chuyện đã tóm tắt ở trên, bến quê đối với nhân vật Nhĩ là những gì gần gũi thân thiết nhất với anh. Đó là những bông hoa bằng lăng đậm sắc với những cánh hoa có màu tím sẫm như bóng tối, là cái bờ lở dốc đứng có chuyến đò ngang cập bến mỗi ngày, là bãi bồi bên kia sông Hồng có màu vàng thau xen lẫn xanh non thân thuộc như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ. Không chỉ có thế, bến quê còn là người vợ tảo tần, chăm chút anh từng li từng tí khi anh đau ốm, là bầy trẻ với những bàn tay chua lòm mùi nước dưa và ông lão láng giềng sẵn sàng giúp đỡ, hỏi han động viên anh mỗi ngày. Như vậy, Nguyễn Minh Châu không dựng lên một bến sông chung nào đó. Đây là Bến quê như đầu đề tác phẩm. Nó là tất cả những phát hiện ấm áp tình đời và tình người củanhân vật (cũng là của tác giả), trước những gì thân quen nhất, thương yêu nhất (người vợ), những gì hồn nhiên gần gũi nhất (bầy trẻ, ông lão láng giềng), là những gì giàu có đẹp đẽ thuần phác và cổ sơ nhất của mảnh đất đã sinh thành ra anh, và sẽ nhận anh về khi nhắm mắt xuôi tay. Nhưng thật đau đớn cho Nhĩ, đến lúc anh nhận ra giá trị bình dị mà bền vững của bến quê thì cũng là lúc anh sắp từ giã cõi đời. Những nhận thức đau đớn mà sáng ngời đó của Nhĩ cỏ giá trị cảnh tỉnh chúng ta, nhắc chúng ta hãy biết giữ gìn, trân trọng bến quê thân thiết của môi người. Đó là ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm tới độc giả được cô đúc qua hình ảnh nhan đề truyện – Bến quê.
Theo Dethihay.com