Đề bài: Phân tích đoạn thơ Kiều gặp Từ Hải trích Truyện Kiều của Nguyễn Du
Bài làm
Sau khi sa vào lầu xanh lần thứ hai, Thúy Kiều bỗng gặp Từ Hải. Gặp Từ Hải, cuộc đời của nàng chuyển sang bước ngoăt lớn. Đoạn thơ kể lại cuộc gặp gỡ giữa Kiều và Từ Hải trong chốn thanh lâu để lại một dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc.
Sự xuất hiện của nhân vật Từ Hải thật là kì diệu. Cuộc đời của Thúy Kiều đang lâm vào cảnh bế tắc không có lối thoát thì bỗng đâu Từ Hải xuất hiện. Từ Hải xuất hiện chẳng khác gì tia chớp xé tan mây mù. Hình tượng Từ Hải không chỉ phản ánh một quan niệm mới mẻ về cách nhìn nhận đánh giá con người, về quan hệ luyến ái nam nữ; mà còn phản ánh khát vọng tự do, “một khuynh hướng tự do không chi đụng chạm đến lễ giáo, đạo đức chính thống mà còn xúc phạm chính trị phong kiến. Hình tượng Từ Hải – con người đã san bằng bất bình, bênh vực người bị áp bức bằng nghĩa khí và tài năng cá nhân – đã tạo nội dung phong phú sâu xa của Truyện Kiều so với tất cả các truyện thơ nôm khác ở chủ đề tự do và công lý chính nghĩa giàu giá trị nhân văn dân chủ, phản ánh tính chất sử thi của xã hội Việt Nam đương thời. ” (Đặng Thanh Lê). Chân dung người anh hùng này được Nguyễn Du miêu tả thật là trang trọng, đầy oai phong lẫm liệt. Đang trong cảnh thanh bình êm ả, “gió mát, trăng thanh”, Từ Hải đột ngột xuất hiện, xuất hiện trong tư thế đàng hoàng với tầm vóc, dung mạo có tính chất phi thường. Trong chốc lát, hình ảnh Từ Hải như choáng ngợp cả chốn lầu xanh chật hẹp.
Dù hình ảnh ngôn ngữ vẫn mang tính chất công thức ước lệ, nhưng đây là con người anh hùng, từ hình dáng bên ngoài đến tài năng, bản lĩnh,… đều bỗng chốc thu phục cả xung quanh.
Trước hết đó là con người có bề ngoài phi thường:
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Con người này chắc chắn là có một bản lĩnh cao cường:
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.
Có bao nhiêu ý nghĩa hàm chứa trong một từ “đường đường” và chỉ một từ “đấng' trong “đấng anh hào”, tác giả đã gửi vào đó bao nhiêu tình cảm kính nể. Hơn nữa, Nguyễn Du còn dùng những từ ngữ tôn xưng như “anh hung” trong đoạn thơ này và trong nhiều đoạn khác như “thần bách chiến”, “đấng anh hùng', “đại vương” “Từ Công”… để thể hiện rõ Từ Hải là con người phi thường, siêu phàm.
Sau khi giới thiêu vẻ đẹp và tài năng phi thường, tác giả mới đi vào giới thiệu kĩ hơn về lai lịch, họ tên:
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.
Con người này – như trên đã nói – có khí phách anh hùng, tài sức lớn lao: “Đội trời đạp đất ở đời", sống ngang tàng, không để cho những cương tỏa của thói thường câu thúc sở nguyện cá nhân: "Giang hồ quen thói vẫy vùng – Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”… nhưng lại cũng rất tế nhị, thanh cao. Xuất hiện ở chốn lầu hồng, Từ Hải đường đường chính chính, luôn tự khẳng định nhân cách của mình:
Từ rằng: tâm phúc tương cờ,
Phải người trăng gió vật vờ hay sao?
Con người này, phong độ, cốt cách toát ra đầy vẻ chân thành và rất có ý thức vẻ mình. Ngôn ngữ, cử chỉ của chàng cũng là ngôn ngữ, cử chỉ của con người chân thực, tế nhị, không phải là của một kẻ “Võ biền" thô lậu:
Nghe lời vừa ý gật đầu,
Cười rằng tri kỷ trước sau mấy người.
Từ Hải đã có một cái nhìn rất đúng đắn về Kiều, không chỉ xao động trước vẻ “quốc sắc" của Kiều, mà còn thấy ở Kiều là con người tri kỷ, rất đỗi tri kỷ. Do đó, bản chất tự tin, đường hoàng khiến Từ Hải không cần đến những cung cách lễ nghi mà với một ngôn ngữ bộc trực, không huênh hoang khoác lác, chàng đã tạo nên được niềm tin chắc chắn trong lòng người nghe!
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.
Rõ ràng nó khác hoàn toàn cái giọng hứa bừa bãi “một tấc đến trời” của Sở Khanh: "Ví bằng biết đến ta chăng- Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi".
Cũng bởi thế mà Kiều đã thấy ngay sự đồng cảm với tâm hồn. Với "con mắt tinh đời” dù đã trải qua muôn cay ngàn đắng, nàng đã nhận thức được ngay khí phách phi thường, tài năng xuất chúng cũng như tấm lòng ưu ái hào hiệp của Từ Hải trên cơ sở song phương đồng cảm, nên mới: "Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa" thì chỉ vài câu chuyện đã: "Hai bên ý hợp tâm đầu – Khi thân chẳng lọ là cầu mấy thân". Nó phảng phất mối tình “sét đánh ban đầu” như đối chàng văn nhân Kim Trọng.
Kết thúc cuộc gặp gỡ, Từ Hải "Ngỏ lời nói với băng nhân – Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn”, hành động đó cũng thể hiện tính hào hiệp khoáng đạt, chứ đâu phải như loại Mã Giám Sinh: “Cò kè bớt một thêm hai”. Từ Hải đưa tiền ra để cứu vớt, để “giải phóng” một con người, đưa người tri kỷ thoát khỏi vũng bùn ô nhục, sống cuộc đời lương thiện, đàng hoàng.
Miêu tả Từ Hải, người anh hung, Nguyễn Du đã dành tình cảm đặc biệt, vừa tin yêu, vừa kính trọng qua những hình ảnh, từ ngữ tôn xưng, nhịp điệu câu thơ cân xứng, khỏe mạnh, gợi hình, gợi tình để khấc họa đặc điểm phi thường, cao đẹp trong phẩm cách lý tưởng, sự xuất chúng trong tài năng và sự bình dị trong tình người.
Cũng là lần gặp gỡ đầu tiên, nhưng khác với lần gặp Kim Trọng, một văn nhân tài tử, đầy phong nhã, hào hoa; cuộc gặp với Từ Hải là cuộc gặp gỡ một anh hùng cái thế. Cuộc gặp gỡ giữa Kiều với Kim Trọng là cuộc gặp gỡ giữa “người quốc sắc, kẻ thiên tài'” trong lứa tuổi "xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” đầy trong sáng thơ mộng còn nhiều e ấp ngượng ngùng. Cuộc gặp gỡ ấy mang nhiều tính chất lãng mạn bay bổng. Cuộc gặp gỡ giữa Kiều với Từ Hải là cuộc gặp gỡ giữa "trai anh hùng, gái thuyền quyên" khi Kiều đã qua nhiều chìm nổi, ê chề trong cuộc sống, dễ tìm ra ý hợp tâm đầu, dễ tìm ra kẻ tri kỷ của nhau và cũng dễ "phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”. Nó mang khát vọng giải phóng của Thúy Kiều.
Nàng Kiều hiện lên trong bức tranh này cũng "sắc sảo mặn mà" đến mức anh hùng Từ Hải cũng phải: “Khen cho con mắt tinh đời".
Ngòi bút của Nguyễn Du thật là tài tình, với mỗi nhân vật, mỗi tâm trạng, ông đều có cách miêu tả, cách dùng chữ, dùng từ, đặt câu để cho nhân vật sống động và chân thực, mặc dù đó đây bút pháp của ông vẫn không vượt ra ngoài tính chất công thức, ước lệ. Với nhân vật Từ Hải, một nhân vật cái thế, đầy tính chất lý tưởng thì bút pháp tôn xưng và ngôn ngữ đối thoại của Nguyễn Du thật là sinh động và điêu luyện.