Home / Bài văn hay / Phẫu thuật thẩm mĩ là một sự hủy hoại bản thân, xuất phát từ sự chối bỏ cơ thể mình, chạy trốn những năm tháng mình đã sống, phần đời mình đã trải qua

Phẫu thuật thẩm mĩ là một sự hủy hoại bản thân, xuất phát từ sự chối bỏ cơ thể mình, chạy trốn những năm tháng mình đã sống, phần đời mình đã trải qua

Bàn về phẫu thuật thẩm mĩ, trong chương tình truyền hình “Mảnh ghép hoàn hảo”, đạo diễn Lê Hoàng cho rằng: “Phẫu thuật thẩm mĩ là nhân văn, nó giúp thay đổi ngoại hình con người”.

Cùng bàn về đề tài đó, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trong bài viết “Cơ thể giả, khát vọng thật” đã cho rằng: “Phẫu thuật thẩm mĩ là một sự hủy hoại bản thân, xuất phát từ sự chối bỏ cơ thể mình, chạy trốn những năm tháng mình đã sống, phần đời mình đã trải qua”.

Anh chị suy nghĩ như thế nào về khát vọng của con người qua hai ý kiến trên.

Bài làm

“Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông” (Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn), tôi xin được trích lời bài hát trong nhạc phẩm “Khát vọng” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Chẳng biết từ bao giờ, câu hát ấy cứ văng vẳng trong tâm trí tôi, nhắc nhở tôi về cách sống của tôi hôm nay và cả mai sau này. Sống là phải khát khao, phải nuôi hi vọng, sống với khát vọng. Vâng, tôi luôn tin rằng, ai trong chúng ta đều có những khát khao, đều có những mơ ước của riêng mình. Khát vọng về cái đẹp là điều con người luôn hướng tới, nhưng khát khao có một ngoại hình đẹp nhờ phẫu thuật thẩm mĩ, có phải là điều con người muốn hướng đến? Bàn về đề tài này,trong chương tình truyền hình “Mảnh ghép hoàn hảo”, đạo diễn Lê Hoàng cho rằng:”Phẫu thuật thẩm mĩ là nhân văn, nó giúp thay đổi ngoại hình con người”. Cùng bàn về đề tài đó, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trong bài viết “Cơ thể giả, khát vọng thật” đã cho rằng: “Phẫu thuật thẩm mĩ là một sự hủy hoại bản thân, xuất phát từ sự chối bỏ cơ thể mình, chạy trốn những năm tháng mình đã sống, phần đời mình đã trải qua”.

nghiluan vephau thuat tham my - Phẫu thuật thẩm mĩ là một sự hủy hoại bản thân, xuất phát từ sự chối bỏ cơ thể mình, chạy trốn những năm tháng mình đã sống, phần đời mình đã trải qua

Vậy “phẫu thuật thẩm mĩ” là gì? Nói đến phẫu thuật thẩm mỹ người ta nghĩ ngay tới chuyện làm đẹp. Tuy vậy, đây vẫn là một thuật ngữ khá chung để nói về các phẫu thuật tạo hình liên quan đến việc sửa chữa, tái tạo lại phần hình thể của con người. Với ý kiến của đạo diễn Lê Hoàng: “Phẫu thuật thẩm mĩ là nhân văn”, tức là ông cho rằng phẫu thuật thẩm mĩ là thứ “vũ khí đắc lực”, hướng về những gì tốt đẹp cho con người, “nó giúp thay đổi ngoại hình con người”. Còn tiến sĩ Đặng Hoàng Giang lại cho rằng: “Phẫu thuật thẩm mĩ là một sự hủy hoại bản thân”, “hủy hoại” là sự phá hủy, “tàn phá” cơ thể chính mình, “xuất phát từ sự chối bỏ cơ thể mình, chạy trốn những năm tháng mình đã sống, phần đời mình đã trải qua”, tiến sĩ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến phẫu thuật thẩm mĩ là do không thừa nhận bản thân, không chấp nhận ngoại hình của mình, muốn chạy trốn quá khứ, từ chối nghĩ tới phần đời mình đã trải qua. Cùng xoay quanh chủ để phẫu thuật thẩm mĩ, quan điểm của mỗi người là không giống nhau, chẳng ai có quyền phán xét phẫu thuật thẩm mĩ là đúng hay sai, nên hay không nên. Đặc biệt là đối với tôi- một cô bé 18 tuổi chưa trải nhiều sự đời, làm sao có thể khẳng định ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai? Cả đạo diễn Lê Hoàng, và cả tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đều là những người tri thức, hiểu biết nhiều, hai quan điểm của họ tạo ra hai luồng ý kiến, nó chính là hai mặt của một vấn đề, tưởng như đối lập mà lại bổ sung cho nhau.

Xem thêm:  Phân tích nhân vật Mị

Khát khao của con người là vô cùng. Có gì sai không nếu một người thường xuyên bị chỉ trích ngoại hình muốn thay đổi gương mặt để trở nên ưa nhìn hơn? Có gì sai không nếu khát khao gương mặt kia được phục hồi sau những lần bị chồng đánh đập, từng “vằn dọc, vằn ngang toàn là sẹo”?. Có sai không khi một cô bé từng không thể nhai nổi thức ăn vì cái miệng dị dạng không giống người bình thường, nay muốn như bao đứa trẻ khác, được ăn một bữa cơm ngon lành? Tôi cho rằng, điều đó là không sai. Phẫu thuật thẩm mĩ giúp con người có thể làm điều đó.
Thật ra, sinh ra trong xấu xí cũng đã là một dạng thiệt thòi. Tác giả cuốn sách “Bơ đi mà sống”, đã dành cả một chương sách để nói về “Gái xấu”- những người đồng cảnh ngộ như cô. Cô từng nói: lớp một không một đứa con trai nào dám ngồi gần cô vì đơn giản là cô xấu. Tôi chắc chắn rằng, “xấu người” không đồng nghĩa với “xấu nết”, nhưng trong cái xã hội này, chỉ cần không xinh đẹp, ưa nhìn, đôi ba lần cũng từng bị tổn thương về tâm hồn. Ở những quốc gia khắt khe về ngoại hình như Hàn Quốc, chế giễu ngoại hình không còn xa lạ. Um Ji (G-Friend) từng bị dẫn đầu bảng xếp hạng thần tượng nữ xấu nhất vào năm ngoái, khiến cô bị gắn mác “Thần tượng nữ xấu nhất lịch sử Kpop”. Khi tìm kiếm thông tin về Um Ji trên trang Naver, các từ khóa đi cùng luôn là “xấu xí”, “mặt to”,… Điều này khiến cô chịu tổn thương nặng nề và sinh ra tâm lí mặc cảm. Miệt thị ngoại hình cũng không còn là xa lạ đối với những cô gái Hàn Quốc. Người Hàn Quốc quan niệm “mặt tiền” là tất cả đối với họ. Đó không phải là hình thức đơn thuần, mà là hình ảnh bản thân và danh tiếng cá nhân. Mức độ người Hàn coi trọng ngoại hình của mình cũng như người Trung Quốc đề cao thể diện của con người. Các nước khác không hẳn là khắt khe như ở Hàn Quốc, nhưng những người không xinh đẹp vẫn thường bị chế giễu, họ sẽ có những “vết sẹo tâm hồn”.

Body-shaming (miệt thị ngoại hình) vốn là cụm từ không còn xa lạ. Cũng chính bởi những lời miệt thị kia, đã có rất nhiều người tự kết liễu bản thân. Chẳng ai mong muốn mình sở hữu một gương mặt xấu xí, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi điều đó dựa trên một mục đích chính đáng. Phẫu thuật thẩm mĩ đã ra đời, thay đổi biết bao số phận con người. Phẫu thuật thẩm mĩ đem đến biết bao khát vọng chính đáng cho con người. Khát vọng muốn sống một cuộc sống khác, không phải sống trong vòng luẩn quẩn của những lời chê bai, miệt thị đã khiến họ tìm đến phẫu thuật thẩm mĩ bởi “Phẫu thuật thẩm mĩ là nhân văn”.

Xem thêm:  Giải thích câu nói Nam nữ thụ thụ bất thân

Không thể phủ định, phẫu thuật thẩm mĩ đã từng giúp rất nhiều người vượt qua nỗi tự ti và tìm kiếm được nhiều cơ hội hơn. Tôi muốn kể đến hoa hậu Hương Giang- một hoa hậu chuyển giới, cô đã thực sự tìm được chính mình nhờ phẫu thuật thẩm mĩ. Và cả Connie Culp- người cấy ghép mặt đầu tiên ở Mỹ. Connie Culp từng bị mất một phần giữa khuôn mặt sau khi bị chồng bắn vào năm 2004. Bà mẹ hai con này bị mù một phần, không thể ngửi và nói, phải phẫu thuật ở cổ để thở.Tháng 12.2008, Connie Culp đã trải qua một cuộc phẫu thuật cấy ghép kéo dài 22 giờ do bác sĩ Maria Siemionow dẫn đầu, nhờ khuôn mặt của một người hiến tặng. Các lớp mô, xương, cơ và mạch máu, mảnh ghép thần kinh, động mạch và tĩnh mạch đã được ghép nối để làm đầy khuôn mặt bị thương của Connie Culp. Có thể nói, mục đích của ca phẫu thuật này không chỉ dừng lại ở “thẩm mĩ” mà là phục hồi lại các chức năng cơ bản, phục hồi lại cả phần tâm hồn bị thương do chồng bạo hành. Khát khao chính đáng là được sống đúng nghĩa với con người mình đã giúp Hương Giang vượt qua ngàn đau đớn. Khát khao được trở về một con người bình thường không cho phép Connie Culp chấp nhận bản thân yếu đuối, cô mạnh mẽ và đã trở thành cảm hứng của rất nhiều ca phẫu thuật thẩm mĩ của nhiều người khác sau này.

Ngoại hình là yếu tố cần nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất. Vẻ đẹp ngoại hình sẽ phai tàn theo thời gian chỉ có vẻ đẹp của tâm hồn mới trường tồn mãi mãi. Phẫu thuật thẩm mĩ giúp con người có một diện mạo xinh đẹp hơn, nhưng phẫu thuật thẩm mĩ không thể giúp con người thay đổi được tâm hồn. Phẫu thuật thẩm mĩ với mục đích chính đáng thì sẽ nhân văn, nhưng lạm dụng thì sẽ “hủy hoại bản thân”. Chúng ta sinh ra vốn đã không được lựa chọn nhan sắc, nhưng thay đổi nhiều đến mức chính mình cũng không nhận ra bản thân mình là ai thì đó là điều đáng buồn. Đứng trước gương đâu phải là mình nữa, chỉ là một con người đang “chối bỏ bản thân mình”. Khi ấy, đừng lấy “khát khao cái đẹp” để biện hộ cho bản thân. Khát vọng được có một khuôn mặt đẹp là điều đúng, nhưng quan trọng phải phù hợp với điều kiện bản thân. Thay đổi không được thì ta hãy học cách chấp nhận, chấp nhận với ngoại hình ấy nhưng quan trọng là phải giữ được một tâm hồn đẹp. Ngoại hình kia chỉ là “giả” còn khát vọng sâu trong tâm hồn kia mới là “thật”. Nhà viết truyện Mèo Xù, tác giả cuốn sách “Bơ đi mà sống” mà tôi đã nhắc đến ở trên luôn tự nhận thức mình không được ưu ái ngoại hình nhưng chị không nghĩ đến chuyện phẫu thuật thẩm mĩ bởi chị quan niệm rằng: “Thân thể này là do ba mẹ cho, khổ cực thể nào cũng mong muốn giữ lấy. Đó là một cách để tôn trọng bản thân và tôn trọng cả quá khứ”. Điều quan trọng là khát khao hoàn thiện mình mỗi ngày, có sức khỏe, có trí tuệ và nhân cách, ngoại hình có thể sửa đổi, nhưng khao khát sống đẹp chính là nội lực bên trong, điều đó mới có thể giúp bạn thực sự thành công. Chính ý kiến của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang giúp ta nhận ra những điều này.

Xem thêm:  Phân tích hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán

Hai ý kiến của đạo diễn Lê Hoàng và tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã giúp ta có một cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về phẫu thuật thẩm mĩ và khát vọng của con người. Khát vọng có được một ngoại hình đẹp không có gì là sai, nhưng nếu quá lạm dụng, con người ta sẽ đánh mất chính mình, khát vọng ấy sẽ trở thành tham vọng khiến con người ta mất nhân cách. Khát vọng mà trở thành tham vọng chẳng khác nào, chọn một bộ váy thật lỗng lẫy cho một mụ phù thủy.

Đáng buồn cho những ai lạm dụng phẫu thuật thẩm mĩ quá mức. Đừng chạy trốn năm tháng mình đã sống, phần đời mình đã trải qua bởi dẫu sao đó cũng là quá khứ, buồn hay vui thì cũng là kỉ niệm, cất giấu vào một ngăn trái tim, thỉnh thoảng nhớ lại thì sẽ mỉm cười. Đáng thương cho những ai quá khắt khe với bản thân mình. Hãy luôn tin rằng, dù mình có là ai, ngoại hình như thế nào thì mình vẫn xứng đáng được hưởng hạnh phúc.

Bản thân tôi không bao giờ đem ngoại hình người khác ra làm trò cười. Đôi khi chỉ là một câu nói vô tình của người khác thôi cũng khiến họ cảm thấy mình xấu xí, không xứng đáng được yêu thương. Bạn sẽ không hiểu được rằng: trong đêm đó, họ đã đau thế nào, đã nghĩ đến tự tử bao lần. Tôi sẽ sẵn sàng ủng hộ họ phẫu thuật thẩm mĩ nếu đó là điều mà họ muốn, từ trong sâu thẳm trái tim, họ cho rằng, phẫu thuật thẩm mĩ sẽ đau, nhưng nỗi đau thể xác luôn dễ lành hơn nỗi đau tinh thần. Nói cho cùng, phẫu thuật thẩm mĩ sinh ra với mục đích nhân văn, để giúp đỡ con người, nhưng lạm dụng quá mức thì đó là “sự hủy hoại bản thân” một cách không thương tiếc.

Vân Trang – CTV Văn học của Baivanhay.com

Từ khóa tìm kiếm

  • https://baivanhay com/phau-thuat-tham-mi-la-mot-su-huy-hoai-ban-than-xuat-phat-tu-su-choi-bo-co-the-minh-chay-tron-nhung-nam-thang-minh-da-song-phan-doi-minh-da-trai-qua

Check Also

7239 1494911290062 1019 310x165 - Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Đề bài: Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *