Phân tích cảnh hạ huyệt trong đoạn trích Hạnh phúc một tang gia
Bài làm
Khi tang lễ diễn ra ở một nơi nào đó, không cần biết đó là đám tang của ai, được tổ chức to hay nhỏ, đông hay vắng, nhưng một điều có thể khẳng định đó là một nỗi đau thương tan tóc bao trùm lên đám tang ấy đặc biệt là đối với thân nhân người đã khuất sau đó là đến tới những họ hàng, anh em, bạn bè đến đưa tiễn. Nhưng nghịch lí hoàn toàn xảy ra ở đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” của Vũ Trọng Phụng. Đám tang cụ cố tổ không những không có một chút đau đớn thực tâm nào mà còn là hạnh phúc của không biết bao nhiêu người đông thời còn nực cười cho thiên hạ. Mà điều đáng cho người ta cười ra nước mắt nhất chính là cảnh hạ huyệt cuối đoạn trích.
Trong một gia đình bê bối với đám con cháu người thì hám lợi, hám tài, hám danh, kẻ thì vô nhân, vô nghĩa, cái chết của cụ cố tổ như làm “nhẹ lòng” biết bao nhiêu con người đang mong chờ nhiều điều sau cái đám tang hay ho ấy. Không chỉ là vì tờ chúc thư được đi vào thực hành chứ không còn lí thuyết viển vông như trước nữa mà còn vì những sự mà con cháu ông ta muốn thể hiện ở “một cái đám ma to”. Thế là từ việc lo ma chay đến lúc làm lễ, rước quan tài đều trong những cảnh “rộn ràng” đến lố bịch, nhưng đỉnh cao của mọi trò vô nhân đạo được thể hiện một cách “kín đáo” không che đậy ở cảnh hạ huyệt.
Hạ huyệt chính là thao tác, công việc, là nghi lễ cuối cùng đối với người đã khuất. Sau khi hạ huyệt, người trong quan tài giống như đã yên vị tại “nơi ở mới” trong thanh thản. Người ta thường thực hiện nghi lễ bằng tất cả những gì trang nghiêm nhất, tôn trọng nhất và cả sự đau đớn khi từng nắm đất đổ xuống lấp đi chiếc quan tài có người thân mình đang yên nghỉ. Ấy vậy mà mọi sự khác biệt ở cảnh hạ huyệt của cụ cố tổ. Cậu Tú Tân “thấp thỏm” cả ngày nay chỉ để khoe cái máy ảnh mới cùng tài năng chụp ảnh siêu việt của mình. Và có lẽ cảnh hạ huyệt này chính là cảnh “đáng chụp nhất” trong đám tang, nên lúc hạ quan tài, cậu đã “bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng, hoặc lau mắt như thế này, như thế nọ,… để chụp ảnh kỉ yếu”. Thành ra mọi sự bi lụy đau buồn trông rất đạo mạo và đúng kiểu cách ấy cũng chỉ là những trò diễn cốt sao cho có tấm ảnh đẹp để làm kỉ niệm, để khoe thành tích.
Cụ cố Hồng thì không lộ liễu như vậy. Vẫn cái vẻ đau khổ như từ ngày cụ cố tổ đi, lúc nào khuôn mặt cụ cũng tỏ ra đúng mình là một đứa con trai đạo hiếu, thậm chí còn ho khạc, ngất đi trông đúng kiểu cách một đứa con có hiếu. Ông Phán mọc sừng còn tỏ ra nhiều sự tình hơn cả. Mỗi khi thấy cụ cố Hồng có vẻ muốn ngất là ông ta cũng đứng bên cạnh kêu: “Hứt!… Hứt!… Hứt!…” Làm cho ai cũng phải để ý đến ông cháu rể quý hóa ấy. Ông ta khóc đến nỗi đứng không vững muôn ngất đi khiến cho Xuân Tóc Đỏ đứng bên cạnh phải đỡ. Nhưng thực chất ông ta chỉ tiện cớ đó mà dúi vào tay Xuân một tờ giấy bạc năm đồng gấp tư. Ông này quả là một tay “có tính toán” ngay trong lúc huyệt được hạ mà ông ta còn “nhớ” ra chuyện phải “đền ơn Xuân” về phần tài sản được chia thêm do “có được cái sừng trên đầu”. Vô hình chung, chúng đã biến thời khắc hạ huyệt thiêng liêng thành nơi đổi chác, buôn bán trắng trợn. Tên Xuân là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của cụ cố tổ thì như trở thành anh hùng của cả cái đại gia đình tha hóa này. Đọc đến đây, ta nhận ra cái lỗ huyệt định đặt quan tài cụ cố tổ kia có lẽ là lỗ huyệt được đào cho cả gia đình này hay là đào cho cả một cái xã hội lố lăng, trắn trợn, vô tình này. Những lời khóc của ông Phán mọc sừng: “Hứt!… Hứt!… Hứt!…” kia như là tiếng lòng của tác giả đang dậy sóng, muốn hất tung cả cái xã hội chó để xuống huyệt mồ, mà một xã hội tha hóa đến cùng kiệt như vậy, sớm muộn cũng đi xuống mồ mà thôi. Đây rõ không chỉ là đám tang cụ cố tổ mà còn là đáng đưa cả một lớp xã hội hồn ma về với địa ngục!
Cảnh hạ huyệt được Vũ Trọng Phụng miêu tả ngắn gọn với những phác chính về con người nhưng nổi hẳn lên cả một xã hội lòng người rộng lớn và phê phán gay gắt một lũ người vô nhân tính, trào phúng một xã hội mà con người tự đào mồ cho mình để tự đi xuống cái mồ chết chóc thời đại ấy.