Home / Văn mẫu THCS / Văn mẫu lớp 9 / Phân tích bài Đây thôn Vĩ dạ

Phân tích bài Đây thôn Vĩ dạ

Phân tích bài Đây thôn Vĩ dạ

Hướng dẫn

Đây thôn vĩ dạ là một trong những sáng tác tiêu biểu của Hàn Mặc Tử. Bài thơ khắc họa lên vẻ đẹp của cảnh và con người Huế thơ mộng, làm say đắm lòng người. Nó có thể là tình cảm của tác giả với cảnh đẹp xứ Huế nói chúng hoặc là tình yêu đôi lứa của tác giả với một người con gái nào đó.

Câu mở đầu của bài thơ vừa là một câu hỏi, vừa là một lời mời tha thiết, “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Bảy chữ chứa tới 6 thanh bằng, làm âm điệu trách cứ dịu nhẹ đi, trách đấy mà sao tha thiết bâng khuâng. Câu hỏi khơi tỏa một tình thế: mong anh về thôn Vĩ đã lâu mà sao không thấy? Chính bức xúc tâm trạng tạo ra bức xúc thi ca – bài thơ ra đời từ đó.

Đã có rất nhiều giả thuyết đặt ra rằng, câu hỏi đó là của ai. Thực chất, đây là chủ thể trữ tình Hàn Mặc Tử đã phân thân để tự đối thoại, đúng ra là độc thoại nội tâm. Từ nỗi lòng da diết với Huế của thi nhân mà vút lên câu hỏi tự vấn khắc khoải này.

Sau lời mời tha thiết ấy, một khung cảnh vườn tược nơi thôn Vĩ được hiện ra, nhưng cũng là để nhấn mạnh cái ý hỏi của câu 1 mà thôi (cảnh đẹp thế mà sao anh không về?). Nhấn mạnh kín đáo bằng bút pháp miêu tả mê hồn. Câu thứ 2 hướng lên cao với hình ảnh nắng lấp lóa trên những hàng cau thanh mảnh, thẳng tắp: “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”. Hai chữ “nắng” quấn riết lấy thân cau, đọt cau tầng tầng lớp, khiến câu thơ như tỏa ra thứ ánh cáng thôn đã thân quen mà lộng lẫy.

Cảnh vật khu vườn với cây cối tươi tốt “ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” bật thốt lên tiếng trầm trồ ngưỡng vọng trước vẻ đẹp kì thú của vườn – nét đặc sắc rất riêng của không gian Huế. Câu chữ của tác giả rất tinh tế. Cái ý “xanh” ở câu dưới đón rất trúng cái ý “nắng” ở câu trên gợi cảm giác ánh nắng chan hòa phản chiếu nơi sắc lá đẫm sương đêm, làm ánh lên sắc màu kì lạ “xanh như ngọc” – sắc anh tinh khiết, nõn nà, trong trẻo của một bình minh thanh tân ngà ngọc. Nếu câu 3 là sắc, câu 4 lại thiên về hình, một kiểu tạo hình không tả mà gợi, làm nên một câu thơ đầy e ấp: Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Xem thêm:  Soạn văn bài: Nghĩa của câu (tiếp theo)

Tác giả đã dùng hình ảnh khuôn mặt chữ điền duyên dáng phúc hậu để tả lại vẻ đẹp của cảnh vật cũng như của con người Huế. Điều độc đáo là ở khuôn mặt chữ điền ấy, Hàn Mặc Tử đã để một lá trúc che ngang, gợi một vẻ đẹp rất phương Đồng: cái đẹp là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, cái đẹp ắt phải là cái hợp đạo đức. Cái lá trúc tài tình của nhà thơ làm vẻ đẹp của con người xứ Huế thêm kín, dịu, bí ẩn và khêu gợi – vẻ đẹp của đất.

Mới dạo đầu mà bài thơ đã ẩn chứa bên trong những khúc ngân da diết của tâm hồn. Đọc ngược khổ thơ từ dưới lên, ta bất ngờ nhận ra câu thơ mở đầu vừa như hỏi, vừa như chào mời, vừa xen niềm tiếc nuối thăm thẳm. Bởi vì, bệnh tật đã đẩy thôn Vĩ về phía sau lưng Hàn Mặc Tử. Một mối tình câm nào đó đã đưa thôn Vĩ vào hoài niệm xa vời. Điều đó khiến bốn câu thơ vui say trên bề nổi mà lặn chìm vào bề sầu một nỗi niềm đau đáu khát khao một cái gì rất đẹp nhưng rất xa vời của tình dời, tình người.

Khung cảnh của Thôn Vĩ thật đẹp, nhưng có một chút gì đó tách rời nhau “Gió theo lối gió, mây đường mây”. Cái phi lí của câu thơ không còn hướng vào gió mây của trời đất nữa mà như một phát hiện riêng đầy u uất của Hàn Mặc Tử, khiến tứ thơ vận động từ thực sang ảo. Bức tranh vườn tược ở khổ 1 là Huế chung của mọi người, nên câu hỏi cũng đứng ở nguyên cớ chung mà thác mắc. Bức tranh song nước ở khổ 2 là Huế riêng của Hàn Mặc Tử, nên lời đáp đứng ở nguyên cớ riêng mà trả lời. Ừ thì Huế đẹp, Huế thơ, nhưng mà Huế… gió theo lối gió, mây đường mây – trắc trở lắm thay. Nguyên cớ riêng ấy là gì?

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay

Cảnh vật trước mắt thật thơ mộng và huyền ảo, đêm trăng của thôn Vĩ thật êm ả “Có chở trăng /về/ kịp tối nay? Câu thơ dầy phấp phỏng: “Có chở trăng” – thấp thỏm hi vọng, “Có chở trăng về” – da diết ngóng trông, “có chở trăng về kịp” – khắc khoải lo âu vì sợ muộn màng. Một niềm khát vọng thật đau đớn!

Đuổi theo một lời đáp thì người đọc lại vấp phải một câu hỏi tiếp theo. Thật rắc rối. Mọi hi vọng của người đọc đành dồn xuống khổ thơ cuối cùng. Không ngờ…

“Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”.

Toàn bộ khổ thơ gợi cho người đọc thấy thấp thoáng hình bóng một mĩ nhân – không phải trong tầm mắt mà trong mộng ảo. Thế giới ảo tràn ngập khổ thơ, chồng chất ba tầng.

Đó là một giấc mơ bị cắt ra hai cõi. Mơ cõi chủ thể, ngóng đợi đau đáu đến mộng mị. Khách đường xa – côi khách thể, phép điệp ngữ đẩy bóng mĩ nhân xa dần… xa dần… rồi hút bóng. Chủ thể hướng tới, khách thể lùi xa, khiến phép điệp ngữ như tiếng gọi cuống quýt bất lực của thi nhân.

Bóng dáng của mĩ nhân mỗi lúc một xa, rồi hình ảnh thành ảo ảnh, sắc áo không còn mà chỉ có một ấn tượng ghê gớm: “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Hàn Mặc Tử vốn sành tả sắc trắng với một cảm quan đặc biệt. Trước bắp chân trần của một cô thôn nữ, thi sĩ thấy một sắc trắng chạy dọc sống lưng: “Ống quần vo xắn lên đầu gối – Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình” (Nụ cười). “Mùa xuân chín” cũng có một sắc trắng nhức mắt: “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Song, tất cả dừng ở hình ảnh thị giác. Trong Đây thôn Vĩ Dạ, sắc trắng làm nhòa thị giác (nhìn không ra), chỉ còn ấn tượng cảm giác (trắng quá). Thị giác bất lực trước một sắc trắng không bình thường, trong một cái nhìn không bình thường, tất cả run lên trong một câu thơ quá hồi hộp, quá đam mê, quá ngưỡng vọng cho nên quá xót xa. Một vẻ đẹp quá tầm tay. Một khát vọng quằn quại vì bất lực. Một niềm yêu và nỗi đau thật riêng tư, bức bối.

Xem thêm:  Viết về hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong hai bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ tiểu đội xe không kính của Phạm Tién Duật

Mỗi câu thơ lại cho người đọc một sự phân vân khó hiểu. Tại sao sắc áo “nhìn không ra?”. Vì khách quan (sương khói mờ nhân ảnh)? Hay vì chủ quan (Ai biết tình ai…)? Thì ra trái tim mỹ nhân mới chính là thiên đường bí mật nằm trong tà áo trắng. Đâu phải chuyện không nhìn ra sắc áo, mà là chuyện không nhìn ra sắc lòng. Cái hàm bí mật này mới là cội nguồn đích thực của bài thơ. Tình thế thơ ở khổ một hóa ra là tình thế giả. Đến câu kết bài thơ ta mới bất ngờ nhận ra nơi ẩn náu của tình thế thật trong bài thơ: tình thế tương tư. Phép kết cấu bài thơ đến đây mới lộ hết cái khác thường của nó. Cả bài thơ chứa tới 3 câu hỏi. Khổ 1: Hỏi (Sao anh không về chơi thôn Vĩ?) – Lẽ đương nhiên. Khổ 2-3: ném tiếp 2 câu hỏi nằm trong phần lời đáp (lí do vì sao không về) – lạ. Dấu chấm than của lời đáp bị đánh tráo thành dấu hỏi, tạo một kết cấu kiểu trò chơi ú tim: càng tìm lời giải, càng mất. Bảng lảng trong bài thơ là một tà áo kì lạ, như có, nhưng không. Cái đẹp là thế; vừa quyến rũ cao sang để ta đam mê, ngưỡng vọng, vừa quá tầm tay, đầy bí ẩn để ta suốt đời theo đuổi rồi hụt hẫng…

Cảnh và người nơi thôn Vĩ thật đẹp, làm lay động lòng người, khung cảnh đó đều làm cho chủ và khách thấy thơ mộng, mờ ảo. Toàn bộ bài thơ là lời giới thiệu về cảnh đẹp nơi thôn Vĩ với một người khách, đồng thời chất chứa nỗi niềm tâm sự của nhà thơ với cảnh cũng như con người xứ Huế.

Theo Dethihay.com

Check Also

7293 1494911290065 1020 310x165 - Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Đề bài: Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân báo oán trích Truyện Kiều …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *