Home / Văn mẫu THCS / Văn mẫu lớp 8 / Cảm nhận về bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên

Cảm nhận về bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên

Cảm nhận về bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên (Văn lớp 8).

Bài làm

Nếu các nhà Thơ mới đang mải đắm mình trong cái “tôi” cá nhân hay đang “thoát lên tiên”, “phiêu lưu trong trường tình” để thoát li hiện tại thì Vũ Đình Liên lại tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tìm về với vẻ đẹp của một thời vang bóng. Đó là hình ảnh ông đồ cùng nghề viết chữ nho ngày xưa.

“Ông đồ” là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên. Hình ảnh trung tâm trong bài thơ chính là hình ảnh ông đồ. Ông là người dạy học chữ nho xưa, do không đỗ đạt làm quan nên thường làm nghề dạy học.

Hình ảnh của ông đồ ở thời vàng son, đắc ý được nhà thơ miêu tả bằng giọng điệu tươi vui, hứng khởi:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”.

Không khí Tết đã ngập tràn con phố khi hoa đào bung nở, đó cũng là lúc ông đồ xuất hiện để thể hiện tài năng viết chữ. Chữ ông được người ta so sánh “như phượng múa rồng bay”, ông giống như một nghệ sĩ được người đời thán phục và ngưỡng mộ. Rất nhiều người đến thuê ông viết cho những câu đối đỏ để treo trong nhà ngày Tết, người ta “tấm tắc” ngợi khen cái tài hoa trên từng nét chữ của ông. Thời bấy giờ, ông đồ là trung tâm của sự chú ý bởi lúc đó người ta còn yêu thích và coi trọng nền nho học. Mỗi chữ nho tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa bao ý nghĩa trong đó, người ta học chữ nho cũng là học cách để làm người.

Sự trôi chảy của thời gian đã kéo theo sự suy tàn của nền nho học. Người ta không còn thú chơi chữ mỗi dịp xuân về nữa mà thay vào đó là sự ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây. Ông đồ vẫn xuất hiện lặng lẽ trên con phố, nhưng không ai nhận ra sự có mặt của ông hay họ cố cố tình quên đi một thời quá khứ tươi đẹp? Nỗi buồn của con người đã lan tỏa, thấm vào trong cảnh vật.

“Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu”

Hay

“Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay”

Cảnh tượng này thật giống với câu thơ của Nguyễn Du:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Vui làm sao được khi một con người từng được trân trọng, thán phục nay bị vùi sâu vào quên lãng. Vui làm sao khi nền học thuật suy tàn kéo theo một truyền thống văn hóa đi vào dĩ vãng. Sự nhạt dần của trang giấy, màu vàng của lá cùng với làn mưa bụi ngoài trời sao mà ảm đạm, u buồn, lạnh lẽo đến như vậy.

Khổ thơ cuối là sự day dứt của tác giả trước thời thế nền nho học suy tàn:

“Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?”

Quy luật tuần hoàn của tự nhiên vẫn như vậy, hoa đào vẫn nở mỗi độ xuân về nhưng năm nay không thấy bóng dáng ông đồ xuất hiện bên phố nữa. Ông, những người cùng hoàn cảnh như ông, nhưng người trước đây từng mua chữ, kính trọng ông giờ này đang ở đâu? Thực ra không phải đến khi thất thế ông đồ mới buồn mà ông đã buồn ngay từ khi đắc ý bởi lẽ ông chỉ là kẻ được người ta thuê viết mỗi dịp Tết đến, nhưng dẫu sao thì như vậy cũng là đáng trân quý lắm rồi. Bài thơ khép lại bằng một sự hoài nhớ xót xa đầy thương cảm để lại bao dư âm trong lòng bạn đọc.

Check Also

chan dung nu sinhb3fe 310x165 - Biểu cảm về cây tre Việt Nam

Biểu cảm về cây tre Việt Nam

Biểu cảm về cây tre Việt Nam Bài làm Cây tre là biểu tượng của …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *