Đề bài: Cảm Nghĩ Của Em Về Bài Thơ Qua Đèo Ngang | Bà Huyện Thanh Quan
Bài làm
Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nữ sĩ nổi tiếng của nước ta vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Cùng với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan cũng đóng góp vào thơ ca cận đại Việt Nam. Thơ của bà thường mang một nỗi buồn man mác, u hoài, sâu lắng. “Qua đèo ngang” là một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ khắc họa được bức tranh thiên nhiên đèo ngang hiu hắt, ảm đạm, man mác buồn, qua đó nói lên nỗi niềm nhớ nước, thương nhà, nỗi niềm hoài cổ trong trái tim người thi sĩ.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật, mở đầu bài thơ là hai câu đề miêu tả bức tranh đèo ngang lúc xế tà:
“Bước tới đèo ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”
Cảnh sắc đèo ngang hiện lên qua ngòi bút của nhà thơ thật hoang sơ lúc chiều tà. “Xế tà” vốn là thời khắc giao giữa ngày và đêm, ánh sáng không còn rõ ràng mà đã nhập nhèm. Điệp từ “chen” được điệp lại hai lần cùng hình ảnh “cỏ cây” “đá” “lá” và “hoa” giúp vẽ lên một cảnh sắc rờn rợn, nguyên thủy, không một chút hài hòa. Câu thơ hiện lên trong tâm trí người đọc một cảnh tượng xế chiều với ánh sáng yếu ớt, cỏ cây chen nhau qua các phiến đá còn hoa lá cũng chen chúc loang lổ, um tùm, không một màu sắc tươi vui. Chỉ với hai thơ đầu ngắn gọn, nhà thơ đã có những nét vẽ đầu tiên trong bức tranh đèo ngang có cả thời gian lẫn không gian. Thời gian “xế tà” dễ gợi nỗi buồn trong trái tim người thi nhân đa sầu, đa cảm. Không gian rộng lớn nhưng hoang vu, hiu hắt, ghê rợn như bủa vây lấy người phụ nữ.
Trong cái không gian rợn ngợp ấy, nhà thơ phóng tầm mắt ra xa để tìm kiếm sự sống. Bóng người xuất hiện trong cảnh đèo ngang xế chiều nhưng không làm cho cảnh vật trở nên bớt cô liêu:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Bóng người hiện lên trong cảnh xế chiều đèo ngang là “tiều vài chú” cùng “chợ mấy nhà”. Nhà thơ đã rất thành công khi dùng nghệ thuật đảo ngữ với hai từ láy “lom khom”, “lác đác” lên đầu câu thơ để nhấn mạnh hình ảnh những chú tiều phu nhỏ bé cùng sự thưa thớt sự sống của mấy ngôi nhà bên sông. Hai từ “lom khom” cho người đọc thấy được hình ảnh người lao động vất vả và quá nhỏ bé trong không gian mênh mông, hoang vu của đèo ngang. Với từ chỉ số lượng “vài” “mấy” cùng từ láy “lác đác”, con người và cuộc sống nơi đèo ngang cũng trở nên yếu ớt, nhỏ bé và thưa thớt. Con người hiện lên không làm cho bức tranh đèo ngang thêm tươi vui, mà còn làm cho bức tranh ấy một sức sống mỏng manh, yếu ớt, cô liêu, dễ mang cho người thi nhân những cảm xúc buồn man mác. Nghệ thuât đối sử dụng trong hai câu thơ cùng nhịp thơ chậm rãi cho người đọc, người nghe một cảm giác trầm buồn khó tả.
Khung cảnh thiên nhiên đèo ngang thì đượm buồn hoang vắng, sức sống con người nhạt nhòa yếu ớt, nhà thơ lắng tai nghe để tìm kiếm những âm thanh vui tươi trong trẻo, nhưng đáp lại chỉ là tiếng chim kêu khắc khoải:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Giữa nơi núi rừng heo hút hoang sơ, nhà thơ lắng nghe tiếng chim “quốc” và chim “đa đa”. Ở ý thơ này, bà Huyện Thanh Quan đã rất khéo léo khi sử dụng nghệ thuật chơi chữ. “quốc quốc” còn có ý nghĩa là đất nước, là tổ quốc còn “gia gia” cũng có ý nghĩa là gia đình, là nhà. Đi cùng trong câu thơ với tiếng “quốc” là cụm từ “ nhớ nước”. Tiếng chim quốc kêu trong câu thơ nghe đến “đau lòng”, khắc khoải. Con chim quốc kêu nhớ nước hay chính là tiếng lòng nhớ nước, nhớ triều đại xưa cũ của một tâm hồn u hoài, hoài niệm của nhà thơ. Còn tiếng chim đa đa trong câu thơ song hành cùng cụm từ “thương nhà” cho thấy nỗi nhớ, niềm thương quê nhà của bà Huyện Thanh Quan khi lần đầu tiên xa nhà để vào kinh đô Huế dạy học. Bức tranh Đèo ngang tới đây vừa heo hút, rợn ngợp, sức sống con người thưa thớt lại thêm tiếng chim khắc khoải càng làm xoáy sâu vào tâm trạng cô đơn, buồn man mác của người lữ khách.
Nỗi buồn sâu thẳm trong trái tim bà Huyện Thanh Quan tiếp tục được nhà thơ trực tiếp giãi bày trong hai câu thơ cuối:
“Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Hình ảnh thơ “trời non nước” vẽ nên một không gian rộng lớn, vô cùng, vô tận. “Dừng chân” trước không gian bao la có cả ba tầng ấy càng khiến cho thi nhân trở nên nhỏ bé, nỗi buồn càng thắt lại. Câu thơ với nhịp thơ 4/1/1/1 gợi cho người đọc cảm giác như tiếng bước chân của nhà thơ đang bước đi bỗng dừng lại trước thiên nhiên mênh mông này, đối diện với sự vô tận của không gian. Đối lập với không gian hùng vĩ ấy là “một mảnh tình riêng” nhỏ bé, một nỗi buồn, cô đơn đến tột cùng trong trái tim người lữ khách. Không một ai sẻ chia, không một ai giãi bày, mảnh tình riêng ấy chỉ có “ta với ta” mà thôi. Hai từ “ta” trong câu thơ ý chỉ một mình nhà thơ đối diện với nỗi buồn ấy. Câu thơ cho người đọc liên tưởng đến “ta với ta” trong bài thơ “bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến. Cũng là “ta với ta” nhưng trong thơ Nguyễn Khuyến lại ám chỉ ông và người bạn tâm giao. Còn bà Huyện Thanh Quan thì nỗi buồn ấy cũng chỉ mỗi nhà thơ, một mình mình biết, một mình mình hay.
“Qua đèo ngang” là một bài thơ đặc sắc của bà Huyện Thanh Quan. Bài thơ đã vẽ nên một bức tranh đèo ngang hùng vĩ những hoang sơ, nguyên thủy và rợn ngợp với sức sống le lói, yếu ớt. Qua đó, bài thơ thể hiện một nỗi buồn thời thế, hoài niệm và nỗi nhớ nhà da diết, sự cô đơn trong trái tim của người thi sĩ.