Home / Văn mẫu THPT / Văn mẫu lớp 12 / Phân tích cảm nhận về tính dân tộc trong bài Việt Bắc

Phân tích cảm nhận về tính dân tộc trong bài Việt Bắc

Phân tích cảm nhận về tính dân tộc trong bài Việt Bắc

Bài làm

Thế giới vận động, biến chuyển không ngừng, văn hóa giao lưu, hòa nhập nhưng những gì thuộc về tinh hoa dân tộc vẫn còn mãi. Tố Hữu – một nhà thơ chiến sĩ – là người góp phần gìn giữ những vẻ đẹp ấy trong những trang thơ. Trong “Việt Bắc” – cùng với tình cảm quân dân cá nước, tác giả đã gửi gắm vào đó tính dân tộc đậm đà, làm đặc sắc thêm hồn thơ Tố Hữu.

Tính dân tộc luôn là thước đo tài năng của người nghệ sĩ. Điều đó thể hiện ở nội dung gắn với những sự kiện nóng bỏng, gần gũi hoặc mang tính dài lâu của dân tộc, hòa nhập vào truyền thống và đạo lí muôn đời. Tính dân tộc biểu hiện trong thơ ca là việc tiếp thu một cách chỉn chu những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc ngàn đời, mang tính chất điển hình và đặc sắc. Tố Hữu vốn là nhà thơ ưa thích nghệ thuật dân gian và vì vậy, thơ ông mặc nhiên cũng mang trong mình cái hồn, cái chất của văn hóa dân tộc, thể hiện tính dân tộc sâu sắc.

“Việt Bắc” ra đời sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trung ương Đảng và chính phủ rời căn cứ địa Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Tố Hữu sáng tác Việt Bắc như một khúc sử thi ngợi ca một thời gian khổ, hào hùng, đồng thời là một lời nhắn nhủ nhớ về nguồn cội. Đoạn trích thuộc phần đầu bài thơ, là lời tiễn biệt của người ra đi và người ở lại. Đề tài chia biệt vốn là một đề tài truyền thống ta đã từng bắt gặp trong thơ ca: “Chinh phụ ngâm khúc” – Đặng Trần Côn, “Tống biệt hành” – Thâm Tâm nhưng ở đây Tố Hữu đã thổi vào đó hơi thở của thời đại. Nó gắn với sự kiện lịch sử và bởi thế, cuộc chia li này lớn lao hơn hết thảy mọi cuộc chia li từ xưa tới nay, đó là cuộc chia tay của quân và dân trong thời đại anh hùng. Chủ đề thơ thể hiện những tình cảm lớn của thời đại, của dân tộc: tình cảm sắt son của nhân dân dành cho cách mạng, niềm cảm ơn sâu sắc của người cán bộ với đồng bào, tình yêu bao la với cội nguồn, với quê hương. Thơ là lời tự bạch của tâm hồn thi sĩ, nhưng thơ của Tố Hữu là lời ca, khát vọng của cả một dân tộc, là tình cảm lớn, cuộc đời lớn. Bởi vậy là thơ không đơn thuần chỉ là tiếng nói cá nhân, đó còn là lời nói của dân tộc một thời đại anh hùng. Tố Hữu đã đưa hiện thực đời sống cách mạng, tình cảm chính trị về gắn bó và hội nhập với truyền thống đạo lí, một biểu hiện của tính dân tộc trong thơ ca.

Xem thêm:  Phân tích nét hung bạo và vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

Tính dân tộc trong bài thơ thể hiện rõ nhất trong nghệ thuật biểu hiện mà Tố Hữu đã dày công đem đến. Thể thơ lục bát được tác giả sử dụng một cách nhuần nhuyễn với nhịp chẵn, giọng thơ nhẹ nhàng, gợi cho ta về với những câu ca dao ngọt ngào, đằm thắm, nơi có tiếng ru à ơi của bà, của mẹ ngày xưa. Đọc từng câu thơ ta như được trở về với điệu hát thân thuộc của ca dao nghĩa tình ngọt ngào, du dương mà ân nghĩa. Thể thơ lục bát được coi như sở trường của nhà thơ khi nhiều tác phẩm của ông được viết bằng thể thơ này: từ “Khi con tu hú”, “Bài ca quê hương” cho đến “Việt Bắc” thì thể thơ dân gian được vận dụng một cách nhuần nhuyễn. Không những vậy, đặc sắc nhất phải kể đến việc tác giả sử dụng kết cấu đối đáp vốn rất quen thuộc trong những câu hát trao duyên:

  • “Người về ta chẳng cho về
  • Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ …
  • Qua đình ngả nón trông đình
  • Đình bao nhiêu ngói nhớ thương mình bấy nhiêu”

Ở đây Tố Hữu viết:

  • “Mình đi mình lại nhớ mình
  • Nguồn bao nhiêu nước nhớ thương mình bấy nhiêu”

Kết cấu đối đáp này khiến hình ảnh người ra đi và người ở lại gắn bó, hòa quyện trong tình cảm sắt son như tình yêu đôi lứa. Hóa ra tình quân dân cá nước đó cũng ngọt ngào và nặng ân nặng nghĩa như tình yêu của cặp đôi lứa yêu nhau. Lời người ở lại là nỗi nhớ nhung lưu luyến, lời người ra đi lại bộc bạch tình cảm sắc son, chung thủy và nghĩa tình đậm sâu với Việt Bắc. Đọc bài thơ giống hệt như một khúc ca trao duyên của những liền anh, liền chị năm xưa, họ trao nhau nghĩa tình để rồi còn lại sự lưu luyến bâng khuâng. Kết cấu đối đáp đó một lần nữa kéo bài thơ về gần hơn với nhịp thơ dân tộc, phảng phất phong vị dân ca thuở xưa.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội – Hãy sử dụng thông minh những thiết bị thông minh – Ngữ Văn 12

Sự tiếp nối truyền thống trong thơ ca Tố Hữu đặc biệt được thể hiện qua cách sử dụng ngôn ngữ quen thuộc, gần gũi mà lại như được khoác lên mình một tấm áo mới. Trong cách nói thông thường, “mình – ta” đều là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, nhưng trong ca dao, đặc biệt là những câu hát giao duyên thì “ta – mình” được dùng trong những mối quan hệ thân thiết, thể hiện tình cảm lứa đôi:

  • “Mình nói với ta mình hãy còn son
  • Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
  • Con mình những trấu cùng tro
  • Ta đi gánh nước tắm cho con mình”

Hay:

  • “Mình về có nhớ ta chăng
  • Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”

Tố Hữu đã tiếp thu và học tập ca dao, khéo léo sử dụng đại từ để chỉ sự gắn bó giữa người đi và kẻ ở. Cặp đại từ “ta – mình” khiến lời thơ trở nên uyển chuyển, âm điệu thơ ngọt ngào, tha thiết, biến Việt Bắc thành khúc tình ca với những giai điệu trữ tình.

Hồn thơ Tố Hữu còn gặp gỡ với điệu thơ Nguyễn Du trong nỗi khắc khoải nhớ nhung da diết:

  • “Những là rày ước mai ao
  • Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”
  • (Truyện Kiều)

Tố Hữu viết:

  • “Mình về mình có nhớ ta
  • Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”

Cụm từ “mười lăm năm ấy” nén vào cả một chặng đường lịch sử đầy gian khổ, nén vào bao thiết tha, ngọt bùi của ta với mình. Rõ ràng “mười lăm năm ấy” trong thơ Nguyễn Dh hay trong thơ Tố Hữu đều không chỉ là đại lượng vật lí khách quan mà còn là một hành trình gắn bó của chủ thể tâm trạng. Đó là dòng thời gian quá khứ đang cất giữ lại trong tâm hồn để trở thành điểm tựa chốn đi về trong tâm hồn mình.

Xem thêm:  Tả một cụ già mà em yêu quý và kính trọng

Tố Hữu không chú trọng sáng tạo những cách thức biểu đạt mới mẻ, những hình ảnh độc đáo mà ông sử dụng hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ, lối nói ví von gần với thơ ca truyền thống:

  • “Áo chàm đưa buổi phân li
  • Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Sắc áo chàm trong buổi chia li là hoán dụ cho người dân đồng bào vùng núi , cũng gợi về những lần “chia bào” trong những cuộc chia li truyền thống. Ông không đặt nặng vấn đề tìm ra những thứ mới mẻ mà chú tâm vào khai thác nét đặc sắc trong lối biểu đạt quen thuộc, phát huy nhạc tính Việt, sử dụng tài tình thanh điệu tiếng Việt để tạo nên nhạc điệu thơ. Vì vậy mà đọc bài thơ như hát một khúc dân ta ngọt ngào và đằm thắm, vừa thể hiện tình cảm thời đại, vừa không mất đi tinh thần dân tộc trong từng câu từng chữ.

Với sự kết hợp yếu tố dân gian và những nghệ thuật quen thuộc của thơ ca ngàn đời, Tố Hữu đã đưa thơ mình về gần hơn với nhân dân, quần chúng, trở thành “tiếng gọi đàn”. Và đúng như Nguyễn Đức Quyền nói: “Việc sử dụng linh hoạt yếu tố hiện đại và truyền thống làm nồng nàn cả câu thơ, làm yên lòng người ở lại”. Nhờ đó mà những tư tưởng, tình cảm của thời đại nhập vào mạch nguồn truyền thống một cách tự nhiên.

Có thể nói rằng Tố Hữu là người kế thừa cũng là người truyền lại những tinh hoa dân tộc cho các giai đoạn thơ kế tiếp. Tính dân tộc trong thơ thể hiện một phần phong cách thơ Tố Hữu – một nhà thơ chiến sĩ hết lòng vì đất nước, vì nhân dân.

Check Also

1586828911 38 cuuheight990 310x165 - Phân tích tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

Phân tích tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

Đề bài: Phân tích tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *