Thuyết minh về cây lúa nước Việt Nam
Hướng dẫn
–Mở bài: giới thiệu chung về cây lúa (hoặc một loài cây nào đó) trên đồng ruộng Việt Nam (hoặc ở quê em).
-Thân bài:
+ Lúa là một loài cây nông nghiệp quan trọng ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Hàng năm, việc thu hoạch lúa gạo đã cung cấp nguồn lương thực chính cho người dân.
+ Cây lúa gắn bó với đời sống của người dân Việt Nam. Nền văn minh lúa nước sông Hồng có ngàn năm nay (có thể dẫn vài câu ca dao nói về sự gắn bó của người dân Việt Nam với cây lúa).
+ Nghề trồng lúa có nhiều gian nan, phụ thuộc vào đất đai, thời tiết, người nông dân vất vả một nắng hai sương trông lúa làm ra hạt gạo (có thể đưa số liệu về tính thời vụ của cây lúa, trích một vài câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm trồng lúa của người Việt Nam).
+ Việt Nam có 2 vựa lúa lớn: châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, châu thổ đồng bằng Nam Bộ ; ngoài ra lúa được trồng dải đồng bằng ven biển miền Trung, trên các thung lũng giữa các vùng núi cao (cánh đồng Mai Châu, Mường Thanh…) trồng trên nương… Lúa là nguồn cung cấp lương thực chính (có thể lấy số liệu lương thực thu và xuất nhập khẩu hàng năm ở Việt Nam) ; nhà nước đầu tư để tạo ra các giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn, vừa ngon vừa cho năng suất cao.
Có nhiều sản phẩm được làm từ cây lúa: sản xuất cồn, rượu, sản xuất bột mĩ phẩm, sản xuất hãng mĩ nghệ từ cây lúa (hàng bện bằng rơm rạ), sản xuất giấy, than hoạt tính, phân bón từ vỏ trấu, từ rơm rạ… không kể việc người nông dân dùng thân cây lúa lợp mái nhà, làm phên và từ xa xưa làm áo tơi, ổ rơm… (có thể trích các câu ngạn ngữ: no cơm tấm, ấm tổ rơm…).
+ Cây lúa được tôn vinh trong đời sống Việt Nam (kể tên một số lễ hội đình đám liên quan đến việc trồng lúa: hội xuống đồng, lễ cúng cơm mới, hội vào mùa, lễ cầu mua… tục dâng thờ cúng cơ…).
+ Cây lúa với tuổi thơ ở nông thôn Việt Nam: đi giữa biển lúa vàng, ngửi hương lúa mới, mùi rơm rạ… chạy trên những cánh đồng vừa gặt, những kỉ niệm gắn với ngày hội xuống đồng, những ngày cùng gặt, những kỉ niệm gắn với ngày hội xuống đồng, những ngày cùng cha mẹ gieo, cấy, gặt hái, phơi thóc…
-Kết bài: Cây lúa là cây lương thực quý, có vị trí đặc biệt tròn tình cảm của người nông dân Việt Nam.
Bài làm
"Việt Nam đất nước ta ơi!
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn."
(Lê Anh Xuân)
Đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam, đâu đâu cũng có những cánh đồng lúa mênh mông, xanh tốt. Từ đồng bằng Bắc Bộ đến đồng bằng duyên hải miền Trung rồi đến đồng bằng sông Cửu Long, lúa là loại cây trồng chủ yếu. Lúa gắn bó với người nông dân Việt Nam.
Việt Nam được xem là “cái nôi của nền văn minh lúa nước”.
Lúa là loại cây trồng thân cỏ, thân ngắn và phát triển thành bụi, rễ chùm, bám cạn, là cây lương thực chính trong sản xuất nông nghiệp.
Lúa được ươm mầm từ những hạt thóc căng mẩy. Hạt thóc giống ngâm nước ấm, ủ lên mầm rồi gieo xuống đất bùn. Chỉ độ 3 – 4 ngày thì những mầm non vươn lên rồi trở thành những cây mạ xanh tươi. Lúa phát triển rất nhanh, từ một thân lúa, lúa đâm nhiều thân mới rồi tựa vào nhau sinh sồi nảy nở trở thành từng bụi, từng khóm lúa. Khi lúa đang thì con gái, lá lúa vươn dài, hơi cong, xanh mướt một màu. Thân lúa lúc này cần nhiều chất dinh dưỡng để ngậm đòng, kết hạt. Khi trồng lúa ta cần chú ý đến giai đoạn sinh trưởng này. Trong chăm sóc lúa, nhà nông chúng ta luôn tâm niệm:
"Nhất nước Nhì phận Tam cần Tứ giống".
Đó là 4 yếu tố chính để làm nên mùa vụ. Từ những ngày đầu gieo trồng cho đến lúc lúa trưởng thành ta phải lưu ý cung cấp đủ nước cho lúa nhưng cũng không để ngập úng làm lúa chết. Bởi thế mà hệ thống thủy lợi ra đời nhằm đáp ứng việc tưới tiêu cho lúa. Song song với việc cung cấp đủ nước là việc bón phân. Giai đoạn làm đất để chuẩn bị gieo cấy ta nên bón phân trâu, bò hoặc phân xanh ủ mục. Giai đoạn mạ non cần bón phân u-rê để lúa nhanh có sức vươn lên. Đến giai đoạn làm đòng thì lúa cần nhiều dinh dưỡng nền ta chú ý cung cấp đủ lượng và chất. Có thể kết hợp phân u-rê và NPK hoặc một số loại phân hóa học kết hợp với từng giống lúa. Trong giai đoạn này lúa cần sự chăm sóc nhất là nhổ cỏ – bón phân – diệt trừ sâu bệnh. Có như thế lúa mới có sức ngậm đòng, kết hạt, đem lại kết quả ở mùa vụ. Khi lúa ngậm đòng cần chú ý trừ sâu bệnh và bơm thuốc dưỡng cây để bông lúa mẩy hạt nhiều hơn, cho năng suất cao hơn. Giai đoạn lúa chín chỉ cần cung cấp vừa đủ nước, không phải bón phân và phun thuốc cho lúa nữa.
Nếu được gieo trồng và chăm sóc thật kĩ thì lúa sẽ không phụ công người. Mùa vàng về, cánh đồng lúa trải dài như tấm thảm khổng lồ. Đồng quê. bát ngát dậy một mùi hương lúa mới, hương lúa thấm sâu tròng từng nếp khăn, từng vạt áo của người nông dân. Còn gì đẹp hơn cánh đồng lúa trong mùa gặt hái:
"Đồng chiêm phả nắng lên không
Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng
Gió nâng tiếng hát chói chang
Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời."
Tiếng hát mùa gặt – Nguyễn Duy
Cứ thế, một năm có hai vụ mùa chính. Vụ chiêm xuân từ tháng giêng đến tháng 4, tháng 5. Vụ mùa từ tháng 6 đến tháng 9, tháng 10. Có nơi lại làm thêm một vụ phụ đối với giống lúa ngắn ngày. Cây lúa nuôi sống con người, đem đến cho đất nước một nguồn thu lớn. Trong sản xuất nông nghiệp, lúa có tầm quan trọng đặc biệt. Lúa đưa nền kinh tế gia đình và nền kinh tế quốc dân ngày một đi lên. Lúa giúp con người có cơm no áo ấm.
Ngày nay, đất nước ta đang hội nhập và phát triển, Việt Nam là thành viên của WTO nên hoạt động buôn bán với nước ngoài ngày càng được mở rộng. Chúng ta nhập khẩu các thiết bị máy móc, xe cộ, linh kiện điện tử,… và xuất khẩu lúa gạo, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm,… Bởi vậy cây lúa Việt Nam chiếm vị thế rất quan trọng đối với con người và đất nước. Đó là chưa kể đến rơm rạ sau khi thu hoạch còn là nguồn thức ăn chính cho trâu bò. Rơm khô còn là chất đốt, ủ phân bón ruộng, dùng để làm nấm. vỏ thóc dùng để ủ ấp trứng,…
Cây lúa sẽ còn gắn bó mãi với người nông dân Việt Nam, với đất nước Việt Nam. Lúa làm cho đất nước thêm trù phú, cuộc sống của người nông dấn ngày càng no ấm. Lúa góp phần tôn vinh dân tộc Việt Nam.