Tả cây hoa bằng lăng mà em nhìn thấy
Bài làm 1
Nếu chúng ta chịu khó để ý sẽ nhận ra mùa nào cũng có hoa nở. Không phải chỉ mùa xuân mới có. Mùa xuân chỉ hơn một chút. Mùa xuân nhiều hoa nở hơn các mùa khác. Ai nói mơ hồ chỉ có hoa nở mùa xuân là không đúng.
Hoa phượng, hoa ô môi đỏ rực suốt mùa hạ. Hoa bằng lăng báo tin mùa xuân đã hết, bắt đầu những ngày trời nắng. Cây bằng lăng buông từng chuỗi hoa. Tôi thích màu tím hoa bằng lăng.
Cây bằng lăng non, cao cao, phất phơ một túm lá. Rồi mà xem, cây bằng lăng phố ta sắp sùm sòa ra. Khi mùa hạ tới, cây chi chít những chùm hoa tím. Con ong, con tò vò, con ve sầu, con cánh quít, cả đàn bướm nhung nhăng kia, tha hồ nhởn nhơ vào đây. Cây bằng lăng phố ta đẹp đến thế đấy.
Nhưng, bằng lăng phố tôi còn non chưa có hoa và bây giờ bằng lăng chưa có chạc vững để chúng tôi trèo lên.
Vẫn có thể chơi với bằng lăng được chứ. Phải tìm ra trò chơi với bằng lăng. Ai có nhớ trò kéo co hai đứa ngoằng cánh tay vào nhau, rồi kéo. Đứa thua thì cánh tay xõa ra. Đấy, chúng tôi đã nghĩ được cách thử sức với cây bằng lăng đương lớn bổng lên. Xem các cậu ấy có khỏe không. Vui với nhau mà.
Thế là, cứ đi đâu về qua cây bằng lăng, chúng tôi lại xúm nhau vít cây xuống, vít thật mạnh, bắt chỏm ngọn cây uốn dẻo xuống tận mặt đất. Rồi buông cho cây vút lên, vù một cái, như cánh nỏ bật. Khỏe đấy, hoan hô bằng lăng! Khốn khổ, cây bằng lăng nào chúng tôi cũng chơi thử sức thế. Suốt ngày, có khi cả buổi tối, những cây bằng lăng cứ bị bắt buộc vi vút lên.
Chẳng mấy hôm mà những cây bằng lăng đều phờ phạc, lử khử. Cây nào cũng bị lỏng gốc. Cây lắc lư, lảo đảo, chóng mặt héo lá.
Mùa xuân tới rồi. Ngoài kia đương mưa phùn.
Vòm trời âm u. Cả đến mảnh trời trên đầu tường cũng không nhìn thấy. Không phải tại sương mù ngoài hồ tỏa vào. Đây là mưa bụi, hạt mưa từng làn lăng quáng li ti đậu trên áo trên tóc. Phủi nhẹ một cái, rơi đâu mất. Mưa dây mưa rợ, mưa phơi phới như rắc phân mù mịt.
Mưa phùn đem mùa xuân đến. Mưa phùn khiến những chân mạ gieo muộn này xanh lá mạ. Dây khoai, dây cà chua rườm rà xanh rợ các trảng ruộng cao. Mầm cây sao, cây nhội, cây bày hai bên đường nảy lộc. Mỗi hôm trông thấy mỗi khác.
Những cây bằng lăng trơ trụi, lẻo khẻo, thiểu não như cái cọc cắm. Thế mà mưa phùn đã làm cho các đầu cành bằng lăng nhú mầm. Mưa bụi đọng lại, thành những bọng nước bọc trắng ngần như thủy tinh. Trên cành ngang, những hạt mưa thành dây chuỗi hạt trai lóng lánh, ở búi cỏ dưới gốc, ô mạng nhện bám mưa bụi, như được choàng mảng voan trắng.
Những cây bằng lăng mùa hạ ốm yếu lại nhú lộc vầng lộc non nảy ra. Mưa bụi ấm áp. Cái cây được cho uống thuốc.
Bài làm 2
Vẫn biết rằng, cứ mỗi độ hè về thành phố râm ran tiếng ve là hoa bằng lăng lại bung nở tím ngắt… Ấy vậy mà khi bắt gặp đâu đó trên hè phố, trong giảng đường, nơi công viên một mầu tím e ấp, ta không khỏi thảng thốt, nao lòng… Tiềm ẩn những gì trong sáu cánh hoa mỏng manh, biếc tím mà nó có sức chi phối sự đam mê hoài niệm trong lòng đến vậy? Ngân đọng những gì trong màu hoa dịu dàng – bồi hồi mà nó có sức lay động miền thẳm sâu của tâm linh nhường kia? Hỏi mấy văn sĩ thi nhân mà trong bầu thơ, túi văn của mình lại thiếu những hình ảnh những cánh tím bằng lăng? Có bao nhiêu cô, cậu thời tuổi xanh mà trong sổ tay, cuốn nhật ký của mình lại không ẩn, khép đâu đó một cánh mỏng manh ngọt ngào, ước nguyện!?
Ta nhớ mãi hoa bằng lăng phớt tím
Như vết mực in trên trang vở học trò (Phan Thanh Thủy).
Vâng! Phải rồi, cái “vết mực” ấy đã đi sâu vào ký ức của bao thế hệ học trò. Để xa rồi một năm. hai năm và suốt cả cuộc đời, mỗi lần bắt gặp hay nhớ lại “vết mực” ấy ta không khỏi giật mình mà đắm chìm trong dòng hồi tưởng miên man… Ai đó thật tinh tế khi nhận xét: “Nếu phượng là sự sửng sốt bàng hoàng trước thời gian, thì bằng lăng là sự tiếp nhận thời gian với cái buồn man mác, trong trẻo. Phượng đỏ gắn liền với tuổi học trò phổ thông cơ sở tinh nhgịch hồn nhiên. Còn bằng lăng gần gũi với cái tuổi chớm biết buồn, biết ước mơ, hy vọng. Hẳn cánh hoa ép tím của chàng trai vẫn còn lưu giữ tươi nguyên trong trái tim sinh nữ. Nỗi dai dẳng khắc khoải của mầu hoa hay sức sống mãnh liệt của rung động đầu đời đã làm nên sự bất diệt của mối tình đầu? Chỉ biết mỗi khi bắt gặp cái mầu tím ấy, trong ta lại xốn xang những nỗi niềm khôn tả: bao buồn vui, bao giận hờn, về thầy cô, về bè bạn. Tất cả như vẫn còn đây đó sống động tinh khôi. Vào những trưa hè chói trang bỏng rát, vòm hoa bằng lăng như chiếc ô dơi khổng lồ, lặng lẽ hút mọi nóng bức, ngột ngạt, âm thầm tỏa ra cái êm dịu, thanh khiết làm yên ả thư thái hồn người. Sắc hoa tím, dung hòa còn làm dịu bớt cái mầu vàng rực của nắng, mầu đỏ cháy lòng của hoa phượng. Tự bao giờ hoa bằng lăng đã là nhân chứng của những mùa thi gian nan vất vả, những giọt khóc, nụ cười của giờ phút chia tay, những lời thầm thì của nắng, của gió, của những đôi lứa yêu nhau!
Hè Hà Nội, người Hà Nội sẽ thế nào nếu có một ngày khi thành phố râm ran tiếng ve, cành phượng thắp mầu chia tay đỏ rực, bản hòa tấu mùa hè bắt đầu dóng lên những hồi chuông hối hả lại thiếu đi nốt gam trầm của mầu tím yêu thương? Thật khó có thể tìm thấy nơi đây một phố nào lại không thấp thoáng đây đó dăm ba cây bằng lăng? Có những hè phố như “độc canh” về loài cây ấy như Thợ Nhuộm, Đại La, đường Láng, Hàng Vải, Hàng Đậu… Và xa xa trong công viên, trong vườn hoa, các khu giảng đường cứ ẩn, hiện bất chợt những chùm hoa tím dịu dàng. Rồi những cánh hoa chuyển từ mầu tím biếc sang tím nhạt mỏng manh, chấp chới và buông rơi. Lối đi về cũng trở lên kỳ ảo bồng bềnh, một thảm hoa trắng tím mềm mại, dịu dàng như cố níu giữ một điều gì thật thẳm sâu tha thiết.
Hà Nội vào hè, thành phố bừng lên một gương mặt mới trẻ trung tràn đầy sức sống, nhưng hẳn cái vẻ đẹp ấy sẽ trở lên nhạt nhòa trống vắng nếu thiếu đi một nét duyên thầm kín độc đáo của mầu tím bằng lăng. Để hè qua thu tới, những cánh tím sẽ rụng rơi lả tả, còn lại trên cây những thân cành khẳng khiu gầy guộc qua tháng dài mùa đông giá lạnh. Để mỗi độ hè về những cánh bằng lăng lại nở bung tím biếc và trẻ trung như thế với thời gian. Với kỷ niệm trong ngần tươi rói của tuổi học trò.