Soạn bài: Những câu hát châm biếm – Ngữ văn 7 Tập 1
Hướng dẫn
I. Về thể loại
Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời với nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Hiện nay, người ta cũng có phân biệt được hai loại ca dao và dân ca. Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, tức những câu hát dân gian trong diễn xướng. Ca dao chính là lời thơ của dân ca. Ca dao còn bao gồm cả những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ của dân ca. Khái niệm của ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian – thể ca dao.
Ca dao, dân ca thuộc loại trữ tình, thường phản ánh tâm tư, tình cảm, thế giới tâm hồn của con người. Nhân vật trữ tình phổ biến trong ca dao, dân ca là những người vợ, người chồng, người mẹ, người con,…trong quan hệ gia đình, những chàng trai, cô gái trong quan hệ tình cảm, người nông dân, người phụ nữ,…trong quan hệ xã hội. Ngoài ra, cũng có những bài ca dao nhằm châm biếm, phê phán những thói hư tật xấu của những hạng người và sự việc đáng cười trong xã hội. Ca dao châm biếm thể hiện khá tập trung những nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam.
Ngoài ra, bên cạnh những đặc điểm giống với trữ tình, ca dao, dân ca còn có những đặc thù riêng như:
- Ngắn, chỉ gồm hai hoặc bốn dòng thơ
- Thường sử dụng thủ pháp lặp như là một thủ pháp chủ yếu để tổ chức hình tượng.
Có thể nói, ca dao, dân ca là mẫu mực về tính chân thực, hồn nhiên, cô đúc, về sức gợi cảm và khả năng lưu truyền. Ngôn ngữ ca dao, dân ca là ngôn ngữ thơ nhưng vẫn rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân và mang màu sắc địa phương rất rõ.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Bài ca dao số 1 giới thiệu về nhân vật “chú tôi”:
- “Hay tửu hay tăm”: nghiện rượu
- “Hay nước chè đặc”: nghiện nước chè đậm
- “Hay nằm ngủ trưa”, ban ngày thì “ước những ngày mưa”, ban đêm thì “ước những đêm thừa trống canh”: nghiện ngủ, lười lao động.
* Hai dòng đầu của bài thơ vừa là để bắt vần, vừa để chuẩn bị cho việc giới thiệu nhân vật. Đây cũng là dấu hiệu thường gặp trong những bài ca dao, dân ca.
* Bài ca dao số 1 châm biếm những người nghiện ngập, lười biếng trong xã hội. Thông thường, khi giới thiệu mai mối, nhân duyên, người ta thường nói tốt để ca ngợi. Nhưng ở đây thì ngược lại, chính là cách nói ngược để châm biếm nhân vật “chú tôi”.
Câu 2:
* Bài ca dao số 2 nhại lại lời nói của ông thầy bói nói với người đi xem bói.
* Lời nói của ông thầy bói là kiểu nói nước đôi, nói những chuyện hiển nhiên. Đây là chiêu trò của ông thầy bói này để lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin. Bài ca dao dùng lời của thầy bói để nói ra bản chất của thầy bói. Và đây chính là nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông” để gây cười và mang tính châm biếm sâu sắc.
* Bài ca dao này phê phán những kẻ hành nghề mê tín, dị đoan, lợi dụng lòng tin, lợi dụng sự non dạ của người khác để kiếm tiền. Đồng thời, bài cũng góp phần phê phán, châm biếm những hạng người nhẹ dạ cả tin, mù quáng, thiếu hiểu biết như ông thầy bói.
* Những bài ca dao khác có nội dung tương tự:
Số cậu là số đào hoa
Vợ cậu con gái, đàn bà mà thôi.
Hay:
Chập chập thôi lại cheng cheng
Con gà trống thiến để riêng cho thầy
Đơm xôi thì đơm cho đầy
Đơm vơi thì thánh nhà thầy mất thiêng.
Câu 3:
* Ý nghĩa tượng trưng của những con vật trong bài 3:
- Con cò: tượng trưng cho những người nông dân trong xã hội có nhân vật nhỏ bé.
- Con cà cuống: tượng trưng cho những kẻ có vai vế, có địa vị trong làng xã như xã trưởng, lí trưởng
- Chim ri, chim chào mào: những kẻ là tay chân của xã trưởng, lí trưởng (cai lệ, lính lệ), chuyên đi kiếm chác chia phần.
- Chim rích: tượng trưng cho những anh mõ đi giao việc làm trong xã hội xưa.
* Việc chọn những con vật để miêu tả, “đóng vai” như thế lí thú ở chỗ: một xã hội loài người được thực hiện ra qua xã hội của loài vật. Mỗi con vật có những hành động và đặc trưng riêng đúng với hạng người mà nó đóng vai. Từ đó, ý nghĩa phê phán, châm biếm trở nên sâu sắc, kín đáo.
* Cảnh tượng trong bài hoàn toàn không phù hợp với một đám tang. Cái chết thương tâm của gia đình con cò trở thành dịp ăn nhậu, lao xao chia phần một cách vô lối.
* Bài ca dao này phê phán, châm biếm hủ tục ma chay trong xã hội cũ làm khổ người dân.
Câu 4:
* Trong bài 4, chân dung “cậu cai” được miêu tả qua những chi tiết:
- Đầu đội “nón dấu đuôi gà”: chi tiết này chứng tỏ cậu cai là lính và chứng tỏ đây cũng là người có “quyền hành”.
- “Ngón tay đeo nhẫn”: dấu hiệu chứng tỏ sự giàu có thích khoe khoang, tính cách của một con người thiếu đứng đắn.
- Thế nhưng, quần áo thì phải “đi mượn”, “đi thuê”. Thật là xấu hổ cho một người được gọi là có “quyền hành”. Hóa ra cái vẻ ngoài của cậu chỉ là căn nguyên của sự sĩ diện, thích khoe khoang mà thôi.
* Nghệ thuật châm biếm của bài ca này:
- Cách gọi “cậu cai” vừa như để lấy lòng, vừa như có ý mỉa mai
- Cách định nghĩa về cậu cai ở hai dòng đầu, tác giả dân gian như bĩu môi mà nói rằng, đội nón lên rồi đeo nhẫn vào là thành cậu cai, chứ cai là cái thứ gì chứ.
- “Ba năm được một chuyến sai” là sử dụng nghệ thuật phóng đại. Ý nói chẳng mấy khi cậu cai mới được một “chuyến sai”. Chính vì thế, chẳng mấy khi phải mặc đến áo quần quan nên không chuẩn bị, khi cần thì “đi mượn”, “đi thuê”. Việc sử dụng nghệ thuật phóng đại cũng có tác dụng làm cho nhân vật cậu cai càng trở nên nực cười và thảm hại hơn.
Theo Dethihay.com