Soạn bài Muốn làm thằng cuội
Hướng dẫn
I.Đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Hai câu thơ đầu là tiếng than và lời tâm sự của Tản Đà với chị Hằng. Theo em, vì sao Tản Đà có tâm trạng chán trần thế?
-Nhà thơ muốn làm thằng Cuội, lên chơi cung trăng cùng với chị Hằng là vì ông buồn, chán cuộc sống nơi trần thế, thích làm bạn cùng gió, cùng mây.
“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em đây chán nửa rồi”.
-Nhà thơ nói chuyện muốn lên chơi trăng, nhưng thực ra ông muốn giãi bày tâm sự của mình:
+ Cái buồn, chán ở đây là có thực trong tâm trạng của Tản Đà.
+ Khi đó cuộc sống có nhiều điều đáng buồn chán, nhất là đối với một tâm hồn thi sĩ như ông.
+ Đất nước không có chủ quyền, những kẻ hãnh tiến thi nhau ganh đua, bon chen mà quên đi nỗi nhục mất nước.
+ Mặt khác, ông buồn vì mình là người tài hoa nhưng số phận nhiều rủi ro, lận đận trong đường đời.
+ Vì không đủ sức để thay đổi hiện thực bi kịch ấy nên ông muốn thoát ra khỏi nó, muốn làm thằng Cuội lên chơi trăng.
Câu 2. Có nhận xét, Tản Đà là một hồn thơ “ngông”. Em hiểu “ngông” nghĩa là gì? Hãy phân tích cái “ngông” của Tản Đà trong ước muốn được làm thằng Cuội.
Tản Đà với cá tính sống mà dường như nằm giữa cõi mộng và cõi thực, giữa cái tỉnh và cái điên, không giống như một ai như thế. Từ lâu, ông đã được mệnh danh là một hồn thơ “ngông”, vua ngông. Nhưng thực chất của cái ngôn đó là gì?
“Thế gian có bác Tản Đà
Quê hương thì có, cửa nhà thì không
Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông
Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt li”.
+ Sống giữa cảnh đất nước lầm than và nhố nhăng thời đó, Tản Đà không phải không đủ sức tạo cho mình một cuộc sống sung túc, thậm chí giàu sang.
+ Tản Đà lánh đục theo trong, tự mình tìm kế sinh nhai để rồi gánh chịu sự túng quẫn suốt một đời, nhất là trong những năm cuối đời.
+ Tản Đà sẵn sàng đánh đổi cái nghèo vật chất để lấy cái giàu tinh thần.
+ Giữa cái ác, Tản Đà tách ra để đi đến cái thiện.
+ Giữa cái xấu, Tản Đà còn có ý thức vươn lên cái đẹp. Đẹp của đất trời. Đẹp của con người. Đẹp của văn chương. Đẹp cả trong cách sống.
Cho nên, đúng là trong cái “ngông” của Tản Đà mà người đời từ lâu đã tinh ý nhận ra để không những không ghét, không khó chịu, lại còn cảm thấy vui, làm quý, bởi ở trong đó, đằng sau đó là nhân cách, là đạo lí làm người, là giá trị nhân bản.
Cái “ngông” của Tản Đà một phần là cá tính tự nhiên, nhưng một phần cũng là do Tản Đà phải tự tạo để phản ứng lại với thứ ô trọc giữa cuộc đời.
(Theo Nguyễn Đình Chú – Thơ văn Tản Đà)
Câu 3. Phân tích hình ảnh cuối bài thơ:
“Tựa nhau trông xuống thế gian cười”
Em hiểu cái cười ở đây có nghĩa là gì?
Cái “ngông” của Tản Đà trong bài thơ này tập trung chủ yếu ở hai câu cuối:
“Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười”.
Ở đây ông tự cho mình là người ở vị trí cao hơn tất cả, còn cuộc sống nơi trần thế chỉ là trần tục, thấp hèn, đáng cười. Ông cười tất cả. Đó chính là cái “ngông” của Tản Đà.
Câu 4. Theo em những yếu tố nghệ thuật nào đã tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ?
Bài thơ Muốn làm thằng cuội là bài thơ độc đáo, thú vị, giọng thơ nhẹ nhành, thanh thoát, chơi vơi. Trí tưởng tượng lại phong phú, kì diệu. Chất mộng ảo, chất ngông thấm đẫm bài thơ.
Yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ chính là sự tưởng tượng bay bổng của một tâm hồn thi sĩ lãng mạn.
Bài thơ có cái kết thoát li. Một cách nói phong tình tài hoa: “Thơ của ông là chất thơ trong như lọc với những cảnh tưởng không rõ rệt, những hình ảnh mờ mờ, ông vẽ những bức tranh tuyệt bút ; với những tư tưởng lâng lâng, với những cảm giác mơ mộng, ông làm nên những câu thơ tuyệt mĩ”.
(Thi sĩ Tản Đà – Lê Thanh)
Câu 5. Ý nghĩa.
Tác giả khát khao được sống trong sạch hơn, thanh cao hơn để giữ mãi thiên lương cao đẹp.
Bài thơ tuy có nói đến buồn, đến chán, đến thoát li, nhưng vẫn thấm đượm phong tình… Toàn bài thơ toát lên một tinh thần phủ định thực tại xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến xấu xa, mục nát. Sức hấp dẫn của bài thơ chính là sự tưởng tượng bay bổng của một tâm hồn thi sĩ lãng mạng.
Đó là giá trị của bài thơ Muốn làm thằng Cuội.
II.Luyện tập
Câu 1. Nhận xét về phép đối trong 2 câu 3, 4 và 5, 6.
-Phép đối trong 2 câu 3, 4.
Nhà thơ cất tiếng hỏi:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Nhưng không đợi trả lời, mà là để ngỏ lời:
Cành đa, xin chị nhắc lên chơi.
Phép đối ở đây không phải là sự trao đôi giữa hai người mà chỉ có nhà thơ. “Cung quế…”, “Cành đa” là nơi tượng trưng ở thiên giới, nơi tượng trưng ở trần gian.
-Phép đối trong 2 câu 5, 6.
Phép đối ở đây cũng diễn ra rất tế nhị:
Có bầu có bạn, ca chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.
+ “Có bầu có bạn” với “cùng gió, cùng mây”.
+ “Can chi tủi” với “thế mới vui”.
Lời thơ tuy có phong tình ỡm ờ một chút mà vẫn không buôn thả. Cạnh người đẹp, thi sĩ sẽ thoát khỏi cuộc đời trần thế ngột ngạt, tầm thường. Ở nơi trần thế, thi sĩ cô đơn không có bầu bạn, không có tri âm tri kỉ, điều đó thật tủi cực. Nay lên cung trăng với chị Hằng là tha hồ mở lòng ra “cùng gió, cùng mây” và theo ông “thế mới vui”, nghĩa là giải tỏa được nỗi buồn chán trong lòng.
Phép đối ở những câu thơ trên rất tế nhị, nhẹ nhàng mà vẫn làm nổi bật được sắc thái biểu cảm.
Trong cách nói ở hai câu 5, 6 không có dấu hiệu về ham muốn vật chất tầm thường, chỉ có ý nghĩa trân trọng những giá trị tinh thần cao đẹp.
Câu 2. So sánh ngôn ngữ và giọng điệu ở bà thơ này với bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan ta thấy có những điều rất thú vị:
-Ở bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh QUan, ta thấy giàu nhạc điệu, tạo nên vẻ đài các, trang nhà rất chuẩn của thơ Đường. Nghệ thuật dùng từ và diễn tả tài tình, đọc lên lòng ta có một cảm giác bâng khuâng, một nỗi buồn man mác.
Nhà thơ đã sử dụng thành thạo các từ láy, từ tượng hình, tượng thanh và cách chơi chữ đồng âm trong thơ.
-Ơ bài thơ Muốn làm thằng Cuội ta thấy giai điệu thật nhẹ nhàng, thanh thoát, pha chú tình tứ hóm hỉnh, có nét phóng túng, ngông nghênh của một hồn thơ lãng mạn. Lời thơ giản dị, trong sáng, gần với những lời nói thường ngày.
Vần luật vẫn chặt chẽ nhưng không còn là thứ trói buộc hồn thi sĩ, tâm sự cứ tự nhiên tuôn chảy như không hề câu nệ một khuôn sáo nào. Sức hấp dẫn bài thơ chính là ở đó.
Vẫn số câu, số chữ ấy, ý tứ vẫn hàm súc, chất chứa tâm trạng, nhưng nó không mực thước, trang trọng, đăng đối như bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.