Phân tích nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê
Bài làm
Cách nhìn và thể hiện con người thiên về tốt đẹp, trong sáng là phương hướng chủ đạo và thống nhất là phương hướng chủ đạo và thống nhất của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến. Lê Minh Khuê – nhà văn nữ chuyên viết truyện ngắn trong thời kì này – cũng không nằm ngoài phương hướng chung ấy. Điển hình là truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Truyện xoáy sâu vào nhân vật Phương Định với lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, sự hồn nhiên, mơ mộng và tình đồng đội gắn bó.
Nói đến nhân vật Phương Định, không thể không nói đến sự hồn nhiên, mơ mộng của cô. Như mọi cô gái trẻ khác, Phương Định nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Cô tự hào về bản thân và tự đánh giá: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm. Một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”” Dù đang ở giữa chiến trường nhưng cô vẫn giữ được sự nữ tính rất dễ thương, rất đặc trưng của người Hà thành trong mình. Cô biết mình được nhiều người để ý và cảm thấy vui, tự hào về điều đó – một tâm lí rất dễ hiểu của con gái. Tuy vậy, cô lại điệu đà, không hay thể hiện tình cảm của mình, tưởng chừng như kiêu kì. Nhưng đừng vì thế mà ghét cô. “Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.” Vẻ đẹp của nhân vật không chỉ nằm ở ngoại hình mà ở những suy nghĩ rất đáng yêu của cô về những con người hằng ngày đi qua cuộc sống của cô. Phương Định chính là đóa lan rừng làm dịu đi cái nóng bỏng của chảo lửa Trường Sơn đầy bom đạn.
Bên cạnh đó, Phương Định còn rất mơ mộng và hồn nhiên trong sở thích của mình. “Tôi mê hát. Thương cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình.” Phương Định hát như để gợi nhớ về những kỉ niệm cũ, về thành phố quê hương. Hát vừa để giữ vững sự lạc quan, yêu đời, vừa để nuôi niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng. Cũng có thể cô chỉ hát để thỏa mãn sở thích của mình thôi, nhưng dù là lí do gì thì tiếng hát ấy cũng đã thể hiện một cá tính rất trẻ, rất hồn nhiên nơi cô. Trong lời hát ấy, ta lại thoáng thấy hình ảnh của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm – một người con gái từng cảm nhận cái hay của bản nhạc êm đềm giữa chiến trường khốc liệt. Trên trời máy bay gầm rú, dưới đất đầy bom nổ chậm, nhưng những giai điệu dịu dàng, trong trẻo vẫn được những cô gái ấy cất lên. “Tôi thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Thích Cachiusa của Hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh…” Đó là dân ca Ý trữ tình, phải lấy giọng thật trầm. Thích nhiều.” Tiếng hát ấy át đi tiếng bom, mang trong đó sức trẻ và sự yêu đời của Phương Định. Những bài hát ấy như những mảnh ghép chứa đầy sự nhạy cảm, hồn nhiên và dịu dàng của tâm hồn cô gái thanh niên xung phong. Trải qua khói lửa, những bài hát ấy không chỉ là những giai điệu bình thường nữa, chúng chính là tiếng đập từ trái tim rất vô tư, rất trẻ của Phương Định.
Sức trẻ ấy tiềm tàng mãnh liệt đến nỗi chỉ cần một trận mưa đá bất ngờ thôi cũng đủ khiến nó bùng lên. Phương Định “chạy ra, vui thích cuống cuồng”. Giữa chiến trường ác liệt, dù hiếm hoi vẫn có những giây phút vô tư, hồn nhiên, những giây phút mà cái say sưa của tuổi trẻ đã đẩy lùi mưa bom bão đạn. “Những niềm vui con trẻ của tôi lại nở tung ra, say sưa, tràn đầy.” Cơn mưa đá bất ngờ đã cho ta thấy góc khuất trong tâm hồn nhân vật. Đó là miền ký ức thân thương và êm đềm của Phương Định về Hà Nội với căn gác nhỏ nơi cô sống cùng mẹ những năm tháng học sinh, về những hình ảnh rất đỗi quen thuộc của thành phố quê hương. Những kỉ niệm ấy luôn ở trong tim Phương Định, trở thành niềm tin, thành khát khao, thành nguồn động lực để cô vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống và tiếp tục chiến đấu. “Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thiệt xa… Rồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi.” Cơn mưa đá bất ngờ kia không chỉ là một chi tiết để bộc lộ tính cách nhân vật, nó là hiện thân của tuổi trẻ giữa chiến trường, một tuổi trẻ vẫn luôn giữ trong tim những rung động, những khát khao mãnh liệt nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chiến tranh có thể tước đi tất cả, nhưng chúng không bao giờ lấy đi được niềm tin và khát vọng của Phương Định cũng như của những người trẻ ngày đó.
Chính niềm tin và khát vọng chiến thắng ấy đã cho Phương Định sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm. Cô nằm trong tổ trinh sát mặt đường tại một cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Tuy không trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận nhưng công việc của cô cũng không kém phần nguy hiểm. “Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần Chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom. Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi.” Nếu như có rất nhiều người chỉ hơi bị bệnh đã muốn trốn tránh công việc thì Phương Định vẫn kiên cường bám trụ ở chiến trường dù đã bị thương. Chính ý thức trách nhiệm đã giữ cô ở lại trên cao điểm đầy bom đạn ấy. Lời kể của Phương Định rất tự nhiên và bình thản, khiến người đọc tưởng như cô chỉ đang kể chuyện đùa chứ không phải là nói về những hiểm nguy rình rập, về thương tích và cái chết. “Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa, nhưng nhất định sẽ nổ…” Phương Định hiểu rõ những gì mình phải đối mặt hằng ngày nhưng vẫn bất chấp tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí cô còn thấy được trong cái ác liệt của chiến trường có một điều gì đó rất riêng, rất thú vị mà cô đã vô cùng quen thuộc. Nên biết rằng cô là con gái Hà Nội – những cô gái mà người ta bảo rằng “liệu có xa nhà được ba ngày?” trong khi cô “ở đây, trên cao điểm này đã ba năm”, ta lại càng khâm phục cô. Sự khắc nghiệt của chiến trường không thể khiến người con gái ấy gục ngã, mà còn tôi luyện cho cô một ý chí kiên cường. Chính ý chí ấy, sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm ấy đã làm nên nét đẹp trong Phương Định khiến ta càng thêm yêu, thêm quý nhân vật hơn.
Nhưng phải đến khi thấy Phương Định phá bom, ta mới hiểu rõ được lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm trong cô. Dù đã quen với công việc nguy hiểm ấy nhưng mỗi lần phá bom vẫn là một thử thách về thần kinh. “Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.” Trong không gian vắng lặng và đáng sợ, ánh mắt của đồng đội đã giúp Phương Định trấn tĩnh lại, đồng thời sự dũng cảm của cô được kích thích thêm bởi lòng tự trọng. Chỉ là kích thích thêm thôi, vì vốn dĩ sự gan dạ trong cô đã trở thành một điều tự nhiên đến nỗi cô cũng không để ý. “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?” Có thể sẽ có người cho rằng vì đã quá quen rồi nên Phương Định mới không sợ nữa. Không, cô có sợ chứ, vì khi đứng trước cái chết, con người ai cũng sợ dù ít dù nhiều. Nhưng Phương Định đã vượt qua được nỗi sợ ấy. Ý thức trách nhiệm đã đẩy lùi nỗi sợ, gạt nó vào một góc để tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ. Cô không lo bản thân sẽ bị thương, mà chỉ lo khi bị thương thì cô sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Suy nghĩ ấy mới đẹp và đáng yêu làm sao! Đối với cô, cái chết chỉ nhẹ tựa lông hồng. Cùng một suy nghĩ ấy là người con gái trong bài thơ “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mĩ Dạ: “Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa / Đánh lạc hướng quân thù hứng lấy luồng bom.” Dù chỉ là những cô gái chân yếu tay mềm nhưng trong tim họ là ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc, của tuổi trẻ. Chính ngọn lửa ấy đã xây dựng một Phương Định dũng cảm và trách nhiệm, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến.
Không chỉ dừng lại ở đó, Phương Định còn vô cùng yêu thương đồng đội của mình. Khi Nho và chị Thao đi lên cao điểm, cô ở lại trong hang vô cùng lo lắng. “Những gì đã qua, những gì sắp tới… không đáng kể nữa. Có gì lí thú đâu, nếu các bạn tôi không quay về?” Đây là lần đầu tiên ta thấy người con gái ấy bứt rứt, bồn chồn và sợ hãi đến vậy. Bởi vì đối với cô, họ không chỉ là đồng đội, mà còn là bạn bè thân thiết, là chị em trong gia đình. Mỗi người một tính cách nhưng sống với nhau ba năm trời, cô biết rõ từng sở thích, từng ước mơ, từng cá tính của mỗi người. Mỗi liên kết sâu sắc và bền vững ấy tự nhiên và chân thật đến nỗi thậm chí Phương Định còn không nhận ra chính bởi vì nó mà cô gắt gỏng khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Tình đồng đội ấy làm ta nhớ đến những câu thơ của Chính Hữu trong bài “Đồng Chí”: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh / Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi / Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Chân không giày / Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.” Chính gian lao thử thách đã xây dựng nên những tình cảm gắn bó vô cùng bền chặt. Khi Nho bị thương, Phương Định đã tận tình chăm sóc cho Nho, “rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than”, “tiêm cho Nho”, “pha sữa cho nó trong cái ca sắt”… Phương Định hiểu đồng đội mình đến mức cảm nhận được cái đau của Nho, cả những tình cảm đang quay cuồng trong chị Thao nữa. Một tình đồng đội đẹp đến thế chỉ có thể đến từ những trái tim cùng hướng về một lí tưởng cao đẹp, từ những trái tim biết yêu thương và cho đi vô điều kiện. Trái tim chứa đầy tình đồng đội ấy là nét vẽ hoàn thiện tính cách nhân vật Phương Định, biến cô trở thành hình tượng tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ.
Nhằm khắc họa rõ nét nhân vật Phương Định, tác giả đã chọn vai kể là nhân vật chính, với cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung và đặc biệt thành công về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Thông qua dòng suy nghĩ và cảm xúc của Phương Định, tác giả đã tái hiện cuộc sống của tuổi trẻ nơi chiến trường một cách tự nhiên và vô cùng chân thật. Cùng với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, cách kể này đã giúp tác giả tập trung miêu tả và bộc lộ rõ nét thế giới nội tâm nhân vật, giúp người đọc thấu hiểu và cảm nhận được những gì nhân vật đã trải qua. Đặc biệt, Lê Minh Khuê từng tham gia thanh niên xung phong nên lời văn của bà rất thật, ẩn chứa một sức mạnh muốn thoát ra khỏi trang giấy và đi vào lòng người đọc. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện là ngôn ngữ tự nhiên, gần với khẩu ngữ, trẻ trung và đậm chất nữ tính. Lời kể thường dùng những câu ngắn, câu đặc biệt với nhịp nhanh, gợi lên không khí khẩn trương của chiến trường và những khoảng ngắt quãng bất ngờ tưởng như tiếng bom nổ đã cắt ngang dòng suy nghĩ. Nổi bật lên tất cả những điều ấy là hình ảnh “những ngôi sao xa xôi” được chọn làm tựa đề của truyện ngắn. “Những ngôi sao” ấy có thể là những ký ức êm đềm về Hà Nội, về quê hương của các cô gái, những ký ức mà họ vẫn luôn mang theo trong tim để làm động lực chiến đấu. Nhưng “những ngôi sao” ấy cũng chính là hiện thân của những cô gái thanh niên xung phong, mà tiêu biểu là Phương Định. Những cô gái ấy sống giữa chiến trường nhưng vẫn giữ được những nét đẹp trong tính cách, trong tâm hồn mình. Họ, như một anh trắc thủ pháo binh nào đó đã từng viết trong một bài thơ, “là những ngôi sao xa xôi trên cao điểm”, những ngôi sao tỏa sáng rực rỡ với tuổi trẻ và lòng can đảm giữa lửa bom khói đạn.
Bằng chính những trải nghiệm thực tế của mình, Lê Minh Khuê đã xây dựng nhân vật Phương Định với những nét tính cách tiêu biểu của lớp trẻ Việt Nam thời kì ấy nói chung, và những anh chị thanh niên xung phong nói riêng: can đảm và đầy trách nhiệm nhưng cũng tràn đầy sự hồn nhiên và ngây thơ. Họ đã sống và chiến đấu hết mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, cuộc sống của họ dù có thể kết thúc bất cứ lúc nào nhưng vẫn tràn ngập sức trẻ, tràn ngập tình yêu – “tình yêu của những con người trong khói lửa. Tình yêu độ lượng, tha thiết, vô tư mà kẻ độc quyền có nó trong tim là những người chiến sĩ”. Đó là những tháng ngày gian khổ nhất, nhưng trong tim, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc. Cách nhìn và thể hiện con người thiên về tốt đẹp, trong sáng là phương hướng chủ đạo và thống nhất là phương hướng chủ đạo và thống nhất của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến. Lê Minh Khuê – nhà văn nữ chuyên viết truyện ngắn trong thời kì này – cũng không nằm ngoài phương hướng chung ấy. Điển hình là truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Truyện xoáy sâu vào nhân vật Phương Định với lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, sự hồn nhiên, mơ mộng và tình đồng đội gắn bó.
Nói đến nhân vật Phương Định, không thể không nói đến sự hồn nhiên, mơ mộng của cô. Như mọi cô gái trẻ khác, Phương Định nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Cô tự hào về bản thân và tự đánh giá: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm. Một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”” Dù đang ở giữa chiến trường nhưng cô vẫn giữ được sự nữ tính rất dễ thương, rất đặc trưng của người Hà thành trong mình. Cô biết mình được nhiều người để ý và cảm thấy vui, tự hào về điều đó – một tâm lí rất dễ hiểu của con gái. Tuy vậy, cô lại điệu đà, không hay thể hiện tình cảm của mình, tưởng chừng như kiêu kì. Nhưng đừng vì thế mà ghét cô. “Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.” Vẻ đẹp của nhân vật không chỉ nằm ở ngoại hình mà ở những suy nghĩ rất đáng yêu của cô về những con người hằng ngày đi qua cuộc sống của cô. Phương Định chính là đóa lan rừng làm dịu đi cái nóng bỏng của chảo lửa Trường Sơn đầy bom đạn.
Bên cạnh đó, Phương Định còn rất mơ mộng và hồn nhiên trong sở thích của mình. “Tôi mê hát. Thương cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình.” Phương Định hát như để gợi nhớ về những kỉ niệm cũ, về thành phố quê hương. Hát vừa để giữ vững sự lạc quan, yêu đời, vừa để nuôi niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng. Cũng có thể cô chỉ hát để thỏa mãn sở thích của mình thôi, nhưng dù là lí do gì thì tiếng hát ấy cũng đã thể hiện một cá tính rất trẻ, rất hồn nhiên nơi cô. Trong lời hát ấy, ta lại thoáng thấy hình ảnh của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm – một người con gái từng cảm nhận cái hay của bản nhạc êm đềm giữa chiến trường khốc liệt. Trên trời máy bay gầm rú, dưới đất đầy bom nổ chậm, nhưng những giai điệu dịu dàng, trong trẻo vẫn được những cô gái ấy cất lên. “Tôi thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Thích Cachiusa của Hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh…” Đó là dân ca Ý trữ tình, phải lấy giọng thật trầm. Thích nhiều.” Tiếng hát ấy át đi tiếng bom, mang trong đó sức trẻ và sự yêu đời của Phương Định. Những bài hát ấy như những mảnh ghép chứa đầy sự nhạy cảm, hồn nhiên và dịu dàng của tâm hồn cô gái thanh niên xung phong. Trải qua khói lửa, những bài hát ấy không chỉ là những giai điệu bình thường nữa, chúng chính là tiếng đập từ trái tim rất vô tư, rất trẻ của Phương Định.
Sức trẻ ấy tiềm tàng mãnh liệt đến nỗi chỉ cần một trận mưa đá bất ngờ thôi cũng đủ khiến nó bùng lên. Phương Định “chạy ra, vui thích cuống cuồng”. Giữa chiến trường ác liệt, dù hiếm hoi vẫn có những giây phút vô tư, hồn nhiên, những giây phút mà cái say sưa của tuổi trẻ đã đẩy lùi mưa bom bão đạn. “Những niềm vui con trẻ của tôi lại nở tung ra, say sưa, tràn đầy.” Cơn mưa đá bất ngờ đã cho ta thấy góc khuất trong tâm hồn nhân vật. Đó là miền ký ức thân thương và êm đềm của Phương Định về Hà Nội với căn gác nhỏ nơi cô sống cùng mẹ những năm tháng học sinh, về những hình ảnh rất đỗi quen thuộc của thành phố quê hương. Những kỉ niệm ấy luôn ở trong tim Phương Định, trở thành niềm tin, thành khát khao, thành nguồn động lực để cô vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống và tiếp tục chiến đấu. “Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thiệt xa… Rồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi.” Cơn mưa đá bất ngờ kia không chỉ là một chi tiết để bộc lộ tính cách nhân vật, nó là hiện thân của tuổi trẻ giữa chiến trường, một tuổi trẻ vẫn luôn giữ trong tim những rung động, những khát khao mãnh liệt nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chiến tranh có thể tước đi tất cả, nhưng chúng không bao giờ lấy đi được niềm tin và khát vọng của Phương Định cũng như của những người trẻ ngày đó.
Chính niềm tin và khát vọng chiến thắng ấy đã cho Phương Định sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm. Cô nằm trong tổ trinh sát mặt đường tại một cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Tuy không trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận nhưng công việc của cô cũng không kém phần nguy hiểm. “Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần Chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom. Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi.” Nếu như có rất nhiều người chỉ hơi bị bệnh đã muốn trốn tránh công việc thì Phương Định vẫn kiên cường bám trụ ở chiến trường dù đã bị thương. Chính ý thức trách nhiệm đã giữ cô ở lại trên cao điểm đầy bom đạn ấy. Lời kể của Phương Định rất tự nhiên và bình thản, khiến người đọc tưởng như cô chỉ đang kể chuyện đùa chứ không phải là nói về những hiểm nguy rình rập, về thương tích và cái chết. “Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa, nhưng nhất định sẽ nổ…” Phương Định hiểu rõ những gì mình phải đối mặt hằng ngày nhưng vẫn bất chấp tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí cô còn thấy được trong cái ác liệt của chiến trường có một điều gì đó rất riêng, rất thú vị mà cô đã vô cùng quen thuộc. Nên biết rằng cô là con gái Hà Nội – những cô gái mà người ta bảo rằng “liệu có xa nhà được ba ngày?” trong khi cô “ở đây, trên cao điểm này đã ba năm”, ta lại càng khâm phục cô. Sự khắc nghiệt của chiến trường không thể khiến người con gái ấy gục ngã, mà còn tôi luyện cho cô một ý chí kiên cường. Chính ý chí ấy, sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm ấy đã làm nên nét đẹp trong Phương Định khiến ta càng thêm yêu, thêm quý nhân vật hơn.
Nhưng phải đến khi thấy Phương Định phá bom, ta mới hiểu rõ được lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm trong cô. Dù đã quen với công việc nguy hiểm ấy nhưng mỗi lần phá bom vẫn là một thử thách về thần kinh. “Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.” Trong không gian vắng lặng và đáng sợ, ánh mắt của đồng đội đã giúp Phương Định trấn tĩnh lại, đồng thời sự dũng cảm của cô được kích thích thêm bởi lòng tự trọng. Chỉ là kích thích thêm thôi, vì vốn dĩ sự gan dạ trong cô đã trở thành một điều tự nhiên đến nỗi cô cũng không để ý. “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?” Có thể sẽ có người cho rằng vì đã quá quen rồi nên Phương Định mới không sợ nữa. Không, cô có sợ chứ, vì khi đứng trước cái chết, con người ai cũng sợ dù ít dù nhiều. Nhưng Phương Định đã vượt qua được nỗi sợ ấy. Ý thức trách nhiệm đã đẩy lùi nỗi sợ, gạt nó vào một góc để tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ. Cô không lo bản thân sẽ bị thương, mà chỉ lo khi bị thương thì cô sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Suy nghĩ ấy mới đẹp và đáng yêu làm sao! Đối với cô, cái chết chỉ nhẹ tựa lông hồng. Cùng một suy nghĩ ấy là người con gái trong bài thơ “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mĩ Dạ: “Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa / Đánh lạc hướng quân thù hứng lấy luồng bom.” Dù chỉ là những cô gái chân yếu tay mềm nhưng trong tim họ là ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc, của tuổi trẻ. Chính ngọn lửa ấy đã xây dựng một Phương Định dũng cảm và trách nhiệm, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến.
Không chỉ dừng lại ở đó, Phương Định còn vô cùng yêu thương đồng đội của mình. Khi Nho và chị Thao đi lên cao điểm, cô ở lại trong hang vô cùng lo lắng. “Những gì đã qua, những gì sắp tới… không đáng kể nữa. Có gì lí thú đâu, nếu các bạn tôi không quay về?” Đây là lần đầu tiên ta thấy người con gái ấy bứt rứt, bồn chồn và sợ hãi đến vậy. Bởi vì đối với cô, họ không chỉ là đồng đội, mà còn là bạn bè thân thiết, là chị em trong gia đình. Mỗi người một tính cách nhưng sống với nhau ba năm trời, cô biết rõ từng sở thích, từng ước mơ, từng cá tính của mỗi người. Mỗi liên kết sâu sắc và bền vững ấy tự nhiên và chân thật đến nỗi thậm chí Phương Định còn không nhận ra chính bởi vì nó mà cô gắt gỏng khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Tình đồng đội ấy làm ta nhớ đến những câu thơ của Chính Hữu trong bài “Đồng Chí”: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh / Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi / Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Chân không giày / Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.” Chính gian lao thử thách đã xây dựng nên những tình cảm gắn bó vô cùng bền chặt. Khi Nho bị thương, Phương Định đã tận tình chăm sóc cho Nho, “rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than”, “tiêm cho Nho”, “pha sữa cho nó trong cái ca sắt”… Phương Định hiểu đồng đội mình đến mức cảm nhận được cái đau của Nho, cả những tình cảm đang quay cuồng trong chị Thao nữa. Một tình đồng đội đẹp đến thế chỉ có thể đến từ những trái tim cùng hướng về một lí tưởng cao đẹp, từ những trái tim biết yêu thương và cho đi vô điều kiện. Trái tim chứa đầy tình đồng đội ấy là nét vẽ hoàn thiện tính cách nhân vật Phương Định, biến cô trở thành hình tượng tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ.
Nhằm khắc họa rõ nét nhân vật Phương Định, tác giả đã chọn vai kể là nhân vật chính, với cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung và đặc biệt thành công về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Thông qua dòng suy nghĩ và cảm xúc của Phương Định, tác giả đã tái hiện cuộc sống của tuổi trẻ nơi chiến trường một cách tự nhiên và vô cùng chân thật. Cùng với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, cách kể này đã giúp tác giả tập trung miêu tả và bộc lộ rõ nét thế giới nội tâm nhân vật, giúp người đọc thấu hiểu và cảm nhận được những gì nhân vật đã trải qua. Đặc biệt, Lê Minh Khuê từng tham gia thanh niên xung phong nên lời văn của bà rất thật, ẩn chứa một sức mạnh muốn thoát ra khỏi trang giấy và đi vào lòng người đọc. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện là ngôn ngữ tự nhiên, gần với khẩu ngữ, trẻ trung và đậm chất nữ tính. Lời kể thường dùng những câu ngắn, câu đặc biệt với nhịp nhanh, gợi lên không khí khẩn trương của chiến trường và những khoảng ngắt quãng bất ngờ tưởng như tiếng bom nổ đã cắt ngang dòng suy nghĩ. Nổi bật lên tất cả những điều ấy là hình ảnh “những ngôi sao xa xôi” được chọn làm tựa đề của truyện ngắn. “Những ngôi sao” ấy có thể là những ký ức êm đềm về Hà Nội, về quê hương của các cô gái, những ký ức mà họ vẫn luôn mang theo trong tim để làm động lực chiến đấu. Nhưng “những ngôi sao” ấy cũng chính là hiện thân của những cô gái thanh niên xung phong, mà tiêu biểu là Phương Định. Những cô gái ấy sống giữa chiến trường nhưng vẫn giữ được những nét đẹp trong tính cách, trong tâm hồn mình. Họ, như một anh trắc thủ pháo binh nào đó đã từng viết trong một bài thơ, “là những ngôi sao xa xôi trên cao điểm”, những ngôi sao tỏa sáng rực rỡ với tuổi trẻ và lòng can đảm giữa lửa bom khói đạn.
Bằng chính những trải nghiệm thực tế của mình, Lê Minh Khuê đã xây dựng nhân vật Phương Định với những nét tính cách tiêu biểu của lớp trẻ Việt Nam thời kì ấy nói chung, và những anh chị thanh niên xung phong nói riêng: can đảm và đầy trách nhiệm nhưng cũng tràn đầy sự hồn nhiên và ngây thơ. Họ đã sống và chiến đấu hết mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, cuộc sống của họ dù có thể kết thúc bất cứ lúc nào nhưng vẫn tràn ngập sức trẻ, tràn ngập tình yêu – “tình yêu của những con người trong khói lửa. Tình yêu độ lượng, tha thiết, vô tư mà kẻ độc quyền có nó trong tim là những người chiến sĩ”. Đó là những tháng ngày gian khổ nhất, nhưng trong tim, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc.