Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
Bài làm
Nguyễn Dữ là một trong những tác gia nổi tiếng của nền văn học Việt Nam thời kỳ trung đại. Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của ông có độ phổ biến với công chúng hết sức sâu sắc. Văn phong của tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nội dung mang giá trị tư tưởng cao. Tác phẩm có nhiều yếu tố kỳ ảo nhưng những câu chuyện lại rất hiện thực, gần gũi với đời sống con người và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Trong tác phẩm lớn đó có câu chuyện về Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mang ý nghĩa lớn về sự đấu tranh giành công lý trong cuộc đời.
Ngô Tử Văn là nhân vật tư tưởng của Nguyễn Dữ, xây dựng nhân vật Ngô Tử Văn, Nguyễn Dữ lấy điểm nhìn từ hiện thực đời sống khách quan, tuy có chút tô vẽ, thêm thắt, biến tướng cho thêm một số yếu tố tưởng tượng kỳ ảo vào trong tác phẩm nhưng nhìn chung tất cả đều nằm trong sự tính toán của Nguyễn Dữ. Tất cả đều để nói lên tinh thần và ý nghĩa của câu chuyện.
Ngôi làng của Ngô Tử Văn đang sinh sống có một ngôi đền rất linh thiêng nhưng từ lâu lại trở thành nơi ngự trị bất khả xâm phạm của một tên yêu quái giặc phương Bắc chỉ biết tác oai hại nhân dân. Biết chuyện và tìm hiểu rõ sự tình, Ngô Tử Văn căm phẫn vô cùng. Ông lo cho dân, sợ nhân dân bị quấy nhiễu ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt. Ông suy nghĩ về hành động trừ yêu diệt quái để bảo vệ cuộc sống nhân dân, trả lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc, thanh bình vốn có của nhân dân. Suy nghĩ nát nước chẳng có cách nào hiệu quả, cuối cùng Ngô Tử Văn cũng tìm ra một cách, người trần mắt thịt đấu với yêu ma không phải là chuyện dễ dàng, dù biết việc này rồi sẽ kéo theo hệ lụy nhưng kiên định không nhụt chí, Ngô Tử Văn hạ quyết tâm tiêu diệt tên yêu quái đến cùng. Ngô Tử Văn đưa đến quyết định đốt đền, nơi trú ngụ hiện tại của tên yêu quái, làm mất nơi ở của hắn, đe nạt hắn chừa thói ức hiếp dân lành. Và rồi “một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền”. Đền chùa là nơi linh thiêng, việc đốt đền quả thực không phải cách hay nhưng trong tình thế hiện tại, đó lại là biện pháp hữu hiệu duy nhất. Và việc làm đó là xuất phát từ mục đích cứu dân, Ngô Tử Văn dám nghĩ và dám hành động và cũng dám nhận trách nhiệm, liệu trong cuộc đời ai có bản lĩnh đươc như Tử Văn.
Tuy làm việc tốt nhưng Ngô Tử Văn lại bị gặp nguy, tên yêu quái giặc phương Bắc không những không ngộ nhận ra vấn đề, mà vẫn còn tìm cách để mưu hại lại Ngô Tử Văn, có hành động trả thù, sau khi đốt ngôi đền,Tử Văn ốm nặng rồi “thấy hai tên quỷ sứ đến bắt đi rất gấp, kéo ra ngoài thành vế phía đông” bị kéo xuống dưới chốn âm cung cho Diêm Vương xử kiện do tên yêu quái tướng giặc thủ đoạn tàn bạo, vu oan ngược cho Tử Văn, kêu cầu Diêm Vương định tội cho Ngô Tử Văn bằng những lời lẽ không thực.
“Cây ngay không sợ chết đứng”. Với bản tính kiên cường, không dễ bị khuất phục, với bản lĩnh dám nói dám hành động, một lòng hướng về công lý, đấu tranh cũng vì công lý và lẽ phải, Ngô Tử Văn đã dõng dạc kể lại toàn bộ sự thật minh chứng cho mọi người biết việc làm chính nghĩa của mình. Và cuối cùng, công lý đã thuộc về Ngô Tử Văn, trời quả là không phụ lòng người.
Sau khi được giải oan, Ngô Tử Văn trở về nhà chưa được 1 tháng thì Thổ công đến bảo Tử Văn nên nhậm chức phán sự ở đến Tản Viên. Thổ công nói khuyên răn Ngô Tử Văn: “người ta sống ở đời, xưa nay ai chẳng phải chết, miễn là chết đi còn được tiếng về sau” và khuyên Văn nên nhận. Và Ngô Tử Văn cũng nhận lời, việc được nhận chức ở đền Tản Viên đã nói lên thắng lợi của Ngô Tử Văn trong cuộc đấu tranh tên yêu quái ngang ngược. Cái thiện lên làm chủ cuộc sống, làm chủ cuộc đời. Đó cũng chính là nguồn dẫn cho hạnh phúc trên thế gian.
Thắng lợi của Ngô Tử Văn với tên yêu quái ngang ngược là hết sức có ý nghĩa. Điều đó khẳng định sự tổn tại và là sự bất khả xâm phạm của chính nghĩa trên đời. Chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà. Dù có khó khăn thì công lý cũng sẽ chiến thắng tất cả. Mọi khó khăn cũng chỉ là thử thách rèn giũa và tôi luyện thêm ý chí và bản lĩnh con người. Có trải qua khó khăn, con người mới càng nhìn nhận thiết thực hơn về hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống, biết trân trọng cuộc sống nhiều hơn nữa. Nguyễn Dữ đang muốn gửi gắm ước nguyện về một anh hùng của chính nghĩa sẽ đứng lên bảo vệ cho đất nước, nhân dân như cách mà Tử Văn đã bảo vệ dân làng trước tên yêu quái phương Bắc. Đó chính là cách thể hiện tình yêu nước và sự lo lắng cho nhân dân một cách thầm kín của Nguyễn Dữ.
Sự đấu tranh của Ngô Tử Văn với cái xấu, cái ác là đáng khen ngợi, là điều đáng quý, đáng khâm phục vô cùng. Chiến thắng này chính là soi rọi hơn niềm tin về sự công bình, công lý trong xã hội, mang đến sự tin yêu về cuộc sống cho con người. Công lý luôn được thực thi.
Minh Anh