Đề Bài: Phân Tích Bài Thơ Khi Con Tu Hú Gọi Bầy Của Tố Hữu
Bài làm
Tố Hữu – Người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng, cũng là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”… Ông ra đi để lại cho đời một sự nghiệp văn thơ đồ sộ. Con đường thơ của ông hầu như song hành cùng con đường cách mạng. Nội dung thơ Tố Hữu được phân làm 2 mảng: trước và sau cách mạng tháng 8. Bài thơ Khi con tu hú thuộc thời kỳ đầu. Thời kỳ này người đọc bắt gặp một tâm hồn nồng nhiệt của tuổi trẻ khi gặp gỡ lý tưởng cách mạng và lời tâm niệm nguyện trung thành với lý tưởng khi bị tù đày.
Bài thơ Khi con tu hú được Tố Hữu sáng tác tháng 7 năm 1939 tại nhà lao Thừa Phủ (Huế) khi tác giả bị bắt giam vào đây chưa lâu, được in trong tập thơ “Từ Ấy”, phần “Xiềng xích”. Mười sáu tuổi tìm thấy con đường cách mạng như tìm thấy lý tưởng cho cuộc sống của mình, Tố Hữu đã vỡ òa thốt lên:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”
(Từ ấy)
Chàng thanh niên Tố Hữu lúc đó cảm thấy sung sướng vô biên vì bắt gặp lý tưởng cộng sản, say mê hoạt động cách mạng với một tâm hồn bồng bột, lãng mạn. Đang say mê lý tưởng, yêu đời và hoạt động cách mạng với niềm vui phơi phới như thế, bỗng bị nhốt trong phòng giam bưng bít, cách biệt hoàn toàn với cuộc sống ở bên ngoài, người chiến sĩ trẻ ấy cảm thấy ngột ngạt không chịu nổi. Và bài thơ Khi con tu hú đã ra đời trong dòng cảm xúc đó.
Có thể nói rằng, sự độc đáo của bài thơ này nằm ngay nhan đề của tác phẩm. “Khi con tu hú” – là một mệnh đề chỉ thời gian, chỉ là một vế phụ của một câu trọn ý, nội dung còn bỏ ngõ. Nhan đề đã gây được sự chú ý, gợi mở mạch cảm xúc của toàn bài, gợi ra nhiều hướng suy nghĩ, giúp người đọc liên tưởng đến nhiều vấn đề. Nội dung của toàn bài được tóm gọn trong một câu văn ngắn: Khi con tu hú gọi bầy là khi mùa hè đến, người tù cách mạng càng cảm thấy ngột ngạt trong phòng giam chật chội, càng thèm khát cháy bỏng cuộc sống tự do tưng bừng ở bên ngoài.
Tác phẩm được nhà thơ viết theo thể thơ lục bát, uyển chuyển, nhịp nhàng. Bài thơ như một bức tranh toàn bích, cân đối gồm 2 đoạn: 6 câu thơ đầu: tả cảnh (trời đất vào hè), và 4 câu thơ cuối: tả tình (tâm trạng người tù), cả hai đoạn thơ đều rất truyền cảm.
Tiếng chim tu hú đã làm thức dậy trong tâm hồn người chiến sĩ trẻ trong tù một khung cảnh mùa hè tươi đẹp, sống động:
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…”
Sáu câu thơ lục bát thanh thoát mở ra cả một thế giới rộn ràng, tràn trề nhựa sống. Qua trí tưởng tượng của tác giả, người đọc như tận mắt được nhìn thấy một bức tranh mùa hè có âm thanh rộn ràng, sinh động của tiếng chim tu hú, tiếng ve ran trong vườn râm; cảm nhận được vị ngọt của lúa chín, của trái cây; được hòa mình trong một khung cảnh tươi vui, rộn rã của màu vàng của bắp, màu hồng đào của nắng, màu xanh của trời; được chiêm ngưỡng một bầu trời cao rộng với đôi con diều sáo đang nhào lộn thật vui mắt… Có thể nói, bức tranh mùa hè qua trí tưởng tượng của nhà thơ thật tươi đẹp, thanh bình, êm ả, tràn trề nhựa sống. Tiếng chim tu hú đã mở ra một bức tranh mùa hè rộn rã âm thanh, rực rỡ sắc màu, ngọt ngào hương vị. Hỡn nữa, bức tranh ấy không phải là một bức tranh tĩnh mà một bức tranh động, chúng ta như cảm nhận được sự chuyển động của lúa đang chín, của trái cây đang ngọt dần, của diều sáo đang nhào lộn trên không trung.
Ở trong phòng giam chật hẹp, để cảm nhận được một bức tranh tươi đẹp như vậy, chỉ qua tiếng chim tu hú, người chiến sĩ Tố Hữu phải là một người có tâm hồn tinh tế, lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Tất cả những điều đó khẳng định khát khao tự do mãnh liệt, cháy bỏng của người tù cách mạng.
Bức tranh mùa hè tươi đẹp khép lại, mở ra bức tranh tâm trạng của người tù cách mạng ở bốn câu thơ cuối:
“Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!”
Đoạn thơ với sự ngắt nhịp bất thường: 6/2 (câu 8); 3/3 (câu 9), với cách dùng những từ ngữ mạnh (đập tan phòng, chết uất), những thán từ (ôi, thôi, làm sao), câu cảm thán (Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!) đã thể hiện thành công tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng. Đó là tâm trạng đau khổ, uất ức, ngột ngạt, và tâm trạng đó được biểu hiện trực tiếp qua động từ muốn. Bốn câu thơ đã truyền đến độc giả cái cảm giác ngột ngạt cao độ, niềm khao khát cháy bỏng muốn thỏi khỏi cảnh tù ngục, trở về với cuộc sống tự do bên ngoài.
Phân Tích Bài Thơ Khi Con Tu Hú Gọi Bầy Của Tố Hữu
Như vậy, chúng ta thấy đối lập giữa cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy sức sống là tâm trạng dằn vặt, u uất của người tù cách mạng. Cảnh thiên nhiên ngoài kia càng tươi đẹp bao nhiêu thì trong tù tâm trạng người chiến sĩ cách mạng càng bức bối, khát khao tự do mãnh liệt bấy nhiêu.
Mở đầu và kết thúc bài thơ đều là hình ảnh tiếng chim tu hú. Nếu như lần một (câu đầu) tiếng chim tu hú là tiếng gọi vào hè náo nức. Gợi ra cảnh mùa hè đẹp đẽ, tràn đầy nhựa sống, khơi gợi khát vọng tự do, thì ở lần hai (câu cuối) tiếng chim khiến nhà thơ bực bội, khổ đau day dứt và muốn hành động để đập tan cái tù túng ngột ngạt để được tự do. Tuy nhiên, tiếng chim dù ở câu đầu hay câu cuối đều giống như tiếng gọi thiết tha của tự do, của thế giới, của cuốc sống tươi đẹp đầy quyền rũ.
Ở trong tù, người chiến sĩ cách mạng bị tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài về mọi mặt, trừ âm thanh. Và vì thế cuộc sống như chỉ dồn vào phạm vi âm thanh. Trong bài thơ Tâm tư trong tù tác giả từng viết:
“Cô đơn thay là cảnh thân tù
Tai mở rộng mà lòng nghe rạo rực
Ta lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu”
Âm thanh là sợi dây liên hệ duy nhất với cuộc đời của người tù. Bài thơ mở đầu là tiếng chim tu hú và kết thúc cũng là tiếng chim tu hú. Nó không chỉ là tiếng chim báo hiệu mùa hè mà còn là một âm thanh nhức nhối, thúc giục hành động. Từ đó tâm trạng của người chiến sĩ cũng thay đổi theo, từ chỗ chỗ khát khao cảm thụ thiên nhiên đến khát khao hành động.
Bài thơ kết thúc, nhưng mở ra trong lòng người đọc biết bao dư ba.