Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của tác giả Nguyễn Trãi – Văn mẫu lớp 10 tuyển chọn
Hướng dẫn
Đề bài: Cảnh ngày hè là một trong những bài thơ đặc sắc nhất trong chùm 43 bài thơ Bảo kính cảnh giới. Anh chị hãy phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của tác giả Nguyễn Trãi để thấy hết được giá trị của bài thơ này.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu về bài thơ: Bài thơ “Cảnh ngày hè” là bức tranh ngày hè rực rỡ, tươi đẹp nhưng thấp thoáng trong đó lại là những tâm sự thầm kín của tác giả về thời thế.
2. Thân bài
– Ngay trong câu thơ đầu tiên, tác giả Nguyễn Trãi đã gợi mở ra khung cảnh an nhàn, tự do, thoải mái của người ẩn sĩ
– Câu thơ gợi ra tư thế ung dung, nhàn rỗi đầy tự do tự tại của tác giả. Đây cũng chính là trạng thái của Nguyễn Trãi khi cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn.
– Ở những câu thơ tiếp theo, tác giả tiếp tục mở ra bức tranh tươi đẹp của ngày hè với những hình ảnh rực rỡ, ấn tượng
– Hòe, thạch lựu, hồng liên đều là những biểu tượng đặc trưng của ngày hè tươi đẹp
– tác giả Nguyễn Trãi còn gợi lên sự vận động của sự sống thông qua hàng loạt những động từ “đùn đùn”, “phun”, “tiễn”.
– Không chỉ đơn thuần miêu tả khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, yên bình mà tác giả còn hướng ngòi bút của mình đến sự sống đầy nhộn nhịp của con người lao động.
– Tác giả mong muốn có chiếc đàn của vua Ngu Thuấn để có thể đàn lên một khúc cầu yên bình, no đủ cho người dân.
– Tác giả đã mượn điển cố về vua Ngu Thuấn để thể hiện tấm lòng, tâm sự của một người hiền tài, một con người có khát khao nhập thế mạnh mẽ
3. Kết bài
Dù trải qua bao biến cố, NGuyễn Trãi dù chọn con đường ở ẩn nhưng vẫn luôn thường trực nỗi niềm thế sự, tình yêu nước thương dân. Nguyễn Trãi không chỉ là nhà văn nhà thơ tài năng mà ông còn là chí sĩ yêu nước với tinh thần nhân đạo sâu sắc.
II. Bài tham khảo
“Bảo kính cảnh giới” là chùm 43 bài thơ mà Nguyễn Trãi viết khi về ở ẩn tại Côn Sơn. Tác phẩm mang nhiều giá trị đặc sắc, tiêu biểu nhất trong đó có thể kể đến bài thơ “Cảnh ngày hè”. Bài thơ là bức tranh ngày hè rực rỡ, tươi đẹp nhưng thấp thoáng trong đó lại là những tâm sự thầm kín của tác giả về thời thế.
Ngay trong câu thơ đầu tiên, tác giả Nguyễn Trãi đã gợi mở ra khung cảnh an nhàn, tự do, thoải mái của người ẩn sĩ:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường”
Câu thơ gợi ra tư thế ung dung, nhàn rỗi đầy tự do tự tại của tác giả. Đây cũng chính là trạng thái của Nguyễn Trãi khi cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn. Giờ đây mọi công việc triều chính đã được gác lại, tác giả có thể sống chan hòa với tự nhiên, chìm đắm trong khung cảnh của tự nhiên để thưởng thức thú vui của ngày trường. Tuy nhiên, Nguyễn Trãi lại là con người có khát vọng nhập thế vô cùng mãnh liệt, liệu ông có thực sự buông bỏ được tất cả trong khi đất nước đang rơi vào thực cảnh rối loạn, triều chính bất ổn, người dân chẳng thể sống trong khung cảnh thái bình. Phải chăng đằng sau trạng thái nhàn rỗi, tâm thế tự do ấy là sự xót xa đến tận cùng?
Ở những câu thơ tiếp theo, tác giả tiếp tục mở ra bức tranh tươi đẹp của ngày hè với những hình ảnh rực rỡ, ấn tượng:
“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Hòe, thạch lựu, hồng liên đều là những biểu tượng đặc trưng của ngày hè tươi đẹp, sự xuất hiện của những loài thực vật này trong bức tranh thơ đã gợi cho người đọc bao liên tưởng độc đáo về một mùa hè tinh khôi, tươi đẹp. Không chỉ đơn thuần miêu tả cảnh sắc ngày hè mà tác giả Nguyễn Trãi còn gợi lên sự vận động của sự sống thông qua hàng loạt những động từ “đùn đùn”, “phun”, “tiễn”. Mọi vật trong cảm nhận của Nguyễn Trãi đều có sự vận động và tiềm ẩn sức sống đầy mạnh mẽ bên trong, đó là màu xanh của cây hòe, màu đỏ nổi bật của thạch lựu và hương thơm thoang thoảng bao trùm không gian của hồng liên.
Không chỉ đơn thuần miêu tả khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, yên bình mà tác giả còn hướng ngòi bút của mình đến sự sống đầy nhộn nhịp của con người lao động. Đó là hình ảnh của những con người làng ngư phủ với công việc đánh bắt đầy tấp nập:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”
Trước khung cảnh lao động của con người, tâm trạng của tác giả dường như cũng có sự thay đổi rõ rệt, đó là sự nô nức, xúc động trước cảnh lao động bình dị của con người. Từ bức tranh thiên nhiên đến bức tranh về đời sống của con người, tác giả đã có những cảm nhận vô cùng chân thực mà không kém phần tinh tế, và cũng thông qua những cảm nhận này ta có thể thấy được tình yêu cuộc sống, con người của tác giả Nguyễn Trãi, và dù khi đã về ở ẩn ông vẫn luôn khao khát về một cuộc sống yên bình, quốc thái dân an cho người dân.
“Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Tác giả mong muốn có chiếc đàn của vua Ngu Thuấn để có thể đàn lên một khúc cầu yên bình, no đủ cho người dân. Tác giả đã mượn điển cố về vua Ngu Thuấn để thể hiện tấm lòng, tâm sự của một người hiền tài, một con người có khát khao nhập thế mạnh mẽ, mong mỏi được cống hiến sức lực để mang đến cuộc sống an yên cho đất nước, nhân dân.
Dù trải qua bao biến cố, NGuyễn Trãi dù chọn con đường ở ẩn nhưng vẫn luôn thường trực nỗi niềm thế sự, tình yêu nước thương dân. Nguyễn Trãi không chỉ là nhà văn nhà thơ tài năng mà ông còn là chí sĩ yêu nước với tinh thần nhân đạo sâu sắc.
Theo Vanmautuyenchon.com