Nghị luận xã hội về ý kiến: Nhiều bậc phụ huynh Việt Nam đang quá nuông chiều con cái
Bài làm
Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia? Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào… Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống. (Nơi dựa – Nguyễn Đình Thi)
Bằng đôi dòng ngắn gọn, Nguyễn Đình Thi đã khái quát một quy luật trong tình cảm con người. Đối với mỗi bà mẹ nói riêng và các bậc phụ huynh nói chung, con cái là điểm tựa tinh thần lớn nhất, là niềm hi vọng lớn nhất, là tình yêu lớn nhất trong cuộc đời họ. Bởi thế, các bậc phụ huynh luôn dành tình yêu vô bờ bến cho con cái mình, luôn dành những điều tốt đẹp nhất mà họ có. Đó là quy luật hiển nhiên và là nguyện vọng chính đáng, nhưng khi yêu thương không đúng cách sẽ đem lại nhiều hệ lụy đau lòng. Nuông chiều con cái là một ví dụ như thế ở nhiều ông bố, bà mẹ Việt Nam hiện nay.
Glenn Doman, người sáng lập viện “Thành tựu tiềm năng con người”, một giáo sư đầu ngành với những công trình nghiên cứu đồ sộ về lĩnh vực phát triển trí tuệ trẻ em, đã định nghĩa nuông chiều là can thiệp quá mức vào cuộc sống của con cái, bảo vệ bao bọc con quá mức, chu cấp vật chất cho con quá nhiều dựa vào suy nghĩ của bản thân chứ không xuất phát từ suy nghĩ của trẻ. Như vậy nuông chiều con cái là hiện tượng cha mẹ luôn làm tất cả mọi điều cho con mà không để chúng phải tự tay làm bất kì việc gì, dù chỉ là những công việc đơn giản, dễ dàng chiều chuộng theo mọi nhu cầu, đòi hỏi của chúng. Họ lấy suy nghĩ và nguồn tài lực của chính mình làm cơ sở để ứng xử với con.
Hiện tượng này không những diễn ra hằng ngày trong đời sống mà còn là sai lầm của không ít bậc phụ huynh. Họ đáp ứng tất cả những đòi hỏi của con, khi chúng còn nhỏ là những đồ chơi, những món ăn… khi chúng lớn lên chút nữa đó là xe đạp điện, thậm chí cả xe máy, điện thoại thông minh, máy tính cấu hình cao… Các bậc phụ huynh nuông chiều con cái thường đáp ứng những đòi hỏi vật chất của con mà không cần suy nghĩ xem, liệu rằng với nhu cầu cơ bản của con mình thì đồ vật đó có thực sự cần thiết? Những em nhỏ đã ba tuổi nhưng chưa phải tự xúc ăn, những bé năm tuổi chưa cần tự xỏ giày hay những em học sinh bậc tiểu học không phải soạn sách vở cho ngày mai.
Những cậu ấm cô chiêu thoải mái nằm dài trên ghế xem phim trong khi mẹ tất bận nấu cơm, quét dọn cửa nhà. Giường ngủ, bàn học cho đến tủ quần áo luôn ngăn nắp, gọn gàng vì ngày nào cũng có bàn tay tảo tần của mẹ sắp xếp, dọn dẹp. Khi vô tình có lỗi sai sẽ được cha mẹ bằng cách này hay cách khác bao biện, che giấu hoặc thay con chịu trách nhiệm. Tất cả những điều ấy đều là biểu hiện của sự nuông chiều con cái. Có thể nói đây là một hiện tượng tiêu cực và sai lầm dù nó xuất phát từ thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng tốt đẹp, đó là tình mẫu tử, tình phụ tử. Tình thương yêu trong gia đình vốn vô cùng đẹp đẽ và đáng quý trọng nhưng nếu cha mẹ thương yêu con không đúng cách, nuông chiều vô lối, kết quả sẽ giống như nhận định của nhà giáo dục Ma-ca-ren-cô: “Cưng chiều quá mức, tuy là một tình cảm vĩ đại, nhưng lại khiến con cái bị hủy diệt.” Câu nói này phản ánh rất rõ tác hại của hiện tượng giáo dục sai lầm này.
Nhiều bi kịch nhãn tiền từ xưa tới nay đã chứng tỏ, nếu cha mẹ chỉ một mực cưng chiều con cái mà không biết từ chối những yêu cầu vô lí của chúng, không những làm hại con mà còn làm hại đến mình. Chìm đắm trong hộp mật ngọt của cưng chiều tiếc rằng lại thường cho ta những trái đắng. Những đứa con lớn lên trong sự cưng chiều khi đối mặt với khó khăn thường dễ gục ngã hơn những đứa trẻ khác. Bởi trong cuộc sống của chúng luôn có những ông Bụt, bà Tiên mang tên “Cha mẹ” xuất hiện và ứng cứu mọi lúc, mọi nơi. Những đứa trẻ này thường coi mình là trung tâm và thích yêu cầu người khác làm theo ý mình với thái độ kẻ cả, trịch thượng trong các mối quan hệ xã hội bởi đã quen được phục vụ nhưng lại nhút nhát, không đủ dũng cảm nhận lỗi và chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Việc nuông chiều con không phải là cách nuôi dạy một con người mà là cách trồng một cây tầm gửi. Những “cây tầm gửi” này không có nổi một kĩ năng sơ đẳng nhất dù chỉ là kĩ năng tự phục vụ. Vậy, làm sao họ có thể đảm bảo cho cuộc sống của chính mình? Ý chí và khả năng lao động, khát khao cống hiến cho xã hội liệu có tiềm tàng trong những con người thiếu động lực vươn lên? Bi kịch lớn nhất chính là khi họ trở thành người thừa trong chính cuộc đời mình. Đối với phụ huynh, sự sai lệch trong cách nuôi dạy con cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến họ, mà điều dễ thấy nhất là họ phải hi sinh nhiều thời gian và tâm sức cho chúng. Khi con cái gặp thất bại, bất mãn với thế giới, người đau lòng cũng lại là những bậc sinh thành giáo dưỡng. Bên cạnh đó, hệ lụy rộng lớn còn thể hiện trong việc ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
Đó là chưa kể, những cậu ấm cô chiêu quen với an nhàn và hưởng thụ, quen sai khiến người khác rất dễ nảy sinh mâu thuẫn với người khác, dẫn đến tình trạng bạo lực hay buông thả vào những tệ nạn xã hội. Tiếc rằng, việc ươm mầm “tầm gửi” vẫn đang diễn ra tại nhiều gia đình Việt Nam. Nguyên nhân khách quan là điều kiện vật chất được cải thiện nhanh chóng, số con trong mỗi gia đình ít đi rất nhiều so với trước đây… Đó là một số yếu tố khiến các bậc phụ huynh có tâm lí nuông chiều con cái. Nhưng ở các quốc gia khác, điều kiện vật chất của họ thậm chí tốt hơn nước ta rất nhiều nhưng họ đề cao tính tự lập của những đứa trẻ.
Bởi vậy, nguyên nhân chủ quan mới là nguyên nhân quyết định dẫn đến hiện tượng giáo dục sai lầm này. Đa phần cha mẹ Việt Nam nuôi dạy con cái theo quan niệm cá nhân mà không dựa vào đặc điểm phát triển tâm lí của con cái trong mỗi giai đoạn. Bởi thế, dễ dẫn đến cực đoan, hoặc quá khắt khe, hoặc quá nuông chiều và họ thường làm theo những điều bản thân cho là đúng đắn. Bởi chúng ta chưa quan tâm đúng mực đến vai trò người thầy của các bậc làm cha, làm mẹ. Chúng ta có rất nhiều các khóa học phụ đạo cho học sinh nhưng lại có quá ít khóa học dạy làm cha, làm mẹ. Hay dù có thì cũng rất ít bậc phụ huynh tham gia những lớp học này. Bởi việc học với nhiều người đã dừng lại ngay khi cầm tấm bằng tốt nghiệp. Một nguyên nhân nữa là sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường còn lỏng lẻo.
Nhiều phụ huynh khi con ở nhà thì cung phụng quá mức nhưng khi con đến trường lại phó mặc hoàn toàn cho nhà trường mà không để ý đến quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cũng như học tập của con. Đây là quan niệm hết sức sai lầm. Song, cũng không thể không nói đến nguyên nhân từ sự ích kỉ, ỷ lại và lười nhác của những người con được nuông chiều, từ những đứa trẻ không chịu lớn. Đứng trước thực trạng này, ta lại càng thấy trân trọng hơn những bậc phụ huynh biết tìm tòi và thực hành những phương pháp giáo dục tiến bộ với con cái. Nhiều cha mẹ đã chú ý tới việc dung hòa tình yêu thương với lí trí tỉnh táo để giúp con phát triển đúng hướng.
Sự cầu thị trong việc học hỏi các phương pháp giáo dục tiến bộ cũng đem lại những tín hiệu tích cực đến con cái của họ. Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp đầu tiên là nên có những khóa học dành cho phụ huynh và khuyến khích họ tham gia. Các bậc phụ huynh cũng cần nhận thức đúng về phương pháp dạy con, đặt ra ranh giới rõ ràng giữa yêu thương, chiều chuộng quá mức. Không bao che, dung túng cho những hành vi xấu của con, để con tự mình trải nghiệm, rèn luyện kĩ năng.
Có như thế, mỗi đứa trẻ khi lớn lên mới có khả năng tự phục vụ bản thân. Và chỉ khi tự lo cho bản thân, mỗi chúng ta mới biết quý trọng giá trị của lao động, biết yêu thương giúp đỡ cha mẹ, cống hiến cho xã hội. Phụ huynh cũng chính là người thầy, luôn gần gũi, dìu dắt con trên đường thực hiện ước mơ chứ không phải người mơ thay con rồi giúp chúng thực hiện. Bản thân các bạn trẻ cũng cần tự tạo nên “sức đề kháng” cho mình trước sự nuông chiều thái quá của mẹ cha và cần tôi rèn ý chí vươn lên trong học tập, trong đời sống. Việc đấu tranh chống lại thói ỷ lại và sự cám dỗ của cuộc sống sung túc cũng gian nan không kém cuộc chiến chống lại nghèo khó để vươn lên. Nhưng nếu không chủ động, “không chiến đấu”, liệu bạn có tìm thấy bản thân mình?