Mở bài kết bài Chiếu Dời Đô ngữ văn 8
Top 4 Mở bài Chiếu Dời Đô
Mở bài trực tiếp Chiếu Dời Đô
“Chiếu dời đô” (Thiên đô chiếu) của vua Lý Công Uẩn là một áng văn kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó ra đời là cột mốc đánh dấu giang sơn nước nhà đã thu về một mối, nhà vua quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Bài chiếu đã cho chúng ta thấy được tầm nhìn chiến lược của Lý Thái Tổ, người đã đưa ra một quyết định vô cùng sáng suốt, hợp với ý trời, lòng dân.
Mở bài gián tiếp Chiếu Dời Đô
Chiếu là thể văn do vua dùng để ban bố mệnh lệnh, có thể viết bằng văn vần, văn biền ngẫu hoặc văn xuôi thể hiện tư tưởng chính trị lớn lao, có ảnh hưởng đến vận mệnh của cả triều đại, đất nước. Một trong những bài chiếu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân ta đó là “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn ban bố quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Bài chiếu đã thể hiện ý chí tự cường của dân tộc, khát vọng của nhân dân về một đất nước độc lập, thống nhất, mở ra một thời kì hưng thịnh của đất nước.
Mở bài hay Chiếu Dời Đô
Lí Công Uẩn (974 – 1028), hay vua Lý Thái Tổ, là vị vua khai sinh ra triều Lý. Ông là một vị vua anh minh, có chí lớn và lập nhiều chiến công. Trong suốt thời gian trị vì, ông đã có những chính sách cai quản, quyết định mang tính chiến lược, một trong số đó là quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, “thu giang sơn về một mối”. Nhờ đó, “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn ra đời, bài chiếu đã phản ánh ý chí độc lập, tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt ta thời bấy giờ.
Mở bài nâng cao Chiếu Dời Đô
Dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước gắn với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc đã không tiếc công gây dựng, bảo vệ dân tộc khỏi họa xâm lăng và ra sức củng cố, bảo vệ, phát triển đất nước. Một trong những vị minh quân đã có công “thu giang san về một mối”, góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, lâu dài của đất nước là vua Lý Công Uẩn với quyết đinh dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La năm 1010. Đó là một quyết định sáng suốt trong thời điểm nước ta đã thái bình, một quyết định thuận theo lẽ trời, ý dân. “Chiếu dời đô” ra đời gắn với sự kiện trọng đại ấy.
Top 3 kết bài Chiếu Dời Đô
Kết bài trực tiếp Chiếu Dời Đô
Tóm lại, tác giả đã viết bài Chiếu với một hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng điệu mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc thuyết phục dân chúng tin tưởng vào quyết định dời đô của mình. Quan đó thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự thông minh, sắc sảo trong việc sử dụng ngôn từ, lập luận của một vị minh quân nước nhà.
Kết bài gián tiếp chiếu dời đô
“Chiếu dời đô” ra đời đã đánh dấu một kỉ nguyên mới của nước Đại Việt ta. Bài Chiếu được Lý Công Uẩn sử dụng một hệ thống lập luận, lí lẽ được triển khai sắc sảo mà đầy thuyết phục để thấy được tầm nhìn chiến lược của Lý Thái Tổ, người đã định hướng đúng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước.
Kết bài chiếu dời đô
Với việc sử dụng hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng điệu mạnh mẽ kết hợp với việc ngôn từ linh hoạt, bài Chiếu tuy rất kiệm lời mà ý tứ thì thấm đượm sâu xa thể hiện một sự tin tưởng vào quyết định hợp lẽ trời, ý dân. Và thực tiễn hơn một nghìn năm qua đã cho thấy quyết định đó của vua Lý Thái Tổ là hoàn toàn đúng đắn.
Theo Dethihay.com