Hỡi lòng tê tái thương yêu Giữa dòng trong đục, cảnh bèo lênh đênh Ngổn ngang bên nghĩa bên tình Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nào
Hướng dẫn
Hỡi lòng tê tái thương yêu
Giữa dòng trong đục, cảnh bèo lênh đênh
Ngổn ngang bên nghĩa bên tình
Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nào?”
(Tố Hữu – Kính gửi cụ Nguyễn Du)
Định hướng từ bốn câu thơ trên đây giúp em hiểu gì về giá trị và hạn chế của Truyện Kiều?
BÀI THAM KHẢO
Về mối quan hệ giữa tác phẩm văn học với người sáng tạo nó, có nhiều ý kiến hợp lí cho rằng sản phẩm của văn chương là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ- điều này nói chung là đúng, càng đúng hơn với những tác phẩm ưu tú, tác phẩm xuất sắc. Với Nguyễn Du, đó là trường hợp “Truyện Kiều”.
Nguyễn Du sáng tạo nên nhân vật Thúy Kiều bằng tài năng – tất nhiên, nhưng trước hết, bằng lòng thương yêu vô hạn, thương yêu đến mức “tái tê”. Còn gì thương hơn khi “đứa con tinh thần” mà mình sinh ra bị đày doạ giày vò. Thúy Kiều chỉêm đềm sống trong nơi “trướng rủ màn che” trước lúc đi hội Đạp Thanh, còn sau đó nàng gặp sự thách đố, trớ trêu của số phận. Với Kim Trọng, một hạnh phúc, một tình yêu hứa hẹn. Còn với Đạm Tiên “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường” – cái mạch ngầm xung đột ấy chạy suốt cuộc đời nàng như một định mệnh nghiệt ngã, khắt khe. Đến với tình yêu thì tình yêu dang dở; muốn yên phận với một người (Mã Giám Sinh) thì lại phải: “Sống làm vợ khắp người ta”. Thoát khỏi lầu xanh lần thứ nhất với Thúc Sinh thì bị Hoạn Thư hành hạ. Đến với người tri âm Từ Hải thì ngay sau đó bị Hồ Tôn Hiến gạt lừa. Thôi thì: “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, cả thể xác và tâm hồn nàng bị quẳng lên quật xuống như thế, hỏi “người cha tinh thần” nào mà chẳng đau đớn, xót xa! Chỉ có điều, khuôn vào một thể loại văn chương tự sự, chỗ đứng của người nghệ sĩ phải hết sức khách quan. Tuy vậy, niềm thương xót đến mức không cầm lòng được, đôi lúc vẫn hiện ra.
Ba lần Kiều bị đánh đập tàn nhẫn, chưa lần nào Nguyễn Du là kẻ vô tình. Ngay trong lần đầu, khi nàng bị đánh bởi cơn giận dữ của Tú Bà,nhà thơ viết: “Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra” thì đó là một cách đánh tàn ác đến mức nào. Nó không cần lí luận, bởi lẽ, cũng không cần nghỉ trước sau. Mụ đánh đến mức Kiều không sao hiểu nổi, phải thốt lên: “Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu”, cơn tam bành mới giảm bớt. Nhưng có lẽ nỗi đau “tái tê” của Nguyễn Du chủ yếu hướng về một tinh thần của con người có nhân cách, đầy tài năng bị đày đoạ. Khi bước chân vào lầu xanh lần thứ nhất, khi hiểu ra đó là đâu, nàng sượng sùng ngượng ngập. Nghe lời dặn dò của mụ Tú, nàng ngậm ngùi mỉa mai “Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay”. Ý nghĩ ấy là của nhân vật hay của người tạo ra nhân vật, thì có lẽ cả hai. Cũng có lẽ cả hai vào những lúc tàn canh tỉnh rượu, khi còn lại một mình: “Giật mình mình lại thương mình xót xa”. Mấy lần Kiều nhớ nhà, Nguyễn Du thấu hiểu. Mấy lần nàng đánh đàn, nhà thơ đều rất đỗi cảm thông. Không cảm thông làm sao phân biệt được một thứ âm thanh dẫn đến ba tâm trạng: “Cùng trong một tiếng tơ đồng, Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm”… Những nhân vật như vãi Giác Duyên, nhà sư Tam Hợp, dù là người ngoài cuộc cũng xót thương nàng. Vì tình cảm nhân vật cũng là do nhà thơ gửi gắm. Nhưng cũng có trường hợp không dừng được, nhà thơ trực tiếp phát ngôn:
“Thương thay cũng một kiếp người
Hại thay mang lấy sắc tài mà chi”
Nhưng thương yêu mà bế tắc, mà bất lực trong sự thương yêu thì còn đau đớn nào bằng! Câu thơ của Tố Hữu “Giữa dòng trong đục, cánh bèo lênh đênh” chính là có nghĩa ấy. Các nghệ sĩ thời Nguyễn Du dù có ưu tú đến đâu cũng đều dừng lại trước cái ranh giới ngặt nghèo là: “Đau đời có cứu được đời đâu” (Huy Cận – “Các vị La Hán chùa Tây Phương”). Đó là sự giằng co giữa thiên cảm chủ quan và quy luật vận động khách quan mà chính nhà thơ gọi là “tài” và “mệnh”: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Cái bế tắc lớn nhất của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” là không biết có cách nào giải phóng cho những người bị áp bức, xoá sạch những độc ác, bất công? Thanh gươm của Từ Hải đã một lần giúp Kiều đền ơn trả oán; trời đất đã có lúc sáng ra như thế, nhưng rút cục, Từ Hải đầu hàng và chết do sự đầu hàng ấy, xã hội lại vẫn tù đọng như xưa. Trong cái chết của Từ Hải, Nguyễn Du còn có trách, chứ không chỉ có thương: Từ chết mà không nhắm mắt. Đây chính là lời cảnh tỉnh, cảnh tỉnh với mọi thứ mơ hồ về một xã hội đầy rẫy quỷ ma mà Hồ Tôn Hiến là một thứ quỷ ma cao cấp. Cũng như người anh hùng ấy, Kiều chết trên sông Tiền Đường không chỉ là lời hẹn trước của Đạm Tiên. Đó còn là sự bế tắc. Vì bế tắc. Vì bế tắc mà Nguyễn Du tự an ủi bằng các thứ bùa mê – những tư tưởng siêu hình của đạo Phật. Cái tâm trạng ngổn ngang giữa dòng trong đục cuộc đời ở Nguyễn Du là thế, Cái u uất của nhà thơ nặng thêm cănbệnh nhân sinh khiêm tốn gửi vào hai câu kết của bài thơ nói về Tiểu Thanh cũng thế hay chăng:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
Có thể nói, Nguyễn Du giống Từ Hải: chết mà không nhắm mắt, tất nhiên ở ý nghĩa tinh thần!
Theo Dethihay.com