Giải thích khái niệm Tài và Đức: Có tài mà không có đức là người vô dụng có đức mà không có tài
Bài làm
Trong cuộc sống, “tài” và “đức” luôn là hai khái niệm đi song song và tác động qua lại lẫn nhau. Một người mà chỉ có một trong hai điều trên thì khó có thể nào thành công trong cuộc sống. Vậy thì hai khái niệm trên có ý nghĩa như thế nào? “Tài” có thể hiểu là tài năng, sự hiểu biết, giỏi giang thuộc về mặt bản chất tư duy của con người, trong khi đó “đức” là đạo đức, cách ứng xử, đối nhân xử thế. Như vậy, khi đặt hai khái niệm này cạnh nhau, nó đặt ra cho chúng ta những trăn trở, sự so sánh và tưởng chừng như không mấy liên quan nhưng lại tác động lẫn nhau. Trước hết, dù là “đức” hay “tài” thì con người ta cũng cần phải có . Tài năng luôn là thước đo về khả năng, giá trị của con người. Một người có tài sẽ có biết bao cơ hội mở ra trước mắt, họ là những người thật sự tài giỏi, có tư duy, có ích cho xã hội. Con đường để đi đến thành công của họ cũng nhờ đó mà dễ đi hơn, ngắn hơn. Song song với đó thì đạo đức lại đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và con người ta trong mắt người khác. Những người có đạo đức là những người biết suy nghĩ, thấu hiểu, phân biệt được cái đúng cái sai, cư xử văn minh, đúng mực với người xung quanh. Họ luôn được tôn trọng và được mọi người yêu quý, Từ đó, có thể thấy một người muốn hoàn thiện bản thân mình thì cần phải rèn luyện cả về đạo đức lẫn tài năng. Thật vậy, một người có tài mà không có đức thì khó có thể được công nhận. Anh có tài nhưng anh lại kênh kiệu, coi thường người khác, có tài nhưng lại sống một cách xấu xa, cư xử không đúng mực, làm những việc trái với đạo lý thì sẽ khiến cho những người xung quanh chán ghét, kỳ thị, thậm chí phủ nhận toàn bộ khả năng của anh dù anh có tài giỏi đến đâu. Ngược lại, một người chỉ có đức mà không có tài thì khó mà vươn lên trong cuộc sống. Dù ta có là người biết cách cư xử đúng đạo lý, không làm việc xấu, được người khác tin tưởng nhưng nếu bản thân ta là một kẻ vô dụng, không biết làm điều gì có ích cho xã hội, không có tài năng thì cũng dễ bị người đời khinh thường, địa vị trong xã hội cũng không cao. Vậy nên, con người ta cần phải biết cân đối và rèn luyện cả đức và tài vì nó sẽ giúp cho ta đạt được những điều thuận lợi, được mọi người nể phục, tôn trọng mà Bác Hồ của chúng ta chính là một ví dụ điển hình cho tấm gương sáng cả về đạo đức lẫn tài năng. Tuy nhiên, để có thể rèn luyện và dung hòa được hai điều ấy thì đó là cả một quá trình. Một người nếu đã có một nền tảng đạo đức tốt thì từ đó hãy dần dần làm giàu thêm vốn tri thức của mình và ngược lại khi đã có sẵn hoặc sở hữu những khả năng dù là thiên bẩm hay tài năng từ việc học tập, cũng hãy không ngừng tu dưỡng đạo đức bản thân để cư xử một cách đúng đắn. Những kẻ không có cả tài lẫn đức mà lười biếng, không chịu rèn luyện bản thân thật đáng phê phán và không có ích cho cuộc sống. Nếu coi tài năng là con thuyền thì đạo đức chính là mái chèo để đưa con thuyền ấy chinh phục được đích đến . “Tài” và “đức” luôn là hai khái niệm đi liền nhau và khí có thể tách rời.