Đáp án đề 9 – Bồi dưỡng học sinh giỏi Tiếng Việt 5
Hướng dẫn
Bồi dưỡng học sinh giỏi Tiếng Việt 5
1. Từ đồng âm là những từ có hình thức âm thanh và chữ viết giống nhau nhưng nghĩa khác nhau. Các từ này vốn không liên quan gì với nhau. Sự giống nhau về hình thức chỉ là ngẫu nhiên. Bài tập này yêu cầu nhận biết từ đồng âm trong các câu cho sẵn và phân biệt nghĩa các từ đồng âm này. Cụ thể như sau:
a) – Từ bạc.
– Phân biệt nghĩa:
(1) Cái nhẫn bằng bạc: Bạc chỉ kim loại có màu trắng.
(2) Đồng bạc trắng hoa xoè: Tiền.
(3) Cờ bạc là bác thằng bần: Một trò chơi ăn tiền.
(4) Ông Ba tóc đã bạc: Màu trắng.
(5) … bạc như vôi: Tình nghĩa không trọn vẹn.
(6) … phải thay bạc: Một bộ phận trong quạt máy.
– Các từ bạc ở 1, 4, 5, 6 là từ đồng âm ; các từ bạc 1, 2, 3 là từ nhiều nghĩa.
b) – Từ đàn.
– Phân biệt nghĩa:
(1) Cây đàn ghi ta: Đàn chỉ một loại nhạc cụ.
(2) Vừa đàn vừa hát: Đánh, gảy (đàn).
(3) Lập đàn để tế lễ: Nền đất đắp cao hoặc đài dựng cao để tế lễ.
(4) Bước lên diễn đàn: Nơi diễn thuyết.
(5) Đàn chim…: Tập hợp số đông động vật cùng loài.
(6) Đàn thóc ra phơi: San ra cho đều trên bề mặt.
– Các từ đàn ở 1, 3, 5, 6 là từ đồng âm ; hiện tượng nhiều nghĩa xảy ra ở cặp từ đàn 1 và 2, 3 và 4.
2. Sự tương ứng giữa từ và nghĩa của từ như sau:
– Từ sao trong câu a: Chỉ các thiên thể trong vũ trụ.
– Câu b: Chép lại hoặc tạo ra bản khác theo đúng bản chính.
– Câu c: Tẩm một chất nào đó rồi sấy khô.
– Câu d: Nêu thắc mắc…
– Câu e: Ngạc nhiên, thán phục.
3. Gợi ý:
– Hình ảnh có sức gợi tả sinh động: khói nghi ngút cả một vùng tre trúc (khi xóm cồn Hến nấu cơm chiều) – gợi tả vẻ ấm áp, bình yên của người dân thôn xóm ven sông, giúp người đọc tưởng tượng ra bức tranh thuỷ mặc đơn sơ nhưng có cả một không gian rộng rãi (khói bay lên bầu trời, tre trúc và sông nước trên mặt đất).
– Âm thanh có sức gợi tả sinh động: tiếng lanh canh của thuyền chài gỡ những mẻ cá cuối cùng truyền đi trên mặt nước (ở đâu đó sau khúc quanh vắng lặng của dòng sông) dường như có sức âm vang xa rộng trong khung cảnh tĩnh lặng, khiến tác giả có cảm giác mặt sông nghe như rộng hơn, gợi cho người đọc cảm nhận được vẻ thanh bình và nên thơ của một buổi chiều trên sông Hương.
4.
1. Xác định yêu cầu: Tả cảnh ngôi trường (chú ý làm nổi bật những cảnh vật đã từng gắn bó với em trong những ngày thơ ấu cắp sách đến trường).
2. Tìm ý, lập dàn bài. (Tương tự cách làm đã gợi ý ở Đề 8 – Tả vườn rau,…)
3. Tham khảo (một số đoạn văn tả cảnh vật trong trường);
* Sân trường có hàng cây xà cừ xen lẫn phượng vĩ. Mùa hè, hoa phượng nở đỏ thắm như những chùm lửa lập loè. Mùa xuân, chim về làm tổ trên cành cây, hót líu lo trong ngày xuân se lạnh. Bên trái sân trường là vườn sinh vật. Những bông hoa đẹp, những cây thuốc quý quây quần ở đây. Ngày ngày, chúng tôi vẫn bắt sâu, nhổ cỏ cho cây. Cạnh vườn có một bức tường nền trắng nổi bật lời dạy của Bác Hồ:
Vì lợi ích mười năm: trồng cây
Vì lợi ích trăm năm: trồng người.
(Theo Vũ Hoàng Linh)
* Trong trường, lác đác một vài bạn trực nhật đang mở cửa phòng học để quét dọn. Làn gió sớm mát rượi thổi qua làm em khoan khoái, dễ chịu khi bước đi trên hàng hiên rộng của dãy lớp học. Sáu phòng học nối tiếp nhau, cùng một kiểu kiến trúc, một kiểu trang trí. Phòng học nào cũng có một cửa ra vào và hai cửa sổ quay ra hành lang. Cửa sổ có chấn song, hai cánh cửa sơn màu xanh xám, nổi bật trên nền vôi vàng của bức tường mới quét lại trong hè. Nếu không đọc tên bảng lớp gắn ngay trên cửa ra vào thì ngay chúng em cũng vào nhầm lớp.
(Thực hành Tập làm văn 4, 2002)
Xem thêm Đề 9 – Đề bài luyện tập – Bồi dưỡng học sinh giỏi Tiếng Việt 5 tại đây
Theo Dethihay.com