Chí làm trai trong bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão
Hướng dẫn
Chí làm trai trong bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão
Bài thơ khắc họa hình ảnh tráng sĩ đời Trần trong khí thế hào hùng chống giặc ngoại xâm. Đó là hình ảnh đấng nam nhi có tư thế oai hùng, tầm vóc lớn lao, ý chí mạnh mẽ và cái tâm cao đẹp luôn khát khao cống hiến, lập công bằng tất cả tài năng, tâm huyết.
Bài thơ còn thể hiện một thái độ sống khiêm tốn, không bao giờ tự mãn với bản thân, cống hiến bao nhiêu cho đất nước vẫn chưa hài lòng, vẫn cảm thấy hổ thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu. Đó là khát vọng, hoài bão cao đẹp của Phạm Ngũ Lão và thanh niên thời đại phong kiến.
Có ý kiến cho rằng sự hổ thẹn của tác giả là kiêu kì bởi Vũ Hầu tên thật là Gia Cát Lượng, thường gọi là Khổng Minh, là một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Tam Quốc, có trí tuệ siêu phàm, tài năng xuất chúng hiếm ai sánh nổi, người đã trả nợ công danh đến hơi thở cuối cùng. Phạm Ngũ Lão thấy thẹn với lòng mình khi nghe chuyện Vũ Hầu quả là mạnh mẽ, táo bạo, thiên hạ xưa nay mấy ai làm được. Nhưng lại có ý kiến cho rằng sự hổ thẹn của tác giả là tự cao, tự đại. Đó là ý kiến thiếu công bằng, chưa thấu đáo ý thơ, tiếng lòng Phạm Ngũ Lão.
Ngược lại, có nhiều ý kiến ca ngợi thái độ biết hổ thẹn của Phạm Ngũ Lão, cho đó là biểu hiện của sự khiêm tốn, có khát vọng, hoài bão cao cả. Đúng vậy! Phạm Ngũ Lão thẹn vì thấy mình chưa có tài năng lớn như Vũ Hầu để lập công danh gánh vác giang sơn, Tổ quốc. Cái thẹn của ông là cái thẹn của người có chí lớn, có cái tâm trong sáng, có hoài bão, khát vọng cống hiến hết mình cho dân cho nước. Cái thẹn làm nên nhân cách lớn của thời đại.
Trong bài thơ “thuật hoài”, cái thẹn của Phạm Ngũ Lão là hoàn toàn chính đáng, bởi Khổng Minh là một con người chứ không phải thánh. Sự tài giỏi của ông là kết quả của quá trình rèn luyện học hành mà có, Ông là tấm gương cho hậu thế noi theo.
Bài thơ là lời đúc kết lý tưởng sống cao đẹp của thanh niên thời đại phong kiến. Khát vọng, hoài bão đó chính là quan niệm về chí làm trai, làm trai phải có công danh, sự nghiệp, phải gánh vác giang sơn, phải lập công, báo quốc, vì dân vì nước.
Quan niệm đó xuyên suốt lịch sử phong kiến, được trải nghiệm trong thực tế và lưu bút trong nhiều áng văn chương: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu… tới những thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những chàng trai cô gái sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Ước mơ, khát vọng, lí tưởng của thanh niên thời đại xưa cũng như thời nay là một truyền thống nối tiếp cao đẹp. Thông điệp mà Phạm Ngũ Lão gửi đến chúng ta là phải sống khiêm tốn, phải biết ước mơ khát vọng, phải rèn luyện để trở thành người có ích, cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc.
Theo Baivanhay.com
Từ khóa tìm kiếm
- nghị luận chí làm trai trong bài thơ thuật hoài của Nguyễn Ngọc Diệp