Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương
Bài làm
Ngày nay, người phụ nữ Việt Nam có tiếng nói quan trọng trên nhiều lĩnh vực như chính trị, nghệ thuật, giáo dục, kinh tế, văn hóa, thể thao… mà chỉ lướt qua danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất năm 2017 của tạp chí Forbes Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận ra họ như chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, “nữ tướng Vinamilk” Mai Kiểu Liên, nhà văn Trang Hạ, nhà báo Tạ Bích Loan, vận động viên bơi lội Ánh Viên… Nhưng để khẳng định mình được như thời kì đương đại, phụ nữ Việt đã trải qua nhiều cay đắng, thiệt thòi và mất mát trong quá khứ. Văn chương trung đại đã ghi lại điều đó trên nhiều thể loại và bằng nhiều tác phẩm kiệt xuất. Trong đó phải kể đến truyện truyền kì Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) với hình tượng Vũ Nương điển hình cho số phận người phụ nữ trong xã hội cũ.
Trong 20 truyện của tập Truyền kì mạn lục, chuyện người con gái Nam Xương không phải là tác phẩm duy nhất Nguyễn Dữ viết về người phụ nữ nhưng đây là tác phẩm điển hình nhất và thành công nhất của ông về đê’ tài này. Biết bao người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến đã nhìn thấy chính mình trong hình tượng nàng Vũ Nương đẹp người đẹp nết nhưng số phận đau thương và bi kịch.
Vũ Nương là nhân vật chính của tác phẩm, vẻ đẹp toàn diện của nàng được Nguyễn Dữ trân trọng khẳng định ngay trong câu văn mở đầu thiên truyện, “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Thực ra, nhà văn không tập trung miêu tả nhan sắc Vũ Nương, người đọc chỉ biết nàng là cô gái xinh đẹp qua cụm từ “tư dung tốt đẹp”. Nhưng vể phẩm chất của nàng, tác giả lại dụng công làm rõ từ đầu đến cuối truyện. Mọi hành động, lời nói, cung cách đối nhân xử thế của Vũ Nương hay cách đánh giá của những người xung quanh đều làm nổi bật vẻ đẹp nhân cách và đức hạnh của nàng.
Trước hết, Vũ Nương là người vợ hiển, một lòng thủy chung với chồng. Điều đó được chứng minh trong quá trình hai vợ chồng hương lửa bên nhau và cả khi Trương Sinh biền biệt nơi chiến trận. Khi chổng còn ở bên, nàng luôn vun đắp, “giữ gìn khuôn phép” trong cuộc sống thường nhật. Nhờ vậy, hai vợ chồng có cuộc sống hạnh phúc, ấm êm, “không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”. Khi chổng ra chiến trường, nàng chỉ mong chổng được bình yên “chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở vê’ quê cũ, chỉ xin ngày về mang được theo hai chữ bình yên. Thế là đủ rồi”. Nỗi lòng ấy của người vợ thật khiến những người xung quanh phải cảm động. Nàng coi trọng hạnh phúc gia đình hơn mọi công danh phù phiếm trên đời. Đối với nàng, niềm vui thật giản dị, đó là thú vui “nghi gia nghi thất”. Để rồi trong khoảng thời gian chổng đi chinh chiến, nàng luôn nhớ thương, một lòng chung thủy.
Không chỉ là người vợ hiền, Vũ Nương còn là người con dâu hiếu thảo, hết lòng yêu kính mẹ chồng. Khi “bà mẹ cũng vì nhớ con mà sinh ốm”, nàng hết sức chăm sóc, thuốc thang, lễ bái thần phật lại dùng những lời lẽ ngọt ngào, khôn khéo để khuyên lơn nhưng bệnh tình mẹ chồng cứ mỗi lúc một nặng. Mẹ chồng mất, nàng lo liệu ma chay, tế lễ như đối với cha mẹ đẻ mình. Sự chu đáo và lòng hiếu thuận của nàng không chỉ khiến xóm giềng kính nể mà còn khiến mẹ chồng vô cùng cảm kích “xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Xưa nay, mẹ chổng – nàng dâu là mối quan hệ tế nhị và khó có được tình cảm tốt đẹp. Người xưa từng nhiều lần nhắc đến điều này bằng những ví von như:
Cầy khô chết đứng giữa đồng
Nàng dâu khôn khéo mẹ chồng vẫn chê.
Lời ngợi khen của mẹ chổng dành cho Vũ Nương bởi vậy là sự khẳng định và ghi nhận sầu sắc đức hạnh và tấm chân tình của nàng. Khéo léo và hết lòng hết sức, người con dâu như Vũ Nương quả là hiếm có. Bên cạnh đó, với bé Đản, nàng là người mẹ dịu dàng và giàu tình thương yêu con. Xót xa cho con còn nhỏ đã phải vắng bóng cha, nàng thường an ủi con bằng cách chỉ vào bóng mình trên tường và nói đó là cha Đản. Vậy là khi chồng vắng nhà, Vũ Nương vừa đảm nhiệm vai trò người mẹ vừa đảm nhiệm vai trò người cha lo lắng và bù đắp cho con nhỏ.
Vũ Nương – người vợ hiền, người mẹ đảm đang, người con dâu hiếu thảo, rõ ràng là người phụ nữ nết na, chung thủy và giàu lòng vị tha. Nàng hoàn toàn xứng đáng có được một cuộc sống hạnh phúc nhưng cuộc đời không suôn sẻ và công bằng như vậy, nàng lại chịu một trong những số phận bi thảm và oan khốc nhất. Bi kịch đổ xuống cuộc đời Vũ Nương trong khoảng thời gian ngắn ngủi khi chồng trở về. Niềm vui sum vầy chưa kịp hưởng đã bị thay thế bằng nỗi oan thấu trời. Bi kịch bắt đẩu bằng lời nói ngây ngô của đứa con nàng dứt ruột đẻ ra và người kết tội oan cho nàng là người đầu ấp tay gối, là người nàng đã kết nghĩa phu thê và một lòng chờ đợi. Câu nói vô tình của bé Đản: “Ông cũng là cha Đản ư?…” đã thổi bùng bản tính đa nghi trong Trương Sinh và tạo thành tình huống hiểu lẩm nghiệt ngã. Trương Sinh lập tức tự cho mình là quan tòa và trong thâm tâm đã nhanh chóng kết tội không chung thủy cho vợ. Chàng mắng nhiếc, đánh đuổi vợ không chút thương xót. Điều đáng nói là Trương Sinh không chịu nói ra lí do đánh đuổi nàng và bỏ ngoài tai mọi lời thanh minh của vợ và lời bênh vực của láng giềng xung quanh. Chúng ta có thể nhận ra, người phụ nữ thời xưa dễ dàng bị kết tội mà không có cơ hội để minh oan, cũng không có lối thoát nào khác. Cả cộng đổng xung quanh đều bảo vệ cho nàng cũng không bằng một quyết định của người chồng đối với nàng. Hạnh phúc sao mà mong manh đến thế.
Chính trong hoàn cảnh ấy, Vũ Nương càng thể hiện rõ sự trong sạch, thẳng thắn và bản lĩnh của mình. Nàng hết lời thanh minh và khuyên can chổng: “Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”. Sự nhẫn nhịn, đức hi sinh và lòng bao dung của Vũ Nương càng khiến người đọc thêm yêu quý và thương xót cho nàng. Khi không còn lối thoát, Vũ Nương dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Người phụ nữ vốn thùy mị, dịu dàng ấy nay cương trực, thẳng thắn, đường hoàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang lập lời thề rồi tự tận để bày tỏ tấm lòng. Hành động ấy tuy cho thấy sự bất lực của người phụ nữ trong hoàn cảnh éo le nhưng cũng thể hiện sự can trường và thái độ không cúi đẩu trước những lời khép tội làm vấy bẩn danh dự của mình.
Bao nhiêu người đọc là bấy nhiêu người mong muốn một kết thúc khác cho người phụ nữ xinh đẹp, đức hạnh. Nhưng ngay Nguyễn Dữ cũng hiểu rằng, hiện thực bất công không thể cho nàng một kết quả tốt đẹp hơn.
Và cuộc đời đầy những rủi ro, bất trắc khiến hạnh phúc trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Trương Sinh đại diện cho chế độ nam quyển độc đoán dưới thời đại phong kiến nhưng sâu xa hơn, Trương Sinh đại diện cho những phút hồ đổ, bảo thủ và sự đa nghi luôn nằm ở đâu đó trong mỗi người. Bởi vậy, biết lắng nghe, biết trân trọng những gì đáng quý với mình, biết phần biệt đúng sai không bao giờ là thừa đối với bất kì ai ở bất kì thời đại nào.
Đây là chiếc chìa khóa để ta giữ gìn hạnh phúc cho mình và cho người khác. Nếu Trương Sinh có chiếc chìa khóa ấy, Vũ Nương đã không phải tìm đến cái chết oan khiên. Cái chết của nàng là đỉnh điểm của oan khuất, của bất công, của bi kịch. Cái chết ấy cũng tuyên bố hùng hồn với tất cả chúng ta rằng, có những sai lẩm trong đời chúng ta sẽ không bao giờ có thể thay đổi hay chuộc lại được. Hiện nay, người phụ nữ đã tự chủ hơn rất nhiều, cũng có nhiều lựa chọn hơn dành cho họ trước mỗi tình huống khó khăn nhưng xét đến cùng, con người muốn có được hạnh phúc không thể chỉ trông chờ vào xã hội hay những người xung quanh mà phải dựa vào năng lực và bản lĩnh của chính mình.
Tác phẩm có một kết thúc kì ảo, đầy thi vị. Vũ Nương được giải oan, được trở về nhân gian trong vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của những phép màu nhiệm. Nhưng trong chính kết thúc ấy, số phận bất hạnh của nàng lại càng được khắc sâu. Nàng chỉ được giải oan sau khi mất, nàng mãi mãi không thể trở về dương thế được nữa. Giấc mơ nghi gia nghi thất nơi phàm trần của nàng vĩnh viễn dở dang. Nàng hay nhiều nhân vật khác trong Truyền kì mạn lục cũng giống như các nhân vật trong truyện cổ tích, phải nhờ đến yếu tố kì ảo để vươn đến công bằng hay ước mơ của mình, chuyện người con gái Nam Xương viết bằng thể loại truyền kì ghi chép những chuyện kì lạ được lưu truyền trong dương gian, trong đó có sử dụng yếu tố hoang đường, kì ảo. Nhưng không giản đơn là sự ghi chép, Nguyễn Dữ đã kín đáo bày tỏ sự bất đồng tình trước xã hội bất công và gián tiếp phản ánh hiện thực đen tối. Sự bênh vực của ông đối với người phụ nữ là tiếng nói đáng trân trọng của người đàn ông trong xã hội thế kỉ XVI. Dùng yếu tố thẩn kì chỉ là cách nhà văn bù đắp cho những nhân vật bất hạnh của mình trong khả năng của ngòi bút. Và Vũ Nương chỉ là một trong vô vàn những nàng Thúy Kiểu, nàng cung nữ, nàng chinh phụ, người vợ lẽ… trong các sáng tác của Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiểu, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương,…!
Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, chúng ta đã biết đến những người phụ nữ oanh liệt như Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, những người phụ nữ tài năng như Hổ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan,… Và còn biết bao người mẹ, người vợ, người chị vẫn từng ngày lo toan, vun vén hạnh phúc gia đình với đôi bàn tay thẩm lặng và trái tim nhân ái. Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương đã góp thêm một bức tượng đài về những người phụ nữ Việt Nam và khắc sâu vào lòng ta sự trân trọng, yêu quý đối với những người phụ nữ xung quanh mình.